Không có “chống lưng”, chủ đầu tư đâu dám lộng quyền

Trần Thành – Thảo Vy

Thế họ nâng cấp được gì cho Quốc lộ 1A? Chỉ là rải thêm lớp thảm nhựa, sơn phết, dặm vá một số chiếc cầu, không cần phải đền bù giải tỏa mở rộng gì thêm. Cứ thế là có cớ thu. Và đầu tư dự án này 1.398 tỉ đồng (con số chưa kiểm toán) để được thu phí trong 6 năm 5 tháng, họ lãi thế nào?

clip_image002

“Cái này không thẩm quyền nên tôi chưa trả lời” – “Số liệu chưa có báo cáo” – “chúng tôi sẽ nghe kiến nghị và xem xét lại”… là những câu trả lời “nhát gừng” mà ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) trả lời báo chí hôm 14-8, khi ông cùng đoàn tùy tùng đến Tiền Giang họp cùng UBND tỉnh để nghe báo cáo tình trạng nhiều người phản ứng trạm thu phí Cai Lậy bằng cách trả tiền lẻ khi qua trạm.

Tổng cục Đường bộ không thích minh bạch?

Giải thích lý do vì sao Bộ GTVT chấp nhận cho Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 đặt trạm thu phí BOT đường tránh thị xã Cai Lậy trên Quốc lộ 1A, ông Thắng cho rằng đây là lẽ công bằng vì phía doanh nghiệp này đã bỏ ra số tiền hơn 300 tỷ đồng để duy tu, sửa chữa, trải nhựa đoạn đường dài 26,5 km Quốc lộ 1A, đoạn đầu tư đường tránh nội ô thị xã Cai Lậy.

Tuy nhiên, khi báo chí đặt câu hỏi là nhiều doanh nghiệp muốn góp 400 tỉ đồng để trả cho chủ đầu tư đã sửa chữa Quốc lộ 1A, và yêu cầu Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 đưa trạm thu phí vào đúng tuyến tránh, thì ông Thắng lắc đầu: “Cái này không thẩm quyền nên tôi chưa trả lời. Khi nào tỉnh kiến nghị sẽ tính”. (Cũng dễ hiểu, nếu đồng ý, thì buộc phải kiểm toán xem có đúng doanh nghiệp tận tỉnh Vĩnh Phúc chịu bỏ ra hơn 300 tỷ bạc xuôi vào tận phương Nam để “dặm vá” 26 cây số Quốc lộ 1A?)

Tên doanh nghiệp “Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1” cũng đưa đến sự ngộ nhận đây là công ty đang đầu tư cả tuyến đường Quốc lộ 1, trong đó có đoạn ngang qua địa phận Cai Lậy mà doanh nghiệp này đang lập trạm để thu phí. Ghi nhận hồ sơ cấp phép tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang, thì Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 được cấp giấy phép tháng 4 năm 2014, đứng tên ông Nguyễn Phú Hiệp, với địa chỉ chủ sở hữu là “Khu hành chính số 8, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc”. Đây chính là yếu tố địa lý đang củng cố đồn đoán về ông chủ thực sự của doanh nghiệp này, vốn là con của một cựu quan chức trong Bộ Chính trị.

BOT đường bộ là những thương vụ béo bở?

Trả lời báo chí về việc công khai minh bạch phí BOT thời gian vừa qua, người đứng đầu Bộ GTVT hiện nay lẫn tiền nhiệm, đã nhiều lần khẳng định sẽ quản lý tốt việc thu phí BOT trên toàn quốc thông qua phần mềm giám sát đặt tại tất cả các trạm thu phí.

Tuy nhiên, điều mà người dân và doanh nghiệp ngành vận tải quan tâm hàng đầu hiện nay lại là minh bạch giá trị đầu vào của các dự án. Đơn cử Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 từ tỉnh Vĩnh Phúc ở xứ Bắc xa xôi, đã “lặn lội” vào đồng bằng sông Cửu Long và chỉ cần bỏ vốn để cải tạo, nâng cấp những tuyến đường có sẵn từ bao đời này do Nhà nước đầu tư xây dựng. Sau đó thì doanh nghiệp đường hoàng đặt trạm thu phí… Trong lúc đó thì phí bảo trì đường bộ cũng đã được thu trên đầu phương tiện, vậy mà các dự án BOT cải tạo, nâng cấp lại nhảy vào thu tiếp là khó chấp nhận. Đây phải chăng đang là những thương vụ béo bở khiến nhiều nhà đầu tư phải “chạy đua” để có được suất tham gia các dự án BOT?

Theo tính toán ở năm 2016 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, những khoản chi phí chính thức như thuế, giao thông vận tải, bảo hiểm xã hội cũng như các khoản đóng góp khác cho người lao động… đã lên tới 40% trên tổng số lợi nhuận của doanh nghiệp. Đây thực sự là một gánh nặng “quá tải” đối với hầu hết doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Người phê duyệt dự án BOT có lợi ích riêng?

Cai Lậy là thị xã nhỏ, không phải điểm nóng kẹt xe nhưng vẫn được “đẻ” ra dự án tuyến tránh dài 12,02 km. Tất nhiên, đã là tuyến tránh thì xe có quyền lựa chọn: chạy tránh không băng qua thị xã, hoặc đi đường cũ là Quốc lộ 1A lâu nay. Có lẽ vì thế mà chủ đầu tư dự án BOT tuyến tránh Cai Lậy đã “vẽ” thêm phần phụ trong dự án là nâng cấp 26,5 km Quốc lộ 1A và một số cầu, để có cớ chặn ngang Quốc lộ 1A mà thu phí.

Thế họ nâng cấp được gì cho Quốc lộ 1A? Chỉ là rải thêm lớp thảm nhựa, sơn phết, dặm vá một số chiếc cầu, không cần phải đền bù giải tỏa mở rộng gì thêm. Cứ thế là có cớ thu. Và đầu tư dự án này 1.398 tỉ đồng (con số chưa kiểm toán) để được thu phí trong 6 năm 5 tháng, họ lãi thế nào?

Một nhà báo đã làm bài toán lợi nhuận: Theo thống kê của cơ quan chức năng, năm 2016 trên tuyến Quốc lộ 1A qua tỉnh Tiền Giang, trung bình mỗi ngày đêm có tới 129.000 lượt xe lưu thông, trong đó có hơn 51.000 ô tô các loại. Và chỉ tính mức thu thấp nhất đối với xe dưới 7 chỗ là 35.000 đồng/lượt, nhân với 51.000 lượt xe ô tô, bình quân mỗi ngày đêm trạm Cai Lậy đút túi ít nhất 1,785 tỉ đồng. Cứ thế, nhân lên với 6 năm và 5 tháng, nhà đầu tư sẽ thu về ít nhất gần 4.176 tỉ đồng. Chưa kể xe từ 12 – 30 ghế phải nộp đến 50.000 đồng, xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 feet bị thu đến 200.000 đồng/vé!

Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 thành lập vào tháng 4-2014, trong khi công trình khởi công tuyến tránh thị xã Cai Lậy dài 12,02 km vào tháng 20-2-2014 (ảnh). Liệu công ty này có vốn đối ứng để thi công không, hay 100% là vốn đi vay ngân hàng?

T.T. – T.V.

VNTB gửi BVN.

This entry was posted in Xã Hội. Bookmark the permalink.