Lê Luân
Ở đây, người Việt về đa số một cách phổ thông và có tính lịch sử, họ nghĩ ít thay đổi nhất chính là biểu hiện cao nhất của trật tự và yên ổn, trong khi đáng ra cần phải tư duy theo chiều hướng ngược lại, thay đổi nhanh nhất để thích ứng chính là sự trật tự bền vững nhất. Do đó, chúng ta sau cùng chỉ thấy người ta (từ kẻ có quyền hành tới người dân thông thường) hầu hết bàn về cái ăn cái mặc như cơ sở cốt yếu của đời người mà không phải ở việc được sống thế nào với các yêu cầu phúc lợi tốt nhất dựa trên sự đảm bảo bởi hệ thống quyền uy có tính đại diện.
Sự trật tự và yên ổn (cố định về phạm vi) kiểu này chỉ đơn giản là kết quả của các hành vi cai trị hà khắc với mục đích tiết chế tối đa các mưu cầu (ngay cả chính đáng) của người dân để nhẹ gánh cho cấu trúc quyền lực (vốn luôn đề cao sự thực thi cấm đoán thay vì quản trị theo hướng tôn trọng và mở rộng chúng). Chúng ta không thấy các cuộc thảo luận hay đối thoại/tranh luận có ý nghĩa, chủ yếu chúng mang phẩm chất của các báo cáo hành chính/mệnh lệnh thường không mang tới sự cải cách nào đúng nghĩa. Nơi đáng ra cần sự tranh luận sôi nổi và khách quan nhất về các vấn đề quan trọng của con người và quốc gia là trường học cũng vắng bóng các hoạt động học thuật xen lẫn chính trị này.
Nếu hầu hết các vấn đề quan trọng đều mang trong nó sự nhạy cảm về đòi hỏi thay đổi như điều kiện bắt buộc, đều không được đưa ra để bàn thảo bởi người ta cố gắng tránh né sự nhạy cảm để không phải đối diện với các yêu cầu về thay đổi, hẳn nhiên sẽ không có sự thay đổi nào xảy ra, mà đến ngay cả ngôn ngữ cũng dần bị thu hẹp lại bởi sự nhạy cảm trở thành một mục tiêu cai trị của chính quyền.
L.L.
Nguồn: FB Luân Lê