Tình người

Nguyễn Thông

Sáng nay đi nghe thơ Nguyễn Duy. Tôi có lần nói nếu ai trong đời chưa một lần nghe thi sĩ Nguyễn Duy đọc thơ thì đời còn trống, còn cái lỗ hổng to lắm, nên tìm cách mà lấp lại.

Thu hoạch nhiều, đang viết một bài dài, nhưng cái này tôi tách ra biên trước, bởi sực nhớ hôm qua đọc trên báo bản tin có bà mẹ đẻ dìm chết cả đứa con mới hơn tháng tuổi mà mình dứt ruột sinh ra, lo lắm.

Bác Duy đọc bài thơ “Đứng lại” viết năm 1971 khi ở mặt trận chảo lửa Quảng Trị. Bác tâm sự cũng nhờ đợt thay quân mà còn sống đến giờ để đứng ở đây, chứ không cũng xong đời vào mùa hè đỏ lửa 1972 rồi. Bài thơ đại loại nội dung rằng “tôi” (bác Duy) xách AK đuổi theo một tên lính bảo an quân đội Sài Gòn. Chỉ cần 1/10 giây bóp cò súng là nó sẽ toi, nhưng bác cứ đuổi theo nó. Vừa đuổi vừa thoáng nghĩ nếu nó xách AR15 đuổi mình thì cầm chắc mình chết, vậy đuổi làm gì. Rồi vẫn đuổi, bắt sống được nó giải về. Cứu được một mạng người.

Kể tới đó, nhà thơ tâm sự, chỉ với bài thơ này mà bị đủ tầng đủ lớp phê bình kịch liệt, rằng nhân đạo tiểu tư sản, nhân đạo chung chung, mất lập trường cách mạng… phải làm tự kiểm, giải trình mãi, cuối cùng do đang đánh nhau ác liệt nên người ta mới tha cho.

May nhờ cách mạng mở lượng khoan hồng với Nguyễn Duy mà chúng ta mới có thêm được những bài thơ nổi tiếng của ông như Đánh thức tiềm lực, Nhìn từ xa Tổ quốc, Nghe tắc kè kêu trong thành phố, Ông già Hậu Giang, Vợ ơi…

Ngày xưa, con người thế hệ Nguyễn Duy được dạy dỗ cẩn thận phải có lòng nhân, tình người, lấy chữ nhân làm trọng. Trong ngũ thường thì nhân đứng ở hàng đầu, sau đó mới đến nghĩa lễ trí tín. Sống với nhau cốt ở cái tình người. Chính vì được trang bị thế mà người chiến sĩ ấy quyết định giữ lại được một mạng người trong 1/10 giây sinh tử kia, dù đó là kẻ thù.

Khi cuộc cách mạng vô sản cuốn phăng tất cả thì chữ nhân, tình nhân ái cũng dần bị mai một, lụi tàn. Nó như ngọn lửa leo lét trong cơn bão cách mạng dữ dội, chập chờn mong manh. Con người mỗi ngày một ác hơn, trái tim sắt đá, chẳng dễ gì rung động, trừ rung động trước đồng tiền và quyền lực. Người ta tôn thờ lẽ sống “Hạnh phúc là đấu tranh” do ông thủy tổ cộng sản đề xướng, họ gọi đó là nhân sinh quan cách mạng, là tôn chỉ mục đích sống cao quý nhất trên đời. Cứ phải đánh nhau, giành giật, bươu đầu sứt tai mẻ trán thì mới vinh quang. Cuộc sinh tử “ai thắng ai” không cho phép chần chừ cái sát na 1/10 giây như người lính Nguyễn Duy ở mặt trận Quảng Trị năm nào. Phải có kẻ chết cho mình sống, “đường vinh quang xây xác quân thù”.

Tệ hại là người ta không chỉ chỉnh huấn chỉnh quân với người lính (anh bộ đội) mà còn nhồi nhét vào óc trẻ thơ cái tính ác độc, thù hằn ấy. Tôi còn nhớ hồi học lớp 2 hoặc lớp 3 gì đó có bài thơ Con cáo đuôi bông. Con cáo rất đẹp: “con cáo đuôi bông/bộ lông hung hung” nhưng họ gán cho nó tội “ban ngày lẩn mặt/trong bụi trong hang/tối đến vào làng/bắt gà bắt vịt”. Thế thì nó phải chết, bị xử tử trong sự hả hê của đám quần chúng phẫn nộ: “dân làng đã biết/rình tóm được ngay/đòn gánh cành cây/phang cho kỳ chết/thế là đáng kiếp/con cáo biếng lười”. Chỉ biếng lười mà phải chết. Đuôi bông, lông hung đẹp đẽ cũng không cứu được. Tụi trẻ bị tẩy não, nhét vào đầu những “tinh thần cách mạng ác độc” ấy sẽ chẳng bao giờ có sự phân vân trước con người, nói như nhà thơ Chế Lan Viên “giết quân thù không cần phải phân vân/giết quân thù không đợi có hạt nhân”.

Cha ông ta ngày xưa nhân ái lắm. Chuyện Trí khôn kể về bác nông dân lừa con hổ ác, trói nó, chất rơm đốt nó, nhưng vẫn để cho nó sống, dây trói bị đứt, nó vùng chạy thoát được nên mới có cái vằn trên mình nó như ta thấy. Không có chuyện “đòn gánh cành cây phang cho kỳ chết” mặc dù con hổ đáng chết hơn con cáo nhiều. Chỉ từ khi có cách mạng búa liềm thì đòn gánh cành cây mới lên ngôi thôi!

15.6.2017
N.T.

Nguồn: https://www.facebook.com/thong.nguyen.7374/posts/1460394420650239

This entry was posted in văn hoá. Bookmark the permalink.