Nhìn tổng thể: Việt nam là ‘con đường phục vụ Apec’

 

Ánh Liên (VNTB)

Con đường phục vụ Apec đã bị hỏng, sau hai tháng đưa vào phục vụ cho sự kiện mang tính trọng đại (Tuần lễ cấp cao APEC diễn ra vào đầu tháng 11.2017)

Nhiều bình luận lý giải về hiện tượng hư hỏng sớm của công trình có từ nguồn vốn xã hội hóa và nguồn ngân sách TƯ rót về là: Vì đường chỉ để phục vụ chào mừng APEC, chứ có phục vụ bà con đâu mà cần lâu dài!

Lý giải này tưởng chừng như là câu bông đùa, nhưng nó lại phản ánh rất thực tế những gì đã và đang diễn ra tại Việt Nam.

Khâu giám sát – khâu cốt lõi làm nên tính bền vững của bất kỳ dự án nào, từ lớn đến nhỏ chưa bao giờ được chú trọng. Những ‘nhà đầu tư, thi công, quản lý’ luôn chỉ tập trung vào tính ‘nhanh chóng hoàn thiện cho đúng dịp sự kiện’, ngoài nó ra, hoàn toàn bỏ ngỏ.

Hầu như các ‘công trình kỷ niệm’ thường trước khi hoàn thành thường được mô tả bằng những từ ngữ hào hứng, để rồi sau đó lại là là những phản ánh thực trạng ‘đìu hiu và xuống cấp thảm bại’.

Và công trình thế kỷ chào mừng 1.000 năm Thăng Long (Hà Nội – 2010) cũng không thoát khỏi điều đó.

Nói cách khác, nguồn tiền ngân sách đổ vào chỉ đổi lấy sự hoang rỉ và phế thải.

Nhiều nguyên nhân được đưa ra, trong đó bao gồm cả việc đặt câu hỏi về sự xuống cấp có phải là do ‘áp lực tiến độ’? Và dường như đây luôn là câu trả lời an toàn mà các chủ đầu tư, nhà thầu thi công, giám sát đưa ra… cho đến khi có phản ánh của báo chí và kết luận của cơ quan điều tra (Công an).

Người ta ‘rút ruột’ công trình, bất cứ thứ gì, từ cầu cống cho đến cả tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ – vốn mang tính lịch sử và tự hào dân tộc nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng quân sự này (Điện Biên Phủ – 1954 – 2004).

Vỉa hè, tượng đồng Điện Biên Phủ, bảo tàng – những yếu tố hữu hình… bốc hơi, thì tiền thuế của người dân cũng theo đó trôi vào túi các ‘quan phụ mẫu’.

Câu chuyện ‘bốc hơi, bị hỏng’ tiếp tục đặt câu hỏi liên đới về trách nhiệm đối với đồng tiền ngân sách nhà nước, đối với hệ thống giám sát của chính quyền, đối với cả vấn đề mang tính cấp bách là kiểm soát tham nhũng trong hệ thống đầu tư công.

Từ các ‘dự án phục vụ’ cho đến việc ‘phục vụ giấy tờ’ cho nhân dân cũng không thoát khỏi nạn ‘ăn chia’.

Nhưng có vẻ những câu chuyện có phần cốt lõi cho sự phát triển của một quốc gia đó chưa bao giờ là nỗi bận tâm lắm của Chính phủ Việt Nam.

Thay vì kiểm soát và giám sát các hoạt động đầu tư và phục vụ công một cách chặt chẽ hơn, thì ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng như nhiều nhà tiền nhiệm khác, vẫn loay hoay với câu chuyện tăng trưởng, và mới đây nhất ông cho rằng, ‘nếu tăng trưởng thấp, đó là một cái tát vào mặt Chính phủ’.

Họ ‘coi thường’ tham nhũng!

Do vậy, nếu tăng trưởng không cao là ‘cái tát vào mặt Chính phủ’, thì ‘tham nhũng công’ không được kiểm soát (thông qua những ‘con đường phục vụ Apec’ ngày một nhiều), thì liệu đó có phải là ‘cú đấm thép’ vào mặt hệ thống Chính phủ hay không?

Và dường như, Việt Nam vẫn phải chơi trò ‘đồng hồ cát’ trong xu thế phát triển. Tức nguồn lực có bao nhiêu, phấn đấu bao nhiêu đều bị tham nhũng ăn hết. Nói cách khác, phấn đấu tăng trưởng cao, nhưng không kiểm soát thì mãi mãi, tăng trưởng chỉ phục vụ cho bộ phận lợi ích nhóm, tham nhũng nhóm trong xã hội (thay vì nhân dân).

Tiếp đó, cũng liên quan đến quan điểm của Thủ tướng kiến tạo, phát biểu tại Phiên đối thoại chính sách cấp cao tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 diễn ra gần đây, ông Nguyễn Xuân Phúc ‘tạo ấn tượng tốt’ khi ông viện dẫn tác phẩm ‘Tại sao các quốc gia thất bại’. Theo đó, ông nhấn mạnh, ‘Chúng ta phải tiếp tục thực hiện các khuyến cáo (họ nêu) là thể chế, thể chế, và thể chế phải phù hợp hơn với kinh tế thị trường’.

Đúng! Chính là thể chế, thể chế là căn cơ làm phát sinh sự phát triển hoặc làm suy yếu một quốc gia.

Tuy nhiên, thể chế phù hợp với kinh tế thị trường đến kiểu gì, trong mô hình gì gì đi chăng nữa, thì trước hết thể chế đó phải đảm bảo tính minh bạch, phải kiểm soát bằng được từ ‘tham nhũng vặt’ (con đường phục vụ Apec) cho đến ‘đại án tham nhũng’ (ông Trịnh Xuân Thanh và đồng bọn).

Còn nếu không, nhìn tổng thể, thì Việt Nam là một ‘con đường phục vụ Apec’ phóng to. Nơi mọi thứ mang thứ tạm thời, chắp vá; và sẵn sàng hư hỏng, xuống cấp… sau vài tháng ‘phục vụ’ cho hoạt động chính trị!!!

Đất nước cứ thế sạt lở dần khi chưa ra được biển lớn!

A.L.

Nguồn: http://www.vietnamthoibao.org/2018/01/vntb-nhin-tong-viet-nam-la-con-uong.html

This entry was posted in Xã Hội. Bookmark the permalink.