Bùi Công Dụng
Mấy tháng qua, sự kiện băm nát rừng cấm quốc gia đã vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ của người Đà Nẵng và dân chúng cả nước. Cuộc đấu tranh ấy được cộng đồng hưởng ứng vì nó nói được khát vọng của người dân, đó là phải bảo vệ môi trường thiên nhiên, môi trường sống của các loài thú hoang dã được ghi trong sách đỏ quốc gia và quốc tế ở rừng đặc dụng Sơn Trà, một khát vọng mà những quan chức và đại gia bất động sản không hề nghĩ tới. Cuộc đấu tranh ấy cho thấy 4 điều thuộc về cảm xúc, một cảm xúc lẫn lộn: vừa thú vị, tự hào, vừa ngọt ngào và cay đắng.
Cuộc đấu tranh ấy đã phản ảnh rõ nét một hiện thực không thể che đậy, cho dù nó rất phũ phàng:
1. Sự tê liệt, mất phương hướng điều hành của chính quyền
Chưa bao giờ đất nước có một sự kiện kỳ lạ là toàn bộ bộ máy công quyền địa phương, không phải quy mô ở cấp xã như Đồng Tâm (Hà Nội), cấp huyện như Diễn Châu (Nghệ An)… bị tê liệt, mà ở đây là cấp tỉnh – thành phố, thành phố Đà Nẵng, bị tê liệt hoàn toàn. Dân chúng không bị mất lòng tin bằng thái độ ồn ào ầm ĩ, bằng thái độ xuống đường biểu tình, bắt giam người thi hành công vụ… như các ví dụ ở cấp xã huyện nêu trên, mà ở trường hợp này, việc mất lòng tin được biểu đạt qua sự đấu trí thông minh, nhẹ nhàng nhưng đầy cay đắng. Cuộc đấu trí thể hiện được sức mạnh trí tuệ của cộng đồng, buộc các cấp chính quyền phải ngậm bồ hòn mà chịu trận. Mà một khi đã thất lý trước công chúng thì chính quyền không còn phương hướng để điều hành công việc một cách gãy gọn. Tính đến nay (6-2017) là gần 4 tháng, vụ việc Sơn Trà được đẩy lên các tầng nấc khác nhau, nhưng ở mỗi nơi, mỗi giai đoạn, mỗi tầng nấc, chính quyền đều bị lúng túng không biết chỉ đạo điều hành thế nào cho phải. Cả một hệ thống chính trị địa phương bị bế tắc hoàn toàn về phương hướng giải quyết, chỉ biết trông đợi vào sự can thiệp của trung ương. Can thiệp vào một sự việc mà chính minh là kẻ đầu têu gây ra, là mầm mống mọi sự việc, nhưng lại không đủ dũng khí để giải quyết sự việc đó.
2. Tư duy, khái niệm phát triển bền vững bị đánh tráo
Đa số người dân, và sự lan tỏa của họ ra khắp cả nước, đều một lòng ủng hộ Huỳnh Tấn Vinh. Họ ủng hộ một cách cuồng nhiệt. Bởi họ nhận thấy và đánh giá cao ý thức trách nhiệm công dân của anh đối với đời sống cộng đồng. Họ ủng hộ anh hết lòng vì họ biết chính anh, chứ không ai khác, hiêu thấu đáo cụm từ phát triển bền vững y như họ đã hiểu, tức là trong mọi hoàn cảnh, đối với Sơn Trà, việc bảo vệ thiên nhiên, sinh cảnh, môi trường và an ninh quốc gia phải là hàng đầu, kinh tế chỉ là theo sau, thậm chí không cần bởi bản thân nó đã là giá trị kinh tế không gì có thể sánh được.
3. Sự tương phản rõ nét về chấp hành pháp luật
Trong hệ thống chính trị Viêt Nam, tổ chức hội được điều chỉnh theo bộ luật về hội. Trong điều hành thì hội được ví như những đứa con nuôi, còn các bộ, sở ban ngành mới thực sự là những đứa con đẻ.
Vụ Sơn Trà cho thấy một sự tương phản rõ nét giữa việc thực thi pháp luật của các cơ quan con đẻ này với một tổ chức con nuôi, đó là Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng. Đáng lẽ các cơ quan con đẻ được nuôi bằng 100% tiền thuế của dân này phải sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, vậy mà qua vụ Sơn Trà cho thấy họ đã chà đạp lên pháp luật một cách không thương tiếc. Tự ý xẻ thịt mua bán đất rừng cấm quốc gia, tự ý quy hoạch để mở đường cho các dự án đầu tư vào khai thác hút cạn tài nguyên rừng cấm…, mà không cần hỏi ý kiến người dân và các nhà khoa học, không cần biết đến sự tồn tại của luật tài nguyên môi trường, luật đa dạng sinh học, luật bảo vệ rừng, luật an ninh quốc gia…
Mà ai là người phát hiện và lên tiếng, chính là đứa con nuôi bị hắt hủi Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng. Không những bị chính quyền Đà Nẵng hắt hủi, thậm chí còn đòi cho nghỉ việc, mà đứa con đẻ bất trị lộng quyền quen thói hà hiếp còn lôi cả tổng cục cà bộ chủ quản vào, hình thành một phe đầy quyền uy để bắt nạt đứa con nuôi kia.
Huỳnh Tấn Vinh là một hiện tượng lạ về đấu tranh chấp pháp đối với công quyền bằng hình ảnh châu chấu đá voi. Thế nhưng anh lại có sức mạnh vô song,vì bên cạnh anh là dân chúng. Toàn thể dân chúng ủng hộ nhiệt thành và sẵn sàng đi theo con người này để cùng thực hiện quyền sống làm việc theo Hiến pháp và pháp luật!
Đối với những kẻ khinh lờn pháp luật mà lại nắm toàn bộ quyền hành trong tay, thì dự đoán cuộc đấu tranh sẽ còn diễn ra cam go đến mức nào, và sư tương phản giữa hai cực từ đó càng ngày càng bộc lộ những mâu thuẫn đến cực điểm, mặc dù trong đó một cực biết rất rõ là họ đang cố tình chống lại nhân dân như thế nào.
4. Phương châm quản lý xã hội của Nhà nước bị coi thường
Nội dung báo cáo về vấn đề Sơn Trà của Hiệp hội Du lịch gửi Quốc hội thể hiện một điều rằng, phương châm quản lý xã hội để tiến dần lên một xã hội dân sự mà nhà nước đề ra là “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đang bị khủng hoảng nghiêm trọng. Bởi thực tế thực trạng lâu nay là dân không biết gì, dân không được bàn gì, dân không được làm gì, dân không được kiểm tra gì và dân cũng không được… thụ hưởng gì cả!
Sáu nội dung đề nghị của Hiệp hội mà ông Huỳnh Tấn Vinh gửi Quốc hội và cũng là những nội dung đưa ra trên buổi tọa đàm ngày 30-5 tại Hà Nội cho thấy việc quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia tại rừng cấm Sơn Trà là một vấn đề vô cùng lớn, nó liên quan đến hầu hết các bộ luật, nghị định thông tư… của nhà nước, liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân, đáng lẽ càng phải cần phải phổ biến đến tận tổ dân phố cho người dân được biết.
Sai lầm của vị hội đồng nhân dân, đại biểu quốc hội là đã ngộ nhận rằng mình là đại diện cho dân, được dân bầu ra, cho nên cá nhân mình biết là coi như toàn thể 90 triệu dân biết hết rồi, bàn, làm, kiểm tra hết rồi.
Hoàn toàn không phải vậy. Ở ngoài đời, dân chúng không biết những người ấy là ai, giọng nói của họ khiêm tốn, hách dịch hay quan liêu thế nào, mà dân chúng chỉ nhìn thấy ảnh họ trên tờ giấy bầu cử, và có nghĩa vụ là phải gạch tên họ đi, vậy thôi.
Có lẽ các vị này cũng biết thân phận mình, nghĩ rằng dân nó bầu, nó gạch miễn cưỡng tứ tung ấy mà, may mình trúng thôi nên không việc gì phải bảo vệ quyền lợi của lũ dân đen ấy cả. Chả cần quan tâm phát biểu bênh vực cái Sơn Trà làm quái gì. Xem bên chính quyền ý các anh ấy thế nào, lỡ phóng viên nó có hỏi thì cứ dựa ý ấy mà phát cho qua quận thôi…
Hiện tượng Huỳnh Tấn Vinh cũng nhắc nhở một điều rằng: với cái tâm thế xa dân, sợ dân và trốn tránh trách nhiệm như vậy thì đội ngũ cán bộ được cho gần gũi, đại diện tiếng nói của dân… gì đó, khó có thể triển khai phương châm quản lý dân sự xã hội của Đảng và Nhà nước được. Cần phải có một tư duy cách thức làm việc mới, một sự chuyển động mới về những gì liên quan đến dân chúng.
Đã qua gần nửa năm, nhưng có thể nói “Huỳnh Tấn Vinh” là một cái tên mang lại nhiều cảm xúc trong lòng dân chúng. Đó là một hình ảnh tiêu biểu của năm 2017 về sự đấu tranh không khoan nhượng bảo vệ môi trường.
Và biết đâu 4 điều lẫn lộn trên đây sẽ lọt vào mắt của Viện nghiên cứu dư luận Trung ương, làm cơ sở nghiên cứu lý luận để đề ra những cơ chế chính sách mới, thúc đẩy xã hội tiến lên.
6-2017
B.C.D
Nguồn: http://dungbc2004.vnweblogs.com/a307249/hien-tuong-huynh-tan-vinh.html