Thiền Lâm
Vietnam – Cali Today News – Tháng Tám năm 2017, mạng xã hội đã ghi dấu ấn thắng lợi lớn khi rốt cuộc đã khiến Bộ Tài nguyên & Môi trường với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận phải đưa ra quyết định “sẽ không dìm một triệu mét khối bùn cát nạo vét xuống vùng biển Tuy Phong, Bình Thuận nữa”. Nhưng thông tin và phản ứng của mạng xã hội có chiếm vai trò chủ chốt trong việc dừng kế hoạch tàn hại môi trường và dân sinh này, hay còn nguyên nhân khác?
Một số nguồn tin ngoài lề cho biết sau vụ cấp phép cho nhà máy Formosa xả thải ở Hà Tĩnh, giới lãnh đạo cùng nhiều cơ quan chuyên môn của Bộ Tài nguyên & Môi trường không chỉ lọt vào top đầu trong danh sách “tội phạm diệt chủng” của truyền thông mạng xã hội, mà còn trở thành tâm điểm công kích, thanh trừng nhân sự của những thế lực chính trị ở ngay trong bộ này và ở cấp cao hơn bộ này. Giờ đây, nhất cử nhất động của giới quan chức chóp bu Bộ Tài nguyên & Môi trường liên quan đến những dự án cấp phép xả thải đều lọt vào “tầm ngắm” của các đối thủ chính trị. Những đối thủ chính trị này đã phát hiện ra một yếu tố rất quan trọng: “mượn” dư luận bức xúc trên mạng xã hội để làm cớ đánh giá về các đồng chí của mình “điều hành yếu kém”, “không được lòng dân”, “làm bất ổn xã hội và gây bất ổn chính trị”…, từ đó loại trừ nhau.
Những “diễn viên” chính trên sân khấu chính trị như Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà, (chịu trách nhiệm chung về các dự án môi trường), Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường Võ Tuấn Nhân – người đã vẽ ra nguyên nhân “thủy triều đỏ” trong quốc nạn gây ô nhiễm biển miền Trung của Formosa, Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường Nguyễn Linh Ngọc – người đã ký cấp phép cho dìm bùn cát thải xuống biển Bình Thuận… đều nằm trong “tầm ngắm” mà có thể bị “thí” và “thải”, thậm chí bị hình sự hóa bất kỳ lúc nào, nhất là trong bối cảnh cuộc chiến được xem là “chống tham nhũng” cùng phong trào “nhất thể hóa”, “kiểm tra tài sản 1000 quan chức” của Tổng Bí thư Trọng đang lao về Hội nghị Trung ương 6 vào cuối năm 2017 với một cơn cuồng nộ lạnh lùng khó bề diễn tả.
Từ quý đầu năm 2017 đến nay, đã có những biểu hiện khá rõ rệt cho thấy cuộc chiến dịch “chống tham nhũng” của Văn phòng Tổng Bí thư nhắm thẳng vào một số “cứ điểm” kiên cố như Đà Nẵng, Hà Giang, Yên Bái, Kiên Giang… cùng vài ba bộ ngành. Ngày càng nhiều hình ảnh hoành tráng nguy nga về nhà cửa của các “đày tớ”, vô tình và cả hữu ý, được tung trên một số trang mạng xã hội. Theo đó, các đoàn kiểm tra đảng các cấp bận tối mặt, kế hoạch kiểm tra được ban hành cấp tốc và liên tiếp, rủi ro sinh mạng chính trị của giới quan chức “ăn của dân không chừa thứ gì” chưa bao giờ cao như lúc này.
Dù chưa bị “sờ” đến, nhưng giới quan chức lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường không lấy gì chắc chắn để bảo đảm tài sản nổi và chìm của họ sẽ tuyệt đối an toàn, chức vụ của họ sẽ vững như bàn thạch.
Trước vụ dìm bùn cát thải ở biẻn Bình Thuận, đã có một bài học “xương máu” cho cả giới quan chức quản lý lẫn mạng xã hội: vào tháng 3/2017, Thủ tướng Phúc đã phải quyết định dừng dự án thép Hoa Sen – Cà Ná của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen, sau rất nhiều phản ứng của mạng xã hội về nguy cơ dự án này sẽ trở thành “Formosa thứ hai”.
Ảnh: 24h
Những chi tiết đáng chú ý là dự án thép Hoa Sen – Cà Ná đã được Bộ Công thương “ưu ái” tối đa, có nhiều dấu hiệu cho thấy Bộ Công Thương “đi đêm” với Tập đoàn Hoa Sen và cố ý làm trái để dự án thép Hoa Sen – Cà Ná của doanh nghiệp này được “bế” vào quy hoạch, trong lúc trước đó dự án này không hề nằm trong danh sách quy hoạch đó, cùng lúc công luận biết đến một tình tiết thú vị và “lật lưng”: tân Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh chính là anh em cọc chèo với Chủ tịch tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ – người đã đi vào lịch sử kinh tế học phát triển mang đặc thù Việt Nam với thành ngữ “Ngu gì không làm thép!”. Tuy thế, có vẻ như dự án thép Hoa Sen – Cà Ná đã chỉ được “bảo kê” bởi cấp bộ trưởng, nhưng không được “bảo kê” đến cấp Thủ tướng. Nếu ông Phúc “sảy tay” ký thông qua dự án thép Cà Ná thì đương nhiên ông sẽ chính là tiêu điểm chỉ trích và lên án của rất nhiều dư luận, và có khi cả “đòn dưới thắt lưng” của các đối thủ chính trị, đặc biệt trong bối cảnh ông Phúc đang có thể được ông Nguyễn Phú Trọng “chấm” như một ứng cử viên tiềm tàng cho chức tổng bí thư nếu ông Trọng quyết định “nghỉ”.
Trong khi một số tờ báo nhà nước vẫn quen thói ồn ào ma mị rằng “Chính phủ dũng cảm” hay “Bộ Tài nguyên và Môi trường sáng suốt” khi quyết định dừng vài dự án gây hại môi trường, phần đông dư luận xã hội lại cho rằng về thực chất, lợi ích kinh tế và lợi ích chính trị mới được đặt lên trên hết. Không một quan chức nào không nghĩ đến chuyện “làm” mà không “ăn”, thậm chí nhiều quan chức chỉ nghĩ đến chuyện “ăn mà không làm”.
Kể từ lúc Nguyễn Tấn Dũng – Thủ tướng bị xem là “phá chưa từng có” trong triều đại Đảng CSVN – phải tán thán “không thể cấm được mạng xã hội đâu các đồng chí à!” vào năm 2015, mạng xã hội ngày càng trở thành tiếng nói đặc biệt quan yếu của người dân và tác động ngày càng trực tiếp, có hiệu quả vào hệ thống chính sách lẫn thực hiện của chính quyền.
Nhưng cũng không thể không tính đến nguồn cơn “đấu đá nội bộ” đang ngày càng phát triển theo cả bề rộng lẫn chiều sâu, đặc biệt ở những khu vực đang nửa dơi nửa chuột giữa một bên là khuynh hướng tập quyền truyền thống và bên kia là xu hướng cát cứ sứ quân. Hẳn đây là một nguyên do không thể nói nên lời mà đã khiến giới quan chức Bộ Tài nguyên và Môi trường “sáng suốt” quyết định “không dìm bùn cát thải xuống biển Bình Thuận”, cho dù có phải chịu bồi thường cho đối tác Trung Quốc đến 620 ngàn USD mỗi ngày.
T.L.
VNTB gửi BVN.