Lê Hồng Hà – Từ bóng tối bước ra đường sáng

Nhà văn Vũ Thư Hiên

Gửi cho BBC từ Paris, Pháp

clip_image001

Ông Lê Hồng Hà là ‘tấm gương sáng cho những người một thời lầm lỡ’, người đã ‘mất nhiều’, nhưng đổi lại được dân thương và kính trọng, theo nhà văn Vũ Thư Hiên

Lê Hồng Hà không còn nữa.

Ở tuổi tôi, tin về cái chết của ai đó số bạn bè cùng trang lứa không còn làm tôi ngạc nhiên, nhưng lần nào cũng vậy, vẫn cứ là đột ngột. Sự ra đi không bất ngờ của Lê Hồng Hà làm tôi bàng hoàng. Tôi quen có anh, mặc dầu chúng tôi rất ít liên hệ với nhau.

Cảm giác hụt hẫng này y hệt trong chiến tranh, khi người bạn chiến đấu luôn ở bên mình, trên đường hành quân, trên trận địa, bỗng một ngày không thấy đâu.

Có một sự trớ trêu của số phận trong tình bạn giữa chúng tôi.

Cuối năm 1967 Lê Hồng Hà là chánh văn phòng Bộ Nội vụ, người ký lệnh điều động người đi bắt tôi. Trong nhà tù Hỏa Lò nổi tiếng, tôi chỉ đôi lần thoáng thấy anh đi cùng các viên chức làm công việc hỏi cung.

Cái kiến nghị hiền lành của hai bầy tôi vốn ngoan ngoãn chứa trong lòng nó một kết luận táo bạo và nguy hiểm: những người bị bắt đều vô tội. Câu hỏi tiếp theo, không được đặt ra bằng lời, nhưng ai cũng hiểu: “Nếu họ đều vô tội thì kẻ gây ra tội là ai?

Nhà văn Vũ Thư Hiên

Thế rồi vào một ngày không chờ đợi, khi tôi đã ra tù nhiều năm, bỗng nghe sấm động giữa trời quang – Lê Hồng Hà và Nguyễn Trung Thành, vụ trưởng Vụ bảo vệ đảng cùng ký kiến nghị đòi Trung ương đảng thẩm tra và giải oan cho những người bị bắt tù nhiều năm không xét xử trong vụ án gọi là “nhóm xét lại chống Đảng và làm tay sai cho nước ngoài”.

Đảng của hai anh đã không xem xét kiến nghị thì chớ, lập tức tống hai anh ra khỏi hàng ngũ của nó.

Trưởng ban tổ chức trung ương Lê Đức Thọ đã sơ hở không tiêu huỷ mọi hồ sơ của vụ án nguỵ tạo. Chúng vẫn nằm trong tủ của Vụ bảo vệ đảng để Lê Hồng Hà và Nguyễn Trung Thành có điều kiện lần giở từng biên bản khám xét, biên bản hỏi cung, rà soát lại tính pháp lý của vụ án để từ đó hiện ra một âm mưu.

Công việc này không thể làm ngay trong khi những nạn nhân còn nằm trong trại giam, mọi hồ sơ còn chưa được khép lại. Nó đòi hỏi một độ lùi về thời gian, đòi hỏi sự xem xét kỹ càng, sự tính toán, cân nhắc, để việc làm có thể có kết quả.

Nói về âm mưu này thì dài, tựu trung nó chỉ có mục đích củng cố quyền lực của những kẻ yếu bóng vía sợ mất nó. Để nắm chắc quyền lực chúng không ngần ngại trước bất cứ điều gì.

Cái kiến nghị hiền lành của hai bầy tôi vốn ngoan ngoãn chứa trong lòng nó một kết luận táo bạo và nguy hiểm: những người bị bắt đều vô tội. Câu hỏi tiếp theo, không được đặt ra bằng lời, nhưng ai cũng hiểu: “Nếu họ đều vô tội thì kẻ gây ra tội là ai?”

‘Phải có gan cóc tía’

clip_image002

‘Trong nỗi buồn mất anh tôi có được niềm vui – nhân dân thật công bằng’, nhà văn Vũ Thư Hiên nói về ông Lê Hồng Hà.

Ở miền Bắc Việt Nam vào những năm ấy mà dám vạch ra sự không anh minh trong một việc làm mờ ám của vua chúa thì phải có gan cóc tía. Lê Hồng Hà và Nguyễn Trung Thành chưa hề nổi tiếng gan dạ. Hai người chỉ nổi tiếng là những đảng viên trung thành, những công chức mẫn cán. Điều không ai ngờ là trong họ vẫn sống dai sống khỏe một tâm hồn lương thiện, nó sinh ra cái ta gọi là công tâm, là sự tử tế được truyền nối từ các thế hệ cha ông.

Cái giá phải trả là rất đắt theo chuẩn mực thời ấy. Nó là dấu chấm hết cho mọi thăng tiến, mọi quyền lợi, mọi ưu tiên ưu đãi. Họ có day dứt không? Có đấy. Nhưng họ đã chấp nhận giá ấy, không lùi bước. Có một chút khác nhau giữa hai anh. Nguyễn Trung Thành đau đớn, tôi nghe nói vậy, Lê Hồng Hà thì không.

Từ vị trí ăn trên ngồi trốc trong hệ thống cai trị, Lê Hồng Hà quyết định rời bỏ đảng của anh để đi về phía lẽ phải, có nghĩa là về phía những người chống thể chế độc tài. Anh trở thành bạn của chúng tôi, những nạn nhân của vụ án mà anh là người tham gia trấn áp. Trớ trêu là ở chỗ đó.

Lê Hồng Hà và Nguyễn Trung Thành là tấm gương sáng cho những người một thời lầm lỡ. Họ sẽ mất rất nhiều, nhưng đổi lại họ sẽ được cái lớn hơn – tình yêu thương và lòng kính trọng của nhân dân.

Nhà văn Vũ Thư Hiên

Lê Hồng Hà ngày một đi xa hơn. Anh phủ định lý thuyết mác-xít về đấu tranh giai cấp là động lực phát triển xã hội, phủ định chuyên chính vô sản, phủ định mọi thần tượng – Marx, Lenin, Stalin, Mao. Riêng Hồ Chí Minh thì hai anh né, chưa phải lúc. Trong chuyện này giữa chúng tôi – Lê Hồng Hà, Nguyễn Minh Cần và tôi – đã có những cuộc trao đổi ý kiến khá gay gắt. Nhưng đó là những va chạm về quan điểm chiến thuật. Ngoài ra, chúng tôi luôn là một.

Với Lê Hồng Hà lập trường là rõ ràng. Anh đòi phải trả lại nền cộng hoà sơ khai năm 1945 và phát triển nội dung dân chủ của nó trong sự đối lập với cai trị độc tài. Anh chủ trương giữ hoà khí với Trung Quốc, nhưng phải có khoảng cách, trong đường lối ngoại giao đa phương…

Nói tóm lại, dưới cách trình bày mềm mỏng để người nghe không bị sốc, anh dứt khoát ly khai đảng của anh để đứng về phía nhân dân.

Tôi báo tin anh mất trên facebook vào trưa hôm qua 15.11. Hôm nay, cũng vào buổi trưa, tôi xem lại dưới tin ấy đã thấy có trên 1.500 người vào đọc và viết lời chia buồn. Là riêng một trang Facebook của tôi thôi, không kể những trang khác, và những trang chia sẻ. Trong nỗi buồn mất anh tôi có được niềm vui – nhân dân thật công bằng.

Nhận thức là một quá trình. Người nào tìm sẽ thấy. Nhân dân sẵn sàng đón nhận họ vào hàng ngũ của mình.

Lê Hồng Hà và Nguyễn Trung Thành là tấm gương sáng cho những người một thời lầm lỡ. Họ sẽ mất rất nhiều, nhưng đổi lại họ sẽ được cái lớn hơn – tình yêu thương và lòng kính trọng của nhân dân.

V.T.H.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, nhà văn Vũ Thư Hiên, tác giả của cuốn hồi ký chính trị ‘Đêm giữa ban ngày’, hiện đang sống tại Paris, Pháp.

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/forum-38008943

This entry was posted in Tư Liệu. Bookmark the permalink.