Thông cáo phát hành ngay

Việt Nam: Hãy chấm dứt hành hung các nhà hoạt động và blogger

Côn đồ tấn công các nhà vận động nhân quyền ở khắp nơi theo một kiểu thức chung

(New York, ngày 19 tháng Sáu năm 2017) – Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nhận xét trong một bản phúc trình ra ngày hôm nay rằng có những hung thủ đánh đập, dọa dẫm và đe nẹt các blogger và nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam mà không bị truy cứu trách nhiệm. Chính quyền Việt Nam cần ra lệnh chấm dứt tất cả mọi hành vi tấn công và truy cứu trách nhiệm những người liên quan. Chính phủ các quốc gia tài trợ cần yêu cầu chính quyền Việt Nam chấm dứt đàn áp, và tuyên bố rõ rằng đè nén tự do Internet, ngôn luận và các hoạt động ôn hòa sẽ mang lại hậu quả.

Bản phúc trình dài 65 trang, “Không chốn dung thân cho các nhà hoạt động vì nhân quyền: Các nhà vận động dân chủ và blogger ở Việt Nam bị hành hung” nêu 36 vụ những kẻ lạ mặt mặc thường phục đánh đập những người vận động nhân quyền và blogger, nhiều trường hợp gây thương tích nặng, trong khoảng thời gian từ tháng Giêng năm 2015 đến tháng Tư năm 2017. Nhiều nạn nhân cho biết việc đánh đập xảy ra trước sự chứng kiến của công an mặc sắc phục mà họ không làm gì để can thiệp.

 

“Tình trạng các nhà hoạt động ở Việt Nam có nguy cơ bị bỏ tù vì phát ngôn ý kiến của mình đã đủ tồi tệ rồi, giờ đây họ lại còn phải đối mặt với nguy cơ mất an toàn hàng ngày, chỉ vì thực thi các quyền cơ bản của mình,” ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu. “Chính phủ Việt Nam cần tuyên bố rõ rằng kiểu hành xử đó sẽ không được dung thứ, và chấm dứt chiến dịch đối phó với những người vận động cho nhân quyền theo cách thức này.”

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã tập hợp được tài liệu cho thấy có một chiến lược đánh đập các blogger và các nhà hoạt động vì nhân quyền trên khắp đất nước, từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang và Vũng Tàu đến các tỉnh như Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Dương, Lâm Đồng và Bắc Giang.

Trong nhiều trường hợp, các vụ tấn công diễn ra ngay ngoài phố, trước mắt công chúng, ví dụ như vụ nhà hoạt động vì môi trường Lã Việt Dũng bị đánh trên đường về nhà, xảy ra hồi tháng Bảy năm 2016, sau khi anh tham dự một sự kiện sinh hoạt của Câu lạc bộ Bóng đá No-U ở Hà Nội. Một số người đàn ông lạ mặt dùng gạch đánh Lã Việt Dũng làm anh bị vỡ đầu. Vào tháng Năm năm 2014, những người lạ mặt đánh nhà hoạt động nhân quyền Trần Thị Nga bằng gậy sắt ngay trên phố Hà Nội, làm chị vỡ xương bánh chè chân phải và gẫy tay trái. Các vụ tấn công cũng xảy ra tại các không gian công, như quán cà phê. Tháng Sáu năm 2016, một người lạ mặt đấm vào mặt nhà vận động dân chủ Nguyễn Văn Thạnh trong một quán cà phê ở Đà Nẵng. Khi công an tới, lẽ ra phải điều tra kẻ hành hung thì họ lại câu lưu Nguyễn Văn Thạnh suốt mấy tiếng đồng hồ và chất vấn anh về các bài viết chính trị.

Trong một số vụ khác, những người lạ mặt bắt các nhà hoạt động lên xe con hoặc xe van, đánh đập rồi bỏ họ xuống chỗ vắng người. Ví dụ như, vào tháng Tư năm 2017, một nhóm người lạ mặt mặc thường phục đeo khẩu trang bắt cóc nhà hoạt động vì nhân quyền Huỳnh Thành Phát và Trần Hoàng Phúc tại Ba Đồn (tỉnh Quảng Bình), đưa họ lên một chiếc xe van và chở đi. Ở trên xe, những người này dùng thắt lưng và gậy quật Huỳnh Thành Phát và Trần Hoàng Phúc rồi sau đó bỏ họ xuống một khu rừng. Tháng Hai năm 2017, cũng ở Ba Đồn, một nhóm người mặc thường phục bắt cóc nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Trung Tôn và bạn ông là Nguyễn Viết Tứ, lôi họ lên một chiếc xe van rồi chở đi. Những người này lột quần áo Nguyễn Trung Tôn và Nguyễn Viết Tứ, dùng áo khoác của chính họ trùm đầu rồi đánh hai người bằng ống sắt, sau đó bỏ họ ở một khu rừng. Nguyễn Trung Tôn bị đa chấn thương, và sau đó phải đi phẫu thuật ở bệnh viện.

 “Hiện tượng côn đồ bắt cóc các nhà hoạt động giữa ban ngày, dùng vũ lực cưỡng ép họ lên xe rồi đánh đập cho thấy có sự miễn trừ trách nhiệm trong việc đàn áp các nhà hoạt động,” ông Brad Adams nói. “Chính quyền Việt Nam cần phải hiểu ra rằng dung thứ các hành vi bạo lực như thế sẽ dẫn tới tình trạng vô luật pháp và hỗn loạn chứ không phải trật tự và ổn định xã hội như họ tuyên bố đang cố gắng hướng tới.”

Các nhà hoạt động cũng bị đánh đập vì tham gia các sự kiện công cộng, như biểu tình bảo vệ môi trường, tụ tập đòi thả các nhà hoạt động bị câu lưu, hay các sự kiện liên quan tới nhân quyền. Tháng Chạp năm 2015, nhà vận động nhân quyền Nguyễn Văn Đài đi nói chuyện về nhân quyền và hiến pháp tại một giáo xứ ở huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An). Khi Nguyễn Văn Đài và ba nhà hoạt động cộng sự rời khu vực đó thì một nhóm người đeo khẩu trang chặn chiếc xe taxi chở họ, lôi họ xuống xe và đánh đập.

Thậm chí ngay cả hành động thể hiện tình đoàn kết qua việc đến thăm nhà các cựu tù nhân chính trị hay chào đón một tù nhân chính trị ra tù cũng có thể bị đối phó bằng bạo lực. Tháng Tám năm 2015, một nhóm blogger và nhà hoạt động trong đó có Trần Thị Nga, Chu Mạnh Sơn, Trương Minh Tam, Lê Thị Hương, Phan Văn Khanh và Lê Đình Lượng đến Lâm Đồng để thăm cựu tù nhân chính trị Trần Minh Nhật sau khi anh mãn hạn tù bốn năm vì bị cho là có liên quan tới một đảng chính trị hải ngoại bị cấm ở Việt Nam. Khi các nhà hoạt động nói trên rời thị trấn, trên những chuyến xe buýt khác nhau, nhiều người đàn ông lạ mặt mặc thường phục lên xe buýt chở họ, lôi họ xuống và đánh đập họ ngay ở chỗ công cộng.

Ngoại trừ duy nhất một vụ, trong tất cả các vụ việc nêu tại bản phúc trình này, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nhận thấy không có một thủ phạm nào bị nhận dạng và truy tố – dù phần lớn các nạn nhân thường trình báo công an về việc bị hành hung. Ngược lại, một số nạn nhân, như các nhà họat động Nguyễn Văn Đài và Trần Thị Nga, sau đó còn bị bắt và bị cáo buộc tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88 bộ luật hình sự. Điều này làm dấy lên câu hỏi về quan hệ giữa chính quyền với những kẻ thủ ác trong các vụ nói trên, với nhiều mức độ, từ dung thứ ngầm cho tới chủ động phối hợp.

Bản phúc trình dựa trên các vụ việc được đưa tin trên báo chí nước ngoài, như Đài Á châu Tự do (RFA), Đài Tiếng nói Hoa kỳ (VOA), Đài BBC, Mạng lưới Truyền hình Sài gòn (SBTN), các mạng xã hội như Facebook và You tube, các trang mạng độc lập về chính trị như Dân Làm Báo, Dân Luận, Việt Nam Thời Báo, Tin Mừng Cho Người Nghèo, Defend the Defenders, và các blog cá nhân. Nhiều vụ hành hung nêu trong phúc trình chưa từng được đăng tải bằng tiếng Anh. Các vụ việc này cũng không được báo chí nhà nước Việt Nam đưa tin.

“Việc kiểm duyệt báo chí của nhà nước khiến nhiều nhà phê bình ôn hòa ở Việt Nam phải bày tỏ ý kiến trên mạng,” ông Adams nói. “Mô thức tấn công các blogger và các nhà hoạt động như thế này rõ ràng nhằm mục đích dập tắt tiếng nói của các nhà phê bình, những người thường không có cách nào khác để phát biểu những mối quan ngại chính đáng của mình.”

Tình trạng gia tăng các vụ hành hung trùng hợp với xu hướng tạm thời giảm các vụ bắt bớ vì động cơ chính trị, trong thời gian Việt Nam đang còn thương lượng với Hoa Kỳ về hiệp ước thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương. Hồ sơ nhân quyền của Việt Nam là một điểm nổi bật trong quá trình đàm phán và tranh luận tại Quốc hội Hoa Kỳ. Có thể chính quyền Việt Nam muốn thể hiện rằng số lượng các vụ bắt bớ và xử án mang tính chính trị đã giảm xuống, nhưng vẫn theo đuổi các biện pháp đàn áp những người bất đồng chính kiến. Một điều trớ trêu là nhiều nạn nhân của các vụ đánh đập cũng là cựu tù nhân chính trị, như Trần Minh Nhật, Nguyễn Đình Cương, Chu Mạnh Sơn và Mai Thị Dung. Tuy nhiên, các bằng chứng gần đây cho thấy rằng có một đợt bắt bớ mới đang diễn ra cùng lúc với việc tiếp tục hành hung các nhà hoạt động.

“Các nhà hoạt động và blogger dũng cảm đó hàng ngày phải đối mặt với đàn áp, nhưng vẫn không từ bỏ việc họ đang làm,” ông Brad Adams nói. “Các nhà tài trợ quốc tế và đối tác thương mại của Việt Nam cần ủng hộ cuộc đấu tranh của họ bằng cách thúc đẩy chính phủ Việt Nam ngăn chặn kiểu đánh đập này và truy cứu trách nhiệm những kẻ thủ ác.”

Để đọc thêm tin, bài của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền về Việt Nam, xin truy cập:

https://www.hrw.org/vi/asia/vietnam

Muốn có thêm thông tin, xin liên hệ:

Ở San Francisco, Brad Adams (tiếng Anh): +1-347-463-3531 (di động); hoặc adamsb@hrw.org. Twitter: @BradMAdams

Ở Washington, DC, John Sifton (tiếng Anh): +1-646-479-2499 (di động); hoặc siftonj@hrw.org. Twitter: @johnsifton

Ở Hoa Kỳ, Phil Robertson (tiếng Anh, tiếng Thái): +1-917-378-4097; hoặc +66-85-060-8406 (di động); hoặc robertp@hrw.org. Twitter: @Reaproy

HRW gửi BVN

This entry was posted in Nhân Quyền. Bookmark the permalink.