Tháng Bảy: “Lỗi tại tôi, tại tôi … mọi bề!”

                    “Thân ái gửi tặng những đồng nghiệp GD – ĐT

                     cùng các thế hệ học sinh cũ của tôi”. (NTL)

                      

“…Có một hiện thực sừng sững không thể bôi bác, xuyên tạc, phủ nhận được là: Trong nhiều năm qua, nhiều cuộc biểu tình yêu nước, phản đối Trung Quốc, khẳng định Biển Đông – Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam… đã nổ ra ở Hà Nội và Thành phố Sài Gòn. Nhưng vì sao các đồng nghiệp của tôi, học sinh của tôi, đặc biệt là những trang lứa học sinh cuối cấp phổ thông trung học lại không tìm đến với những cuộc biểu tình đó? Tháng 7… mang đến và mang đi những gì có thể giúp mọi người tìm được lời giải cho câu hỏi này?”

   

…Sáng 1 – 8 – 2013, CHƯƠNG TRÌNH MINH TRIẾT LÀM CHỦ BIỂN ĐÔNG tổ chức họp mặt các tác giả có công trình về chủ quyền Biển Đảo Việt Nam, tôn vinh phong trào góp đá cho Trường Sa, Tấm lưới nghĩa tình… tại 65 Văn Miếu Hà Nội. Tôi đến dự cuộc hội ngộ này trong tâm trạng háo hức vô cùng, vì tôi sẽ được gặp những đại diện ưu tú của xã hội Việt Nam dân sự đang dần dần hiển hiện. Họ là những học giả, tác giả uyên thâm, những “Ông Lớn” danh tiếng trong làng Blog, những người đã từng xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc, khẳng định Biển Đông – Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam, bất chấp sự ngăn cấm, đàn áp, bắt giữ thô bạo… của chính quyền. Và suốt cả buổi sáng hôm đó, tôi và mọi người đã sống trong trạng thái rưng rưng cùng cảm hứng:

“Biển Đông vạn dặm dang tay giữ

Đất Việt muôn năm vững trị bình.”

(Nguyễn Bỉnh Khiêm 1492 – 1585).

Thử hỏi không bất ngờ sao được khi trong danh sách 63 tác giả có tác phẩm về chủ quyền Biển Đảo được tôn vinh lần này có cả Trung Tá Hải Quân Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà Vũ Hữu San, ông nguyên là Hạm Trưởng Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư HQ 04 đã từng tung hoành trong trận chiến rất không cân sức chống lại cuộc xâm lăng của Trung Quốc vào vùng biển đảo Hoàng Sa năm 1974. Ông là một chuyên gia lớn về Biển Đông đang cùng gia đình cư ngụ tại San Jose, California, Hoa Kỳ.

Thử hỏi không xúc động sao được, khi những việc làm tự phát của người dân đã được ghi nhận:

“Các tầng lớp nhân dân đã có thái độ rất rõ ràng, bên cạnh các cuộc biểu tình … là các cuộc hội thảo, toạ đàm, tìm kiếm chứng cớ lịch sử, xuất bản sách, mở trang web…” và “Đi tiên phong là những nhân sĩ trí thức và một số tổ chức thuộc xã hội dân sự đã chứng tỏ quốc hồn quốc tuý của dân tộc vẫn là truyền thống cần trân trọng”.

                    (Nguyễn Đình Lộc – Nguyễn Vi Khải)

Thử hỏi yên tâm sao được khi:

“Phản ứng quá chậm của nhà nước, như là hình thức để “Rơi Tự Do”, buông xuôi việc xác định chủ quyền của mình về Biển Đông. Ứng xử khó hiểu của nhà nước (ngăn cản, đàn áp các cuộc biểu tình ôn hoà yêu nước) gây sốc lớn tới mức bất bình trong xã hội, đi ngược lại tính chất Dân Chủ – Tự Do – Độc Lập mà Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi”.

(Nguyễn Đình Lộc – Nguyễn Vi Khải)

Làm sao có thể không xúc động trước những kết luận khẳng định:

  • “Thềm Biển Đông là cái nôi của người Việt. Tại đây tổ tiên chúng ta đã gặp gỡ, yêu đương, lao động và sáng tạo ra nền văn minh nông nghiệp đầu tiên của nhân loại. Cũng từ đây, nhiều thế hệ người Việt lên đường mở đất gieo văn minh trên khắp Châu Á, Châu Âu và cả Châu Mĩ” (Hà Văn Thuỳ).
  • “Biển Đông có tầm quan trọng đặc biệt trong chiến lược không chỉ đối với Việt Nam, Trung Quốc, mà còn là của khu vực ASEAN của Châu Á và thế giới. Tầm chiến lược không chỉ là ý nghĩa Địa – Chính Trị – Chủ Quyền mà còn là chiến lược thương mại, quân sự, kinh tế, tài nguyên môi trường sinh thái. 

Là người viết báo tự do, xuất thân là giáo viên dạy Địa Lý cho bậc PTTH… tôi thấy tinh thần hào sảng của các học giả, tác giả kể trên là sự thăng hoa kiến thức từ những giai đoạn GD – ĐT nào đó rực rỡ trong quá khứ, hay là nhờ những tố chất thiên bẩm di truyền của dòng tộc, những trải nghiệm tự giáo dục của mỗi người mà có thì phải! Còn …

TỪ NHIỀU NĂM NAY, TINH THẦN GD – TRIẾT LÝ GIÁO DUC – SÁCH GIÁO KHOA – ĐỀ THI – ĐÁP ÁN CHẤM THI – NGƯỜI LÀM GD… KHÔNG NÓI ĐƯỢC NHỮNG ĐIỀU NHƯ MINH TRIẾT LÀM CHỦ BIỂN ĐÔNG ĐÃ NÓI.

Hiện tại và cả trong tương lai, lãnh đạo Bộ GD – ĐT không thể lý giải, biện minh cho việc mình đã ra nhiều Thông Tư – Chỉ Thị cấm học sinh, sinh viên tham gia vào các cuộc biểu tình yêu nước rất ôn hoà, phản đối Trung Quốc thành lập Tam Sa, phản đối Trung Quốc đánh đập khủng bố ngư dân Việt Nam, khẳng định Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam? Nhiều hiệu trưởng sẽ phải hối hận vì đã mẫn cán một cách mù quáng, đã công khai dưới cờ sẽ đuổi học những học sinh nào dám tham gia vào các cuộc xuống đường như vậy mà không có một lời giải thích nào có thể chấp nhận được.

Vậy mà vài năm gần đây, đề thi môn Địa Lý năm nào cũng có những câu hỏi liên quan đến những vấn đề nhậy cảm như Biển Đông, lãnh hải, đảo gần bờ và xa bờ…, những vấn đề này đang là nỗi quan tâm, lo lắng của toàn xã hội. Người ta dễ nhầm tưởng rằng, việc giáo dục ý thức bảo vệ Lãnh Thổ – Biển – Đảo… đã được ngành GD – ĐT coi trọng. Thực tế không như vậy. Từ những kiến thức sách vở, những giáo điều cằn cỗi… mà chuyển hoá thành những tình cảm thiêng liêng như lòng yêu nước, dám vượt qua sự sợ hãi để đứng vào hàng ngũ với những người xuống đường biểu tình… còn là một quãng cách không nhỏ chút nào.

Hãy cùng xem lại câu 01 trong Câu I của đề thi vào đại học năm 2013 môn Địa Lý – Khối C, để biết người ta đã hỏi các thí sinh hôm nay những kiến thức gì về Biển Đông?

  1. 1.     Trình bày khái quát về Biển Đông và nêu các thiên tai ở vùng ven biển nước ta. 

Và đây là đáp án của Bộ cho câu này:

  • Khái quát về Biển Đông:

–         Là biển rộng 3.447000Km2 lớn thứ 11trong các biển của Thái Bình Dương.

–         Là biển tương đối kín, phía Đông và Đông Nam được bao bọc bởi vòng cung các đảo.

–         Nằm trong vùng nhiệt đới ẩm gió mùa.

–         Có ảnh hưởng mạnh mẽ đến thiên nhiên phần đất liền nước ta.

  • Thiên tai:

–         Bão (9 – 10 cơn, có 3 – 4 cơn vào Việt Nam).

–         Sạt lở bờ biển vùng ven biển miền Trung.

–         Nạn cát bay, cát chẩy ở ven biển miền Trung. (Hết) 

Chao ôi! Lẽ nào kiến thức về Biển Đông, những hệ luỵ của Biền Đông… chỉ đơn giản có thế thôi sao? Nói về vùng biển mang nỗi đau sinh thành của cả giống nòi Việt Tộc mà chẳng khác gì nói về một vùng biển xa lạ của người dưng như thế mà yên tâm được hay sao?

Chúng ta đều biết, Biển Đông vốn dĩ là một thực thể tự nhiên, nay nhắc đến hai chữ Biển Đông là nhắc đến một khu vực vô cùng nhạy cảm, là nơi Trung Quốc đang muốn biến thành ao nhà của họ. Khu vực đó không chỉ là vấn đề của một hai nhà nước, mà nó đang lôi cuốn cả khu vực Đông Nam Á, thậm chí cả siêu cường số 1 Hoa Kỳ. Biết bao hội nghị quốc tế, đối thoại quốc tế, đối thoại Asean cộng 2, cộng 3… đã diễn ra từ nhiều năm nay mà vẫn chưa ra nổi bộ “Quy Tắc Ứng Xử Biển Đông” (COC), vậy mà các tú tài của ta vẫn chỉ vô tư lự với mấy gạch đầu dòng… của đáp án, chưa biết gì về thuật ngữ “Địa Lý – Chính Trị” của Biển Đông thì kể cũng lạ!

Nhiều năm nay, ý thức công dân được hình thành qua bài giảng là nhờ những kiến thức hạn hẹp như thế, chả trách giáo viên và học sinh của ta… họ ơ hờ với những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc, phản đối đường “Lưỡi Bò” của Trung Quốc liếm hết 80 % Biển Đông cùng Hoàng Sa – Trường Sa của chúng ta, chả trách Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha… những THIÊN THẦN ÁO TRẮNG tuổi học trò quá cô đơn giữa phiên toà Long An xám ngoét một màu sắc phục cảnh sát.

Những Thiên Thần cô đơn!…

Lại càng lạ hơn trong những thiên tai, hiểm hoạ có thể đến từ Biển Đông học sinh của chúng ta không hề biết gì về sóng thần (Tsunami). Về lý thuyết, Tsunami có thể ập vào bờ biển Việt Nam bất cứ lúc nào, bởi về cấu trúc địa chất, ta nằm gần với các đới đứt gãy và kiến tạo miền Tây Thái Bình Dương. Thảm hoạ nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản bị sóng thần đập vỡ năm 2011 là bài học còn quá nóng bỏng! Năm ngoái nhân dân Đà Nẵng đã thực tập khắc phục sóng thần rất sôi động, lẽ nào học sinh, sinh viên lại không biết!

Liên quan đến việc này, thật trớ trêu, bất chấp sự khuyên can, phản đối của các trí thức, khoa học gia… trong và ngoài nước và phớt lờ một thực tế là giữa lúc nhiều nước văn minh đã tuyên bố huỷ bỏ, từ chối, nói không với điện hạt nhân thì dự án nhà máy điện hạt nhân trị giá hơn 20 tỉ USD vẫn đang được xúc tiến ở bờ biển Ninh Thuận, vậy mà tú tài Việt Nam hôm nay trong đó có thể trong tương lai có người sẽ là những chuyên gia vận hành nhà máy này, lại không cần biết gì về sóng thần… thì đúng là điếc không sợ súng, là chưa thấy quan tài chưa rơi lệ!

Tôi mang bức xúc của một người đã từng dạy Địa Lý, tìm đến tra vấn người bạn đồng môn ngày nào, anh là một chuyên gia có hạng trong làng dạy luyện thi đại học khối C hiện nay. Anh mắng tôi: …từ ngày “RA KHƠI…”, quên hết cả rồi sao.

“Người THẦY hiện nay phải biết cả làm THỢ thì mới trụ được. Làm gì ra có chuyện muốn dạy gì thì dạy theo ý mình. Phải nhớ rằng, kiến thức trong Sách Giáo Khoa là tối đa, cũng là tối thiểu và kiến thức đó là pháp lệnh… Luyện thi Địa cũng như luyện thi Văn, thi Sử… thi các môn tự luận nào cũng thế thôi, “Chém Gió” thế nào thì cứ chém… còn học trò làm bài không trúng với sách giáo khoa, với đáp án là vứt!”.(BMT) 

Tôi hơi bất ngờ, sau bao nhiêu cải cách, cải tiến, cải lùi tốn biết bao tiền bạc của nhân dân mà triết lý dạy học bây giờ lại thế này sao? Tôi mượn BMT bộ sách giáo khoa Địa Lý 12 mới nhất để về tra cứu, thì hỡi ôi! Trang 36 – Bài 8 “Thiên nhiên chịu ảnh hưởng sâu sắc của biển” – Phần I. “Khái quát Biển Đông” viết còn dở hơn, buồn hơn, thiếu hơn, nhạt hơn, vô hồn hơn… cả đáp án của Bộ (!?). Với một bộ sách giáo khoa, một đề thi, một đáp án chấm như thế, thì bài giảng của THỢ DẠY làm gì ra có “Lửa”…, tất yếu sẽ là sự lên ngôi của trường phái dạy đọc – chép, dạy ê a, học vẹt, học thuộc lòng, thậm chí là giữ trẻ lớn… làm gì ra có câu chuyện Dạy – Học một cách sáng tạo…  lấy đâu ra những thăng hoa như lòng yêu nước, như ý thức công dân… Quá trình Dạy – Học trở thành quá trình nhồi sọ, trở thành cuộc tra tấn nhau không thương tiếc giữa thầy và trò. Sân trường PTTH Nguyễn Hiền Thành Phố HCM ngày nào ngập tài liệu ôn thi môn Sử bị xé bỏ khi có tin Bộ GD không chọn thi môn này… là một ví dụ quá đắt giá cho thảm trạng Dạy – Học hiện nay.

Năm nào cũng thế, mùa thi trôi đi cùng với những sân trường nhạt phai màu phượng vĩ, cũng phai nhạt luôn những đại ngôn “Mùa Thi Nghiêm Túc” ai cũng biết là dối trá. Người ta đã quên những Người Đương Thời chống tiêu cực như Nguyễn Thượng Long – Đỗ Việt Khoa – Edu Lê Đình Hoàng cùng những thuật ngữ “Hai Không!”, “Bốn Không!…” mang dấu ấn Nguyễn Thiện Nhân ngày nào rồi. GD – ĐT ngày nay đã xuất hiện những chiêu trò mới tinh vi, trí trá hơn nhiều. Trường thi ngày nay không bao giờ còn cảnh đám đông áp sát, trèo tường tiếp cận phòng thi để cướp đề hay ném bài như năm xưa. Giờ đây, trước khi thi nội bộ các trường phải “Quán Triệt”, “Săn Sóc” học sinh, thật kĩ lưỡng để “Trong Ấm – Ngoài Êm”, trộn trường giỏi lẫn với trường kém để thí sinh có cơ hội quay cóp, cùng những biến tướng rất tinh vi của việc thu tiền “Bôi Trơn”, “Chống Trượt” thông qua hội phụ huynh… nhằm biến những ông bà chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng thi từ nơi khác đến, những ông bà thanh tra, giám thị, an ninh, phụ huynh đến làm tạp vụ… tất tật cùng tự nguyện ngoảnh mặt đi cho thí sinh trong phòng thi muốn làm gì thì làm, chấp nhận mình là những kịch sĩ tự nguyện cho một vở kịch dối lừa vừa tầm thường, vừa tội lỗi có tên:

“ANH ĐƯỢC … TÔI ĐƯỢC …TẤT CẢ CHÚNG TA CÙNG ĐƯỢC ”.

Chỉ có mỗi sự nghiệp GD – ĐT là chẳng được gì, lại bị cả xã hội mô tả là ngày càng suy thoái, vậy mà tỉ lệ đỗ tốt nghiệp lại ngày càng cao, năm sau lại cao hơn năm trước… thì điều đó lại tiềm ẩn một tai hoạ. Và… một bí mật động trời bỗng nổ tung giữa thanh thiên bạch nhật ngày 20/7/2013. Theo báo Đất Việt:

“Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo 63 tỉnh thành đã tuân theo “chỉ đạo mật” của Bộ để giữ cho tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2012 không được cao hơn tỷ lệ các năm trước. Bí mật này mới được lộ ra trong hội nghị tổng kết năm học 2012-2013 mới đây, giống như một quả bom gây sốc cho dư luận.”

“Tại Hội nghị tổng kết năm học 2012-2013 và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Đà Lạt, Lâm Đồng, ngày 20/7 vừa qua, ngành giáo dục đã làm cho dư luận một phen té ngửa. Đó là trong phần tổng kết, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Trong năm học vừa qua, toàn ngành đã quyết định tỷ lệ tốt nghiệp THPT không được vượt quá tỷ lệ tốt nghiệp những năm trước, nhằm chống căn bệnh thành tích và siết chặt giám sát thi cử.”. (Hết trích)

Than ôi! Thế ra chưa thi cử gì, người ta đã định được đỗ bao nhiêu thì có khác gì:

“Bắt ngần này, phải ngần này,

Cho bao nhiêu mới được phần bao nhiêu”. 

Có thể nói, toàn ngành GD – ĐT Việt Nam hiện nay đang nằm dưới những vì sao hấp hối, quá xấu của Thiên Hà vô tận. Cả ngành GD – ĐT còn chưa hết ngao ngán vì vị Bộ trưởng của mình nằm ở tốp đội sổ về tín nhiệm trong cuộc bỏ phiếu của QH vừa qua, thì lại nổ bùng scandal “Bà mẹ VN anh hùng, người hoạt động cách mạng từ trước 1 – 1 – 1945 và người hoạt động cách mạng từ 1 – 1 – 1945 đến 8 – 1945 được cộng điểm thi đại học!”. (Thông Tư 24/2013 – BGDĐT).

Thật không còn gì để nói, để buồn hơn. Nhiều lúc tôi nghĩ, hay là vì sự kiện liệt sĩ đã báo tử, bố con “Người Rừng” lưu lạc suốt 40 năm… bất ngờ trở về được cả xã hội chào đón, được chữa bệnh, được làm mọi chế độ, chính sách để được hưởng ưu đãi, đã giúp biết bao quan chức của ngành Thương Binh – Xã Hội, ngảnh Y – Tế … từ cơ sở đến Trung Ương ghi bộn điểm cho thành tích đền ơn đáp nghĩa của mình, đã đặt ban lãnh đạo GD – ĐT vào tình thế phải làm cái gì đi chứ để chứng tỏ mình cũng đang tồn tại, đang uống nước nhớ nguồn đây! Và thế là Thông Tư 24/2013 …ra đời.

Trước sự la ó, “Ném Đá” dữ dội của dư luận, Thông Tư trên đã chết yểu sau hơn một tuần vô duyên, lạc lõng giữa đời. Tôi không đủ can đảm để trích ra đây những comments vô cùng giận dữ từ khắp mọi nơi đã dành cho sự kiện ngớ ngẩn, phản cảm ở mức độ đặc biệt này. Lãnh đạo GD – ĐT đã tự vẽ hề lên gương mặt mình.

Tôi rất biết người ta sẽ nói rằng, chê nhau thì dễ lắm… còn chỉ ra cho nhau phải làm gì, làm thế nào… mới là người thực sự có tâm. Xin thưa! Nếu lãnh đạo Bộ GD – ĐT không còn việc gì để làm nữa, nay lại muốn bày tỏ với xã hội rằng mình cũng là những người có thái độ sống nhân văn chứ không phải là vị ghế, vị tiền hay “Nửa đời sau lại vị người ngồi trên” (Xuân Sách).

Thì đấy…

Với Giáo Dục Đại Học, nếu Bộ thấy mình có phần nào trách nhiệm trong vụ NHÃ THUYÊN đang bị đánh hội đồng một cách rất hạ cấp, thì phải có quan điểm rõ ràng trong vụ này, phải trả lại công việc bình thường cho PGS Nguyễn Thị Bình và Nhã Thuyên cán bộ giảng dạy khoa văn ĐHSP Hà nội bởi công trình khoa học:

“VỊ TRÍ CỦA KẺ BÊN LỀ – THỰC HÀNH THƠ CỦA

NHÓM MỞ MIỆNG TỪ GÓC NHÌN VĂN HOÁ”.

Luận văn khoa học điểm 10/10 này đang bị 1 số môn đồ thuộc trường phái “Tem Phiếu”, “Kiểm Dịch” và “Chỉ Điểm” mà người đọc đã nhẵn mặt, họ đang nhao nhao, la lối quy kết các tác giả trên là mưu toan “XÔ ĐỔ THẦN TƯỢNG” – “GIẢI THIÊNG LÃNH TỤ !” và lu loa phải coi vụ này như một vụ Nhân Văn Giai Phẩm 2, cần phải xử lý hình sự.

Với sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha đang lao lý một cách bất công vì các biểu ngữ yêu nước của mình… Bộ GD – ĐT không thể im lặng mãi, phải lên tiếng để công an và ngành tư pháp trả lại tự do cho họ.

Với GD phổ thông, xin bớt đi phần đóng góp của phụ huynh vào đầu năm và cuối năm đi, vì chi ngân sách theo đầu học sinh hàng năm là kỉ lục, là quá lớn rồi. Xin Bộ quan tâm hơn nữa đến GD ở vùng sâu vùng xa, đừng để thày trò cùng rét run trong mùa đông giá lạnh, đừng để xuất hiện những bữa ăn học trò trường nội trú miền núi chỉ có rau rừng cùng chuột, bọ, cóc, nhái… mà các cháu phải tự đi tìm bắt được.

Với giáo viên hưu trí, xem lại các chế độ chính sách đã vận dụng cho cả một thế hệ giáo viên đã từng “Mỗi giáo viên là một chiến sĩ trên mặt trận văn hoá tư tưởng!” “Mỗi nhà trường là một pháo đài của CNXH!”. Thế hệ những giáo viên “Ba sẵn sàng” này khi hoàn thành nghĩa vụ lao động thì họ rơi vào cảnh không nhà, không đất, không thâm niên… thu nhập hưu trí không bằng học trò lứa cuối của mình. Tôi biết, mình nói thế cũng là thừa… nhưng đó là một hiện thực. Một hiện thực bất công liên quan tới cả một thế hệ giáo viên bằng xương bằng thịt chứ không phải là Thông Tư 24/2013 vừa qua của quý vị. Thông tư đó chỉ vị những bóng người hư ảo trên mảnh đất quá nhiều bất công và đau khổ này.

Tôi viết những dòng này vào lúc scandal về những sinh linh bé bỏng vừa chào đời đã phải chết tức tưởi vì tiêm phải vacxin có vấn đề và vụ “nhân bản xét nghiệm máu”… ở bệnh viện Hoài Đức Hà Nội đang làm cả xã hội rúng động, bàng hoàng, hoang mang và đau đớn trước sự tan vỡ của y đức. Hy vọng người Thầy Thuốc Anh Hùng Hoàng Thị Nguyệt (người tố cáo vụ nhân bản phiếu kết quả xét nghiệm) sẽ không có số phận bi đát như Thầy Giáo Đỗ Việt Khoa, người đã làm vỡ tung những gian dối thi cử ở Hà Tây năm nào. Ơn trời, đất nước vẫn còn những người THẦY THUỐC VÀ THẦY GIÁO dám cảm tử cho sự chiến thắng của những điều lương thiện và tử tế.

Chị Hoàng Thị Nguyệt đã dũng cảm đưa tiêu cực ra ánh sáng để bảo vệ quyền lợi 

của người bệnh, bảo vệ sự trong sạch của ngành y tế. Ảnh: D.Ngọc

Để khép lại bài viết này, xin trích dẫn câu 02 thuộc Phần I đề thi cao đẳng năm 2013 môn Ngữ Văn cho khối C – D.

Câu 02 (3 điểm): “Khi có lỗi, người tử tế sẵn sàng nhận lỗi, kẻ ti tiện chỉ tìm cách đổ lỗi cho người khác”.

“Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh / chị về ý kiến trên”. 

Nếu tôi là lãnh đạo của ngành GD – ĐT và ngành Y TẾ lúc này, nếu tôi phải làm đề thi này, câu cuối cùng cho bài văn ngắn của tôi sẽ được viết như sau:

“… lỗi tại tôi, tại tôi… mọi bề!… Xin không dám đổ lỗi cho thằng đánh máy nữa!”./. (Hết)

Hà Đông 9 – 8 – 2013

N. T. L.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

This entry was posted in phản biện, Pháp Luật. Bookmark the permalink.