Hùng Phạm
Chuyên viên chính sách công
“Cạnh tranh là chuyện đương nhiên, nhưng sợ nhất là phải đấu trên sân chơi không công bằng, không công bằng cho chính những doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật Việt Nam”, một đại diện sàn thương mại điện tử chia sẻ với tôi.
Vấn đề được nêu ra khi chúng tôi chia sẻ với nhau câu chuyện một sàn thương mại điện tử nước ngoài đang rầm rộ ra mắt thị trường Việt Nam, dù chưa đăng ký với Bộ Công Thương.
Câu chuyện “bảo hộ ngược” hiện ra trong đầu tôi.
Đầu tiên, xét về mặt sản phẩm, hàng hóa của nước ngoài đang có lợi thế vượt trội so với hàng hóa trong nước khi bán trên thương mại điện tử.
Các đơn hàng mua qua thương mại điện tử đa phần chỉ có giá trị chỉ vài chục đến vài trăm nghìn. Theo Quyết định 78/2010/QĐ-TTg, đơn hàng dưới một triệu đồng được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng. Trong khi đa số mặt hàng hiện chịu thuế giá trị gia tăng 10% và thuế nhập khẩu có thể đến vài chục phần trăm, lợi thế này là không hề nhỏ.
Thông thường, hàng hóa có nguy cơ gây mất an toàn, thường gọi là hàng hóa nhóm hai, phải qua quy trình kiểm tra nhằm đảm bảo đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật trước khi nhập khẩu. Nhưng hàng nước ngoài mua qua thương mại điện tử có giá trị nhỏ nên cũng được miễn nghĩa vụ này.
Điều này đồng nghĩa với việc hàng kém chất lượng, có chất độc hại có thể đến tay người tiêu dùng. Mới đây, chính quyền Hàn Quốc đã phát hiện sản phẩm bán trên Shein – một sàn thương mại điện tử xuyên biên giới – nhiễm hàm lượng hóa chất vĩnh cửu quá mức cho phép đến hàng trăm lần.
Nhiều hàng bán từ nước ngoài cũng không có giấy phép – yêu cầu tiền kiểm nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Chẳng hạn, mỹ phẩm trong nước phải kiểm nghiệm thành phần để đảm bảo hàm lượng các chất, không có chất cấm. Mỹ phẩm nhập khẩu phải có giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) để đảm bảo sản phẩm đã được cho phép bán tại nước xuất khẩu. Trong khi đó, một số mỹ phẩm mang nhãn mác nước ngoài không thực hiện các yêu cầu này nhưng vẫn được bán thẳng đến tay người tiêu dùng Việt Nam.
Vấn đề thứ hai là môi trường kinh doanh. Các doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam phải đáp ứng rất nhiều thủ tục, điều kiện so với doanh nghiệp xuyên biên giới.
Trước hết là giấy phép. Doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục đăng ký thiết lập sàn thương mại điện tử – một giấy phép chuyên ngành theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP. Nếu là nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp còn phải xin giấy phép kinh doanh cho hoạt động mua bán hàng hóa theo Nghị định 09/2018/NĐ-CP.
Giấy phép chỉ là khởi đầu. Sàn thương mại điện tử thành lập pháp nhân trong nước cần tuân thủ nhiều nghĩa vụ hơn so với sàn xuyên biên giới. Điều 36 trong Nghị định chuyên ngành về thương mại điện tử đặt ra cho doanh nghiệp 21 nghĩa vụ. Con số này với các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới chỉ là 3, theo Điều 67a ở cùng Nghị định. Nếu hoạt động không đăng ký, họ không phải tuân thủ nghĩa vụ nào cả.
Doanh nghiệp nước ngoài, chẳng hạn Temu, đang áp dụng chính sách khuyến mãi đến 80-90%, điều mà doanh nghiệp trong nước không được làm, do quy định pháp luật không cho phép.
Thiệt thòi hơn còn nằm ở vấn đề thực thi, dù bề mặt quy định không phân biệt đối xử, các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam luôn là “người chịu trận” đầu tiên.
Gần đây, một số doanh nghiệp được yêu cầu thiết lập hệ thống chia sẻ dữ liệu. Khi thắc mắc liệu các sàn xuyên biên giới có thực hiện không, doanh nghiệp nhận được câu trả lời: Các doanh nghiệp trong nước cứ làm trước đi, còn nước ngoài thì… tính sau. “Sau là đến bao giờ?” – một chủ doanh nghiệp than với tôi.
Bộ Tài chính đang đề xuất các sàn thương mại điện tử phải kê khai, nộp thuế thay cho người bán. Một lo lắng của doanh nghiệp trong nước là tính tuân thủ của doanh nghiệp xuyên biên giới, vì chỉ cần thực hiện chậm hơn một năm, họ đã được lợi đến hàng chục tỷ đồng.
Tôi từng làm chuyên gia tư vấn phụ trách khảo sát cho một nghiên cứu về thương mại điện tử. Khảo sát cho thấy khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải lại đến nhiều nhất từ thể chế pháp luật, chứ không đến từ các vấn đề kinh doanh.
Internet phát triển, thách thức cách quản lý truyền thống. Doanh nghiệp nước ngoài giờ không cần hiện diện tại Việt Nam vẫn có thể cung cấp dịch vụ xem phim, đặt phòng, thương mại điện tử cho người tiêu dùng ở Việt Nam.
Tôi hay gọi vui họ là “người không có tóc”, còn doanh nghiệp nội địa là “người có tóc”, dễ bị túm. Tất cả những điều này đều vô tình dẫn đến trạng thái “bảo hộ ngược”.
Các quy định và cách thức quản lý, vì thế, cần thay đổi để đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng, lành mạnh, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam. Có như vậy, các nhà đầu tư mới có động lực xâm nhập thị trường, thành lập doanh nghiệp, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
H. P.
Nguồn: vnexpress.net