Về cuộc chiến tranh của Putin ở Ukraine – Ngày 28/10/2024

Phúc Lai GB

1. Tổng kết thiệt hại của Nga từ 24/02/2022 đến 27/102024 là xấp xỉ:

● Nhân sự – khoảng 689040 (+10520) người,

● Xe tăng – 9113 (+66),

● Xe chiến đấu bộ binh – xe bọc thép: 18355 (+244),

● Hệ thống pháo binh – 19821 (+256),

● MLRS – 1240 (+8),

● Hệ thống phòng không – 984 (+6),

● Máy bay – 369,

● Máy bay trực thăng – 329,

● UAV cấp độ hoạt động tác chiến-chiến thuật – 17799 (+512),

● Tên lửa hành trình – 2625 (+1),

● Tàu chiến / thuyền – 28,

● Tàu ngầm – 1,

● Xe tải và xe bồn – 27560 (+573),

● Thiết bị đặc biệt – 3542 (+66).

*Dữ liệu trong ngoặc hiển thị số liệu tuần qua, từ 21 tháng 10 – 27 tháng 10 năm 2024.

2. Cách đây khoảng 5 ngày bác HQD ở Pháp có viết 1 bài, trong đó tôi chú ý câu: “nếu đọc bài của những người ủng hộ Ukraine thì tưởng Ukraine thắng đến nơi” và tự nhiên nghĩ: không biết tôi có làm cho quý vị đi đến suy nghĩ đó không nhỉ?

Tùy từng giai đoạn, nhưng hầu hết thời gian của cuộc chiến này tôi đều không có nhiều thông tin về phía Ukraine, nói chính xác hơn là gần như không có. Ngược lại, tôi cố gắng tìm hiểu các thông tin về Nga và trên cơ sở lý thuyết thi hành chiến tranh của quân đội nước này, tôi thường đi đến kết luận rằng, chiến dịch sắp tới của chúng sẽ không thành công. Điều này diễn ra cho đến tận bây giờ, khi Nga tiếp tục nỗ lực tấn công và tôi lại tiếp tục làm cái việc là phân tích xem, những nỗ lực đó có ý nghĩa gì không.

Về phía Ukraine, vẫn không có nhiều thông tin cho lắm – chỉ thông qua các tin tức công khai. Chẳng hạn, căn cứ trên thông tin về số lượng những vũ khí nặng Ukraine nhận được, như số lượng xe tăng, pháo tự hành và gần đây là máy bay chiến đấu, cũng như cách họ thi hành chiến thuật rất đặc biệt như hồi chiến dịch mùa thu 2022 hoặc hồi giải phóng Kherson… Đặc biệt hơn nữa, với sự xuất hiện của HIMARS trên chiến trường, họ đã tiến hành bẻ gãy xương sống CỖ MÁY TẤN CÔNG của quân đội Nga. Nhờ có những hoạt động hữu hiệu này, dẫn đến một tình thế như sau:

+ Thứ nhất. Chúng ta có thể khẳng định được Nga không có khả năng tổ chức bất cứ đợt tấn công mạnh có khả năng uy hiếp nghiêm trọng đến những hướng lớn, có tác động quyết định đến thắng bại của chiến tranh, ví dụ như những đòn phối hợp trên nhiều hướng lớn, sử dụng những lực lượng hợp thành lớn gồm xe tăng, pháo binh với những đòn không quân mạnh mẽ, sau đó là bộ binh cơ giới… Với mục tiêu của chúng là thanh toán nốt chỗ còn lại chưa chiếm được của hai tỉnh Donetsk và Luhansk, thì ngoài 2 thành phố Slovyansk và Kramatorsk, chúng còn phải thanh toán rất nhiều những điểm dân cư nhỏ hơn đến khá nhỏ, “cấp làng” như chúng ta vẫn gọi. Đến nay chúng vẫn – nói trắng ra là sa lầy với thế trận được tạo ra như trên đây chúng ta đã hình dung ra.

+ Thứ hai. Không có thông tin về thương vong phía Ukraine, nhưng các nhà phân tích phương Tây cho rằng, tỉ lệ từ 1/10 đến 1/8 (Ukraine/Nga) là hợp lý vì khả năng cứu chữa của Ukraine khá hơn, bản thân số lượng thương vong thấp hơn cũng làm cho nhiệm vụ đó dễ hơn cho phía Ukraine. Thời điểm này của năm ngoái, thương vong của Nga ước tính là 300.810 “kiện hàng 200”, tức là chỉ trong 1 năm nước này đã “nướng” 400.000 quân vào trận chiến. Phía Ukraine mất khoảng 40.000 đến 45.000 quân, và số bị thương vào khoảng 120.000 người. Con số này là phù hợp với thực tiễn và các chuyên gia đánh giá sau 2 năm rưỡi chiến tranh, người Ukraine đã tuyển mộ được thêm một con số ít nhất gấp đôi như vậy đến hơn – tức là có những dự đoán rằng người Ukraine có thể có từ 250.000 đến 300.000 hiện đang phục vụ trong Lực lượng vũ trang. Với tương quan 1/3 – quân số của Nga gấp 3 lần của Ukraine thì không có cách nào để tấn công theo kiểu quân sự Liên Xô cũ được cả, mà kiểu Mỹ như ở Chiến tranh vùng Vịnh thì lại không có khả năng. Nếu tăng quân số hơn nữa thì ngân sách của Ukraine sẽ không đủ để trả lương.

+ Thứ ba. Quá trình phục hồi lực lượng của hai bên là ngược chiều nhau. Có một điều rất rõ ràng chúng ta không thể không nhìn thấy: bất chấp những câu hỏi thảng thốt của những kẻ như #Trạng_sư_Trạm_Biến_Áp “chủ lực, chủ lực Nga ở đâu?” thì cần khẳng định rằng, càng về cuối, những nguồn lực đặc biệt là vật chất cạn kiệt, không thể tổ chức được những đợt tấn công dạng như chúng ta vừa vạch ra trên đây. Gần đây, các thông tin từ Nga cho biết, nguồn lực mà Nga chiếm ưu thế hơn hẳn – “bia thịt” hay nhân lực, cũng đã bắt đầu rất khó khăn, những người sẵn sàng ký hợp đồng đi chiến đấu đã ngày càng hiếm. Chúng ta không nên cho rằng với Ukraine thì dễ dàng hơn – có dễ hơn vì họ là đất nước đã ban bố tình trạng chiến tranh và không có chế độ chỉ lính ký hợp đồng chiến đấu mới phải đánh nhau. Điều mà dễ hơn cho Ukraine, là nhu cầu của họ về quân số không lớn như Nga. Nhờ tương quan về nhu cầu này mà các điều kiện khác như vũ khí, đạn dược… của Ukraine đều đỡ khó khăn hơn Nga. Tôi viết ĐỠ KHÓ KHĂN, không phải là chẳng có tí khó khăn nào.

Trên cơ sở những so sánh trên đây, chúng ta thấy nếu không có yếu tố nào có khả năng thay đổi cuộc chơi, sẽ không có cách nào phá vỡ được tình thế hiện tại. Rõ ràng là một số giấc mơ trước đây của tôi vẽ ra, chẳng hạn chỗ lồi Pokrovsk nếu người Ukraine tận dụng được, sẽ gây ra những hiệu ứng không nhỏ, khá buồn cười. Người Ukraine thực tế hơn như vậy, họ sẽ không chọn một kế hoạch lãng mạn như thế. Họ sẽ tận dụng “thế mạnh” của quân đội Nga là số lượng – và lại thi hành đúng chiến lược như hồi dùng HIMARS tàn phá quân đội này về hệ thống, đặc biệt về hậu cần.

3. Những nhận xét trong mục 2 trên đây, liệu có đáng bi quan?

Với những mong mỏi người Ukraine chiến thắng, thì đúng là chẳng thấy được điều gì đáng mừng trong câu chuyện đó cả. Với cách tiếp cận vấn đề là, không đuổi được quân Nga về và để chúng chiếm đến chỗ bây giờ thôi, thì người Ukraine ĐƯỢC COI LÀ THẤT BẠI. Tất nhiên cho đến nay, chúng ta chưa thấy có những ý tưởng nào từ phía người Ukraine theo dạng đó. Chúng ta vẫn nghe bọn chóp bu Nga tuyên bố những cái điều kiện rùng rợn, kiểu như phải chấp nhận về lãnh thổ (bị chiếm mất như hiện nay) và còn kèm thêm những điều kiện dạng như trung lập, không vào NATO… thậm chí hạn chế quân đội.

Lý do duy nhất của chúng [phía Nga] là, nếu không chấp nhận những điều kiện trên (coi như đầu hàng) thì chúng kéo dài chiến tranh vĩnh viễn. Và để củng cố cho câu chuyện viễn tưởng này, hàng ngày chúng đưa đủ thứ tin giả về chiến thắng trên chiến trường.

Thực tế là, cách tiếp cận vấn đề của hai bên cũng ngược chiều nhau. Nga phải duy trì động lực chiến tranh và không được phép dừng lại (không cho quân Ukraine được nghỉ ngơi) nên phải tấn công liên tục, bất chấp tổn thất, dù tấn công theo kiểu vớ vẩn (so với chính học thuyết quân sự của chúng) cũng phải chơi. Điều cần để ý là cách tiếp cận này dễ mang lại chất liệu cho tuyên truyền về chiến thắng của chúng. Nó thậm chí còn đưa chính một số người ủng hộ Ukraine, có nhiều theo dõi trên mạng xã hội nhưng không đủ khả năng nhận thức, sa vào những suy nghĩ bi quan, vì như trên đây tôi đã viết, quá nhiều tin giả, lại được cung cấp nguồn chất liệu dồi dào – họ hì hục ngồi đếm số ki-lô-mét của người Ukraine bị chiếm. Thực tế, không có quân đội nào có thể chịu đựng được tổn thất như vậy mà binh lính không xuống tinh thần – đơn giản là chính bọn xuống tinh thần đó đã thiệt mạng và ngày mai, lại những thằng khác bị đẩy vào lò sát sinh, cứ thế.

Ngược lại, cách tiếp cận của Ukraine là cho tương lai. Cách đây vài tuần, hệ thống điện cấp cho một tổ hợp quân sự quốc phòng của Nga bị đánh sập – sự cố này làm sản xuất ngừng trệ ít nhất vài tuần. Chúng ta đã biết người Ukraine không được sử dụng vũ khí tầm xa để bắn vào các mục tiêu xa hơn 90 ki-lô-mét cho đến hết tầm của chúng hiện nay, khoảng 300 ki-lô-mét. Vành đai đó là vành đai bọn Nga thiết lập hệ thống kho và doanh trại dự trữ, để sử dụng UAV – drone rất kém hiệu quả đồng thời sẽ đánh động, làm mất đi lợi thế về thông tin tình báo lâu nay, vì vậy họ chưa muốn đụng vào. Nếu được Mỹ đồng ý cho sử dụng vũ khí tầm xa tiêu diệt các mục tiêu đó, họ sẽ đánh luôn một thể trong thời gian ngắn, như vậy mới là dứt điểm. Do số lượng mục tiêu trong tầm HIMARS (90 ki-lô-mét) đã được bọn Nga phân tán quá lớn, với quy mô nhỏ nên phía Ukraine tiêu diệt chúng không xuể. Tuy nhiên nhìn các con số thống kê quá trình “bào mòn” vẫn đang diễn ra, chẳng hạn tuần qua có đến 573 xe tải các loại bị tiêu diệt. Số lượng xe tải bị diệt nhiều cho thấy nỗ lực của Nga cũng là “phi thường” vì các kho phải bố trí ở xa, trên lãnh thổ Nga, và chúng phải tiếp tế hàng ngày cho một quân số khổng lồ – cỡ khoảng 200.000 quân trên tuyến đầu.

Theo nhìn nhận của tôi, nếu không có HIMARS và pháo tầm xa 155mm cùng chiến thuật này của người Ukraine, thì Nga có thể chiếm được vài thành phố lớn nữa của Ukraine từ lâu rồi. Tuy nhiên, cách tiếp cận này của người Ukraine cho kết quả khó nhìn thấy. Những người ủng hộ có thể nghe tin hàng ngày, chẳng hạn đêm qua một loạt vụ nổ ở Crimea đã xảy ra, không ai trong số chúng ta hình dung được chúng là gì. Nhưng một số kết quả, chắc chắn chỉ có người Ukraine cảm thấy được, ví dụ bây giờ là không có chuyện máy bay Nga bay xộc vào tận gần Kyiv và ném bom như hồi đầu chiến tranh. Ngoài năng lực phòng không của Ukraine được tăng cường, còn là quá trình bào mòn khả năng của không quân Nga, từ đốt từng cái kho, cho UAV tấn công đốt từ vài chiếc máy bay một trên sân bay.

4. Tình thế chiến tranh sẽ phát triển tiếp tục như thế nào?

Cùng với số lượng “bia thịt” tiêu tốn hàng ngày đến mức kinh ngạc, là vai trò của bom lượn cỡ lớn, chúng tiếp tục gặm nhấm đất của người Ukraine – điều đó là chắc chắn, không tránh khỏi. Cứ băm nát một khu dân cư, thì sẽ chiếm được nó. Trong bức ảnh đen trắng kèm theo bài, là thành phố Berlin sau khi bị Hồng quân Liên Xô chiếm được năm 1945 – quý vị có thể thấy không có ngôi nhà nào nguyên vẹn. Bọn họ dùng pháo binh giã nát từng khu phố cho đến khi những người Đức cố thủ bảo vệ thủ đô không còn chỗ ẩn nấp nữa. Không có cái gì gọi là thông minh trong cách thi hành chiến tranh đó cả.

Có một câu hỏi, rằng “Người Nga có choáng váng vì con số “kiện hàng 200” hay không?” – không, và có. Không, vì phần lớn những thông tin đó không đến được họ. Trong một bài báo của BBC tiếng Nga gần đây, các tác giả đã phân tích một loạt số liệu để thấy được việc thực sự nhận ra tổn thất thực của Nga, khó khăn như thế nào, ví dụ họ không thể tìm được các số liệu công bố của hai cái thực thể Cộng hòa nhân dân (tự xưng) Donetsk và Luhansk về quân số bị thiệt mạng, trong khi Nga thì tách rời hết tất cả những số liệu này khỏi nhau. Đồng thời, các số liệu của mỗi quân chủng, binh chủng, mỗi quân khu cũng riêng rẽ, ngoài ra còn có các số liệu của… các vùng hay tỉnh (oblast, krai) của Nga, nhìn chung là không bao giờ công bố nhưng rò rỉ ra ở chỗ này, chỗ khác… Bài báo này ra ngày 18/10/2024, các tác giả viết: “… dựa trên dữ liệu chúng tôi thu thập được, có thể giả định tổng số người thiệt mạng của quân đội Nga và lực lượng thân Nga nằm trong khoảng từ 134.900 đến 188.000 quân nhân.”

https://www.bbc.com/russian/articles/c5ywndyjjx0o….

Câu trả lời vẫn là “không!” vì trong lịch sử, Liên Xô đã từng có những trận đánh tổn thất khủng khiếp hơn nhiều. Trước đây – tức là khoảng 30 năm sau chiến tranh, người ta không thừa nhận con số này nhưng từ khoảng năm 1975, sau cái chết của Zhukov, nhất là sau khi Liên Xô sụp đổ, thì nhiều chuyện mới được bạch hóa – điển hình là tổn thất của bộ đội Phương diện quân Belorussia thứ nhất trong Trận đánh giành những điểm cao Seelow #The_Battle_of_Seelow . Chỉ trong 3 ngày, Hồng quân Liên Xô đã mất đến 36.000 người (thiệt mạng) để xuyên qua hệ thống phòng thủ của Đức. Một ngày – 12.000 lính thành “kiện hàng 200” – vì thế bây giờ bọn Gerasimov tiêu tốn 1200, chưa là gì so với lịch sử. Để khỏa lấp những tổn thất này, người Nga bao giờ cũng có những lý do, như chính Zhukov người là Tư lệnh Phương diện quân trên đây, lúc đó quyết định đánh trận này vẫn cố nại ra nhiều lý do để biện bạch cho mình.

Câu trả lời cũng là “Có!” – theo cũng bài báo trên của BBC, càng về gần đây, Nga càng tỏ ra bắt buộc phải thừa nhận những tổn thất của mình, do áp lực từ xã hội ngày càng gia tăng và thực chất, những cư dân của hai thành phố chính của nước này, họ cũng đều từ ngờ ngợ đến nắm được tình hình khá rõ, tuy không thừa nhận con số công bố của phía Ukraine.

Theo những thông tin tôi đọc được từ mạng xã hội Nga, cũng như từ bạn bè thì tôi cho rằng chỉ đến cuối năm nay, Nga sẽ không tuyển được binh lính chiến đấu theo hợp đồng nữa, hoặc có nhưng rất ít. Trong các tài liệu hoặc bài báo khi dùng Google dịch ra tiếng Việt bọn này thường bị dịch thành “tình nguyện viên” – tiếng Nga là “доброволец” (số nhiều: добровольцы) nhưng chúng không phải là các tình nguyện viên như chúng ta vẫn hiểu là những người tình nguyện công tác xã hội đâu, mà là “lính tình nguyện”. Đến lúc đó, nếu muốn duy trì Putin buộc phải tuyên bố tổng động viên, ban bố tình trạng chiến tranh.

Vậy nếu chiến tranh vẫn tiếp tục với cái tình thế trên đây thì sao? Hôm nay chỉ còn 3 ngày là hết tháng Mười, như vậy là các dự đoán của chúng ta về kế hoạch của người Ukraine rằng, nếu họ muốn Đảng Dân chủ thắng cử, sẽ phải đạt được chiến thắng trước bầu cử, đã không thành sự thật. Chúng ta thì thích nhìn thấy trận thư hùng, người Ukraine tổ chức tấn công như… Liên Xô, nhưng rõ ràng là họ không đủ lực lượng để làm như vậy, mà có đủ, cũng không làm. Chúng ta phải tôn trọng điều đó.

Nếu người Mỹ vẫn tiếp tục không đồng ý cho sử dụng vũ khí tầm xa tàn phá các mục tiêu mà Nga đang cất giấu trên lãnh thổ của mình, thì Nga vẫn tiếp tục gặm nhấm, còn Ukraine thì vẫn tiếp tục “bào mòn.” Quy trình trên sẽ khó có gì thay đổi được, và đó là tính riêng về quân sự, trên chiến trường.

Về phía Ukraine, rõ ràng là sẽ phải có những nỗ lực trong phục hồi kinh tế song song với phát triển sản xuất quốc phòng. Thời gian qua chúng ta theo dõi các phát biểu của #Zelenskyi cũng thấy nước này tăng cường các dự án hợp tác sản xuất đạn dược, vũ khí… hầu hết ở châu Âu. Có nhiều dự án Ukraine đầu tư, cũng có những dự án khác thì nước ngoài là chủ đầu tư và một số dự án là liên doanh.

Về phía Nga thời gian qua đã phát triển một nền sản xuất công nghiệp phải nói là quá nóng với các chỉ số nào là… vượt qua cả Nhật Bản. Thực chất cái trò khỉ “vượt qua” này như thế nào thì ai cũng biết cả, và nó chỉ là đổ tiền vào lò đốt, đúng là “hóa vàng” nhưng là dùng tiền thật.

Nếu cứ duy trì như thế này, tính từ ngày số “kiện hàng 200” đạt 700.000 thì chỉ cần… 250 ngày, tức là hơn 10 tháng, khoảng tháng Chín sang năm Putin sẽ có hành trang tròn trĩnh 1 triệu quân biến thành ma, tất nhiên là thực tế tốc độ sẽ nhanh hơn thế, vì lúc đó sẽ hầu như không còn xe tăng, cũng chẳng còn pháo binh nữa. Nền công nghiệp quốc phòng sản xuất được súng bộ binh, đạn con và quần áo quân phục đã là may. Kết quả thu được, chắc là tiến thêm được vài chục ki-lô-mét nữa là hết, và cũng chỉ ở vài hướng chủ yếu hiện nay chúng vẫn đang duy trì tấn công.

5. Ngoài những giả định trên – vậy thực tế có gì khác?

Một trong những khu vực hầu như không có thông tin, ngoài một số nguồn mạng xã hội mà tôi thấy, cũng không đáng tin cậy cho lắm – Kursk. Tôi thì gần như mù tịt, cách duy nhất để nắm tình hình là… một số người Nga quen biết, những người có chút thông tin từ quân đội và dân chúng trong vùng, nói chung là không nhiều. Trong những ngày qua, tôi chỉ biết được là đơn vị Nga được giao nhiệm vụ chính ở khu vực Kursk là hai lữ đoàn thủy quân lục chiến độc lập số 810 (Hạm đội biển Đen) và 155 (Cận vệ – Hạm đội Thái Bình Dương). Có vẻ như Lữ đoàn 155 được giao nhiệm vụ chính, vì lữ đoàn 810 đã từng phải tái thành lập nhiều lần đến tháng 6/2023, chúng phải rút lữ đoàn này từ hướng Zaporizhia về tuyến sau để tái lập đơn vị. Sau khi tái lập, lữ đoàn 810 được đưa đến Kursk vào tháng 8/2023 nhưng có lẽ, làm nhiệm vụ bảo vệ thành phố Kursk và một số địa danh khác ở tuyến sau.

Còn về Lữ đoàn 155, các thông tin tôi biết được cho thấy, lữ đoàn này sẽ nhanh chóng mất toàn bộ sức chiến đấu, giỏi nhất là đến giữa tháng 11. Hiện tại, các đơn vị con của Lữ đoàn này sau mấy tháng đánh nhau ở Kursk đã thiệt hại khá nặng mà không được bổ sung. Tất nhiên bọn Nga ở đây còn nhiều đơn vị khác nữa, nhưng đây là một đơn vị có thể nói là… chủ lực của chúng để chiếm lại Kursk.

Sở dĩ Nga dùng các đơn vị – ít nhất thiện chiến trên giấy tờ, tức là các đơn vị thuộc binh chủng dù, hoặc thủy quân lục chiến vì tính chất của trận chiến Kursk rất khác. Trong cuộc chiến tranh này, vốn dĩ các sắc lính của Nga chiến đấu ít hiệu quả, vì vậy chẳng hạn như bộ binh sẽ được sử dụng cho những nhiệm vụ mang tính cù cưa kéo dài, tổn thất lớn và sau đó khi cần có kết quả, các đơn vị thiện chiến sẽ được sử dụng. Ở Kursk cũng vậy, do quân Ukraine ít giữ chiến tuyến, nên tính cơ động của trận chiến cao hơn rất nhiều.

Đánh giá về #The_Battle_of_Kursk, một chuyên gia nước ngoài cho rằng, đây là một Chiến dịch quân sự mang tính chất ĐÒN BẨY. Về chính trị, ông này đồng ý với tôi về tác động của nó trong nội bộ chóp bu Nga, làm cho Putin mất uy tín kinh khủng. Về quân sự, nó mở ra một cái bẫy mới cho quân Nga mà quân Ukraine có thể thi hành được cách đánh khác biệt của mình. Họ thường xuyên tạo ra những “cái túi” nhốt quân Nga trong đó vì lợi dụng việc các đơn vị Nga khi tấn công hay mất tính liên kết giữa các tuyến. Liên tục, quân Nga phải đánh mở đường máu, hoặc mang tính chất phá vây để tránh bị bao vây triệt để, và lại tạo điều kiện cho quân Ukraine đánh tiêu hao sinh lực quân Nga trong khi duy trì được mức độ thương vong rất thấp. Sau chiến tranh, sẽ có những nghiên cứu về phương pháp tác chiến và thi hành chiến dịch này của người Ukraine, mà người phương Tây cũng phải học tập.

Như vậy là trận chiến Kursk sẽ vẫn tiếp diễn như thế, tức là quân Nga sẽ lên kế hoạch tấn công một ngôi làng nào đó, tiến đến, bị đánh tiêu hao ngay trên đường hành quân, và tấn công vào làng nhưng không gặp hoặc gặp không đáng kể sức chống trả của quân Ukraine, nhưng sau đó lại nhận thấy hình như mình chuẩn bị bị bao vây… Thế là chính họ và cả các đơn vị bạn của họ đều phải nỗ lực đánh giải vây, và cứ hễ di chuyển lại bị tấn công liên tục, tiêu hao rất nhiều sinh lực mà không có kết quả rõ ràng. Đến nay tình báo Nga cũng không nắm rõ được những đơn vị nào của Ukraine tham gia chiến dịch Kursk, có bao nhiêu đơn vị, tổng quân số là bao nhiêu…

Có câu hỏi, rằng người Ukraine liệu có định chiếm tỉnh lị Kursk hay không, hoặc mở chiến dịch Belgorod hay không… điều này không ai biết được, nhưng nhìn chung thì tôi cho rằng cả hai điều trên là không cần thiết, vì nó cần quá nhiều quân cả để đánh chiếm và giữ, dù là kiểu giữ như hiện nay.

6. Vậy chúng ta có thể #đoán_mò được gì chăng?

Để cố chứng minh mình không bị cô lập, Putin cố tổ chức Bricx summit lần thứ 16, nhưng “ăn ngon xong tất cả lại về,” không có kết quả gì rõ rệt – kinh tế đã không thì chính trị lại càng không. Tầm này chẳng ai dại gì liên kết với thằng hủi. Có một điều thú vị là, Ba Tư [Iran] vừa tham gia Liên minh thì ăn ngay “quả vả” sưng mặt từ Israel bằng chiến dịch không kích cả trăm máy bay. Đã đánh là phải như thế, để xem bọn khủng bố Ba Tư này còn dám chống lưng Hamas hay không. Chẳng thấy anh em trong Bricx: Trung Quốc, Ấn Độ ho he gì, kìa, thành viên của khối bị tấn công rồi đấy. Chưa hết, đồng tiền chung do Putin vật nài, cũng chẳng ra được. Bình luận về chuyện này, sáng nay tôi nói với anh Duy Long: có họa mà điên, thằng nào chẳng phụ thuộc đồng đô-la, kể cả… Nga Putin. Quan hệ sâu rộng với công ty Nga, thế nhỡ công ty mình bị cấm vận thì vỡ mồm à? Lúc đó Putin nào cứu?

Đó là chưa nói đến yếu tố… văn hóa và học vấn. Thế theo quý vị, nếu thành lập được một Liên minh như… EU, thì ngôn ngữ chung là gì nhỉ – tiếng Quan Thoại à? Hay tiếng Telugu (một phương ngữ trong số hàng nghìn phương ngữ Ấn Độ)? Xét về mức độ phổ cập tiếng Ăng-lê ổn thỏa chỉ có Ấn Độ và Nam Phi thôi nhé, Brasil, I have no idea; Nga Tàu thì còn khuya. Ngôn ngữ loạn cào cào, có mà làm ăn buôn bán cái cục shit.

Nhưng riêng về bơ, thì giá của nó đã tăng gấp đôi so với tháng Ba năm 2022, so với trước chiến tranh tăng hai lần rưỡi. Hiện tại, ở Mạc-tư-khoa giá 1 ki-lô-gam bơ là 800 rub. Để hình dung, tôi lấy mức lương của một nhân viên bảo vệ chuyên gác đêm tòa nhà ở thành phố này, là khoảng 12.000 rub, tức là khoảng trên 3 triệu đồng Việt Nam một chút, và số tiền này đủ mua được 15 ki-lô-gam bơ. Tất nhiên 1 tháng, 1 người Nga chỉ ăn được 1 ki-lô-gam bơ thôi, nhưng còn phải mua bánh mì chứ ai lại ăn vã bơ như thế. Đã thế còn phải kẹp quả trứng rán nữa chứ, mà giá trứng cũng tăng gấp đôi.

Vấn đề của kinh tế Nga là dù phát triển nóng do sản xuất quốc phòng tăng cao, cũng chỉ thu hút được một số ít nhân lực vào đó – so với toàn xã hội, chẳng hạn nếu thu hút được 500.000 công nhân, thì nó vẫn là rất ít so với dân số khoảng 135 triệu, đồng thời vẫn có khoảng 3 triệu quân nhân và nhân viên quân sự phải trả lương. Số người có thu nhập tốt và tăng lên của Nga vẫn chiếm tỉ trọng nhỏ trên quy mô dân số toàn xã hội. Đồng thời ngân sách vẫn phải đổ vào nuôi chiến tranh. Riêng lãi suất 21% đủ thấy, không có doanh nghiệp nào sản xuất phi quốc phòng, có thể tồn tại được mà… không tăng giá bán. Giá trứng và bơ tăng là đúng rồi.

Ai bảo là người Nga không cảm nhận được chiến tranh nào? Họ cảm nhận rất rõ.

Hiện nay, trong lý lẽ của Putin về việc ông Donald Trump sẽ thắng cử, có một lỗ hổng lớn vô bờ bến, là từ khi bầu cử xong có kết quả, đến khi bàn giao quyền lực, còn khoảng 2 tháng. Nếu trong thời gian đó mà chính quyền Biden cuối nhiệm kỳ, đồng ý cho Ukraine dùng vũ khí tầm xa bắn vào các mục tiêu trên lãnh thổ Nga, thì đó đúng là 2 tháng quyết định.

Còn nếu bà Harris thắng, chứ không phải ông Trump, thì có căn cứ cho rằng chính sách của bà ấy hoàn toàn giống như của ông Biden, hoặc là vẫn không cho phép Ukraine dùng vũ khí tầm xa, nhưng lại viện trợ để… Ukraine đánh bao lâu cũng được. Nga vẫn tiếp tục bị cấm vận và sang năm lại… tổ chức Bricx lần thứ 17, vẫn “ăn ngon xong tất cả lại về”. Nếu kịch bản này diễn ra, thì Putin có muốn không đổ, cũng phải đổ.

Trong diễn biến đó, ngày 27/10 tức hôm qua, Putin “cảnh báo đanh thép phương Tây nếu Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng tên lửa tầm xa…”. Như thế là hắn thực sự sợ chuyện đó xảy ra, quân đội của hắn sẽ sụp đổ chỉ sau một thời gian ngắn – điều này đã từng diễn ra rồi và sẽ lặp lại nếu Mỹ đồng ý. Còn chuyện hắn dọa rồ, dọa nhiều rồi, ai còn để ý đến nữa.

P.L.GB.

Nguồn: FB Phúc Lai GB

This entry was posted in Chiến sự Ukraine, Nga xâm lược Ukraine, Phúc Lai GB. Bookmark the permalink.