(Nhóm “Người tiêu dùng cần biết về GMO“)
Liên bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và Bộ Khoa học Công nghệ vừa ra thông tư 45/2015/TTLT-BNNPTNT-BKHCN dán nhãn với các thực phẩm biến đổi gen đóng gói sẵn. Thông tư này bắt đầu được thực thi từ ngày 8/1/2016.
Trong bài viết trên Tri Thức trẻ có tên: “Nhiều người sẽ ăn ngon hơn khi biết tin sau”, người viết bài lấy bút danh An Nhiên cho rằng:
“Thực tế, thực phẩm biến đổi gen là một kết quả về nghiên cứu về giống của các nhà khoa học trên thế giới. Tại Việt Nam, Chính phủ cho phép tiêu thụ thực phẩm biến đổi gen từ nhiều năm nay. Các chuyên gia trong ngành cũng đã khẳng định sử dụng thực phẩm biến đổi gen không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Tuy nhiên, bên cạnh quan điểm cho rằng dùng thực phẩm biến đổi gen là tốt thì nhiều ý kiến trái chiều lại cho rằng không an toàn, sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.
Chính tâm lý phản đối này khiến nhiều người tiêu dùng Việt Nam ngày đêm phấp phỏng, lo sợ khi chưa có một quy định nhãn mác nào về sản phẩm biến đổi gen đang được bày bán.”
Đây là một thái độ khinh thường đối với dư luận, một thái độ ẩn ý rằng: Người dân Việt Nam phản đối Thực phẩm biến đổi gen là ngu dốt, không hiểu gì về khoa học của thế giới và các chủ trương của chính phủ. Tôi muốn hỏi người viết bài này mấy điều sau:
Thứ nhất, những nhà nghiên cứu như thế nào thì nghiên cứu về thực phẩm biến đổi gen? Tại sao tác giả An Nhiên không cung cấp đầy đủ thông tin rằng, tập đoàn đi đầu trong việc nghiên cứu và sản xuất hạt giống biến đổi gen là tập đoàn Monsanto – tập đoàn đã sản xuất ra chất độc màu da cam gây biết bao nỗi kinh hoàng ở Việt Nam. Hơn nữa, những nguy cơ của thực phẩm biến đổi gen không phải chỉ là vấn đề sức khỏe, mà còn là vấn đề độc quyền về giống. Các cây trồng biến đổi gen không thể tiếp tục cho ra hạt cho mùa vụ sau, người nông dân buộc phải liên tục mua hạt giống từ nhà cung cấp. Điều này dẫn đến việc nền nông nghiệp của Việt Nam sẽ lệ thuộc vào các tập đoàn của Hoa Kỳ. Trong khi đó, Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp, đất đai và khí hậu rất tốt cho mùa màng, không cần thiết phải sử dụng loại cây trồng này. Còn về việc tác giả An Nhiên cho rằng nhiền chuyên gia Việt Nam đã khẳng định thực phẩm biến đổi gen không gây hại cho sức khỏe con người. Tôi nói thẳng là tôi chẳng tin được các ông ấy, vì Việt Nam có công nghệ để kiểm định thực phẩm biến đổi gen đâu. Ngay cả các chuyên gia khoa học của Pháp, Mỹ còn đang tranh cãi chưa dám khẳng định, vậy mà các nhà khoa học Việt Nam, chẳng có công cụ và chuyên môn sâu về gen, lại dám khẳng định, thì thật là quá hàm hồ.
Thứ hai, khi Chính phủ cho phép thực phẩm biến đổi gen tiêu thụ trên thị trường từ “nhiều năm nay”, tại sao Chính phủ không công khai cung cấp thông tin về thực phẩm biến đổi gen trên các kênh truyền thông đại chúng, về cách thức hạt giống được tạo ra, về các ưu thế và bất lợi của thực phẩm biến đổi gen? Tại sao không cho biết tất cả những scandal trên thế giới liên quan đến loại thực phẩm này, hướng dẫn người dân cách sử dụng loại thực phẩm này một cách hiệu quả, tránh các nguy cơ như ở các nước Hungary hay Ấn Độ. Khoảng 2 năm gần đây, sau khi group “Người tiêu dùng cần biết về GMO” hoạt động và lan rộng, một số báo mới bắt đầu đưa tin hai chiều.
Thứ ba, tại sao chính phủ không cho dán nhãn thực phẩm biến đổi gen ngay từ những ngày đầu chúng được tiêu thụ trên thị trường? Hay phải chăng chính phủ, mà ở đây cụ thể là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Khoa học Công nghệ không dán nhãn sản phẩm. Có phải việc không dán nhãn sản phẩm là việc làm hiển nhiên của các ông các bà? Trong khi ấy, pháp luật quy định, mọi sản phẩm thực phẩm tiêu thụ trên thị trường đều phải có tem nhãn đầy đủ. Từ năm 2007, Chính phủ đã phê duyệt “Đề án tổng thể tăng cường năng lực quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen và sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen.”. Nhưng đến nay vẫn chưa có cái tem hay cái chứng nhận nào được dán trên các sản phẩm biến đổi gen. Vì thế, đây không phải là chuyện do có nhiều người nghi ngại về độ an toàn mà các bộ phải dán nhãn, mà đây là nghĩa vụ bắt buộc phải làm của chính phủ.
Bài báo giật tít là “Nhiều người người sẽ ăn ngon hơn khi đọc tin”, nhưng trên thực tế là không thể ăn ngon hơn được. Những sản phẩm biến đổi gen được dán nhãn chỉ là các sản phẩm đóng hộp hoặc có bao bì, có nghĩa là những sản phẩm đồ hộp. Trong khi ấy, bữa cơm ăn hàng ngày của chúng ta đều đến từ các thực phẩm tươi. Những hàng quán cũng thường sử dụng nguyên liệu tươi sống. Như thế, bữa ăn thường xuyên của chúng ta vẫn cứ không thể phân biệt được đâu là biến đổi gen, đâu không phải là biến đổi gen.
Vì thế, chúng ta không thể thỏa mãn với một cách trả lời nửa vời từ những người quản lý như vậy. Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Bộ Khoa học Công nghệ, bắt buộc phải đưa ra phương án dán nhãn các sản phẩm tươi sống. Thậm chí, họ phải đưa ra một cơ chế giám sát và xử phạt hợp lý với các trường hợp sai phạm.
Tôi xin nói lại, việc dán nhãn thực phẩm biến đổi gen là nhiệm vụ của các bộ ngành, các cơ quan quản lý kiểm định thực phẩm. Đây là chủ trương của chính phủ đưa ra từ năm 2007, và đến nay chưa được thực hiện, chứ không phải là vì người dân lo ngại về độ an toàn mà các bộ này buộc phải dán nhãn. Từ năm 2007 đến nay vẫn chưa dán nhãn được thực phẩm biến đổi gen là sự thể hiện cho thái độ vô trách nhiệm của các cơ quan quản lý và sự yếu kém về năng lực, cùng với sự lấp liếm thông tin nhằm có lợi cho bản thân.
H. T. N.
Tác giả gửi BVN.