ĐÔI LỜI TRONG NGÀY CÔNG BỐ GIẢI SÁCH HAY 2016

HOÀNG HƯNG

Khá bất ngờ và thật vinh dự cho tôi được nhận Giải Sách Hay cho cuốn sách dịch “Sự ra đời trí khôn ở trẻ em” của Jean Piaget, triết gia và nhà tâm lý học hàng đầu thế kỷ XX. Không thể có mặt trong buổi công bố Giải trang trọng này, tôi xin gửi lời chân thành cảm tạ tổ chức sáng lập Giải – Viện Giáo dục IRED và Hội đồng giám khảo cùng quý vị có mặt trong buổi lễ để khích lệ chúng tôi. Nhưng trước hết, cho tôi bày tỏ lòng biết ơn nhà giáo dục Phạm Toàn và nhóm giáo dục thiện nguyện Cánh Buồm đã tạo cơ hội cho tôi, một kẻ đã ngoại thất thập, được học hỏi một môn khoa học mà mình là kẻ ngoại đạo; vừa học tôi vừa tìm cách chia sẻ với cộng đồng những kiến thức mới học được qua con đường dịch thuật.

“Sự ra đời trí khôn ở trẻ em” được Giải Sách Hay ở Việt Nam đúng 80 năm sau khi tác phẩm gốc ra đời (1936). Riêng điều đó cũng đã nói lên sự lạc hậu của khoa học giáo dục nước nhà, nằm trong sự lạc hậu và hạn chế của các ngành khoa học xã hội nhân văn nói chung. Phải chăng một nền giáo dục cứ loay hoay đổi mới, cải cách đủ kiểu mà vẫn bế tắc chính là bởi không ra khỏi cái vòng kim cô của một triết lý giáo dục quá lỗi thời?

 

“Sự ra đời trí khôn ở trẻ em” là cuốn sách mở đầu của bộ ba (tiếp đó là “Sự xây dựng cái thực ở trẻ em” và “Sự hình thành biểu tượng ở trẻ em”) công trình nền tảng về tâm lý học nhận thức mà Jean Piaget đặt tên là “Tri thức học sinh-triển” (Épistémologie génétique), tức lý thuyết về sự phát triển nhận thức của con người qua từng giai đoạn (Développement cognitif). Toàn bộ trước tác của nhà tâm lý học được so sánh với Einstein trong lĩnh vực của mình đã góp phần làm cho giáo dục thế giới có sự thay đổi lớn. Có thể nói vắn tắt: Nếu lối giáo dục áp đặt, nhồi sọ, nô dịch mà hậu quả kéo dài cho đến hôm nay ở nước ta là lối “thầy giảng, trò ghi và học thuộc lòng” vẫn là chủ đạo, thì thuyết Sinh-triển Xây dựng luận của Piaget là cơ sở lý luận của lối giáo dục “thầy hướng dẫn trò tự học, tự thu nhận kiến thức qua việc tự làm”.

Công cuộc đổi mới toàn diện nền Giáo dục mà cả nước đang kỳ vọng không thể thành công nếu không dựa trên cơ sở khoa học thích đáng. Nhóm giáo dục thiện nguyện Cánh Buồm đã xây dựng một mô hình dạy-học dựa trên những phát hiện về tâm lý học giáo dục mà Jean Piaget và những nhà khoa học khác như Lev Vygotsky (Nga), Howard Gardner (Mỹ)… đã công bố. Song song với bộ sách giáo khoa thể hiện mô hình ấy, Cánh Buồm cũng xây dựng một tủ sách tâm lý học giáo dục do NXB Tri Thức bảo trợ mà cuốn sách được giải Sách Hay hôm nay chính là cuốn mở đầu.

Tôi hy vọng Giải Sách Hay cho cuốn “Sự ra đời trí khôn ở trẻ em” sẽ tạo thêm động lực cho những người tha thiết với giáo dục nước nhà dấn thân vào công cuộc đổi mới triệt để mang tính cách mạng dựa trên cơ cở khoa học, từ một nền giáo dục lấy mục tiêu là tạo ra những “bánh xe, đinh ốc” (chưa được là “cỗ máy”) chuyển qua một nền giáo dục như Jean Piaget đã nêu lên từ nửa thế kỷ trước: “Phần lớn người ta cho rằng giáo dục nghĩa là dẫn dắt đứa trẻ để nó trở thành một người trưởng thành điển hình của xã hội… Nhưng với tôi, giáo dục nghĩa là tạo ra những con người sáng tạo… Ta phải tạo ra các nhà phát minh, các nhà cách tân, không phải những kẻ tuân phục”.

15/9/2016

H.H.

This entry was posted in Giáo dục, văn hoá. Bookmark the permalink.