Khi Nhóm CÁNH BUỒM làm thêm công việc dịch sách

Phạm Anh Tuấn

Kim Dung: Nhà giáo- nhà văn Phạm Toàn vừa báo tin vui: Một cuốn sách mở đầu Tủ sách Tâm lý học GD Cánh Buồm do Nhà xuất bản Tri thức ấn hành đã được Giải thưởng sách hay 2016 do Viện Giáo dục IRED trao tại T/p HCM, ngày hôm nay 18/9.

.Xin chúc mừng Nhóm GD Cánh Buồm và nhà giáo – nhà văn Phạm Toàn, “thủ lĩnh” của Nhóm- một con người tràn đầy năng lượng và niềm yêu sống, yêu trẻ em. Xin chúc mừng riêng nhà thơ – dịch giả Hoàng Hưng đã đồng hành cùng Nhóm. Chúc anh Phạm Toàn, Nhóm Cánh Buồm, và anh Hoàng Hưng- lướt xa hơn trên hành trình giáo dục đầy khó khăn và thách thức, nhưng cũng đầy cảm hứng để sống và làm việc cho cộng đồng.

————-

clip_image001

Mùa tựu trường năm nay, nhóm Nghiên cứu Phát triển Giáo dục hiện đại Cánh Buồm nhận một tin rất vui. Một thành viên U-80 của Nhóm, nhà thơ-dịch giả Hoàng Hưng nhận Giải Sách Hay 2016 thể loại sách Giáo dục cho bản dịch tiếng Việt Sự ra đời của trí khôn trẻ em của nhà sư phạm có ảnh hưởng rất lớn tới giáo dục toàn thế giới, Jean Piaget (1896-1980).

Cùng ra đời trong năm 2015 tại Hà Nội, do nhà xuất bản Tri thức ấn hành, ngoài bản được nhận Giải Sách Hay 2016 còn một dịch phẩm thứ hai của Piaget, có sự đóng góp của nhà thơ Hoàng Hưng là đồng dịch giả với nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, bản dịch Sự hình thành biểu tượng ở trẻ em. Cả hai bản dịch đều được tái bản hầu như ngay lập tức sau khi ra mắt.

Như thế, mảng sách dịch đầu tiên trong TỦ SÁCH TÂM LÝ HỌC GIÁO DỤC CÁNH BUỒM đến hôm nay cũng đã mang hình hài rõ rệt. Xin được liệt kê:

Cơ cấu trí khôn, Howard Gardner

Sự ra đời của trí khôn trẻ em, Jean Piaget

Sự hình thành biểu tượng ở trẻ em,Jean Piaget

Sự xây dựng cái thức ở trẻ em, (sắp in), Jean Piaget

Những kiểu trí tuệ sáng tạo (sắp in), Howard Gardner

Trí khôn phi học đường (sắp in), Howard Gardner

Tri thức học sinh triển của Jean Piaget (một thành viên U-90 của Nhóm đã bắt tay vào dịch nhưng vì lý do sức khỏe, lực bất tòng tâm phải tạm ngưng và một U-60 đã “dịch tiếp sức”, như thế đành khất hẹn và hi vọng bản dịch sẽ ra mắt kịp trước khi khởi tranh cuộc thi đua lành mạnh Giải Sách Hay vào mùa tựu trường sang năm).

Sau loạt sách dịch thứ nhất này, Nhóm sẽ triển khai dịch những bộ sách tâm lý học giáo dục đi cụ thể hơn vào một số chủ đề. Xin tạm kể ra:

• Tâm lý học sáng tạo (bản chất của sáng tạo)

• Tâm lý học sáng tạo nghệ thuật (để dạy tư duy tưởng tượng, các môn nghệ thuật)

• Tâm lý học sáng tạo khoa học (để dạy tư duy khoa học tự nhiên)

• Tâm lý học sáng tạo triết học (để dạy tư duy lối sống hay là triết lý sống)

Ngoài ra, Nhóm sẽ tổ chức dịch một số tác phẩm tiêu biểu của tâm lý học ở Liên Xô cũ (nếu không thì cũng uổng). Nhân đây xin được nói, việc một vài giáo sư thế hệ đầu tiên từng học tâm lý học giáo dục ngay tại Liên Xô cũ mà cho tới nay vẫn không có một công trình giới thiệu bài bản nào về nó, là một điều đáng trách lớn. Cho tới nay, như tôi biết, chỉ có duy nhất một bản dịch (rất mỏng) một tác phẩm của Lev Seminovich Vygotsky. Đó là bản dịch một cuốn sách về tâm lý học nghệ thuật (một bản dịch xuất sắc), đã được xuất bản từ rất lâu rồi, nay chính nhà xuất bản cũng không biết dịch giả đang sống ở đâu, còn sống hay đã khuất.

Phát biểu liều lĩnh về tâm lý học Phương Tây dẫu sao cũng còn có thể “thông cảm”, như trường hợp một giáo sư-viện sĩ viết hẳn trong Bách khoa toàn thư – mục Giáo dục, rằng John Dewey (tác giả của Democracy and Education, bản dịch tiếng Việt Dân chủ và giáo dục của Phạm Anh Tuấn năm 2008) là một nhà triết học duy tâm (!?).

Như vậy, nếu như Nhóm Cánh Buồm làm sách giáo khoa để “trình xã hội” (như cách nói đã thành một tiêu ngữ của Nhóm), thì Nhóm làm sách dịch Tâm lý học Giáo dục là để trình cho NHÀ TRƯỜNG TƯƠNG LAI, chính xác là trình cho các trường đại học, cho giảng đường lẫn thư viện đại học, trong đó quan trọng hơn cả là các trường sư phạm.

Thoạt đầu, thực ra việc dịch sách này là nhu cầu nội tại. Năm 2013, sau 5 năm hoạt động, Nhóm bắt đầu thấy rõ nhất thiết phải có những bộ sách lý luận, trước tiên tập trung vào đề tài Tâm lý học giáo dục. Sau khi một nhóm nòng cốt được thành lập ban đầu đã làm xong các cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt, Văn và Lối sống cho toàn bộ cấp Tiểu học, nhân sự của Nhóm đông lên nhiều, đa dạng hơn thuở ban đầu. Lúc này nhu cầu đào tạo của Nhóm cho các thành viên mới gia nhập là rất lớn và cấp bách. Một điều có thể nhận ra từ buổi đầu, ngay cả các thành viên mới gia nhập Nhóm là sinh viên đã tốt nghiệp trường sư phạm cũng hầu như “phải học lại từ con số không”. Vì một điều rất đơn giản: sinh viên Việt Nam hiện nay không có sách để học. Không có sách thì chỉ còn mỗi cách là ngồi thụ động nghe thầy giảng giải rồi cố mà ghi nhớ và nhớ theo cách vừa đủ (vô cùng dễ vì có phải nghĩ, có phải thảo luận hay tranh luận đâu, lời thầy đều được chép nguyên xi trong vở rồi!) để có thể vượt qua các kỳ kiểm tra để mà còn tốt nghiệp. Với cách học hiện nay, sinh viên đại học thực chất là học sinh phổ thông cấp 4. Không có sách tức là không có bột để mà gột nên hồ. Ai không tin, xin hãy vào thăm các trường đại học một buổi, hãy tạt qua hiệu sách giáo dục ở các cổng trường đại học một buổi, thậm chí hãy ghé qua mua … tinh nghệ tươi bà Thanh Nghệ An ở cửa hàng mang biển hiệu rõ ràng “Cửa hàng sách, báo, tạp chí triết học” trên phố Láng Hạ.

Mặt khác, đòi hỏi sinh viên đọc sách nguyên bản tiếng nước ngoài là vô lý. Như nhà triết học-dịch giả Bùi Văn Nam Sơn đã chứng minh điều này qua những gì ông đã thực tế trải nghiệm về hai quốc gia ở châu Á vốn có thể nói ngày nay đã trở thành hùng cường là nhờ rất nhiều từ công cuộc dịch thuật. Quả như lời dạy “chi bằng học” của Cụ Phan Châu Trinh. Vậy, để “chi bằng học” thì chi bằng dịch sách nghiên cứu của người ta sang tiếng Việt để mà học đã. Như thế mới rút ngắn được thời gian đuổi kịp người ta, thậm chí ở lĩnh vực sư phạm và các môn khoa học nhân văn và triết học thì cũng chỉ mong đuổi kịp người ta cách đây nhiều, nhiều chục năm.

Như thế, tương tự như Tủ sách Tinh hoa của nhà xuất bản Tri thức ra đời đã lâu, và Tủ sách Bùi Văn Nam Sơn, một tủ sách tuyệt vời vừa ra mắt cách đây không lâu, Tủ sách Tâm lý học giáo dục Cánh Buồm không nhắm đến những chỗ náo nhiệt mang nhiều tính giải trí, những nơi hội hè hô hào. Chúng đến với những giảng đường, những thư viện tôn nghiêm, đến với những sinh viên sư phạm hay những sinh viên theo học các lĩnh vực khác nhưng say mê sư phạm, những bộ óc đương lấy tư duy làm thú vui tao nhã và lấy sự cải cách, sự thay đổi bằng hành động làm khát vọng. Những ý tưởng cải cách giáo dục bắt buộc phải được khai sinh từ những bộ óc như thế. Xã hội học tập phải được xây dựng từ những bộ óc “gốc” như thế.

Chính trẻ em sẽ được hưởng lợi đầu tiên từ những bộ óc như thế. Trẻ em được hưởng lợi thì người lớn cũng được hưởng lợi theo, vì người lớn là từ trẻ em tự trưởng thành lên mà thành. Trẻ em tự mình làm ra mình rồi hưởng luôn thành quả của chính mình. Chúng không biến mất đi đâu sất! Trẻ em được giáo dục tử tế sẽ thành những người lớn không cần thiết ngồi một chỗ mà rút kinh nghiệm liên miên và tìm chỗ để đổ lỗi rồi tranh luận theo kiểu Kinh viện thời Trung cổ, con lừa nó không chui vừa lỗ kim là vì con lừaquá to hay vì lỗ kim quá nhỏ!

Vì lẽ cao quý nói trên của công việc dịch thuật sách dành cho học tập đích thực, xin một lần nữa chúc mừng nhà thơ-dịch giả Hoàng Hưng cùng Nhóm Cánh Buồm được nhận giải Sách Hay Giáo dục 2016. Mong còn có nhiều cơ hội hơn nữa để chúc mừng Nhóm Cánh Buồm trong công việc này, một cách đều đặn và lâu bền.

P.A.T.

Nguồn: https://kimdunghn.wordpress.com/2016/09/18/khi-nhom-canh-buom-lam-them-cong-viec-dich-sach/

This entry was posted in Giáo dục, văn hoá. Bookmark the permalink.