1. Lê Công Định:
Ngày hôm nay 20/6/2017 sẽ đi vào lịch sử nghề Luật sư Việt Nam như một ngày điếm nhục nhất, khi lũ điếm ở Quốc hội nhục nhã thông qua Bộ luật Hình sự sửa đổi, trong đó áp đặt cho các luật sư nghĩa vụ tố giác thân chủ của mình.
Ở Việt Nam có nghề Luật sư chăng? Nên dùng lại danh xưng ban đầu là “bào chữa viên nhân dân” nghe hợp thời hơn!
2. Luân Lê:
Phản kháng
Các Luật sư và người dân thật sự quan tâm đến quyền được xét xử công bằng, quyền được bào chữa và quyền được suy đoán vô tội đã có thể cùng nhau mặc áo vest (complet) đen tuần hành trong im lặng đến trụ sở Liên đoàn Luật sư Việt Nam và rồi đến Toà nhà Quốc hội để phản đối Điều 19.3 BLHS 2015 được rồi.
Họ đã coi thường hết mọi góp ý về học thuật pháp lý mang tính xây dựng, họ đã không học hỏi và đối chiếu đến những nền luật pháp phát triển khác. Họ đã nhất quyết thông qua điều khoản buộc Luật sư phải tố giác thân chủ.
Và lịch sử sẽ ghi rõ công – tội của 434 vị đã bấm nút thông qua điều khoản này của BLHS.
Một nhát dao cốt tử đâm vào nền lập pháp và nền tư pháp. Điểm kỳ dị không tìm thấy được ở nơi nào trên trái đất.
Vừa thấy đau đớn, vừa thấy tủi hổ vì những quy định ấy lại tồn tại trong một Bộ luật quan trọng nhất của một quốc gia.
3. Luân Lê:
Darkness day
Phải. Họ đã bất chấp để phá vỡ tất cả những nguyên tắc cốt lõi và quan trọng bậc nhất của một nền tư pháp. Họ phá vỡ quyền con người được Hiến định và bảo vệ, nhân danh những sự an ninh quốc gia hay tội đặc biệt nghiêm trọng dù đã, đang hay sẽ thực hiện, để buộc Luật sư tố giác thân chủ hoặc thân chủ trở thành kẻ bán đứng Luật sư để được giảm án hoặc làm tay sai cho những âm mưu nham hiểm khác.
Những người không hiểu luật nhưng lập pháp, bấm nút thông qua bất chấp khoa học pháp lý và những nhận thức cốt lõi mang tính tối cao của pháp luật.
Họ đang đối xử và tạo ra những tiền lệ vô vùng nguy hiểm cho không chỉ những người dân mà cho cả một nghề nghiệp mang sứ mệnh bảo vệ công lý, cho cả nền tư pháp sẽ vận hành trên nền tảng của điều luật phản khoa học đó. Như đã từng trong Bộ luật Hình sự năm 1985 khi quy định “tội chống nhà nước xã hội chủ nghĩa anh em”, “tội phá hoại cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội” hay “tội kinh doanh trái phép” trong Bộ luật Hình sự 1999. Hay tại Bộ luật Hình sự 1985 không có tội dâm ô, nhưng Bộ luật Hình sự 1999 đã có tội danh này, và đến Bộ luật Hình sự 2015 đã bổ sung thêm tội “sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm”. Hoặc ngược lại, BLHS 1999 có một số tội danh mà đến BLHS 2015 đã được bãi bỏ đi vì “không còn phù hợp với thực tế”.
Nhận thức pháp lý còn quá nhiều vấn đề, và sau mỗi khoảng 10 năm lại bỏ bớt hoặc bổ sung thêm nhiều quy định khác nhau. Có đầy những thứ mâu thuẫn và tréo ngoe lại mọc thêm lên và được tạo ra. Và nó sẽ dẫn tới hệ quả của những sự vận dụng méo mó, hoặc làm biến đổi những nguyên tắc bất di bất dịch của luật pháp.
Và nó, một hệ thống lập pháp, vẫn còn xa vời mà chưa thể nào tiệm cận được với những nguyên lý cốt lõi và trình độ lập pháp khoa học của các quốc gia phát triển đã thiết lập nên và áp dụng ổn định cả hàng trăm năm nay.
Những cái đầu và trí não thấp kém, sẽ kéo đất nước sa sút và rơi vào tha hoá. Nhất là khi những quy định có dấu hiệu bất ổn mà được hiện thực hoá thành luật pháp, nó sẽ gây ra sự xáo trộn trong đời sống xã hội, tạo ra sự lo sợ, những cái tội vô cớ, những suy luận hồ đồ và ép buộc, những tiền lệ nguy hiểm.
Và đến lúc đủ lớn, sự thay đổi theo cái cách phản kháng là khó lòng tránh khỏi.
4. Hoang Thi Hoa Thom:
Tôi tuyên bố từ bỏ nghề Luật sư vì lương tâm không cho phép tôi tố cáo thân chủ của mình theo Khoản 3 Điều 19 Bộ luật Hình sự mới được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày hôm nay, 20/6/2019.
Tuyên bố này hoàn toàn không phải vì tôi biết được thân chủ của mình đã, đang hoặc sẽ phạm tội mà đơn giản vì nếu tiếp tục làm Luật sư ở Việt Nam tôi thấy thật nhục nhã. Tôi không thể để bản thân phải lựa chọn giữa lương tâm, đạo đức nghề nghiệp hay tuân thủ pháp luật nên chỉ còn cách là từ bỏ nghề Luật sư để không phải rơi vào tình huống oái oăm này một ngày nào đó!
Kể từ hôm nay, tôi đơn giản chỉ là chuyên gia tuân thủ pháp luật, không còn là Luật sư cho đến khi Khoản 3 Điều 19 Bộ luật Hình sự nêu trên bị hủy bỏ hoặc có các quy định pháp luật để Luật sư không bị buộc phải phản bội lại thân chủ của mình.
5. Vu Hai Tran:
May mà con hơn cha!
Ngày hôm qua, 20/6/2017 là ngày thất bại của giới Luật sư Việt, trong đó có tôi. Quốc hội vẫn giữ điều 19.3 của Bộ luật Hình sự 2015 (hoãn hiệu lực từ 1/7/2016), có sửa chút theo hướng “tệ thêm”, quy định về “luật sư phải tố thân chủ”. Cùng với nhiều Luật sư khác, tôi đã dùng mọi cách để chiến đấu đòi huỷ bỏ điều luật kỳ quặc này, nhưng không thành công.
Cũng ngày 20/6/2017, đánh dấu một thắng lợi của giới startup Việt, trong đó có con trai tôi – Trần Đức Hoàng, khi Quốc hội quyết định huỷ bỏ điều 292 BLHS 2015, điều luật có thể “hạ gục” giới khởi nghiệp trẻ, đặc biệt trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin để kinh doanh, dịch vụ.
Cách đây đúng 1 năm, Trần Đức Hoàng, có bằng Luật sư tại hai bang ở Mỹ, nhưng quyết định tìm cơ hội hành nghề và startup ở Việt nam, khi Hiệp định thương mại TPP vừa được 12 nước trong đó có Việt nam và Mỹ ký. Khi rà soát các điều luật liên quan đến kinh doanh, đặc biệt startup trong BLHS 2015, Hoàng đã phát hiện điều 292 nguy hiểm thế nào. Hoàng đã viết bài trên FB và nhiều trang mạng của giới startup. Một kiến nghị yêu cầu huỷ bỏ điều 292 được Hoàng chấp bút, hàng nghìn người đã ký. Một loạt bài báo, hội thảo, nhiều bộ, ngành, hiệp hội ủng hộ kiến nghị huỷ bỏ điều 292. Mặc dù có một số thế lực trong vài cơ quan thực thi pháp luật vận động giữ lại điều 292 này, nhưng cuối cùng Chính phủ và Quốc hội đã nhất trí loại bỏ điều 292 ra khỏi Bộ luật Hình sự.
20/6/2017. Một ngày đầy cảm xúc của hai cha con tôi. May mà con hơn cha!
6. Nguyễn Hà Luân:
Điều 19.3 Bộ luật hình sự đã được thông qua.
Một thất bại chiến thuật của giới Luật sư.
Nhưng đó là thất bại chiến lược của nền tư pháp, nếu nó còn giương lên khẩu hiệu “Bảo vệ công lý”.
7. Nguyễn Kiều Hưng:
Chỉ giết chết Luật sư nghèo và người yếu thế
Khoản 3 điều 19 huyền thoại vừa được QH bấm nút thông qua quy định: “Người không tố giác là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa”.
Cho thấy đối tượng phải tố giác thân chủ là các Luật sư trong các vụ án hình sự. Vì người bào chữa và chế định bào chữa chỉ tồn tại trong lĩnh vực luật hình sự.
Theo đó quy định trên chỉ ảnh hưởng đến các Luật sư bào chữa hình sự. Mà các Luật sư trong lĩnh vực này chủ yếu là có thu nhập thấp và làm miễn phí trong những vụ án có dấu hiệu oan sai.
Nay bắt họ lại phản lại thân chủ mình, thì ai dám thuê họ nữa. Mà có thuê cũng không ai dám nhận… Nghèo lại càng nghèo thêm là cái chắc!
Tôi đang cân nhắc rút khỏi lĩnh vực hình sự và có thể có nhiều Luật sư hành động như vậy!
Khi đó, người yếu thế, những người có dấu hiệu bị truy tố oan sẽ không còn ai đồng hành với họ nữa.
Án oan sẽ giảm nhiều. Tội phạm tinh vi và cẩn thận hơn, nên chắc số lượng án cũng sẽ giảm theo. Nhờ đó, thành tích trong các ngành tố tụng sẽ có bước đột phá ngoạn mục, đưa vị thế của ngành điều tra, kiểm sát, xét xử lên một tầm cao mới…
Quy định mới này quả là một cải cách tư pháp vượt bậc!
8. Phạm Hoài Nam:
Nhằm thực hiện sứ mệnh của Luật sư “vừa bảo vệ thân chủ vừa hành nghề Luật sư chính đáng” trước cơn bão k3 điều 19 BLHS buộc “Luật sư tố cáo thân chủ”, nhà em chợt nghĩ ra các cách như sau:
1/ Khi làm thủ tục bào chữa vụ án hình sự thì Luật sư cần có mẫu đơn cam kết đưa cho thân chủ ký và lăn tay xác nhận nội dung “chưa chuẩn bị, không đáng, sẽ không phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia và tội đặc biệt nghiêm trọng khác ngoài hành vi được cho là vi phạm pháp luật và đang bị điều tra”, thế là chắc ăn nhất!
2/ Tư vấn cho thân chủ và gia đình không mời Luật sư trong giai đoạn điều tra, ngay sau khi có kết luận điều tra và cáo trạng thì mới mời Luật sư vào cuộc; khi đó rủi ro sẽ đẩy về phía điều tra viên và công tố viên, anh em Luật sư sẽ yên tâm bảo vệ hết mình cho thân chủ và chắc chắn chúng ta có nhiều lợi thế để làm đến nơi đến chốn!
3/ Trường hợp bào chữa theo chỉ định thì hơi căng một chút, thường thì các Đoàn Luật sư sẽ yêu cầu tổ chức hành nghề Luật sư (văn phòng, công ty luật) cử Luật sư tham gia, lúc đầu nhà em nghĩ rằng Luật sư nên cáo ốm trong giai đoạn điều tra (rồi áp dụng phương án như mục hai) nhưng phân vân vì chẳng lẽ tất cả các Luật sư trong VP đều ốm? Hihi
Quý anh chị em đồng nghiệp có cao kiến gì thêm cho mục 3 nêu trên hoặc có tuyệt chiêu riêng nào nữa thì chia sẻ mạnh đi nhé, trên tinh thần vì sự tồn tại và phát triển nghề Luật sư, cùng hỗ trợ và bảo vệ nhau!
9. Nguyễn Văn Chiến:
Lời cảm ơn và xin lỗi Luật sư đồng nghiệp
Chiều nay 20/6/2017 tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo BLHS. Một số điều dự luật còn có ý kiến đa chiều như Điều 19 được biểu quyết thông qua cụ thể theo điều luật.
Bản thân tôi đã có hơn 30 năm hành nghề tranh tụng, đặc biệt trong lĩnh vực hình sự, nên rất thấu hiểu những khó khăn, trở ngại trong hoạt động hành nghề bào chữa của Luật sư. Dự thảo khoản 3 Điều 19 BLHS ảnh hưởng trực tiếp đến quyền bào chữa và tác động lớn đến hoạt động hành nghề của người bào chữa trong công cuộc cải cách tư pháp hiện nay, nên suốt cả một quá trình từ khi điều luật được đưa ra xem xét, tranh luận, phản biện tại cơ quan hữu quan, thảo luận tại nghị trường Quốc hội tôi đã tích cực đóng góp ý kiến về cả lý luận và thực tiễn với mong muốn loại bỏ điều khoản dự luật này về trách nhiệm của người bào chữa phải tố giác thân chủ trong khi làm nhiệm vụ bào chữa đối với khá nhiều tội danh được đặt ra theo điều dự luật.
Tại phiên họp Ban thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam ngày 04/6/2017, tôi là một trong 04 ủy viên Ban thường vụ biểu quyết phương án đề nghị hủy bỏ khoản 3 Điều 19, không đồng ý với phương án sửa đổi.
Tuy nhiên, chiều nay kết quả biểu quyết tại nghị trường Quốc hội về Điều 19 BLHS, có đến 84,52% số đại biểu tán thành thông qua điều luật này, mặc dù tôi buộc lòng vẫn phải tiếp tục kiên định với quan điểm của mình và nằm trong số 39 đại biểu Quốc hội không tán thành thông qua điều luật. Dù thuộc nhóm thiểu số, cảm giác rất buồn, phải chấp nhận kết quả nhưng tôi vẫn phải thể hiện chính kiến của mình trong số đông.
Rất tiếc tôi đã không bảo vệ được quan điểm của mình cũng là quan điểm của một số Đoàn Luật sư và khá nhiều Luật sư đồng nghiệp trên cả nước đồng tâm mong muốn hủy bỏ khoản 3 Điều 19 với nỗi lo bị hình sự hóa quan hệ người bào chữa và thân chủ trong khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa.
Với trách nhiệm của ĐBQH trước các cử tri là Luật sư trên cả nước và trách nhiệm cá nhân là một lãnh đạo Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội; tôi xin được gửi lời xin lỗi đến các đồng nghiệp đã đồng hành trong công cuộc xây dựng pháp luật với mong muốn hủy bỏ trách nhiệm tố giác thân chủ của Luật sư trong khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa do đã có quy định của BLTTHS, Luật Luật sư và Bộ quy tắc & đạo đức ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam điều chỉnh.
Tôi sẽ có văn bản đề nghị Ủy ban đào tạo Liên đoàn Luật sư Việt Nam sớm đưa vào chương trình đào tạo, tập huấn nghiệp vụ miễn phí đối với các Luật sư hành nghề tranh tụng hình sự để thực hiện việc tuân thủ pháp luật theo khoản 3 Điều 19 nhưng bảo đảm an toàn cho các Luật sư hành nghề khi BLHS được thi hành trên thực tế. Đây là vấn đề mới cần được đặt ra, nếu chúng ta muốn tiếp tục nâng cao về số lượng và chất lượng Luật sư theo Chiến lược phát triển nghề Luật sư đến năm 2020.
Một lần nữa, tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn và gửi lời xin lỗi đối với các Luật sư đồng nghiệp có cùng tâm thức.
Chúng ta hãy bước tiếp, bảo vệ nghề để giữ công bằng cho xã hội.
Trân trọng!
LS N.V.C.
Bauxite Việt Nam tổng hợp