Tự do dân chủ và vấn đề điện hạt nhân .

Thục Quyên (SaveVietnam´sNature)

Hai cây cổ thụ của ngành năng lượng hạt nhân Việt Nam, hai vị giáo sư khả kính Nguyễn Khắc Nhẫn và Phạm Duy Hiển, vừa dạy chúng ta một bài học không những về sự hiểu biết đứng đắn về tình trạng điện hạt nhân (ĐHN) trên thế giới và tại VN, mà trong cuộc phỏng vấn (1) của RFI ngày 4/09/2013, hai vị còn làm gương cho mọi người ,lấy cách ứng xử của mình để thể hiện Tự do Nhân quyền cần thiết nhằm bảo vệ sự sống còn của dân tộc .

Nói theo một thiền sư VN nổi tiếng khắp thế giới, không có con đường đưa đến Tự Do Dân Chủ, chính con đường là Tự Do Dân Chủ (TDDC). TDDC không là một cái đích trọn vẹn xuất hiện từ không có gì và chỉ xuất hiện trong một tương lai xa vời, TDDC cũng không phải hoàn toàn không thể có vì bị một thế lực nào đàn áp, hay có vì một thế lực nào cho phép, mà tinh thần Tự do đã và đang tiềm ẩn  và chỉ cần mỗi con dân VN nhận thức và thể hiện nó theo phương cách của mình.

Thật ra, đáng lý GS Nguyễn Khắc Nhẫn và GS Phạm Duy Hiển không có gì phải cắt nghĩa thêm về cơ nguy thảm họa ĐHN sẽ tàn phá đất nước và phá hủy môi trường sống của những thế hệ con cháu chúng ta, trong thời kỳ hậu Three Mile Island ,  Chernobyl và Fukushima hiện nay. Mọi sự đã quá rõ ràng. Sau cả chục năm tiên phong đem sự hiểu biết chuyên môn cùng kinh nghiệm vài chục năm của mình để cắt nghĩa và chỉ dẫn những người chưa hiểu biết, sự lên tiếng cuả hai vị mới đây,  ngoài việc tóm tắt mọi lý do chính không cho phép Việt Nam phạm lỗi lầm giết người đi vào con đường ĐHN, còn một lần nữa tiên phong đưa ra khía cạnh nhân bản và trách nhiệm của vấn đề: quan tâm và dấn thân gánh vác, đem sự hiểu biết để bảo vệ sự sống của con người VN thế hệ này cũng như những thế hệ tiếp nối, thể hiện Tự do Dân chủ bằng cách lên tiếng bất kể trong tình huống nào để nói lên sự thật, gạt bỏ chút lợi lộc cá nhân, dù là sự yên thân của tuổi già mà mọi người có quyền hưởng.

Là người VN, nghe tiếng VN, thì chúng ta thừa tinh tế thấy rõ sự kiện, tưởng chừng là khác nhau về mức độ chống ĐHN của hai vị giáo sư, thật ra chỉ là chút khác biệt về cách nói,tùy thuộc hoàn cảnh nơi sống. Một người đã từng dạy học tại VN trước 75 và sau khi thành danh tại hải ngọai, đã từng về VN nhiều lần sau 75 để mong đóng góp xây dựng đất nước và cuối cùng đã phải ngao ngán dứt khoát tuyên bố với nhà cầm quyền đương thời từ chối mọi lời mời, ngày nào VN chưa buông bỏ chương trình “Điện hại dân, hại nước”. Người kia ,”với tư cách của một người được giao nhiệm vụ làm ngành hạt nhân từ 35 năm nay ở trong nước” và cũng vì còn sống trong nước nên chịu sự chi phối của nền pháp luật khấp khiểng đương thời  (với bản chất chẳng khác luật rừng) đành phải dè dặt hơn trong cách khẳng định. GS Hiển đi từ “không nhất trí với việc làm sớm và làm ồ ạt ĐHN”, cho tới” nhưng bây giờ một khi chính phủ đã quyết, thì chúng tôi phải nói rất mạnh … chừng nào đội ngũ nhân lực đó mà chưa sẵn sàng, thì chưa có thể làm, chưa có thể cho vận hành, xây dựng nhà máy ĐHN được”.

Vả lại làm làm gì khi đã có những công trình nghiên cứu chứng minh VN không cần ĐHN?

Cả hai vị giáo sư , hai nhà chuyên môn sáng giá nhất của VN trong ngành năng lượng hạt nhân, chính là những người có thẩm quyền nhất để bác bỏ sự xuất hiện của ngành kỹ nghệ ĐHN tại VN cũng như thúc bách đòi hỏi một chương trình năng lượng hiệu lực và có trách nhiệm, để người dân được no đủ và nâng cao mức sống của người dân cho không quá tụt hậu:

-tức khắc chú trọng nâng cao hiệu suất sử dụng điện và

-cấp tốc dồn hết sức lực, kế họach và phát triển các năng lượng tái tạo.

Đã có những giải đáp thực tiễn sẵn sàng để VN có thể học hỏi từ những nước văn minh trên thế giới và áp dụng, cớ sao phải ngụy tạo, thủ đọan, để bịt mắt dân và hại nước cho bằng được?

Tự do Nhân quyền không phải là một đặc ân do ai ban phát. Những tổ chức dân sự mọi nơi trên thế giới đã nghiễm nhiên hành động và chứng tỏ sức mạnh của người dân có thể áp lực những nhà cầm quyền phải trực diện sự thật và không ngừng thay đổi theo đà tiến triển của nhân lọai , thay đổi những quyết định sai lầm có hại cho đất nước. Sức khỏe và hạnh phúc của người dân là tiên quyết. Một quyết định sai lầm dù đã được quốc hội thông qua vẫn là một quyết định sai lầm, cần bàn thảo lại và sửa đổi, ngay cả hủy  bỏ.

Quan trọng là người dân phải dứt khoát lên tiếng .

Có rất nhiều hình thức để lên tiếng dù nhà cầm quyền không muốn dân lên tiếng hay cấm cản, gây khó dễ. Sức mạnh chính là sự quan tâm và tinh thần trách nhiệm của lớp người có khả năng hiểu biết rộng .

Lớp người này rất may mắn Việt Nam không thiếu, chỉ cần họ theo gương hai giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn và Phạm Duy Hiển lên tiếng.

Lên tiếng không phải là một hành vi can đảm mà chỉ đơn thuần là điều mà lương tâm con người đòi hỏi phải làm.

Đâu là hàng trăm ngàn những chuyên viên, sinh viên cũ của hai vị giáo sư?

Đâu là những đồng nghiệp, những nhà khoa học VN trong cũng như ngoài nước?

Đâu là những nhà trí thức, những cô giáo, thầy giáo đang mang trọng trách hướng dẫn

thế hệ con em, tương lai của đất nước?

Đâu là những nhà tôn giáo, luật gia,với chức năng bảo tồn nền đạo đức dân tộc, đảm bảo công bằng xã hội?

Đâu là những nhà y tế đã nguyện bảo vệ sức khỏe, sự sống và môi trường sống của con người?

Đâu là những nhà truyền tin , nhà văn, với thế đứng hàng đầu trong việc nối kết mọi người trong nước với thế giới bên ngoài, góp sức mở rộng tầm hiểu biết?

Đất nước Việt Nam có thể đang tụt hậu về mặt vật chất nhưng không thể để thế giới lầm tưởng chúng ta cũng tụt hậu về mặt trí tuệ .Bảo vệ nhân quyền, bảo vệ môi sinh, tinh thần trách nhiệm toàn cầu là vấn đề dân trí, là đặc thù của nền văn minh thế kỷ 21.

Không thể vỗ ngực đánh đuổi ngọai xâm trong khi giao trọn tương lai sự sống của bao thế hệ con người VN cho những công ty ĐHN ngọai quốc.

Có thể gọi là thành công khi khai mạc được một “Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành” với sự hiện diện của 5 nhà vật lý mang giải Nobel không, trong khi trẻ em tiểu học VN bị bỏ mặc cho tập đoàn Rosatom múa gậy vườn hoang, tung chút tiền mọn, nhồi sọ những tuyên truyền rẻ tiền vào đầu óc non nớt của chúng ?(2).

Danh dự dân tộc Việt Nam cần được bảo vệ.

Chúng ta phải lên tiếng.

Trong tình huống này chúng ta không thể nhân danh bất cứ một cái gì để im lặng chịu trận, nhưng có thể nhân danh tất cả những gì thiêng liêng cao qúi nhất để lên tiếng :

Tôi không đồng ý làm Điện Hạt Nhân tại VN và sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm phổ biến tin tức giúp mọi người chung quanh tôi hiểu rõ về sự nguy hại này!

T.Q.

Tác giả trực tiếp gửi cho BVN

This entry was posted in Dân chủ, Môi Trường. Bookmark the permalink.