1- Nhập đề
Vừa qua tôi đọc được trên trang BA SÀM (6017 ngày 2/12 ) bài: “Viết cho những người vô cảm và đừng sống chỉ để cho cuộc đời lãng quên” của LS Lê Văn Luân. Xin trích ra đây vài câu quan trọng từ bài đó: “Gần như cả một thế hệ trẻ thờ ơ với đất nước […], chúng trẻ, nhưng ngủ mê, […] sợ nói về chính trị,[…] trở nên dối trá và tự huyễn về bản thân. Những con người của thế hệ trẻ chẳng màng gì đến sự vận động của xã hội, của đất nước […] Sự vô cảm đã trở thành hiển nhiên. Nó đang giết đi xã hội và cuộc đời này.”.
Tôi hết sức thông cảm với nỗi niềm bức xúc của tác giả và có phần tán thành với nhận định, chỉ xin trao đổi thêm vài điều cho rộng đường dư luận.
2- Có nên quá bi quan
Tác giả cho rằng “Gần như cả một thế hệ trẻ thờ ơ…”, như thế có quá bi quan không? Tôi không bi quan như vậy vì thấy rằng trong rất nhiều bạn trẻ mà tôi biết, đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên thì chỉ có một số ít là vô cảm như LS Luân nhận xét, còn số đông vẫn là những người tích cực, đáng tin cậy. Trong huyết quản của số đông bạn trẻ vẫn chảy một dòng máu yêu nước thương dân, anh hùng bất khuất do ông cha truyền lại. Cái thiếu của họ là thiếu phương hướng rõ ràng. Thấy cảnh quốc gia, dân tộc bị tụt hậu, bị chèn ép, thấy cảnh nhân dân bị đối xử oan ức, bất công, thấy cảnh bọn “lợi ích nhóm” tham nhũng, lộng quyền, toàn trị… họ cũng bức xúc lắm chứ. Họ luôn tự hỏi và hỏi những người đáng tin cậy là “Tình hình bi thảm của đất nước bắt nguồn từ đâu, trong tình hình dân tộc như vậy tuổi trẻ cần làm gì, làm được gì đây…”. Trong các cuộc biểu tình chống bọn Trung Quốc bành trướng, trong các buổi lễ tưởng niệm chiến sĩ chống xâm lược phương Bắc, tuổi trẻ vẫn là lực lượng chủ chốt. Tôi nghĩ, hiện tượng vô cảm trong tuổi trẻ hiện nay chỉ là nhất thời trong một số nào đó. Những bài viết như của LS Lê Văn Luân sẽ góp phần thức tỉnh họ, nhưng điều quan trọng là làm sao chỉ cho họ thấy được phương hướng hành động đúng đắn để chấn hưng dân tộc.
3- Vì đâu nên nỗi
Tuổi trẻ Việt Nam đã từng có nhiều thời kỳ anh hùng. Vì đâu mà ngày nay sinh ra một số “vô cảm, đáng chê trách” như vậy. Các thế hệ ông, cha nặng về phê phán tuổi trẻ mà ít tìm hiểu nguyên nhân từ đâu.
Phẩm chất, tính cách của con người được hình thành từ hai nguồn: tiên thiên và hậu thiên. Tiên thiên là từ di truyền của bố mẹ, của nòi giống. Hậu thiên là từ môi trường xã hội, từ sự giáo dục của gia đình, nhà trường, từ sự tu dưỡng phấn đấu của bản thân. Hồ Chí Minh từng làm thơ cho rằng “Hiền, dữ của con người phần nhiều do giáo dục mà nên”. Thử hỏi ai đã giáo dục tuổi trẻ, nếu nói một số tuổi trẻ hư hỏng thì họ tự hư hỏng hay ai, cái gì đã làm họ hư hỏng. Tôi cho là có nguyên nhân sâu xa. Đó là sự kết hợp, sự cộng hưởng giữa một bên là các yếu kém trong nền văn hóa dân tộc, một bên là những sai lầm, độc hại của Chủ nghĩa Mác Lênin (CNML). Sự kết hợp này cũng là nguyên nhân cơ bản nhiều tệ nạn trầm trọng của xã hội Việt Nam hiện nay.
Những yếu kém trong nền văn hóa như tính ích kỷ, mũ ni che tai, sự vô cảm, dễ tin vào tuyên truyền, lo sợ đủ điều, thói quen nô lệ, v.v., chúng hình thành đã hàng trăm, hàng ngàn năm từ trong đói khổ, lầm than, chịu áp bức bóc lột, từ trong các lũy tre làng. Những yếu kém như vậy sẽ được khắc phục, được hạn chế và xóa bỏ dần trong một xã hội thịnh trị, dân trí được nâng cao, tự do, dân chủ, đạo lý được tôn trọng. Ngược lại trong một xã hội mà dối trá đầy rẫy, tham nhũng và mua quan bán tước tràn lan, bất công và oan trái là phổ biến, khuyến khích bạo lực, coi thường đạo lý, v.v. thì những yếu kém của văn hóa tha hồ mà phát triển, mà lộng hành. Những độc hại vừa kể sinh ra từ độc quyền toàn trị của chuyên chính vô sản, của đấu tranh giai cấp xuất phát từ CNML.
Trình bày như vậy để thấy rằng những thế hệ đi trước phải chịu trách nhiệm một phần lớn về sự hư hỏng của thế hệ sau, đừng hoàn toàn đổ lỗi cho tuổi trẻ. Có một số đảng viên lớn tuổi cho rằng thế hệ họ trước đây là trong sạch, không hề tham nhũng, tệ nạn tham nhũng chỉ xuất hiện sau khi có kinh tế thị trường. Đó là một nhầm lẫn lớn. Tệ độc quyền, tham nhũng có sẵn từ trong gene của CNML, nó ẩn nấp chờ thời, khi có điều kiện thuận lợi mới phát lộ. Khi có nhận thức đúng rằng “Tham nhũng quyền lực chính trị mới là tham nhũng cơ bản” thì thấy rõ ràng các đảng viên thế hệ trước cũng chẳng chịu kém cạnh ai, khi đã có vị trí trong Đảng rồi thì tìm đủ mọi cách đưa người thân vào để chiếm chỗ, đó mới là gốc gác của tham nhũng. Tham nhũng tiền bạc, tài sản dù cho rất lớn cũng chỉ là tham nhũng thứ cấp.
Về giáo dục, lúc còn bé được dạy phải “ngoan”, lớn lên được dạy “lòng trung thành”, mọi việc như thế nào đã có người khác lo, rồi tuổi trẻ lại soi vào các tấm gương xấu xa của các bậc bề trên nhan nhản khắp xã hội. Trong hoàn cảnh như vậy mà họ không hư hỏng hoàn toàn, vẫn có một số đáng kể còn tinh thần yêu nước thương nòi thì đó là chuyện đáng mừng của dân tộc. Tôi xin chia sẻ nỗi trăn trở của LS Lê Văn Luân, nhưng cũng xin trao đổi là tôi có niềm tin vào số đông các bạn trẻ.
N. Đ. C.
Tác giả gửi BVN.