Nội dung bài viết được cho là ‘bình luận – phê phán’ trên Tuần báo Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh
Vào ngày 9/6/2017, Tuần báo Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh đã đăng tải bài viết: ‘Viện Phan Châu Trinh – một tổ chức đáng ngờ’ của tác giả Hoàng Lệ*.
Bài viết có gì?
Bài viết áp đặt rằng, ông Nguyên Ngọc đang ‘buôn bán cổ nhân’ thông qua Viện Phan Châu Trinh. Với lý do là ông từng là người sáng lập ra ĐH Phan Châu Trinh – một mô hình ‘đào tạo mới, tự do và dân chủ’; Quỹ Phan Châu Trinh là ‘một trò buôn bán tên tuổi nhà yêu nước’ khi không trao giải các nghiên cứu học thuật có tính khoa học mà ‘chỉ trao cho các nghiên cứu có tính chính trị – bản thân công trình hoặc tác giả’. Và Viện Phan Châu Trinh vẫn là ‘những con người ấy, tư tưởng ấy, cách thức hoạt động ấy’.
Tác giả cho rằng, các tổ chức trên dựng lên hình tượng cụ Phan nhằm ‘tạo vỏ bọc mà chính quyền và người dân khó có thể lên án, thúc đẩy một mô hình dân chủ cải lương hay còn gọi thẳng là ngụy dân chủ’.
Tác giả còn nhấn mạnh rằng, các tổ chức này tập hợp một ‘lượng trí thức chống đối đông đảo, không thực sự giỏi chuyên môn, nhưng rất giỏi chém gió’, và dẫn chứng là sự ra đời của Văn Đoàn độc lập’; góp ý Hiến pháp ‘không dựa trên cơ sở lý luận khoa học’; ‘xuất bản sách ngoài luồng’.
Tác giả cũng tranh thủ ‘đá’ nhóm trí thức nêu trên bằng cách, cho rằng, ‘một đám đông gắn mác nhân sĩ trí thức – không ít chẳng có tí chữ nghĩa nào cũng như chưa bao giờ hành nghề liên quan đến trí thức’ để gây sức ép với chính quyền, lập Viện nghiên cứu chiến lược (thinktank) là nhằm chống đối chính quyền, đồng thời các tổ chức này ngang nhiên nhận tiền từ các thế lực chính trị nước ngoài.
Tác giả cũng nhắm vào ông Nguyên Ngọc và Văn đoàn độc lập, khi cho đây là nơi ‘tụ tập của kẻ bất mãn, bọn chống phá, lũ chiêu hồi’ khi lướt vào danh sách thì có 15/61 người từng vào tù vô khám, và đây là nhóm người ‘có ân oán với dân tộc’.
Sự ‘lồng lộn’ về ngôn ngữ của một Tuần báo Văn nghệ
Tôi buộc phải sử dụm cụm từ ‘lồng lộn’ về ngôn ngữ, bởi nó là sự điên cuồng đến mất lý trí trong nhận định, thậm chí tôi nhìn thấy trong bài viết những ngôn từ của thời kỳ cả dân tộc mê mệt đấu tranh giai cấp (chiêu hồi, cải lương, ngụy dân chủ, chống phá,…).
Tác giả cho rằng, ông Nguyên Ngọc và những người bạn của ông ấy ‘buôn bán cổ nhân’, nhưng cách hành bài của tác giả thì không khác gì một ‘con điếm về chính trị lẫn ngôn ngữ’, khi xúc phạm và bôi nhọ nhân phẩm, danh dự của từng cá nhân, tổ chức liên quan đến hoạt động xã hội dân sự về mặt giáo dục, văn học và nghệ thuật. Thậm chí, đó là những ngôn từ ‘bốc mồ mả’ cụ Phan Châu Trinh (nhà cách mạng xã hội, nhà văn hóa, người khởi xướng cho phong trào Duy Tân (đầu thế kỷ XX), người đã thúc đẩy phong trà giảm sưu thuế Trung kỳ (1908); người đặt nền móng cho vấn đề độc lập dân tộc ở một tầm vóc với: phát triển dân tộc cơ bản và trên hết người khởi xướng chủ nghĩa Dân quyền ôn hòa) để hồi tố cụ về tội: ngụy dân chủ, dân chủ cải lương.
Liệu rằng tác giả có đủ nhận thức không khi nhận định ‘một đám đông gắn mác nhân sĩ trí thức và chưa bao giờ hành nghề liên quan đến trí thức’. Tôi tự hỏi ai sẽ đủ tư cách là nhân sĩ trí thức nếu ông Nguyên Ngọc (từng là Phó Tổng thư ký Hội nhà Văn Việt Nam, Tổng biên tập báo Văn nghệ); ông Chu Hảo (từng là Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ); ông Nguyễn Sự (từng là Bí thư thành ủy Tp. Hội An); ông Vũ Ngọc Hoàng (từng là nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam); ông Vũ Thành Tự Anh (giảng viên Đại học Fullbright); bà Nguyễn Thị Bình (từng là Phó Chủ tịch nước); ông Bùi Minh Quốc (từng là Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Quảng – Đà, TBT Tạp chí Đất Quảng); ông Đào Tiến Thi (nhà ngôn ngữ học, công tác NXB Giáo dục Việt Nam); ông Hà Sĩ Phu (từng là Viện phó Phân viện Đà Lạt của Viện Khoa học Việt Nam); ông Đỗ Trung Quân (nhà thơ, phóng viên báo Sài Gòn Tiếp thị), ông Hoàng Hưng (từng là Phóng viên, Biên tập viên báo Người giáo viên Nhân dân);… với các tác phẩm để đời của họ (mà tác giả có thể dễ dàng tìm ra trên Google hoặc nhà sách) lại không đủ tư cách đó?!
Và những việc làm hiện tại, những công việc mà họ trải qua, những sản phẩm mà họ đưa ra cho xã hội là gì nếu không phải là lao động trí óc? Liệu tác giả có hiểu ra rằng, sản phẩm trí thức của họ không những được ứng dụng trong thực tiễn (khoa học và trí thức ứng dụng) mà cao hơn cả, chính họ là những người làm đặc sắc tính chất trí thức thông qua sự phản biện một cách độc lập ngày hôm nay, hay nói đúng hơn, họ là những người thuộc ‘cơ quan nhận thức của cơ thể xã hội’ thay vì một cái loa phát ngôn hay một công cụ ‘hành nghề’ của Đảng.
Chính vì không công nhận vai trò ngang hàng của tri thức trong ứng đối với chính quyền, quen một lề lối là công cụ, là sự luồn cúi mà tác giả quy nạp rằng, những ai đi ngược (hoặc khác) với quan điểm chính quyền – dù là một quan điểm đúng xuất phát từ tư duy biện chứng khoa học cũng đều thuộc thể loại ‘chống đối’ và lập ra để ‘chống đối’. Với cách nhìn này, tác giả vỗ mặt ông Võ Văn Thưởng (Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương) và Ban Tuyên giáo Trung ương khi lên tiếng đối thoại với các cá nhân/ quan điểm khác với đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng và pháp luật nhà nước
Thứ hai, tác giả cho rằng, họ ‘không thực sự giỏi chuyên môn’, thế hóa ra, bao năm qua, nhà nước Việt Nam đã tận dụng một ‘tập hợp’ vô dụng để xây dựng nên một chính quyền như hiện nay? Và chính quyền hiện nay, được dựng lên từ những tập hợp ‘giỏi chém gió’? Nguy hiểm hơn, tác giả hoàn toàn không ý thức được khi cho rằng, góp ý Hiến pháp, xuất bản sách ngoài luồng, ra đời Văn đoàn độc lập là ‘không dựa trên cơ sở lý luận khoa học’.
Vậy làm thế nào để đảm bảo được cơ sở lý luận khoa học khi mà quyền Hiến pháp không được thực thi? Khi việc thực hiện theo Điều 25 Hiến Pháp – Điều tối cao liên quan đến quyền tự do ngôn luận (góp ý Hiến pháp và tự do xuất bản); tự do lập hội (thành lập văn Đoàn độc lập) bị đả kích và phê phán? Thậm chí, với quan điểm cho rằng, tự do lập Hội – xuất bản hay phê phán/ góp ý Hiến pháp là không dựa trên cơ sở lý luận khoa học, vậy thì Chủ trương ‘Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra’ mà ĐCSVN thường xuyên tôn vinh, nhắc nhở trong các nghị quyết là tờ giấy lộn vứt xó? Hay đúng hơn Chỉ thị 30-CT/TW, ngày 18/2/1998 ‘Về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở mà Bộ Chính trị (khóa VIII) đã ban hành là thứ hoàn toàn ‘không dựa trên cơ sở lý luận khoa học’?
Thứ ba, tác giả cáo buộc, việc lập các ‘thinktank’ là nhằm gây sức ép với chính quyền, để chống đối chính quyền, ngang nhiên nhận tiền từ các thế lực chính trị nước ngoài. Vậy thì tại sao Chính quyền Việt Nam không tiến hành dẹp ngay từ đầu mà lại cấp phép? Bởi các yếu tố mà tác giả vạch ra nêu trên đủ để hình thành cái gọi là ‘tổ chức chính trị đối lập’. Trong khi đó, quan điểm cứng nhắc từ trước đến nay của lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam là hoàn toàn không cho phép điều đó xảy ra – ngay từ trong trứng nước (gần đây nhất là vào năm 2014 – ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã căn dặn lực lượng Công an như vậy). Sẽ là một câu chuyện cười đến mức phi lý khi dựa vào quan điểm rằng, ‘vì có sử dụng tên cụ Phan’ nên Chính quyền sợ! Vậy ra, chính quyền sợ một người từng bị đấu tố là ‘dân chủ cải lương’ ư? Sợ cái tên ấy đến nỗi, buộc phải cấp phép, rồi cho hoạt động, thậm chí cho phép báo chí thông tin về sự kiện ra mắt (như Viện Phan Châu Trinh),…? Tôi e rằng, cái lý luận ấy là thứ lý luận ‘khoai lang’ nhất, kết tinh của sự ‘lộng ngôn’ và sự bí bách về mặt lý luận có thể tuôn ra!
Ngoài ra, tác giả nhận định, ông Nguyên Ngọc và Văn đoàn độc lập, là nơi ‘tụ tập của kẻ bất mãn, bọn chống phá, lũ chiêu hồi’ bởi ‘khi lướt vào danh sách thì có 15/61 người từng vào tù vô khám, và đây là nhóm người ‘có ân oán với dân tộc’. Tôi đồ rằng, thứ ngôn ngữ ‘chiêu hồi/ chống phá’ đầy tính miệt thị vào thời chiến tranh nội bộ của thế kỷ XX nên bị tống khứ và phê phán kịch liệt nhất trong thời đại hiện nay. Bởi nó biểu hiện cho tư duy ngôn ngữ vẫn bị co cụm trong cái vòng đấu tranh giai cấp, chính thứ ngôn ngữ này đã triệt tiêu tinh thần dân chủ, tự tôn, đổi mới – đưa đất nước vào cái vòng khủng hoảng kinh tế – chính trị cũng trong thời gian ấy. Nhưng nguy hiểm hơn nữa, với cái ngôn ngữ ‘ân oán dân tộc’ kiểu này, tác giả Hoàng Lệ đã nhổ toẹt vào chủ trương ‘hòa giải dân tộc’ của Đảng và Nhà nước Việt Nam đang gầy dựng bấy lâu nay. Nhổ toẹt vào lời phát biểu của ông ĐBQH Trương Trọng Nghĩa khi cho rằng ‘hòa bình trên 42 năm rồi, việc khai thác, phổ biến các tác phẩm văn hóa trước 1975 là rất cần thiết vừa đáp ứng nhu của dân vừa hòa hợp dân tộc.’
Cuối cùng, tác giả cho biết, ông Nguyên Ngọc đang ‘buôn bán cổ nhân’ vì các công trình liên quan đến các tổ chức nêu trên không trao giải các nghiên cứu học thuật có tính khoa học mà ‘chỉ trao cho các nghiên cứu có tính chính trị – bản thân công trình hoặc tác giả’. Với quan điểm này, tôi nhận ra sự thật rằng, tác giả chỉ là tên bồi bút, với mớ ngôn ngữ cảm tính, hoàn toàn không nhận thức được khoa học là gì, tính chính trị trong nghệ thuật – đời sống – học thuật là gì. Làm sao có thể thoát ra khỏi tính chính trị khi mà yếu tố này được nhìn nhận như một hiện tượng khách quan trong đời sống của xã hội loài người, và chính Chủ nghĩa Mác- Lenin, cũng nhấn mạnh nó xuất hiện khi xã hội có giai cấp, với logic phát triển nội tại – độc lập – khách quan (hữu cơ). Chính nó đảm bảo cho khoa học – nghệ thuật có tính biện chứng nhằm nắm bắt sự vận động xã hội, dự báo các tình thế của xã hội và cách mạng. Do đó, việc đòi hỏi loại trừ yếu tố chính trị ra khỏi khoa học, nghệ thuật là một hội chứng chủ quan, giáo điều không hơn không kém.
Riêng về quan điểm cho rằng việc lên tiếng của TS. Phạm Chí Dũng (IJAVN) là thanh trừng, tôi tin rằng – trong mắt và suy nghĩ của tác giả chưa bao giờ tồn tại một quan điểm gọi là: phản biện.
Kết
Với sự manh mún và phản tư duy nêu trên của tác giả Hoàng Lệ, một lần nữa Ban biên tập Tuần báo Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh đang tự đánh mất tính ‘nghiên cứu lý luận – phê bình văn học – nghệ thuật’ của mình. Thay vào đó là những ngôn ngữ ‘chợ búa’ đầy tính chất mạt sát nhân phẩm, danh dự người khác; đi ngược lại tính khách quan trong phát triển xã hội và chính trị; phủ nhận sự phát triển và đóng góp của các yếu tố đối thoại trong xã hội Việt Nam (xã hội dân sự); đấu tố cổ nhân. Trở thành một Tuần báo nồng nặc ngôn ngữ ‘đấu tranh giai cấp’, và chủ trương ‘vô sản hóa giáo dục – nghệ thuật’ trở lại một lần nữa.
Đây là sự đáng báo động, mà ông Tổng biên tập Nguyễn Chí Hiếu cần phải nghiêm túc nhận thức lại. Bởi sự dễ dãi và có phần lệch lạc về mặt tư duy (hoặc tư duy một chiều) đã khiến những bài viết – đáng lý ra chỉ nên nằm ở một blog, thì nay đã ‘đàng hoàng’ nằm một cách ‘chiễm chệ’ trên một cơ quan ngôn luận thuộc Hội Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh.
Tôi cho đó là điều đáng tiếc (nếu không muốn nói là khốn nạn) và thể hiện tư duy đi ngược chiều phát triển!
(*) Toàn bộ bài viết: http://tuanbaovannghetphcm.vn/vien-phan-chu-trinh-mot-to-chuc-dang-nghi-ngo/
A.V.
VNTB gửi BVN