Hà Nội, ngày 21 tháng 8 năm 2016
THƯ NGỎ
Kính gửi : – Ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng nước CHXHCN Việt Nam
– Ông Trương Hoà Bình, Phó Thủ tướng nước CHXHCN Việt Nam
– Ông Nguyễn Hoà Bình, Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao
– Ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao
– Ông Phan Đình Trạc, Trưởng ban Nội chính Trung ương
– Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội
……………………………………………………………………………………………………………………
Tôi là Lê Thị Minh Hà, vợ của anh Nguyễn Hữu Vinh, cựu sĩ quan an ninh, người bị Toà án Nhân dân TP. Hà Nội kết án sơ thẩm năm năm tù theo Điều 258, Bộ luật Hình sự vào ngày 23/3 vừa qua.
Tôi viết thư này để bày tỏ với ông không những cảm xúc của một người vợ có chồng bị tù đày vì lý tưởng của mình, mà còn chia sẻ với ông những suy nghĩ của tôi về cách mà bộ máy tố tụng của chúng ta đang đối xử với một công dân như Nguyễn Hữu Vinh và người đồng sự của ông là Nguyễn Thị Minh Thuý.
Tôi tham dự phiên toà sơ thẩm xét xử anh Vinh từ đầu và quan sát thấy có ít nhất năm sai phạm tố tụng sau đây:
1. Phiên toà theo qui định được ghi trong Hiến pháp Việt nam và theo thông báo của toà tới các luật sư là xét xử công khai, nhưng thực tế là xử kín. Tôi (là vợ anh Nguyễn Hữu Vinh) và bà Nguyễn Thị Thuyên (mẹ của Nguyễn Thị Minh Thuý) cùng những người thân ruột thịt trong gia đình đã gửi đơn ĐỀ NGHỊ THAM DỰ PHIÊN TOÀ đến ông thấm phán, chủ toạ phiên toà Nguyễn Văn Phổ nhưng không nhận được trả lời. Ngày xử án chúng tôi tới cổng và chỉ có hai người là tôi và mẹ của Thuý được vào. Một số viên chức ngoại giao nước ngoài và ông ông Martin Patzelt, nghị sĩ Quốc hội chính phủ Đức và bạn bè của anh Vinh đều phải đứng ngoài.
2. Luật sư của hai bị cáo không được mang máy tính và điện thoại vào phòng xử án mà không được thông báo trước, trong khi kiểm sát viên lại được sử dụng. Điều này gây khó khăn cho việc tác nghiệp của các luật sư. Bản bào chữa viết tay của anh Vinh cũng bị quản giáo trại B14 thu giữ trước phiên toà.
3. Trước phiên toà, các chứng cứ do chủ toạ phiên toà trình bày đều không có giá trị pháp lý do không được nêu trong kết luận điều tra và cáo trạng, hơn nữa lại được thu thập một cách bất hợp pháp. Tuy vậy, toà vẫn dựa trên những chứng cứ này để kết tội các bị cáo.
4. Phía Viện Kiểm sát không có bất kỳ phản ứng gì trước những câu hỏi của phía bị cáo và các luật sư. Coi như tính chất tranh tụng của phiên toà là hoàn toàn không có.
5. Chủ toạ phiên toà Nguyễn Văn Phổ tỏ ra không hiểu biết gì về công nghệ thông tin trong một vụ án mà mọi chứng cứ đều liên quan đến máy vi tính và mạng Internet. Ông cũng liên tục ngắt lời và cản trở các luật sư trình bày luận điểm bào chữa.
Cho đến hôm nay đã là 5 tháng kể từ phiên toà sơ thẩm, tôi đã nhiều lần yêu cầu bằng văn bản đề nghị vào trại tạm giam B14 để gặp anh Vinh nhưng không nhận được thông tin phản hồi bằng miệng và văn bản của Toà án Nhân dân Thành phố Hà Nội và Toà án nhân dân cấp cao tại Hà Nội.
Tôi nghĩ rằng những sai phạm này không những có thể đo đạc bằng pháp luật, mà còn thể hiện rằng phẩm chất đạo đức của nhiều cán bộ, công chức trong bộ máy của chúng ta đã xuống cấp một cách trầm trọng, không còn phân biệt được đúng sai, phải trái.
Tôi tạm thời không đề cập đến những việc làm của anh Vinh, vì dù đúng sai thế nào, anh ấy và cô Thuý cũng cần phải được xét xử một cách công bằng, theo đúng những nguyên tắc tố tụng đã minh định rõ trong luật.
Tôi viết thư này với kỳ vọng rằng ông / bà, với vị trí và chức trách của mình, có thể giúp cho phiên toà phúc thẩm sắp tới được diễn ra công bằng và đúng pháp luật. Tôi chỉ có mong muốn hãy tiến hành phiên toà ĐÚNG PHÁP LUẬT.
Chân thành cảm ơn ông / bà đã dành thời gian đọc lá thư này.
Kính thư,
Lê Thị Minh Hà
Địa chỉ: Số 5/2/4D Đặng Văn Ngữ, Trung Tự, Đống Đa, Hà Nội
Tác giả gửi BVN.