Khi văn chương trở thành chỗ dựa tinh thần, khi lịch sử được kể lại bằng nhiều giọng nói, khi lòng thương thay thế cho lý tưởng thống trị, thì lúc ấy, nền móng cho sự hòa giải thực sự mới được đặt xuống.
Không ai có thể áp đặt hòa bình. Hòa bình phải được học, phải được hiểu, và phải được nuôi lớn bằng từng con chữ, từng cái ôm, từng giờ học nơi ngôi trường nhỏ bên bức tường còn lỗ chỗ vết đạn. Giáo dục nhân bản chính là thứ duy nhất có thể làm được điều ấy. Nó không sửa chữa quá khứ, nhưng nó ban cho hiện tại một khả năng mới: khả năng nhìn kẻ khác như một con người, chứ không phải một lá cờ. Và khi điều ấy xảy ra, dù chỉ trong một lớp học nhỏ, thì đất nước ấy đã có thể bắt đầu hồi sinh.
…
Không có phép màu nào hàn gắn được một dân tộc. Nhưng giáo dục – thứ giáo dục biết tôn trọng con người và sự khác biệt – có thể gieo xuống một niềm tin. Rằng đất nước không là của người thắng hay kẻ thua. Đất nước là của những ai biết yêu nó, bằng cách yêu lấy nhau. Và vì thế, hạt giống của sự hồi sinh – chính là con chữ đầu tiên viết ra từ lòng nhân bản.
…
Như nước Mỹ từng học cách hồi sinh từ cuộc chia cắt đầy máu lửa, Việt Nam cũng chỉ có thể vượt qua cuộc chiến của chính mình khi chịu đặt xuống gươm giáo tư tưởng, mà học lại bài học căn bản nhất của làm người: biết thương, biết nhớ và biết tha thứ. Một nền giáo dục không còn nuôi lớn những “bên thắng cuộc” kiêu hãnh, hay những “bên thua cuộc” cay nghiệt, mà dạy những thế hệ mới biết lắng nghe nhau trong sự thật và lòng nhân. Một nền tín ngưỡng không bị trói buộc trong nghi lễ hay nỗi sợ, mà là nơi nương tựa của đạo lý, của sự sám hối và của niềm tin vào khả năng phục sinh của lương tri. Và một chính thể – dù theo hình thức nào – cũng chỉ có thể chính danh nếu dám đối diện với ký ức dân tộc bằng lòng khiêm cung, đặt quyền lực nằm dưới chân sự thật.
Sự vượt thoát ấy, nếu có thể đến, không phải là một khoảnh khắc của chính trị, mà là một dòng chảy thâm trầm của đạo lý. Khi người lính từng ở hai đầu chiến tuyến cuối đầu trước nỗi đau của mẹ già mất con. Khi người trẻ không còn được dạy để hận thù, mà để hiểu vì sao cha ông mình đã đi vào con đường gươm súng. Khi tiếng chuông chùa ngân lên trong đêm hòa bình không chỉ để cầu an, mà để nhắc nhớ một dân tộc đã từng rách nát mà vẫn còn khả năng yêu nhau.