Bộ sưu tập “độc nhất vô nhị” của cựu giảng viên Hán Nôm 80 tuổi

Bạch Dương

Thầy Huỳnh Văn Minh (sinh năm 1938, nguyên giảng viên Trường ĐH Cần Thơ) có một bộ sưu tập rất độc đáo. Đó là danh sách học sinh, phiếu sinh viên… với đầy đủ lí lịch trích ngang của các lớp mà thầy đã dạy hàng chục năm về trước.

Chúng tôi trò chuyện với thầy Huỳnh Văn Minh, được biết thầy sinh ra ở tỉnh Bến Tre. Sau khi tốt nghiệp trung học, từ năm 1962 tới năm 1972, thầy học ở Học viện ĐH Sài Gòn. Trong khoảng thời gian này, thầy đã đậu các chứng chỉ dự bị Hán văn, văn chương quốc âm, văn chương Việt Hán, văn chương Trung Hoa, Hoa văn thực hành. Thầy Minh cho biết với 5 chứng chỉ trên là thời gian nhanh nhất được cấp bằng cử nhân giáo khoa văn chương Việt Hán. Số thí sinh được cấp bằng cử nhân năm 1965 là 156/5.476 người (tỉ lệ 2,8%) và cử nhân giáo khoa chưa đầy 20 người (tỉ lệ 0,26%).

Học xong, thầy Minh vào nghề dạy học với chức danh giáo sư ở các trường Khánh Hội (Sài Gòn), Lê Ngọc Hân (Mỹ Tho), Đoàn Thị Điểm (Cần Thơ), phụ khảo, phụ khảo trưởng, giảng sư văn chương Hán Nôm – Trường ĐH Văn khoa, Trường ĐH Sư phạm Cần Thơ (Viện ĐH Cần Thơ), Trường ĐH An Giang (Viện ĐH Hòa Hảo), đặc trách Ban Việt Hán, thành viên Hội đồng tuyển chọn nhân viên giảng huấn – Trường ĐH Cần Thơ…

Các năm 1973-2009, thầy Minh là cán bộ giảng dạy, giảng viên rồi giảng viên chính của Trường ĐH Cần Thơ và tham gia giảng dạy ở hầu hết các tỉnh, thành ở khu vực ĐBSCL.

Một điều rất đặc biệt là thầy Minh thống kê hết sức chi tiết: “Trong suốt 46 năm gắn với nghề dạy học, tôi đã tham gia giảng dạy cho 500 lớp với 33.561 giờ, tham gia chấm 429.688 bài tập, niên luận, khóa luận, luận văn tốt nghiệp cho 48.722 học sinh, sinh viên. Ngoài ra, còn tham gia biên soạn nhiều giáo trình phục vụ giảng dạy trong nhà trường như Văn học sử Việt Nam, Học tập viết văn, Văn chương thế kỉ XX, Văn chương kháng Pháp, Giáo trình Hán Nôm… và tham gia hiệu đính nhiều tác phẩm như Quốc âm thi tập, Thi nhân Việt Nam, Lâm Tuyền kì ngộ, Nam Hải dị nhân liệt truyện, Tì bà hành, hàng trăm đề tài nghiên cứu về các lĩnh vực văn chương, địa lí, lịch sử, địa chí, ngôn ngữ, nghệ thuật, giáo dục…”.

Trong một buổi họp mặt đầu năm 2018 ở Sóc Trăng, nhiều cựu học sinh ngỡ ngàng, xúc động khi thấy thầy Minh mang theo nhiều “phiếu sinh viên”. Thầy chia sẻ: “Khi dạy lớp nào, tôi đề nghị các em làm cho tôi một lí lịch trích ngang ngắn gọn gồm các thông tin như họ và tên, ngày tháng năm sinh, họ tên cha mẹ và nghề nghiệp, chỗ ở hiện tại, quê quán, điểm thi tốt nghiệp phổ thông, điểm thi vào đại học, năng khiếu gì… kèm theo một tấm ảnh 3×4. Mục đích của tôi là để nắm rõ về học trò của mình khi các em học và tôi lưu lại các phiếu này một cách rất cẩn thận, coi như đó là kỉ niệm của học sinh với mình. Ngoài ra, tôi còn lưu giữ sổ điểm học sinh môn mình dạy, danh sách sinh viên môn mình dạy sau khi tốt nghiệp đi nhận nhiệm sở. Với tôi, đó là những kỉ niệm, những kỉ vật không thể nào xa rời. Mỗi khi mở ra xem, thấy ấm áp và vui mừng vì học trò của mình đều thành đạt”.

 

Quan sát bảng ghi tên sinh viên môn Việt Hán K6 chọn nhiệm sở năm 1973, chúng tôi thấy có cả tên của cố Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Vũ Hùng (chọn nhiệm sở tại Trường trung học Lai Vung – Sa Đéc – Kiến Phong, nay thuộc huyện Lai Vung – tỉnh Đồng Tháp).

Đến nay, thầy Huỳnh Văn Minh vẫn còn lưu giữ được rất nhiều “phiếu sinh viên” của các sinh viên học trước năm 1975, được thầy chú thích rất rõ ràng. Nhiều người trong danh sách này hiện đã ngoài 60-70 tuổi.

Thầy Trần Hữu Nghĩa (Trường THPT Văn Ngọc Chính – huyện Mỹ Xuyên – tỉnh Sóc Trăng) cho biết: “Tôi được học thầy Minh trong những năm học ở Khoa Văn – Trường ĐH Cần Thơ. Học thầy, chúng tôi ai cũng thích vì thầy rất nhiệt tình, tận tâm với học trò. Được thầy cho xem lại “phiếu sinh viên”, chúng tôi như được sống lại những năm tuổi trẻ sinh viên thời ấy. Thậm chí nhiều người không còn tấm ảnh nào của thời sinh viên nữa nhưng thầy vẫn còn giữ lại cho chúng tôi. Xúc động vô cùng”.

B.D

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/bo-suu-tap-doc-nhat-vo-nhi-cua-cuu-giang-vien-han-nom-80-tuoi-2018010217092396.htm

This entry was posted in Giáo dục. Bookmark the permalink.