Thương lượng sự Thay đổi Cơ bản: Hiểu và Mở rộng các Bài học của các cuộc Đàm phán Bàn Tròn Ba Lan (Kỳ 3)

Dịch giả: Nguyễn Quang A

 

Dẫn nhập

Brian Porter

“Trong năm 1989, thế giới như chúng ta biết khi đó đã kết thúc”, đó là tuyên bố của poster mà chúng tôi thiết kế để quảng cáo cho một hội thảo được gọi là “Sự Sụp đổ được Dàn xếp của Chế độ Cộng sản: Bàn Tròn Ba Lan, Mười Năm Nhìn lại”. Sự kiện này ban đầu đã được hình dung như một phần của loạt “Bài giảng Copernicus”, mà được tổ chức hàng năm bởi Chương trình Nghiên cứu Ba Lan tại Đại học Michigan. Nó nhanh chóng trở thành cái gì đó lớn hơn nhiều, nhờ chủ yếu vào ẩn ý thiên niên kỷ được thâu tóm trong câu quảng cáo cường điệu đó. Nếu quả thực giả như đúng là thế giới đã kết thúc – và nếu sự khải huyền đó đã tập trung ở Ba Lan – thì chúng tôi đã cảm thấy có nghĩa vụ kỷ niệm thời khắc này với cái gì đó lớn một cách thích hợp. Và nó đã thật lớn: rốt cuộc chúng tôi đã tiếp đón hai mươi vị khách đặc biệt, kể cả tổng thống Ba Lan và nhiều nhân vật lãnh đạo chính phủ và phe đối lập từ các năm 1980 và ngày nay. Hầu hết các học giả ở Hoa Kỳ, chuyên sâu về Ba Lan đã đến hội thảo, với một số người tham gia trực tiếp như những người thảo luận. Nghị sỹ Carl Levin, Thống đốc John Engler, và các vị chức sắc khác đã dự tiệc bế mạc của chúng tôi. Có vẻ chắc chắn đã là một sự kiện mà chúng tôi có thể tự hào.

Tuy nhiên, với thời gian tôi đã tỉnh lại để nhìn câu “trong năm 1989, thế giới như chúng ta biết khi đó đã kết thúc” một cách phê phán. Ít người nghi ngờ kịch tính hay tầm quan trọng của các tháng giữa việc ký các Thỏa thuận Bàn Tròn ở Ba Lan (5 tháng Tư) và việc hành quyết Nicolae Ceauşescu ở Rumania (25 tháng Mười Hai), và tất cả mọi người dường như đồng ý rằng ngày 9 tháng Mười Một (mở bức Tường Berlin) thuộc về những ngày được in bằng chữ đỏ trên lịch của chúng ta về những ngày kỷ niệm. Khi Liên Xô cuối cùng đã sụp đổ hai năm sau đó, lời phán xét cuối cùng như Francis Fukayama diễn đạt đã hết sức nổi tiếng, chúng ta đã đến “sự kết thúc của lịch sử”. Nhưng có thật thế? Bá quyền tư bản chủ nghĩa-tự do-dân chủ được hình dung trong các năm 1990, trong nhiều trường hợp, đã chứng tỏ chỉ là một lớp gỗ dán mỏng phủ ngoài mọi thứ, từ “chủ nghĩa tư bản cao bồi” (như những người Đông Âu thường gọi nó) đến chủ nghĩa chính thống tôn giáo. Có lẽ, rốt cuộc, Geist  Hegelian [cái Tinh thần của Hegel] đã vẫn chưa đạt sự nhận thức rõ đầy đủ về chính nó. Có vẻ rằng các thế giới quan khác nhau sẽ tiếp tục đấu tranh với nhau để xác định tinh thần của thời đại tiếp theo, như chúng đã chiến đấu trong thời đại vừa qua. Và ở đâu có chiến đấu, ở đó luôn luôn có tiềm năng cho bạo lực.

Đã hầu như không có bạo lực ở Ba Lan trong năm 1989 – họ nói thế. Các cuộc đàm phán giữa những người cộng sản và phe đối lập đã dẫn đến sự chuyển đổi hòa bình của một hệ thống xã hội, kinh tế, và chính trị sang một hệ thống khác. Chưa bao giờ trong lịch sử, nhiều người đã tuyên bố, thế giới đã thấy một sự biến đổi căn bản như vậy mà không có đánh nhau và đổ máu. Nhưng, như rất thường thế, một cái nhìn gần hơn thì ít vui vẻ. Sau 1989, Đông Âu đã chịu đựng sự tăng lên về lạm dụng phụ nữ, về nghèo khổ, về vô gia cư, và về tội hung bạo. Nhà nước đã bị tước mất phần nhiều sức mạnh răn đe gây sợ hãi của nó, nhưng điều này đã chỉ tiết lộ nhiều cách mà người dân có thể bị bóc lột và áp bức trong lĩnh vực “tư”. Người dân có “tự do” hơn một thập niên trước? Trong trường hợp này sự phòng ngừa học thuật chuẩn là câu trả lời khả dĩ duy nhất: tùy vào bạn định nghĩa “tự do” thế nào, và bạn nói về những người nào. Đối với các phụ nữ không còn có thể đi bộ trên đường một cách an toàn, đối với các gia đình bị đuổi khỏi các căn hộ của họ, đối với các công nhân đã mất hết hy vọng về việc làm, thì sự ca tụng của chúng ta về sự chuyển đổi phi bạo lực năm 1989 có vẻ mỉa mai. Những người như vậy đã thấy ít bình yên, và thậm chí ít công bằng và thịnh vượng hơn, trong thế giới vẫn còn đứng khi bức Tường Berlin sụp đổ.

Là dễ để gạt bỏ những người bất mãn với trật tự thế giới mới, như những người cộng sản luyến tiếc quá khứ, những người sợ sự năng động của cơ hội và ao ước sự an toàn tầm thường. Việc coi nhẹ quan điểm của những người bị tước đoạt càng được làm cho dễ hơn bởi sự thực rằng hầu hết những người Đông Âu nói chung đã cảm thấy thỏa mãn với cuộc sống mới của họ (tuy đa số này trở nên càng nhỏ hơn khi người ta càng đi xa hơn về phía nam và phía đông). Nhưng nếu mục đích của chúng ta là để nghiên cứu các quá trình và các hậu quả của sự thay đổi phi bạo lực – và nhà tài trợ cho tập sách này, Viện Hòa Bình Hoa Kỳ, đã yêu cầu chúng tôi làm đúng điếu này – thì chúng ta cần chú ý đến những người bị bỏ lại đằng sau khi “sự thay đổi cơ bản được dàn xếp” quét qua nước họ. Mục đích không phải là để làm mất thanh thế của sự thay đổi hòa hình, mà để thăm dò mô hình “Bàn Tròn” đã hoạt động thế nào trong các hoàn cảnh lịch sử cụ thể, và để khám phá ra những căng thẳng đôi khi dễ bùng nổ mà bị che đậy – có lẽ một cách cần thiết – khi bạo lực được ngăn chặn. Căn bản hơn, chúng ta phải xem xét những cách mà theo đó bạo lực và phi bạo lực được liên kết, và đôi khi thậm chí cấu thành lẫn nhau. Chúng ta phải tiếp cận 1989 không như những người dự lễ kỷ niệm, mà như các học giả có đầu óc phê phán.

Và chúng ta phải dạy sinh viên của chúng ta cũng làm như thế. Mục tiêu chính của tập sách này là sư phạm hơn là luận chiến. Cả Michael Kennedy lẫn tôi đều không có bất cứ công thức rõ ràng nào về làm sao để ban hành sự thay đổi hệ thống, bất cứ ai mà chúng tôi mời đóng góp tiểu luận cho tuyển tập này cũng chẳng biết. Thay vào đó, tất cả chúng tôi có các câu hỏi để hỏi – đôi khi là các câu hỏi hóc búa không có các câu trả lời dễ. Hy vọng, các tài liệu được cung cấp dưới đây sẽ giúp bạn đọc đưa Bàn Tròn Ba Lan năm 1989 vào các lớp học, và giúp các sinh viên sử dụng sự sụp đổ của chế độ cộng sản như một điểm bắt đầu vào một cuộc thảo luận sôi nổi về các đặc tính tốt và những hạn chế của cách mạng hòa bình. Điểm bắt đầu cho tất cả việc này, như được gợi ý ở trên, là hội thảo được chúng tôi tổ chức vào tháng Tư 1999. Dưới đây bạn sẽ thấy vài đoạn trích gợi mở của bản gỡ băng của sự kiện đó, cùng với thông tin về làm sao để nhận được toàn bộ văn bản. Để giúp các bạn và các sinh viên của các bạn hồi tưởng và theo dõi các lý lẽ của những người tham gia Bàn Tròn, chúng tôi đã đưa thêm một bảng niên đại về các sự kiện và các bảng chú giải về tên, các tổ chức, và thuật ngữ. Cuối cùng, chúng tôi giới thiệu một sưu tập các bài báo được viết bởi một nhóm các học giả đại diện một dải rộng các môn học và các lĩnh vực chuyên môn: lịch sử, xã hội học, nhân học, khoa học chính trị, và luật học; từ Ba Lan, Armenia, Nam Phi, Hungary, và Hoa Kỳ. Toàn bộ văn bản gỡ băng của hội thảo 1999 của chúng tôi đã được trao cho các học giả xuất sắc này, và họ được yêu cầu viết một tiểu luận giải thích các hệ lụy của Bàn Tròn Ba Lan trong lĩnh vực chuyên sâu riêng của họ. Họ được hỏi, các học giả trong lĩnh vực của bạn có thể sử dụng thế nào sự sụp đổ của chế độ cộng sản nói chung, và văn bản gỡ băng của chúng tôi nói riêng, trong các lớp học của chính họ? Tất cả chúng tôi đã gặp nhau trong tháng Hai năm 2000, để trình bày và thảo luận các bài báo của chúng tôi, và cái các bạn có trong tay là kết quả của cuộc đàm luận đó. Không có đồng thuận nào, (căn cứ vào sự đa dạng của nhóm này) chúng tôi cũng đã chẳng thể kỳ vọng có một sự đồng thuận. Nhưng, tôi nghĩ, có một cảm nhận chung rằng Bàn Tròn Ba Lan đáng được nghiên cứu và đáng được dạy. Hy vọng khiêm tốn của chúng tôi là, chúng tôi có thể giúp các bạn làm như vậy – không phải bằng biếu cho các bạn bất cứ “bài học” sẵn nào từ 1989, mà bằng gợi ý một số câu hỏi khiêu khích mà người ta có thể hỏi về các sự kiện này, và về ký ức của những người tham gia về các sự kiện đó. Trong tiếp cận đến việc nghiên cứu sự thay đổi bất bạo động từ nhiều môn học khác nhau và các triển vọng khu vực, chúng tôi hy vọng rằng một số tính phức tạp, sự mâu thuẫn, và sự nhập nhằng của thương lượng hòa bình sẽ nổi lên. Có lẽ người ta có thể thậm chí nâng cao sự hiểu biết của sinh viên về bạo lực thuộc nhiều loại có thể ẩn nấp thế nào bên trong các thành tựu của những người hòa giải.

 

Dẫn nhập

Michael D. Kennedy

Thế giới được điều chỉnh một cách sâu sắc bởi những thay đổi ở Đông Âu. Chiến tranh Lạnh đã bắt đầu, một phần, quanh việc Liên Xô tiếp quản Đông Âu sau Chiến tranh Thế giới II. Những tuyên bố về một “trật tự thế giới mới” được gây cảm hứng bởi sự kết thúc của chế độ cộng sản ở Đông Âu. Học vấn khoa học Mỹ cũng được điều chỉnh quan trọng bởi những thay đổi Đông Âu. Sưu tập này cố gắng định hình sự hiểu biết đó bằng định khung lại việc thảo luận xung quanh sự kết thúc của chế độ cộng sản trong năm 1989, dời khỏi hình ảnh sụp đổ hướng về hình ảnh của sự thương thuyết để tạo ra sự thay đổi cơ bản.

Tất nhiên, Đông Âu đã chiếm một chỗ quan trọng trong học vấn khoa học Mỹ. Xã hội học so sánh, lĩnh vực riêng của tôi, đã phát triển một sự năng động quan trọng quanh sự tương phản giữa các hệ thống tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa với Đông Âu, đặc biệt Ba Lan, được miêu tả sinh động một cách nổi bật trong hệ thống sau. Sự sụp đổ của chế độ cộng sản cũng đã gây cảm hứng cho một làn sóng mới của học vấn khoa học về các thị trường và nền dân chủ được tạo ra như thế nào. Trong trường hợp sau, học vấn khoa học này rõ ràng đã dính líu vào một dự án lớn hơn về sự can thiệp. Đôi khi học vấn khoa học được thiết kế để giúp các nhà thiết kế kinh tế và chính thể để phát triển các chiến lược hữu hiệu hơn cho việc thực hiện sự thay đổi; đôi khi nó được thiết kể để phê phán các kế hoạch đã định làm rồi. Trong trường hợp trước, xung lực chính trị đã hơi xa, nhưng cũng đã có ở đó. Một cách điển hình, những so sánh này của các hệ thống đã được thiết kế để chỉ ra tính ưu việt hay kém cỏi của hệ thống này hay hệ thống kia. Những hoạt động chính trị đó, tuy vậy, đã xa cách hơn trong phần lớn xã hội học ngày nay. Đối với các đồng nghiệp Đông Âu của tôi, học vấn khoa học tốt thường đã đòi hỏi sự đứng xa hoạt động chính trị cộng sản, hay chịu sự rủi ro của địa vị bất đồng chính kiến hay đối lập. Đối với các đồng nghiệp phương Tây trong giai đoạn đó, sự hợp tác mở rộng với các đồng nghiệp Đông Âu đã có vẻ đòi hỏi một thiên hướng khách quan tương đối thờ ơ với chính trị.

Giống nhiều đồng nghiệp phương Tây của tôi những người đã nghiên cứu Đông Âu trước sự sụp đổ của chế độ cộng sản, tôi đã bị cuốn hút đến khu vực bởi một mong muốn để đi xa hơn những so sánh “hoặc thế này/hoặc thế kia”. Tôi đã muốn phát triển một xã hội học phê phán hơn mà đã lấy Đông Âu như điểm xuất phát của nó. Sự hình thành phong trào Đoàn kết trong năm 1980-81 ở Ba Lan vì thế đã là, ta có thể nói, một của trời cho. Ta có ở đây một phong trào vô sản đấu tranh vì sự công bằng xã hội, dân chủ và tự do, nhưng chống lại sự cai trị cộng sản. Phong trào Đoàn kết, và các nhà trí thức của nó, không chỉ đã giúp để đặt cơ sở cho việc xem xét chế độ cộng sản như một hệ thống có thể thay đổi, mà cũng đã biến đổi học vấn khoa học ở phương Tây. Đoàn kết, và các phong trào Đông Âu nhỏ hơn mà đã phát triển ở Hungary, Tiệp Khắc, Đông Đức và những nơi khác, đã giúp đưa xã hội dân sự trở lại với tầm nhìn giải tích và chính trị của chúng ta.

Khung khổ này về xã hội dân sự khớp rất khéo với nhiều khung khổ giải tích hiện có. Một mặt, các lý thuyết về các phong trào xã hội đã có thể sử dụng nó và đã có thể giúp nó. Rốt cuộc, các phong trào đã là một biểu hiện quan trọng của xã hội dân sự, nhưng xã hội dân sự cũng đã là một điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của các phong trào xã hội. Nền kinh tế thứ hai cũng đã được hiểu như một yếu tố của xã hội dân sự, chứng tỏ tinh thần kinh doanh và quyết tâm của nhiều người Đông Âu trong việc mở mang cuộc sống ngoài sự lệ thuộc vào nhà nước, người ta bảo thế. Các nhà nhân (loại) học, các nhà kinh tế học và những người khác đã cũng quan trọng sống còn trong việc giải thích làm sao các quan hệ xã hội và nhà nước đã cho phép nền kinh tế thứ hai này phát triển. Học vấn văn học và những nghiên cứu truyền thông cũng đã chăm lo cho sự phát triển của một khu vực công ngầm hay độc lập, bản thân nó giúp để diễn đạt rõ tầm nhìn đó của xã hội dân sự. Các học giả phương Tây đã giúp để giải thích, và diễn giải, các nhà phát ngôn hùng hồn nhất của khu vực ngầm đó.

Công việc xã hội dân sự này đã rất tiện lợi về mặt giải tích và chính trị. Nó đã cho phép các nhà học giả phương Tây và các trí thức công chúng để gắn bó với các yếu tố nào đó của các xã hội Đông Âu mà không có rủi ro, và để nhận diện các vấn đề hay các ràng buộc ở các mức khác nhau. Chính quyền cộng sản đã hiếm khi, nếu có bao giờ, đứng ở tư thế trung lập, chắc chắn không tích cực, trong những miêu tả này về xã hội dân sự. Trong khi các phong trào phản kháng, các nhà kinh doanh khởi nghiệp ngầm và các trí thức bất đồng chính kiến có thể không luôn luôn được giới thiệu một cách rõ ràng như các anh hùng, họ hiếm khi bị chỉ trích và chịu trách nhiệm vì các hành động của họ. Trong khi khung khổ xã hội dân sự này đã tồn tại xa hơn những biểu hiện Đông Âu của nó, trong sự bao quát chung của nó về chủ nghĩa đa nguyên, tính hợp pháp và tính công khai, chính kiến của nó đã rõ ràng. Đã là xã hội dân sự chống lại nhà nước cộng sản. Các cuộc Đàm phán Bàn Tròn năm 1989, tuy vậy, đã là cái gì đó rất khác. Và có lẽ, vì lý do đó, chúng đã nhận được ít sự chú ý.

Khoa học có nhiều động cơ thúc đẩy, nhưng một trong những động lực mạnh mẽ nhất của nó là vấn đề chính trị nóng bỏng. Một khi chế độ cộng sản đã biến mất, hoặc khi nó được chôn vùi, các vấn đề giải tích quan trọng nhất đã là có được các quy tắc phù hợp cho việc phát triển quyền sở hữu tư nhân và cạnh tranh bầu cử một cách thỏa đáng. Tập trung vào các công cụ mà đã đẩy những người cộng sản ra khỏi quyền lực hầu như đã không có vẻ quan trọng. Nhưng sự thiếu chú ý tương đối này, đặc biệt ở phương Tây, phản ánh nhiều hơn sự cấp bách. Nó phản ánh một chính kiến lộn xộn.

Ba Lan đã là nước đầu tiên để triển khai sự kết thúc được thương lượng tại bàn tròn đối với chế độ cộng sản. Tuy đã được bắt chước, nó mau chóng đã bị vượt qua. Mỗi cuộc thương lượng sau đó – ở Hungary, Cộng hòa Dân chủ Đức, Tiệp Khắc, và ở mức độ nào đó Bulgaria – đã tốn ít thời gian hơn và những người cộng sản đã giữ lại ít đặc quyền hơn trong hệ thống mới.

Thay cho việc Ba Lan trở thành nhà tiên phong cô lập của cải cách, thành tựu chính trị của Ba Lan, được đo về mặt sự suy yếu cộng sản, đã trở nên đáng hổ thẹn đối với nhiều người trong phe đối lập Ba Lan. Bàn Tròn, thay cho là một nước đi chính trị tài giỏi, đã là một giao dịch với ma quỷ. Không giống xã hội dân sự, mà các anh hùng và những kẻ bất lương của nó đã là rõ ràng, Bàn Tròn đã làm phức tạp các phán xét và đã chia rẽ các lực lượng chống cộng ở Ba Lan, và bạn bè họ ở nước ngoài.

Có lẽ đó đã là lý do vì sao tôi đã hơi ngạc nhiên khi các đồng nghiệp của tôi – Brian Porter và Marysia Ostafin – đầu tiên đã nêu ra ý tưởng rằng chúng tôi triển khai một hội thảo hoàn toàn về Bàn Tròn Ba Lan. Bình thường các bài giảng Copernicus hàng năm của chúng tôi đã chỉ mô tả các nét nổi bật của các nhân vật tương đối không phức tạp của khoa học hay chính trị, phần nhiều giống xã hội dân sự đã có thể tập trung vào lợi ích của xã hội đối lại cái ác của nhà nước cộng sản. Việc này sẽ là phức tạp bởi vì chúng tôi đã không thể đơn giản giới thiệu Bàn Tròn từ một quan điểm duy nhất xét rằng nó đã, rốt cuộc, là một thỏa hiệp. Và điều đó có nghĩa là đưa những người cộng sản trước kia đến Michigan.

Tất nhiên đã có tiền lệ. Janusz Reykowski, một trong các nhà đàm phán quan trọng nhất cho những người cộng sản, đã là một nhà tâm lý xã hội xuất sắc và một cộng tác viên từ lâu của Viện Nghiên cứu Xã hội của Đại học Michigan. Quả thực, ông đã thăm Michigan trong năm 1989 để thảo luận các cuộc đàm phán này. Tôi nhớ đã bị ấn tượng lúc đó về sự tinh thông xã hội vi mô của ông đã quan trọng thế nào trong việc giúp để tạo ra những thay đổi xã hội tầm vĩ mô nhất. Trong gần mười năm kể từ khi việc đó xảy ra, tuy vậy, đã có tương đối ít nghiên cứu khoa học được tiến hành để giải thích các cuộc đàm phán này đã xảy ra như thế nào. Đã đặc biệt ít người thử liên kết các câu chuyện của những người tham gia tạo ra sự thay đổi cơ bản với những sự bất ngờ, ngẫu nhiên của bản thân sự biến đổi.

Trong khi chúng tôi, các chuyên gia về văn hóa, lịch sử và xã hội Ba Lan, đã có thể biện hộ như vậy cho sự quan tâm của chúng tôi đến chủ đề, chúng tôi đã phải nghĩ về hội nghị này một cách tham vọng hơn nhiều. Chúng tôi đã thấy trước rồi rằng các cuộc kỷ niệm mười năm sự sụp đổ của chế độ cộng sản sẽ trở nên tầm thường. Ngoài ra, vì sao Bàn Tròn Ba Lan phải xứng đáng sự quan tâm nhiều hơn sự sụp đổ của bức Tường Berlin? Hình ảnh sau, rốt cuộc, phù hợp với câu chuyện sụp đổ nhiều hơn là bức tranh về những người nói chuyện quanh một chiếc bàn lớn.

Trong sự gấp gáp để xây dựng một xã hội mới trên cảnh đổ nát của chế độ cộng sản, hình ảnh sụp đổ khớp rất khéo với những người muốn thiết kế, hay áp đặt, các định chế theo cách mới. Với những người cộng sản bị đánh bại, các câu hỏi về sự rút lui của họ đã được tiến hành ra sao đã có vẻ thích hợp nhất để giao cho các sử gia, một khi đủ thời gian có thể xen vào để cho phép vẽ các bức ảnh trung lập. Tuy vậy, càng ngày càng rõ rằng chính quyền cộng sản đã tạo ra một hình mẫu các mối quan hệ xã hội mà với nó quá khứ bị cộng sản cai trị trở thành một phần không thể tách rời của sự hiểu một tương lai tư bản chủ nghĩa và dân chủ. Mặc dù điều đó có ý nghĩa giải tích, nó vẫn để lại một sự ghê tởm chính trị mạnh mẽ đối với nhiều người, đặc biệt khi những người cộng sản đã có thể được thấy là có lợi từ sự rút lui của chính họ. Bàn Tròn, người ta nói, đã là một giao dịch mà đã ban đặc ân cho những người tham dự. Tuy vậy, đã có cách khác để xem xét Bàn Tròn này, nhưng nó đòi hỏi bước từ bên ngoài dòng chảy của lịch sử Ba Lan phổ biến vào thế giới của sự bất ngờ và so sánh. Nó đã đòi hỏi tư duy về Bàn Tròn như một thí dụ về sự thay đổi hòa bình, nhưng cơ bản.

Khi chúng ta nghĩ về sự thay đổi cơ bản, chúng ta thường nghĩ về bạo lực. Đôi khi chính định nghĩa về cách mạng bao hàm bạo lực như một yếu tố cần thiết. Đấy là một lý do nhiều nhà bình luận lúc đó đã tìm các từ mới để mô tả những sự thay đổi cơ bản của năm 1989. Sự thay đổi hòa bình khắp khu vực, với ngoại lệ Rumania mà đã chứng minh quy luật, mau chóng đã trở thành trong những một đặc tính đặc biệt của “cách mạng”. Mặc dù một yếu tố của sự mô tả, nó đã hiếm khi được bàn luận chi tiết, hay được giải thích, đặc biệt xung quanh Bàn Tròn.

Đối với một số người đàm phán tại Bàn Tròn, bạo lực đã là một khả năng mà họ đã tìm cách tránh. Quả thực, cuộc đấu tranh để loại bỏ bạo lực đã có thể được hiểu như là một nét chủ đạo của sự hồi tưởng, nhưng đã hiếm khi là một chủ đề lớn của sự phân tích. Một khi bạo lực trở thành một khả năng trong chuyện kể về sự sụp đổ của chế độ cộng sản, tuy vậy, mối quan hệ của nó đối với các đặc tính khác của sự biến đổi xã hội trở nên có tính quyết định. Và nhiều vẻ.

Chúng tôi đã tiếp cận câu hỏi này về hòa bình và bạo lực trong năm 1989 với một sự nhận rõ rằng những hệ lụy của sự thay đổi được dàn xếp nhưng cơ bản đòi hỏi nhiều cách tiếp cận học thuật khác nhau, với kiến thức cơ bản trong các khu vực thế giới khác nhau, để thấy rõ tiềm năng giải tích lớn hơn của nó. Tất nhiên, chúng tôi nhờ cậy đến những người đã gắn kết với những nghiên cứu về Ba Lan rồi – một sử gia, một nhà khoa học chính trị, và một nhà xã hội học – nêu ra các câu hỏi về “sự thay đổi hòa bình nhưng được thương thuyết” này dưới ánh sáng của những thảo luận chuyên ngành với sự cộng hưởng rõ ở Ba Lan. Chúng tôi cũng đưa những người với kiến thức cơ sở học thuật chính ở các nơi khác – để trình bày những giải thích học thuật xung quanh việc giải quyết xung đột, ký ức, và sự thay đổi chính trị và thay đổi toàn cầu với các câu hỏi sinh động bắt nguồn từ các tầm nhìn so sánh rộng hơn.

Sưu tập này, vì thế, nhờ cậy vào những khát vọng so sánh quá khứ đó của khoa học Mỹ mà tôi đã nhắc đến ở trước, hình dung những thay đổi ở các phần khác của thế giới giống thế nào và khác ra sao với những thay đổi ở Ba Lan. Nhưng những so sánh này cũng khác với truyền thống sớm hơn đó mà đã tương phản các hệ thống xã hội chủ nghĩa với các hệ thống tư bản chủ nghĩa. Những so sánh này được tiên đoán không dễ đến vậy trên quan điểm của các hệ thống thay thế khả dĩ, hay thậm chí các xã hội khác biệt một cách rõ rệt. Thay vào đó, chúng tôi thấy sự thay đổi ở Ba Lan, Hungary, Armenia và Nam Phi bị dính líu vào một sự biến đổi lớn hơn của thế giới. Chúng cũng đã ảnh hưởng lẫn nhau. Ngoài ra, chúng tôi thấy sự cộng hưởng quan trọng với các quá trình vi mô của sự giải quyết xung đột qua các địa điểm khác nhau của sự thay đổi xã hội. Mặc dù chúng ta cần chú trọng đến những so sánh qua những thí dụ của sự thay đổi lịch sử thế giới, các bài học quan trọng có thể được mở rộng từ, và đến, các khoảnh khắc kịch tính này bởi những người nghĩ về sự giải quyết xung đột hoạt động thế nào trong những khung cảnh thế thục so sánh.

Chúng tôi cũng thấy, trong sưu tập này, một mối quan hệ phức tạp hơn nhiều giữa khoa học và chính kiến. Mặc dù bản thân Max Weber đã là một trong những người giải thích về khoa học  không mang giá trị, ông cũng đã biết khá kỹ rằng các vấn đề làm sôi động khoa học xã hội và lịch sử chẳng bao giờ có thể được tách ra khỏi những mối quan tâm khai hóa trong khung cảnh thành hình câu hỏi. Điều này đặc biệt rõ trong sưu tập này, nơi mỗi tác giả vật lộn không chỉ để giải thích Bàn Tròn diễn đạt rõ ràng thế nào với các khối học vấn khác nhau, mà cả các câu hỏi được nêu ra có thể tái định khung ra sao cơ sở chuẩn tắc của công việc học thuật trong mối quan hệ với chính trị, lịch sử và sự thay đổi xã hội. Một lượng lớn học vấn, bất luận về các dân tộc hoặc những người bị áp bức, hoặc về giai cấp vô sản hoặc xã hội dân sự, đã đồng nhất với các tác nhân thay đổi chống lại các nhân vật đàn áp hay chế độ cũ. Tại Bàn Tròn Ba Lan, sự sắp xếp chỗ thoải mái này đã mất. Làm sao các kẻ thù trở thành các nhà đàm phán, xung đột cơ bản đã chịu nhường sự giải quyết xung đột ra sao, ngụ ý một sự định vị học thuật khác, một cơ sở chuẩn tắc khác thường, và một mối quan hệ đã thay đổi đối với sự làm ra lịch sử. Nó gợi ý một chương trình nghị sự khác cho tư duy về mối quan hệ giữa chính trị và khoa học, chí ít đối với những người mà từ lâu đã bị dính líu vào một lý thuyết mà đã đối sánh chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Các bài học của Bàn Tròn Ba Lan vượt xa hơn Ba Lan, và đúng hơn mời gọi chúng ta suy nghĩ nghiêm túc về các tầm nhìn của những thay thế khả dĩ mang tính hệ thống, các quá trình vi mô của sự giải quyết xung đột và sự tạo ra lịch sử và những thay thế khả dĩ chính trị có thể được làm lại ra sao dưới ánh sáng của sự thay đổi hòa bình, nhưng căn bản này ở Ba Lan, và xa hơn.

Dịch giả Nguyễn Quang A gửi trực tiếp cho BVN

 

Thương lượng sự Thay đổi Cơ bản: Hiểu và Mở rộng các Bài học của các cuộc Đàm phán Bàn Tròn Ba Lan (Kỳ 3)

This entry was posted in Dân chủ. Bookmark the permalink.