Đã và đang có hai luồng ý kiến, một số người nói Chủ nghĩa Xã hội (CNXH) có đến Việt Nam, một số người khác nói không (1). Vậy đâu là sự thật?
Người viết bài này thuộc về phía những người nói có. CNXH đến Việt Nam khá lâu. Nói vui: nó hung dữ lắm, “nhập gia không tùy tục”, quậy phá tanh bành xã hội Việt Nam. Bị nhân dân Việt Nam đánh đuổi, nó vẫn chưa chịu rời Việt Nam, chạy chui vào “bình” còn lú cái đuôi “định hứng XHCN”.
Để dễ hình dung, tôi dựng chuyện: Chủ cái nhà Việt Nam vốn của hai anh Phong kiến và Tư bản (nửa Phong kiến, nửa Tư bản), một hôm, gã mang tên XHCN từ trời Âu du sang, đuổi anh Phong và Tư ra khỏi ngôi nhà Việt Nam, quậy phá tơi bời. Tuổi già sức yếu lại lâm trọng bịnh, anh Phong qua đời. Thừa lúc anh XHCN sa đà ăn chơi tác tán, gây ra thảm họa “trời sầu đất thảm, nước khóc sông buồn”, được nhân dân ủng hộ, anh Tư trở về tống cổ anh XHCN ra, đại tu lại ngôi nhà Việt Nam vốn bị anh XHCN phá gần như đổ nát.
CNXH chỉ là khái niệm trừu tương. Muốn biết nó có du nhập vào Việt Nam hay không phải xem những thuộc tính của nó mà những ngưới Cộng sản thường khắc họa: Quốc hữu hóa và Tập thể hóa về tư liệu sản xuất (2) với hai hình thức “quốc doanh và tập thể”. Quản lý theo “tập trung bao cấp”. Phân phối “làm tùy sức, hưởng theo đóng góp lao động”.
Theo học thuyết Cộng sản, CNXH là giai đoạn đầu, là bước đệm, là thời kỳ quá độ từ Chủ nghĩa Tư bản lên Chủ nghĩa Cộng sản. Đảng Cộng sản Việt Nam (Đảng) luôn kè CNXH bên mình, cầm quyền tới đâu họ cho nó diễu võ dương oai tới đó: Từ năm 1954 đến 1986 (32 năm), nó lộng hành ở Miền Bắc. Từ năm 1975 đến 1986 (11 năm), nó mở rộng diện, lộng hành ở Miền Nam.
Sau khi xác lập thể chế chính trị Độc tài Đảng trị, theo “lập trường giai cấp”, Đảng dứt khoát không chấp nhận “thói hư tật xấu” của kinh tế cá thể và tư nhân Tư bản Chủ nghĩa, “đè đầu” Công, Thương nghiệp và Nông nghiệp “cải tạo XHCN” theo hai hình thức Quốc doanh và Tập thể. Trọng tâm cải tạo XHCN, như vừa nói ở trên: “Quốc hữu hóa và Tập thể hóa” về tư liệu sản xuất theo hai hình thức “Quốc doanh và Tập thể”. Quản lý theo lối “tập trung bao cấp”. Phân phối “làm tùy sức, hưởng theo lao động”.
Chủ nghĩa xã hội đi đến đâu gieo đau thương tang tóc đến đó: Ở miền Bắc, qua Cải tạo Công, Thương nghiệp và Cải cách Ruộng đất, xuất hiện nhiều vụ án oan sai, nhiều bàn thờ tang, xã hội tiêu điều, khiến hàng triệu dân khăn gói chạy vào Nam. Ở miền Nam qua cải tạo Công thương nghiệp và Nông nghiệp gây bao khổ nạn, và cũng có hàng triệu người trốn chui trốn nhủi, liều chết bỏ nước ra đi.
Thấy người dân ngày một từ chối CNXH, lợi dụng lòng yêu nước của dân, Đảng nêu ra câu: “Yêu nước là yêu CNXH” – một sự gán ghép chết người. Không phải vậy sao, nếu không yêu CNXH đồng nghĩa với không yêu nước? Không yêu nước thì có nghĩa là phản nước? Oan cho người ta quá!
Đối với Việt Nam, trong chiến tranh, Chủ thuyết Cộng sản nói chung, CNXH nói riêng ít nhiều người ta có nghe quảng cáo, nó chỉ như cái bánh vẽ. Khi CNXH du nhập vào Việt Nam, người ta “ăn” vào mới biết nó có quá nhiều cát, sạn. Phải công nhận, sức chịu đựng CNXH của dân miền Bắc quá cao, chịu suốt cả 32 năm, dân miền Nam chỉ mới 11 năm đã giẫy nẩy, ngoài gây sức ép đòi Đảng cải tổ chính trị và kinh tế, từng địa phương tìm mọi cách tự “xé rào” như: mặc nhận (làm ngơ) cho tư nhân sản xuất tiểu thủ công nghiệp; bỏ xuội việc hợp tác hóa nông nghiệp; xóa bỏ cấm chợ ngăn sông, giải tán các trạm kiểm soát trên các trục giao thông thủy bộ; thực hiện thuận mua vừa bán, bù giá vào lương, v.v. từng bước khôi phục kinh tế thị trường. Cuộc đấu tranh đối lập giữa kinh tế thị trường với kinh tế XHCN không kém phần gay gắt. Khi kinh tế thị trường phình ra, kinh tế XHCN ắt phải teo dần.
Biết được việc tùy tiện “xé rào” này, Trung ương Đảng cho Kiểm tra, Thanh tra vào cuộc. Khi biết rõ cớ sự, Trung ương kết luận đại khái: Đây là việc làm sai, trái nguyên tắc XHCN, nhưng giải quyết được những khó khăn trước mắt, miễn truy cứu, nhưng phải xem đây chỉ là thí điểm. Thử hỏi thí điểm cái nỗi gì, như nước vỡ bờ, diện ngày một lan rộng hơn cả Nam bộ.
Đối với CNXH, tôi đã chạm trán với nó cả 10 năm (1975-1985). Vì không chấp nhận nó, tôi đứng về phía các vị cộm cán đang “xé rào” đòi cải tổ chính trị và kinh tế, như các ông: Nguyễn Hộ (Sáu Hộ), thủ lĩnh Công đoàn TP HCM; Nguyễn Chính (Chín Cần), Bí thư tỉnh Long An; Võ Văn Kiệt (Sáu Dân), Bí thư TP HCM; Nguyễn Thành Thơ (Mười Thơ), nguyên Bí thư Khu 9, đang Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; Lê Phước Thọ (Sáu Hậu), Bí thư tỉnh Hậu Giang; Nguyễn Văn Trấn, cán bộ lão thành, …; và bốn ông mang họ Trần: Trần Văn Trà, Trần Bạch Đằng, Trần Độ, Trần Xuân Bách.
Giờ đây nhớ lại, nghĩ thương cho các ông cộm cán dũng cảm “xé rào” ấy. Các ông chẳng những không được truy công như vua khoán Kim Ngọc, còn bị Triều đình “Đảng ta” xem các ông như “những phần tử xét lại chống Đảng”, bị phân biệt đối xử thậm tệ.
Cũng cùng một Đảng với nhau, những người bảo thủ gây thảm họa cho dân cho nước lại sống phây phây, còn những ngưới cấp tiến hết lòng vì nước vì dân lại bị trừng phạt như những tên tội phạm. Vậy còn đâu là công bằng, công lý dù chỉ trong một đảng?!
Việc chuyển kinh tế “Tập trung bao cấp” trở lại kinh tế “Thị trường” – gọi là “đổi mới” – là công lao của những người cấp tiến, thế mà phái bảo thủ trong Đảng lấy đó làm công lao của mình, họ luôn miệng nói: Nhờ Đảng sáng suốt “đổi mới” hay “cởi trói”.
Thử hỏi: Ai trói, trói bằng gì? Ai cũng có thể trả lời: Đảng trói, trói bằng dây XHCN. Đảng trói, Đảng mở, coi như lấy công chuộc tội = huề. Nghiêm khắc hơn, chính Đảng dùng dây XHCN trói buộc gây khổ cho dân, đình đốn trong việc phát triển đất nước suốt một phần ba (1/3) thế kỷ (1954-1986), Đảng công ít, tội nhiều.
Chủ nghĩa Xã hội đến Việt Nam như một tên tội đồ, nó để lại dấu ấn trong lịch sử dân tộc. Hôm nay nhắc lại nó để muôn đời sau hãy xa lánh nó.
03/12/2015
T.T.
—————–
(1) Số người nói CNXH không đến Việt Nam mà tôi biết được:
– Ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nói: “Cái CNXH và cái Định hướng XHCN làm gì có trong thực tế mà tìm cho mất công”.
– Hai nhà báo Kim Dung và Văn Biển, trong bài “CNXH là gì?” đăng trên trang Basam hôm 30/11/2015, có đoạn: “Đến giờ này không một ai, kể cả trong giới lãnh đạo, giải thích CNXH là gì, nghĩa là nó không có trong thực tế”.
Số người nói CNXH có đến Việt Nam, ngoài tôi ra, tôi còn biết được:
– Ông Trần Phương, nguyên Bộ trưởng Nội thương, Ủy viên Trung ương Đảng. Góp ý văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 11, ông nói: “Cái gọi là Chủ nghĩa Cộng sản là ảo tưởng, cái gọi là Chủ nghĩa Xã hội thực chất cũng thất bại rồi” – có nghĩa là đã có nhưng thất bại, dẹp đi rồi.
– Ông Nguyễn Phú Trọng, đương nhiệm Tổng Bí thư Đảng, nói: “Không biết đến cuối thế kỷ này có CNXH hoàn chỉnh hay chưa” – có nghĩa CNXH có đã mặt ở Việt Nam, có điều là nó chưa hoàn chỉnh.
(2) Những đối tượng người lao động tác động vào để tạo ra của của cải vật chất như ruộng đất, nhà máy, hầm mỏ, v.v.