Những người bị bỏ lại

LS Lê Văn Luân

Nhìn những nhà báo hồ hởi nhận giải trong nền báo chí vẫn còn nặng gánh “cách mạng”, nhìn những nhà báo vật lộn với cuộc sống và tìm cách làm báo chân chính để xây dựng điều gì đó tốt đẹp cho đời, nhìn những tờ báo la liệt những dòng tin vô bổ và nhảm nhí trải dài các cửa sạp, nhìn những ngòi bút khổ sở nhào nặn để mô tả sao cho đầy đủ một sự thật nào đó nhằm thoát khỏi vòng kiềm toả mà được in ra, nhìn những trang tin đăng lên rồi lại rút xuống vội vã chẳng cần lý do – tôi thấy một nền báo chí thật thảm hại và nó thực sự đã thất bại trước đòi hỏi của cuộc sống và những con người chân chính.

Báo chí “cách mạng” đã phải thảng thốt và vô cùng lo lắng trước thực trạng ngày càng bị bỏ lại bên lề trong hành trình vận động của một xã hội thông tin tự do.

Khi con người ta không còn là nhà báo cách mạng nữa thì người ta đã được hoặc buộc phải trở về với chính mình, sự tự do. Và khi đó, họ không còn bị ràng buộc hay sẽ bị sai khiến, bảo ban [rằng anh/chị] sẽ phải im lặng trước các nỗi đau hoặc sự thật đang cần được nói lên của công chúng. Họ đã từ bỏ thân phận của một công cụ để trở về và trở nên một con người, không bị chi phối bởi quyền lực hay một thứ lợi ích nhỏ mọn để sinh tồn nào. Họ không còn bị xem thường hay bất lực với chính mình trước các đòi hỏi của thời cuộc, của lương tri. Họ lên tiếng theo sứ mệnh và chức trách của một nhà báo, khi được trở về với “tự do”.

Bản thân họ, khi lựa chọn làm một nhà báo tự do, đã tự tạo nên bộ mặt của không chỉ bản thân họ, mà còn cho cả nghề báo mà họ đang ở phía bên kia ranh giới, họ tách mình ra khỏi hàng ngũ của những công cụ lên tiếng và viết lách theo sự điều khiển hoặc mua chuộc của một nhóm người này hay nhóm người khác. Họ đã không coi nghề báo là một phương tiện sống đơn thuần, và không dùng nó để trục lợi, để biến một ai đó trở thành nạn nhân, kể cả theo nghĩa bỏ mặc hoặc bằng sự tấn công có chủ đích. Họ đã trở thành những nhà báo chân chính và có liêm sỷ, khi trở thành những nhà báo “tự do”. Họ không còn coi nhà báo được định hình qua một tấm thẻ giấy được cấp phép. Chỉ cần ở đâu có đòi hỏi của ngôn luận, ở đó sẽ có nhà báo thực thụ.

Nghề báo, vốn dĩ được sinh ra đã mang trên mình một sứ mệnh lớn lao của việc nói lên tiếng nói của sự thật, và nó là đại diện cho một quyền năng tối cao của con người, quyền năng nguyên thuỷ và tự nhiên nhất – quyền tự do ngôn luận. Con người sinh ra đã có tiếng nói của chính mình để nói lên và biểu đạt những điều mình mong muốn, hoặc nhờ nó để nói lên tiếng nói của những người khác mà họ không thể. Nên nghề báo vốn dĩ nó không và không thuộc về phe phái hay chính quyền, mà nó là thuộc về bản tính cố hữu của con người, đó là biểu đạt và lên tiếng trước các đòi hỏi của thời cuộc, của xã hội. Với vai trò độc lập, nhà báo không những sẽ không được chung tay với chính quyền để nhào nặn thông tin, kiểm soát ngôn luận và áp đặt ý chí, mà nó phải là tiếng nói phản biện, thực thi vai trò giám sát và cung cấp những gì cần thiết cho toàn xã hội. Nó không có nghĩa vụ của sự thuần phục, nó chỉ có nghĩa vụ phải đưa ra và biểu đạt đầy đủ, kịp thời và rõ ràng nhất những đòi hỏi của cuộc sống. Nếu không độc lập, họ phải lựa chọn, “nô lệ” hoặc là “tự do”.

Ngôn luận, vốn dĩ không bao giờ cần được chính quyền cấp phép, vì nó sinh ra từ tự nhiên và vì lẽ tự nhiên của con người mà phục vụ. Nếu không thể đại diện đúng với vai trò của mình, thì họ chẳng có giá trị nào ngoài sự sai bảo và làm công cụ của kẻ khác. Vì như Rousseau đã nói trong Khế ước xã hội: Tước đoạt tự do khỏi ý chí của con người là tước đoạt đạo đức ra khỏi hành động của kẻ đó. Nên nếu bị áp đặt ý chí, hoặc buộc phải im lặng, hoặc phải viết theo sự bảo trợ của chính quyền, họ sẽ khó tìm thấy đạo đức trong những dòng báo.

Ở những nơi mà con người được tôn trọng và quyền tự do ngôn luận được bảo đảm, nghề báo là một niềm tự hào và tự nó được trao cho sức mạnh để được ví rằng đó là “quyền lực thứ 4” ngoài ba nhánh quyền lực của một chính quyền. Và nó tạo nên những giá trị lớn lao mang tính cải biến xã hội và bảo vệ cả con người trước những xoay chuyển, vận động của thời cuộc. Họ độc lập thi hành quyền tự do biểu đạt, họ không có tấm áo khoác cách mạng hay bị kiểm soát bởi quyền lực chính trị, họ đơn giản chỉ là những con người đại diện cho tiếng nói của con người.

Nhìn những nhà báo hồ hởi nhận giải trong nền báo chí vẫn còn nặng gánh “cách mạng”, nhìn những nhà báo vật lộn với cuộc sống và tìm cách làm báo chân chính để xây dựng điều gì đó tốt đẹp cho đời, nhìn những tờ báo la liệt những dòng tin vô bổ và nhảm nhí trải dài các cửa sạp, nhìn những ngòi bút khổ sở nhào nặn để mô tả sao cho đầy đủ một sự thật nào đó nhằm thoát khỏi vòng kiềm toả mà được in ra, nhìn những trang tin đăng lên rồi lại rút xuống vội vã chẳng cần lý do – tôi thấy một nền báo chí thật thảm hại và nó thực sự đã thất bại trước đòi hỏi của cuộc sống và những con người chân chính.

Đạo đức cũng đã bị tước đoạt, nghĩa rằng sẽ chẳng thể nào điều tốt đẹp có thể hiện diện, nếu một khi tự do bị cướp mất khỏi ý chí của con người (Jean Jacques Rousseau).

clip_image002

L.V.L.

Nguồn: FB Luân Lê

This entry was posted in báo chí. Bookmark the permalink.