Thư gửi Bí thư Xuân Anh của một người con vừa mất mẹ *

Facebooker Haphi Bang

Nguyen Anh Tuan

Tâm sự thật buồn của một người con trai đã phải bất lực nhìn mẹ của mình ra đi sau 58 ngày điều trị ở phòng cấp cứu, khoa hô hấp Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, nơi mà thay vì các bệnh nhân được cách ly thì đã phải chen chúc 2 người/giường. Người con này tin rằng, nếu điều kiện phòng ốc bệnh viện tốt hơn, mẹ anh ấy đã có một cơ hội.

Đáng ngậm ngùi hơn khi tâm sự này lại được gửi đến Bí thư Xuân Anh như một lời cầu mong sự lưu tâm đến hệ thống y tế nước nhà. Đáng ngậm ngùi là bởi lẽ đã từ khá lâu rồi những vị Bí thư, Chủ tịch của đất nước này đâu còn là khách hàng của hệ thống y tế trong nước nữa; khi có bệnh họ sang thẳng các quốc gia tiên tiến, xa thì là Mỹ, Pháp, gần thì Nhật, Sing. Còn gì trớ trêu hơn khi những người luôn tuyên bố đại diện cho nhân dân cần lao thường xuyên tìm đến các bệnh viện hàng đầu thế giới ở các nước tư bản với chi phí có thể tới cả triệu đô, để mặc nhân dân cần lao chen chúc trong các nhà thương quốc nội, nơi mãi vẫn chưa đạt tiêu chuẩn 1 người bệnh/1 giường.

Nhưng có bao giờ người dân chúng ta nghĩ rằng chính trong thái độ cầu khẩn sự lưu tâm từ quan chức của chúng ta có mầm mống của cái bi kịch mà chúng ta đang gặp phải? Có bao giờ chúng ta tự hỏi, nếu chúng ta có một tinh thần công dân cao hơn, một thái độ quyết liệt hơn với quan quyền, chúng ta đã có thể cải thiện được tình hình, và trong trường hợp này, mang đến cho người thân của chúng ta một cơ hội được sống?

Hãy thử nghĩ đến một ví dụ nhỏ sau: Nếu bạn là công dân Đà Nẵng, có bao giờ bạn tự hỏi nhiều khu đất vàng của thành phố mà bạn đã từng đi ngang qua (làng châu Âu, đảo Xanh, DHC, Novotel, nhà hàng trên sông trước Novotel, đất ven biển…) nếu được bán đấu giá công khai thay vì giao kín kẽ cho các doanh nghiệp có thể giúp tăng thêm được bao nhiêu ngân sách, để rồi sau đó chi tiêu cho y tế nói riêng và phúc lợi xã hội có thể tăng thêm? Có bao giờ bạn đặt câu hỏi vì sao lãnh đạo thành phố không thể nâng chi tiêu ngân sách cho bệnh viện, song vẫn có thể tự tin theo đuổi những dự án tiềm ẩn nhiều lãng phí như hầm vượt sông?

Khi chúng ta, vì lý do nào đó, vẫn chưa từng nghĩ đến những câu hỏi này cũng như chưa từng có bất kỳ những hành động nào để đòi hỏi chính quyền thành phố phải phụng sự chúng ta tốt hơn – tương xứng với tiền thuế mà chúng ta đóng góp, thì dù đau lòng nhưng vẫn xin được nói thẳng: Chúng ta đang dự phần tạo ra những bi kịch mà chúng ta và người thân chúng ta đã, đang và sẽ gánh chịu.

Cuối cùng, đã là công dân thì mong mọi người đừng quên điều mà người nắm quyền nào cũng muốn chúng ta quên:

“Chính phủ là công cụ – Hãy tích cực đòi hỏi”.

PS: Xin được gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình người viết tâm sự. Cảm ơn anh vì một câu chuyện đầy gợi mở.

https://www.facebook.com/nguyen.anh.tuan8690/posts/1655308064484080

Chào Bí thư Xuân Anh!

Cho tôi gọi đ/c bằng bạn, vì tôi lớn hơn bạn 2 tuổi. Lúc này, tôi đang ngồi trước bàn thờ của Mẹ tôi. Tôi đã ngồi trước bàn thờ của Mẹ hơn 5 giờ rồi để chờ gần hết nhang rồi lại thắp.

Mẹ tôi mất ngày 01/03 sau gần 2 tháng nằm tại khoa hô hấp của bệnh viện đa khoa Đà Nẵng. Sự mệt mỏi, đau đớn vì mất Mẹ của tôi lúc này chắc cũng chỉ ngang với nỗi đau và sự bất lực của mấy chị em tôi khi chứng kiến Mẹ tôi chịu đựng sự đau đớn về thể xác trong suốt 58 ngày nằm điều trị tại bệnh viện Đà Nẵng. Mẹ tôi bệnh nặng, và bớt được một chút, rồi bệnh nặng trở lại, rồi bớt một chút, rồi nặng thêm … cứ thế, cho đến ngày các bác sĩ bó tay không còn phương nào chữa trị sau nhiều lần hội chẩn, và Mẹ tôi trút hơi thở cuối cùng.

Vậy tôi viết mấy dòng này cho bạn để làm gi? Vì tôi nghĩ có lẽ bạn chưa vào phòng cấp cứu của khoa hô hấp bệnh viện đa khoa – nơi mà tỉ lệ lây nhiễm cao nhất, nơi tập trung toàn những bệnh nhân rất nặng về bệnh hô hấp: ai cũng khó thở, ai cũng viêm phổi nặng, và hầu như vào phòng cấp cứu 507 rồi thì xem như đã đến ga cuối của cuộc đời bệnh nhân, vì tỉ lệ phục hồi gần như cực thấp.

Vì sao vậy? Có lẽ bạn nên vi hành một lần để biết. Trước khi vào, bạn nên bịt khẩu trang thật kỹ, vì những người khoẻ mạnh như tôi và bạn hoàn toàn có thể bị lây bệnh từ các bệnh nhân, vì họ đều khó thở do viêm phổi và bị ho rất nặng. Nhưng trớ trêu thay, tất cả những con người bệnh nặng dễ lây nhiễm như vậy lại bị “nhồi nhét” 2 người một giường, và người này ho phun virus ra thì người cùng giường (hoặc giường sát cạnh) lại hít vào.

Thế cho nên thật dễ hiểu là những con người bệnh nặng về hô hấp vào đây chỉ còn cách chờ chết! Thật đau lòng cho những đứa con nhìn Cha Mẹ mình nằm đó, tiêm kháng sinh đến nát cả tay, uống từng vốc kháng sinh dến suy cả thận… rồi cuối cùng đành nhắm mắt xuôi tay. Bất lực… Bạn có hiểu không??? Tại sao lại ngược ngạo như vậy?

Là một kiến trúc sư, am hiểu về thiết kế bệnh viện và có gần 20 năm thâm niên trong nghề, tôi cứ dằn vặt và uất ức tự hỏi sao lại có cách bố trí sắp đặt bất hợp lý như vậy? Đổ thừa cho điều kiện y tế của nước ta kém phát triển ư? Đó là tình trạng chung của tất cả bệnh viện tuyến đầu của các thành phố trực thuộc trung ương đều như vậy ư? Tôi đem điều này hỏi 2 người bạn tôi cũng đg là các bác sỹ hàng đầu tại bệnh viện đa khoa Đà Nẵng, họ đều lắc đầu cười buồn: mi hỏi tau thì tau biết hỏi ai? Tôi đã điên tiết (khi Mẹ tôi còn sống): cái điều sơ đẳng nhất là phải cách ly, hoặc chí ít phải chừa không gian thở cho những người cần thở, và càng giảm tái viêm phổi do lây nhiễm là điều đếch cần tấm bằng bác sỹ cũng có thể hiểu, sao tụi mày là bác sỹ giỏi lại không hiểu hay không chịu hiểu? Tụi nó (những bác sỹ giỏi của bệnh viện đa khoa Đà Nẵng) lại… cười buồn: mi hỏi ta thi ta biết hỏi ai? Tôi nổi điên: lên hỏi sếp của tụi bay là giám đốc bệnh viện kìa, hay không được nữa thì phản biện lên Giám đốc Sở Y Tế ĐN, không được nữa thì bí thư Nguyễn Xuân Anh (tôi viết đầy đủ tên bạn vì tôn trọng nhiệt huyết của bạn qua những gì bạn đang kế thừa anh Bá Thanh để làm cho ĐN).

Tụi bạn tôi bỏ dở ly cafe đứng lên cười buồn và nhìn tôi ái ngại: Mi khùng hả?

Bạn có thấy tôi khùng không?

Tôi viết mấy dòng này cho bạn vì tôi nghĩ bạn sẽ thay đổi được “chuyện nhỏ” này: một phòng cấp cứu lây nhiễm trực tiếp thì ko thể nhét như chất heo được! Hãy cho những bệnh nhân vào đó một cơ hội sống chứ ko phải chỉ sống sót bằng sự rủi may của số phận!

Tôi gợi ý nhé: Tăng thêm không gian và bố trí thêm giường (gấp đôi, hoặc gấp ba, hoặc gấp bốn…) cho số bệnh nhân cần không khí để thở với số lượng phòng dịch vụ còn trống… Bạn sẽ được giám đốc bệnh viện giải trình một lô những vấn đề về nhân sự, chỉ tiêu nhận bệnh, điều kiện chung… cho mà xem!

Tôi đã từng nghe một bác bệnh nhân nằm bên giường Mẹ tôi thều thào: Thành phố đáng sống, nhưng chắc phòng ni toàn những người đáng chết nên hắn mới nhét ri đây… Nghe mà chảy nước mắt!!!

Mẹ tôi mất rồi, vì viêm phổi tái đi tái lại sau 58 ngày điều trị với một số lượng khủng thuốc kháng sinh cực mạnh bơm vào người để rồi các chức năng khác kéo nhau cùng suy kiệt.

Tôi viết cho bạn với một mong muốn bạn lưu tâm về vấn đề này một lần, biết đâu (mà chắc chắn) là các bệnh nhân sau Mẹ tôi vào đây sẽ còn “cơ hội sống” chứ ko phải “sống sót” do số phận!

Nếu quả thật cả Việt Nam này các Bệnh viện tuyến 1 của các thành phố trực thuộc trung ương đều “tệ hại” đến thế, thì bạn có thể khiến nó khác biệt đi, vì Đà Nẵng đang được mệnh danh là “thành phố đáng sống ” mà???

Trân trọng!

(Đáng lý tôi gửi email cho bạn nhưng không biết bạn có thời gian check mail không nên đành làm phiền bạn vậy).

Nguồn: https://www.facebook.com/haphi.bang/posts/10206591606427505

* Tên bài do BVN đặt

This entry was posted in Xã Hội. Bookmark the permalink.