Phi trường TSN quá tải – một ví dụ của tầm nhìn hạn hẹp và lòng tham vô đáy

Song Chi

clip_image001

Quầy làm thủ tục cho khách tại sân bay TSN. AFP photo

Giữa vô số vụ tiêu cực, tham nhũng, phá hoại đang diễn ra hàng ngày hàng giờ trên đất nước VN, “cuộc chiến” của báo chí với sự ủng hộ của dư luận, trong việc đòi lại phần đất đã bị Bộ Quốc phòng chiếm dụng xây sân golf để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất những ngày qua, vẫn là một trong những điểm nóng.

Vì sao? Vì sự ngang nhiên, trắng trợn của những kẻ đứng đằng sau cái dự án sân golf tiếp tục tồn tại bất chấp dư luận đã lên tiếng từ bao lâu nay. Vì sự phi lý không thể chấp nhận của việc lấy đất sân bay xây sân golf phục vụ một thiểu số người có tiền, trong khi hàng ngày hàng giờ phi trường Tân Sơn Nhất bị quá tải, từ đường đi vào cho tới đường băng cất cánh hạ cánh, chỗ đỗ máy bay… Khiến hàng vạn con người phải mệt mỏi vất vả mỗi khi ra, vào sân bay, cửa ngõ vào Tân Sơn Nhất luôn bị kẹt cứng hàng tiếng đồng hồ, sân bay thì ngập nước, những chuyến bay đến phải bay lòng vòng vì không có chỗ hạ cánh, những chuyến bay đi bị delay cũng vì không có chỗ cất cánh, máy bay không có chỗ đậu qua đêm…

Chưa kể xây sân golf và một số hạng mục công trình khác sát sân bay sẽ uy hiếp an toàn bay. Chưa kể hàng tấn thuốc trừ sâu đổ vào sân golf Tân Sơn Nhất hàng năm rất độc cho môi trường “Lượng thuốc trừ sâu này sẽ ngấm xuống đất, xuống mạch nước ngầm, làm ô nhiễm nước ngầm thành phố, nguy hại nhất trước hết là dân chúng sống xung quanh sân golf TSN phải hứng chịu gần 200 Tấn chất độc hàng năm này” (“Kinh hoàng: 189 tấn chất độc đổ xuống sân Golf Tân Sơn Nhất mỗi năm”, Blue VN)

Khi những người Pháp, rồi người Mỹ, xây sân bay Tân Sơn Nhất, họ đã tính đến sự phát triển lâu dài, và chế độ VNCH cũng đã có tầm nhìn hàng trăm năm cho Tân Sơn Nhất với quỹ đất dự phòng xung quanh sân bay. Báo Tuổi trẻ từng có loạt bài nhân dịp kỷ niệm 100 năm TSN, cho thấy tầm vóc của phi trường TSN lúc bấy giờ. “100 năm phi trường Tân Sơn Nhất. Kỳ 1: “Những cánh bay đầu tiên trên bầu trời Sài Gòn”, Kỳ 2: “Người phi công Việt Nam đầu tiên”, Kỳ 3: “Đường băng đất đỏ”, Kỳ 4: “Phi đạo 3.000m và sân bay hạng nhất”, Kỳ 5: “Tân Sơn Nhất – Phi trường nhộn nhịp hàng đầu thế giới”.

Thế nhưng, do tầm nhìn không quá lỗ mũi, do tham lam vô độ, đảng và nhà nước cộng sản đã làm gì phi trường TSN?

“Theo một chuyên gia ngành hàng không, trước năm 1975, Tân Sơn Nhất có số lượng chuyến bay mỗi ngày cao nhất tại Đông Nam Á. Quỹ đất để phát triển lâu dài sân bay lúc đó khoảng 3.600 ha, gấp ba lần quỹ đất sân bay Changi ở Singapore.

Phần đất này sau 1975 được cắt ra trong quá trình đô thị hóa, giao cho một số quận như Tân Bình, Gò Vấp quản lý. Theo đó, đoạn từ ngã tư Bảy Hiền dọc đường Trường Chinh về ngã tư An Sương hay từ Phổ Quang sang Nguyễn Kiệm, Nguyễn Oanh, Quang Trung… vốn nằm trong hàng rào sân bay Tân Sơn Nhất xưa.

Hiện sân bay chỉ còn khoảng 1.500 ha, trong đó 850 ha được sử dụng dân dụng, phần còn lại do Bộ Quốc phòng quản lý. Trong đất quân đội này có 160 ha để làm sân golf và dịch vụ. Cuối năm 2015, Bộ Quốc phòng cũng thông tin sẵn sàng nhường 20 ha đất ở khu vực sân bay cho Bộ Giao thông Vận tải để mở rộng Tân Sơn Nhất nhưng đến nay việc bàn giao chưa hoàn tất” (“Sân bay Tân Sơn Nhất 100 năm trước của Sài Gòn”, VNExpress).

Rồi bây giờ họ muốn chiếm luôn 157 hecta đất làm sân golf kia, chính sự chiếm dụng đó đã gây nên tình trạng quá tải của Tân Sơn Nhất để rồi những cái đầu tham lam như những cái thủng lủng đáy kia lại lấy đó làm lý do để đòi xây sân bay Long Thành. Vừa “ăn” được một vố bự trong dự án sân bay Long Thành, vừa đầu cơ vào đất đai bất động sản xung quanh khu vực sân bay Long Thành trong tương lai, rồi khi sân bay Long Thành đã được xây xong thì lại thu nhỏ Tân Sơn Nhất thành sân bay nội địa, lấy thêm một mớ đất vàng giữa thành phố Sài Gòn nữa. Thật là những món lợi khổng lồ, làm sao mà bọn họ từ bỏ cho được?

Báo chí những ngày qua, nhất là báo Tuổi trẻ, đã rất tích cực chiến đấu. Hàng loạt bài báo được tung ra. “Ai là ‘ông chủ’ sân golf Tân Sơn Nhất?” (Tuổi trẻ), “Trong sân golf không chỉ có… sân golf!” (Tuổi trẻ), “Có biệt thự, trường học, nhà hàng… trong sân golf Tân Sơn Nhất” (Tuổi trẻ), “Chỉ vì một cái sân golf mà làm phiền cả nước?” (Một thế giới), “Lợi ích cái sân golf to hơn lợi ích quốc gia” (Lao động), “Cần bỏ sân golf để nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất” (Giáo dục VN), “Cử tri đề nghị thu hồi sân golf mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất” (Tiền phong)…

Nhưng liệu báo chí, người dân và lẽ phải có chiến thắng? Kinh nghiệm từ bao nhiêu năm nay dưới chế độ độc tài tham nhũng nặng nề này cho thấy câu trả lời sẽ là không. Thật sự ra, quyền lợi của đất nước, của dân tộc hay tiếng nói của người dân chả bao giờ được đếm xỉa tới ở xứ này. Chẳng qua lâu lâu phe này đánh phe kia rồi bật đèn xanh cho báo chí đánh một vụ nào đó, rồi một thời gian sau bọn họ tự thương lượng, chia chác lại với nhau, thế là mọi việc lại “chìm xuồng”. Vụ cho phép báo chí chĩa mũi dùi vào dự án sân golf Tân Sơn Nhất cũng vậy thôi.

Trong bài hát “Quốc tế Ca” (tiếng Pháp: L’Internationale), bài ca tranh đấu nổi tiếng của những người công nhân theo xã hội chủ nghĩa, một thời được các thành phần cách mạng và các nước XHCN cũ, từ Liên Xô cho tới VN sử dụng để nêu cao tinh thần cách mạng, tình thần đoàn kết toàn khối vô sản thế giới. Bài hát được dịch ra nhiều thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt. Còn nhớ lời tiếng Việt có những đoạn như sau:

Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian!

Vùng lên hỡi ai cực khổ bần hàn!

….

Chế độ xưa ta mau phá sạch tan tành

Toàn nô lệ vùng đứng lên đi.

Nay mai cuộc đời của toàn dân khác xưa

Bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình.

“Bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình”. Cái mục đích tối thượng của mọi cuộc cách mạng do người cộng sản lãnh đạo nhằm lật đổ chế độ phong kiến, chế độ tư bản là thế. Là giành lại, cướp lại mọi thứ, là vì “Bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình”. Thực tế ở bao nhiêu nước XHCH cũ hay ở Trung Quốc, Việt Nam bây giờ là thế. Làm “cách mạng” không phải để giải phóng nhân dân khỏi sự cực khổ, áp bức mà là để “giải phóng” chính họ, những người cộng sản khỏi sự đói nghèo túng thiếu. Điều này rất rõ khi những người cộng sản chiếm được Sài Gòn, chiếm được miền Nam.

Làm “cách mạng”, lật đổ một chế độ nhưng lại xây dựng nên một chế độ mới tham nhũng hơn, tồi tệ, đàn áp dân hơn gấp nhiều lần. Với Đảng Cộng sản VN, làm “cách mạng” cũng chẳng phải để “giải phóng” người dân khỏi xiềng xích nô lệ nào hay đem lại độc lập, tự do cho đất nước mà ngược lại, còn ràng buộc đất nước này vào cái vòng lệ thuộc Trung Cộng lâu dài, dâng lãnh thổ lãnh hải VN cho Trung Cộng, biến cơn ác mộng 1000 năm đô hộ giặc Tàu xa xưa lại trở về rõ ràng hơn bao giờ hết.

Vụ chiếm dụng sân bay Tân Sơn Nhất chỉ là một trong vô số ví dụ của việc đặt quyền lợi của một nhúm người lên trên quyền lợi của đất nước, việc sự dụng tùy tiện tài sản chung của quốc gia cho những mục đích tư lợi riêng, không thể kể xiết.

Nhưng ngoài chuyện phẫn nộ về việc phi trường TSN bị chiếm dụng, những người thực tâm yêu Sài Gòn còn xót xa vì một lẽ khác nữa, đó là viễn cảnh một ngày nào đó TSN chỉ còn là một phi trường nội địa, sẽ biến mất luôn cái tên phi trường quốc tế TSN đã từng là niềm tự hào trong khu vực Đông Nam Á, là một địa chỉ bay đến và đi quen thuộc của khách nước ngoài cả trăm năm nay.

Biết rằng việc xây sân bay quốc tế Long Thành có những cái lý của nó, nhưng thật ra nếu nhà cầm quyền không chiếm dụng đất của TSN ngay từ đầu, thì với quỹ đất khá rộng kia không những đủ cho một sân bay quốc tế thuộc loại trung bình, mà còn có hành lang an toàn với khu dân cư xung quanh, không đến nỗi nhà dân sát với phi trường như hiện nay vừa uy hiếp an toàn bay vừa không an toàn cho người dân, và không còn đất đâu để phát triền nữa. Một thành phố xấp xỉ 10 triệu dân, là đầu tàu của cả nước trong nhiều lĩnh vực mà không có nổi một sân bay quốc tế là điều đáng tiếc. Chưa kể, về mặt tình cảm, mất đi phi trường quốc tế TSN cũng lại thêm một điều mất mát nữa, bên cạnh vô số những cái mất mát của Sài Gòn trong những năm qua…

Một chế độ độc tài bất lực và tham nhũng nặng nề như chế độ do Đảng Cộng sản VN cầm quyền cũng giống như một con nghiện quen ăn không thể dừng lại, khi nào nó còn tồn tại thì tất cả những câu chuyện như vụ phi trường TSN bị chiếm dụng sẽ không bao giờ có thể chấm dứt.

*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.

S.C.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/blog/tansonnhat-airport-songchi-06192017140616.html

This entry was posted in tham nhũng. Bookmark the permalink.