Việt-Trung và Việt-Mỹ (Kỳ 1)
Hai chuyến công du Bắc Kinh và Washington của Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang liên tiếp trong tháng Sáu và tháng Bảy vừa qua đã được nhiều quan sát viên Việt Nam và quốc tế phân tích và bình luận. Bài này sẽ góp thêm một số suy nghĩ về kết quả của hai chuyến đi ấy, không chỉ căn cứ vào những ngôn từ công khai trong hai bản Tuyên bố Chung mà còn qua những hàm ý ở giữa những dòng chữ hay đàng sau những lời phát biểu chính thức. Việc so sánh nội hàm của các văn kiện và lời phát biểu sẽ cho thấy rõ hơn mục đích và chủ trương của mỗi bên, để từ đó có thể nhận định về tương lai của Việt Nam trong quan hệ ba chiều Việt Nam, Trung Quốc và Hoa Kỳ. Từ những nhận định này, chúng ta sẽ thấy được những gì mà Việt Nam cần phải làm sau hai cuộc họp thượng đỉnh Việt-Trung và Việt-Mỹ.
Một cách tổng quát, bản Tuyên bố chung (TBC) Việt Nam-Trung Quốc xác lập quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia, trong khi bản TBC Việt Nam-Hoa Kỳ chỉ nói đến quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước. Thông thường thì giữa các đối tác (partners) đều có sự hợp tác (cooperation), nhưng có những trường hợp quan hệ đối tác mới chỉ ở mức độ tham khảo, thảo luận, chưa tiến đến quan hệ hơp tác cụ thể. Như vậy quan hệ đối tác toàn diện chỉ bao gồm hợp tác cụ thể (thường chưa đầy đủ) trên một số lãnh vực mà thôi. Hợp tác chiến lược toàn diện thì có ý nghĩa toàn bộ bao gồm hoạch định, thực hiện và cam kết cụ thể.
Như vậy, trong giai đoạn hiện thời, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc sâu sắc và đầy đủ hơn quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ. Quan hệ ấy lợi hay hại cho Việt Nam là vấn đề cần phải xem xét kỹ.
QUAN HỆ VIỆT NAM-TRUNG QUỐC
Quan hệ bất bình đẳng và trói buộc
Trong quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung, vấn đề là ở chỗ mọi việc hoạch định và thực hiện, dù có tham khảo với nhau, rốt cuộc đều được quyết định một chiều từ phía Trung Quốc. Đó là thực tế phũ phàng mà tại hội nghị Đối thoại Shangri-La, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gọi là “những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền.” Một dấu mốc lịch sử cần phải nhớ là hội nghị Thành Đô năm 1990. Khi đó, các lãnh đạo Việt Nam, hoảng hốt trước hiện tượng tan rã mau chóng của các nước cộng sản Đông Âu, đã kéo nhau sang gặp lãnh đạo Trung Quốc ở Thành Đô xin nối lại bang giao để có chỗ dựa vững chắc cho Đảng và chế độ. Một thoả hiệp bí mật có tên là “Kỷ yếu Hội nghị” đã được ký kết giữa hai bên. Cho đến nay, nôi dung thoả hiệp bí mật này vẫn được giấu kín. Chỉ biết rằng, trong một phiên họp kiểm điểm kết quả hội nghị Thành Đô, các lãnh đạo CSVN đều than thở là mắc lừa Trung Quốc. Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch, người không được dự hội nghị, đau đớn thốt lên “Một thời kỳ Bắc thuộc mới đã bắt đầu.” Quả thật, kể từ 1990, Trung Quốc đã dùng quyền lực mềm từng bước lấn chiếm đất và biển của Việt Nam, lũng đoạn nền kinh tế và tiến hành kế hoạch đồng hoá dân tộc Việt.
Trong bài nhận định trước đây về cuộc hội đàm Tập Cận Bình-Trương Tấn Sang ở Bắc Kinh, tôi có đưa ra một giả định là trước tình hình khó khăn ở trong nước và xu hướng chung của quốc tế muốn kiềm chế tham vọng bành trướng của Trung Quốc, các lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam có thể đã đạt đựợc đồng thuận về nhu cầu cân bằng chính sách đối ngoại, tức là bớt dựa vào Trung Quốc, gia tăng hợp tác với Hoa Kỳ và các nước Châu Á-Thái Bình Dương. Bài diễn văn Shangri-La của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng báo trước hướng đi mới ấy. Chuyến đi Hoa Kỳ của Chủ tịch Trương Tấn Sang cho thấy giả định này có thể được xác nhận là đúng. Trên cơ sở ấy, bản TBC Việt Nam-Trung Quốc cần được phân tích đầy đủ hơn.
Trung Quốc tất nhiên không hài lòng đối với bài phát biểu 31.5 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vì vậy đã lập tức “mời” Chủ tịch Trương Tấn Sang tới Bắc Kinh ngày 19.6 để hội đàm thượng đỉnh song phương. Mục đích cuộc hội đàm này được Đại sứ Khổng Huyễn Hựu báo trước là “tăng cường tin cậy lẫn nhau về chính trị … thúc đẩy quan hệ Trung-Việt phát triển lên tầng cao mới.” Cuộc hội đàm này hoàn toàn do Bắc Kinh sắp đặt khiến Việt Nam phải xác nhận “tiếp tục kiên trì phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt” và ký 10 văn kiện hợp tác được đúc kết từ kết quả của những buổi làm việc từ trước giữa các cơ quan Đảng của hai bên. Tất cả 10 văn kiện này đều không được công bố, nhưng qua bản TBC, người ta thấy văn kiện số 1 là chủ yếu vì nó có tính tổng thể mang tên là “Chương trình hành động giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc về việc triển khai quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc.” Chương trình hành động này là kết quả “khẩn trương bàn bạc”của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương trong lần họp thứ 6 tại Bắc Kinh ngày 11.5.2013.
Như vậy, văn kiện số 1 mang tính chủ đạo là văn kiện quan trọng nhất cần được phân tích kỹ để nhận ra những điểm lợi hại của nó đối với Việt Nam. Chín văn kiện còn lại là kết quả triển khai từng lãnh vực trong văn kiện chủ đạo để cho các bộ, ngành liên quan hợp tác thi hành. Vì các văn kiện vẫn còn giữ kín, ngưới ta có lý do để tin rằng Trung Quốc vẫn tiếp tục “những hành động mang tính áp đặt và chính trị cường quyền” đối với Việt Nam. Điều này được thấy rõ qua những thông tin vắn tắt trong bản TBC về các lĩnh vực hợp tác.
Về văn kiện số 1, tức Chương trình hành động, cơ bản là triển khai quan hệ toàn diện Việt-Trung qua “cơ chế giao lưu hợp tác giữa hai Ban Đối ngoại và Ban Tuyên giáo, Tuyên truyền của hai Đảng vận hành thuận lợi, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đào tạo cán bộ Đảng và Nhà nước. Hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ, cùng nhau tổ chức tốt Hội thảo lý luận hai Đảng lần thứ 9, tăng cường hơn nữa trao đổi kinh nghiệm về xây dựng Đảng và quản lý đất nước, thúc đẩy xây dựng Đảng và đất nước ở mỗi nước.” Như vậy Chương trình hành động này là kết quả hợp tác của các cơ quan Đảng của hai bên, ấn định chính sách của chinh phủ và phát triển sức mạnh của Đảng. Sự kiện này cho thấy mục đích của Tập Cận Bình trong cuộc hội đàm với Trương Tấn Sang là buộc Việt Nam phải sát cánh chặt chẽ hơn với Trung Quốc về các chính sách đối nội và đối ngoại do sự chỉ đạo chung của hai Đảng. Nói cách khác, Trung Quốc đã dùng Văn kiện số 1 để chặn đứng dự tính “thoát Trung” của Việt Nam, được lộ rõ trong bài diễn văn Shangri-La của Nguyễn Tấn Dũng.
Hợp tác hay Gài bẫy
Ngoài văn kiện chủ đạo số 1, chín văn kiện tiếp theo (vẫn theo TBC) có bề ngoài là khai triển sâu sắc hơn các lĩnh vực đang hợp tác. Tất cả những văn kiện này chứa đựng nhiều điểm bất lợi cho Việt Nam gồm một số điểm đáng nghi ngờ và một số rõ ràng là những cái bẫy rất nguy hiểm.
Văn kiện số 2 về hợp tác biên phòng. TBC cho biết: “Thoả thuận hợp tác biên phòng” đã được sửa đổi và ký kết trong chuyến thăm này, “làm sâu sắc thêm hợp tác biên phòng trên đất liền và trên biển.” Cần tìm hiểu kết quả Đối thoại chiến lươc quốc phòng mà TBC cũng cho biết là “đi sâu trao đổi kinh nghiệm công tác Đảng và chính trị trong quân đội, tăng cường đào tạo cán bộ và giao lưu sĩ quan trẻ.” Điều này rất đáng quan tâm vì cán bộ và sĩ quan trẻ của Việt Nam có thể sẽ trở thành đồng hoá với cán bộ và sĩ quan Trung Quốc.
Văn kiện số 3 về việc thiết lập “đường dây nóng” để xử lý các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển. Điều này có thể coi là kết quả tích cực trong quan hệ hợp tác Việt-Trung, nhưng cần tìm hiểu đường dây nóng này có khả năng xử lý thoả đáng các vụ việc, hay chỉ được dùng để thông báo vụ việc mà kinh nghiệm đã qua cho thấy là Trung Quốc chỉ hứa hẹn điều tra các vụ tấn công ngư dân Việt Nam hay chối bỏ trách nhiệm.
Văn kiện số 4 là Hiệp định khung, theo đó Trung Quốc sẽ cung cấp cho Việt Nam khoản tín dụng ưu đãi cho Dự án hệ thống thông tin đường sắt trị giá 320 triệu Nhân dân tệ (20 triệu USD). Đây là điểm mập mờ trong TBC khi nói đến “thúc đẩy xây dựng các dự án đường bộ và đường sắt kết nối khu vực biên giới trên bộ hai nước như tuyến đường bộ cao tốc Lạng Sơn-Hà Nội.” Đường cao tốc này đã được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đồng ý tài trợ 900 triệu trên tổng số chí phí 1.400 triệu USD. TBC cũng không nói rõ là tuyến đường này được nối vào đường cao tốc Nam Ninh-Lạng Sơn tại biên giới. Tuyến đường bộ cao tốc nối liền Nam Ninh (Trung Quốc) với Hà Nội sẽ rất nguy hiểm cho Việt Nam nếu chiến tranh xảy ra giữa hai nước.
Văn kiện số 5 là Bản Ghi nhớ về việc thành lập Trung tâm văn hoá tại hai nước. Điểm này hiển nhiên chỉ có lợi cho Trung Quốc trong ý đồ đồng hoá dân tộc Việt. Cần xem xét “Kế hoạch hành động thực hiện Hiệp định Văn hoá Việt-Trung giai đoạn 2013-2015” và những nỗ lực tăng cường giao lưu văn hoá qua những hoạt động như Liên hoan Thanh niên Việt-Trung, Gặp gỡ Hữu nghị Thanh niên Việt-Trung, Diễn đàn Nhân dân Việt-Trung, v.v.
Văn kiện số 6 là Điều lệ công tác của Ủy ban hợp tác quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền. Nội dung có thể chỉ là những thủ tục hành chánh thông thường, nhưng cũng vẫn cần tìm hiểu những chi tiết áp dụng cho phiá Việt Nam.
Văn kiện số 7 là thoả thuận về hợp tác trong lĩnh vực kiểm nghiệm, kiểm dịch động thực vật xuất nhập khẩu. Đây cũng là một lĩnh vực thông thường nhưng cần xem xét hiệu quả, vì Việt Nam nhập khẩu động thực vật từ Trung Quốc nhiều hơn là ngược lại.
Văn kiện số 8 là Kế hoạch hợp tác giữa các tổ chức hữu nghị chính thức của nhân dân hai nước giai đoạn 2013-2017. Cần tìm hiểu Kế hoạch hợp tác này.
Văn kiện số 9 là hiệp định vay cụ thể tín dụng người mua ưu đãi cho Dự án Nhà máy Đạm than Ninh Bình, trị giá 45 triệu USD. Nên nhớ là Dự án này có tổng mức đầu tư là 666 triệu USD và nhà thầu thực hiện dự án là Tổng công ty Tư vấn và Thầu khoán Hoàn cầu của Trung Quốc. Nhà máy được hoàn thành năm 2011, có khoảng 2.000 cán bộ kỹ thuật, công nhân Trung Quốc và trên 500 lao động Việt Nam. Như vậy thì chuyện “vay cụ thể tín dụng người mua ưu đãi” để Việt Nam mua dụng cụ, máy móc của Trung Quốc không hẳn là một hành động giúp đỡ.
Văn kiện số 10 là Thoả thuận sửa đổi về thăm dò dầu khí chung trong khu vực ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ, mở rộng diện tích khu vực thoả thuận và kéo dải thời hạn thoả thuận. Vấn đề này cũng có thể bất lợi cho Việt Nam, nhưng xin dành sự phán xét cho các nhà chuyên môn có nhiều thông tin và hiểu biết đầy đủ hơn.
Ngoài những thông tin vắn tắt về 10 văn kiện đã ký, TBC còn đề cập một loạt lĩnh vực được “hai bên nhất trí” gồm: tăng cường điều phối chiến lược về phát triển kinh tế; hoàn thiện cơ chế hợp tác về nông nghiệp; làm sâu sắc thêm giao lưu hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ; tăng cường hợp tác mọi mặt giữa các tỉnh biên giới, đặc biệt làm dễ dàng việc qua lại tự do giữa đôi bên; gia tăng đàm phán về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy càm trên biển Việt-Trung. Ngoại trừ các lĩnh vực mang tính kỹ thuật, “ít nhạy cảm”, các lĩnh vực khác được “hai bên nhất trí” đều có lợi cho Trung Quốc. Ngoài ra, có ba vấn đề quan trọng trong TBC cần được chú ý:
- Tình hình Biển Đông: Theo TBC, “Hai bên nhất trí thực hiện toàn diện, có hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử (DOC) của các bên ở Biển Đông,” (tên gọi này chắc không được dùng trong bản TBC bằng Hoa văn.) Nhưng DOC chỉ là văn kiện mở đướng cho việc thiết lập bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC). Trung Quốc đã không chịu thảo luận với ASEAN về COC từ hơn mười năm qua. Sự kiện “hai bên nhất trí không nói đến COC” rõ ràng là một “hành động áp đặt” của Trung Quốc.
Đối với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, TBC chỉ gián tiếp ám chỉ khi ghi nhận “hai bên sẽ nghiêm túc thực hiện ‘Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc’.” Thỏa thuận này ký tại Bắc Kinh ngày11/10/2011, trong đó hai bên cam kết giải quyết vấn đề trên biển “căn cứ chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.” Cam kết này có thể được phía Việt Nam nhắc đến và Trung Quốc phải chấp thuận đưa vào TBC nhưng không chịu nói rõ việc tuân thủ luật pháp quốc tế.
- Vấn đề Đài Loan: “Việt Nam khẳng định kiên trì thực hiện chính sách một nước Trung Quốc, … kiên quyết phản đối hành động ‘chia rẽ Đài Loan độc lập’ dưới mọi hình thức. Việt Nam không phát triển bất cứ quan hệ chính thức nào với Đài Loan.” Thật là gượng ép khi lồng vấn đề Đài Loan vào quan hệ hợp tác Việt-Trung. Đã đành là Việt Nam vẫn tán thành chủ trương một nước Trung Quốc, nhưng từ 1990 đã có nhiều quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, lao động với Đài Loan, và nước này là một trong những nước đứng đầu về đầu tư ngoại quốc ở Việt Nam. Điều chắc chắn là quan hệ hợp tác Việt Nam-Đài Loan là quan hệ bình đẳng, không có vấn đề “chính trị cường quyền” như Trung Quốc. Khi đưa điều này vào TBC, Trung Quốc buộc Việt Nam xác nhận lập trường ủng hộ Trung Quốc, gây khó khăn cho sự phát triển hợp tác Hà Nội-Đài Bắc.
- Lập trường với ASEAN và Quốc tế: TBC xác nhận “Việt Nam và Trung Quốc có lập trường tương tự và gần nhau trong nhiều vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Hai bên nhất trí tăng cường điều phối và phối hợp tại các diễn đàn đa phương…”. Đây là thủ đoạn của Trung Quốc thúc ép Việt Nam “nhất trí” với lập trường của Trung Quốc đối với các nước ASEAN, Hoa Kỳ và các vấn đề quốc tế. Khi lên tiếng nhất trí với Trung Quốc trong TBC, Việt Nam bị mắc kẹt với lập trường của Bắc Kinh, rất khó xử trong các quyết định chung với ASEAN và trong việc phát triển quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ.
Một quyết định nửa vời
Qua việc phân tích Bản TBC Việt Nam-Trung Quốc và 10 Văn kiện ký kết được giới thiệu trong TBC, chúng ta đã thấy rõ dã tâm của lãnh đạo Trung Quốc đối với Việt Nam. Giữa hai nước đúng là có quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện, nhưng mọi quyết định chiến lược rốt cuộc đều do Bắc Kinh chủ động. Mục tiêu tối hậu của Trung Quốc là thôn tính Việt Nam, kiểm soát toàn thể Biển Đông và các quốc gia Đông Nam Á. Trong khi sử dụng sức mạnh mềm để thực hiện mục tiêu, Trung Quốc cần nắm chắc Việt Nam, chia rẽ khối ASEAN và ngăn chặn Hoa Kỳ trở lại châu Á trong tư thế cường quốc số một ở Thái Bình Dương.
Lãnh đạo Việt Nam thấy rõ mưu đồ đen tối của lãnh đạo Bắc Kinh nhưng cho đến nay vẫn dựa vào Trung Quốc để duy trì quyền lực và quyền lợi. Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã cố gắng phát triển quan hệ với Hoa Kỳ nhưng chỉ để trục lợi và che đậy sự lệ thuộc vào Bắc Kinh. Nhưng trước sự lộng hành quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông, Việt Nam không thể tiếp tục cam chịu sự khống chế của Trung Quốc trước sự quan sát của quốc tế khiến cho nhân dân trong nước ngày càng tức giận và Hoa Kỳ cũng không còn kiên nhẫn.
Trước tình thế ấy, Bộ Chính trị có vẻ đã thuyết phục được nhau và đạt được đồng thuận về cân bằng chính sách đối ngoại, bớt lệ thuộc Trung Quốc và hợp tác nhiều hơn với Hoa Kỳ. Nhưng về chính sách đối nội, lãnh đạo Đảng vẫn theo sát Trung Quốc, không chịu cải cách chính trị ngoài những khẩu hiệu tuyên truyền. Trong diễn văn Shangri-La, ông Nguyễn Tấn Dũng có nói đến trường hợp Myanmar như “một thí dụ sinh động … mở ra một tương lai tươi sáng không chỉ cho Myanmar mà cho cả khu vực của chúng ta” nhưng không hứa hẹn gì về trường hợp Việt Nam vì đó không phải là quyết định của Bộ Chính trị. Về cải thiện nhân quyền, có thể Nhà nước sẽ có một cử chỉ làm nhẹ bớt áp lực của Hoa Kỳ và quốc tế bằng cách trả tự do hay giảm án cho một số tù nhân lương tâm vào một thời điểm thích hợp. Không biết chuyện này có xảy ra hay không và nếu có thì bước kế tiếp cuả cải thiện nhân quyền sẽ là gì.
Mối quan tâm chung và sự nhất trí thật tình giữa hai Đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc là giải quyết nạn tham nhũng đang đe dọa sự an toàn của hệ thống cai trị. Bởi vậy, tiếp theo cuộc hội đàm Tập Cận Bình-Trương Tấn Sang, cuộc Hội thảo Lý luận lần IX của hai đảng đã diễn ra trong ba ngày 27-29/7 tại Liêu Ninh, Trung Quốc. Chủ đề Hội thảo “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới: Kinh nghiệm Trung Quốc, Kinh nghiệm Việt Nam” gồm 4 chuyên đề là Xây dựng tác phong, Xây dựng chế độ, Giám sát, ràng buộc quyền lực, và Môi trường xã hội. Không rõ hai bên đã chia sẻ với nhau những kinh nghiệm cụ thể gì có khả năng giải quyết một “quốc nạn” đã được mô tả là vô phương cứu chữa. Quyết định ngày 06/8/2013 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lập bảy đoàn công tác, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng trầm trọng chắc là xuất phát từ kết quả của Hội thảo Lý luận lần IX này.
Như vậy, chuyến công du Trung Quốc của Chủ tịch Trương Tấn Sang hoàn toàn thất bại vì kết quả là Việt Nam đã bị ép phải nhất trí với Trung Quốc nhiều hơn. Cái mà Trung Quốc gọi là “đẩy quan hệ hợp tác lên một tầng cao mới” chỉ có nghĩa là “thắt chặt thêm một nấc vòng lệ thuộc của Việt Nam vào Trung Quốc.” Đó là lý do tại sao Chủ tịch Trương Tấn Sang lại phải vội vã công du Hoa Kỳ mong tạo được thế cân bằng về đối ngoại. Mục đích này có đạt được hay không và Việt Nam cần phải làm những gì sau hai chuyến công du Bắc Kinh và Washington của Chủ tịch Nước? Đó là những điểm sẽ được đề cập trong phần kế tiếp.
L. X. K.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.