Thảm họa Formosa: Đại biểu Quốc Hội hỏi, Bộ trưởng không (thể) trả lời! Vì sao?

Luật sư Trần Hồng Phong

clip_image002

BLA: Formosa (Vũng Áng, Hà Tĩnh) chắc chắn sẽ còn được nhắc đến nhiều và tạo nên nhiều sóng gió tại Việt Nam trong thời gian tới, vì sự nguy hại, nguy hiểm và tiềm năng nguy hiểm, nguy hại thường trực của nó. Về mặt lý thuyết, Formosa vẫn còn phép hoạt động tại Việt Nam tới khoảng 60 năm nữa. Tuy nhiên có lẽ rất nhiều người Việt Nam, trong đó có tôi, không tin nó sẽ tồn tại được lâu đến vậy. Bài dưới đây đăng trên báo Dân Trí ngày hôm nay (2/11/2016), với câu hỏi đặt ra là: Vì sao dân hỏi Bộ trưởng không trả lời?

Ảnh: Nhiều người dân Việt Nam rất ghét Khu nhà máy này, vì đã từng xả độc, gây thiệt hại tỷ đô ở miền Trung (nguồn ảnh: internet)

Nguồn: http://dandensg.blogspot.sg/2016/11/tham-hoa-formosa-ai-bieu-quoc-hoi-hoi.html

**********

Đại biểu Quốc hội truy vấn “ai nhận trách nhiệm vụ Formosa”?

Dân Trí – Thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại Quốc hội, Đại biểu Trần Công Thuật băn khoăn, đến nay vẫn chưa ai đứng ra nhận trách nhiệm sau vụ Formosa xả thải đầu độc biển, ai bù đắp thiệt hại cho người dân nếu 500 triệu USD bồi thường không đủ chi? Bộ trưởng TN-MT được yêu cầu giải trình thêm…

clip_image004

Đại biểu Trần Công Thuật phát biểu tại hội trường (ảnh: Quochoi.vn).

Đại biểu Trần Công Thuật (Quảng Bình) đề cập sự cố môi trường biển do Formosa Hà Tĩnh trực tiếp gây ra. Theo đại biểu, người dân đến giờ vẫn tâm tư vì hành động xả thải của Formosa là hành vi hủy hoại môi trường, gây ảnh hưởng toàn diện, phạm vi rộng và nghiêm trọng, là hành vi vi phạm Bộ luật hình sự nhưng trên thực tế đang xem xét ở mức vi phạm hành chính và bồi thường kinh tế.

“Lượng tiền 500 triệu USD mà Formosa bỏ ra để bồi thường được dựa trên thực tế hay dựa vào đàm phán, thỏa thuận. Nếu số tiền trên không đủ để đền bù cho dân thì ai sẽ bù đắp cho đủ hay người dân và địa phương tự khắc phục?” – đại biểu đặt câu hỏi.

Ngoài ra, theo đại biểu Thuật, đến nay vẫn chưa ai đứng ra để nhận trách nhiệm về vấn đề xả thải của Formosa trong khi đến 58 lỗi đã được chỉ ra, trong đó có biểu hiện của sự gian dối. Ông Thuật cho rằng những vấn đề Formosa nhất định phải làm rõ, minh bạch, nghiêm túc.

Mặt khác, theo đại biểu, việc Formosa cam kết không tái phạm cũng cần phải làm rõ, tái phạm là như thế nào, ở mức độ nào? vi phạm trong việc chôn lấp chất thải rắn đã được phát hiện vừa qua có được gọi là tái phạm không?

Không trực tiếp trả lời những câu hỏi đại biểu đặt ra nhưng Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà đã giải trình một số nội dung về về công tác quản lý, bảo vệ môi trường sau khi xảy ra một loạt sự cố môi trường kiểu như Formosa vừa qua.

Ông Hà trình bày, quản lý, sử dụng tài nguyên nước cho sản xuất và sinh hoạt thời gian qua đã thành vấn đề nóng khi 60% lượng nước của Việt Nam đến từ ngoài biên giới. Bộ TN-MT đã tích cực xây dựng quy chế sử dụng nước chung lưu vực xuyên biên giới, xây dựng chiến tài nguyên nước, tái cơ cấu sản xuất cho những vùng nhạy cảm.

Trước hết, Bộ TN-MT đã rà soát lại quy hoạch sử dụng, tránh xung đột giữa các lợi ích, mục đích khi sử dụng tài nguyên nước.

Về vấn đề khai thác khoáng sản (nguồn lợi mang lại 40-50% GDP quốc gia), Bộ trưởng TN-MT khẳng định quan điểm muốn giảm xuất khẩu khoáng sản thô. Theo đó, nguyên lý đưa ra là cần chọn thời điểm khai thác các loại khoáng sản hợp lý, dựa vào những tín hiệu của thị trường, xử lý nghiêm việc lãng phí tài nguyên, khai thác khoáng sản bằng công nghệ lạc hậu và thực hiện đấu thầu khai thác mỏ.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Chính phủ đang xem xét lần cuối Nghị định về đấu thầu khai thác khoáng sản.

Ngoài ra, một định hướng khác là tăng cường tìm kiếm thăm dò khoáng sản trên vùng biển, nghiên cứu sử dụng công nghệ hiện đại để khai thác bền vững. Ông Hà lấy ví dụ, vùng đồng bằng sông Hồng hiện có khoảng trên 10 tỷ tấn than, nếu khai thác sẽ tốt đảm bảo được vấn đề an ninh năng lượng quốc gia.

“Vấn đề giải quyết căn cơ chuyện môi trường phải là tái cơ cấu kinh tế, hạn chế việc phát triển kinh tế thâm dụng vào môi trường, can thiệp vào tự nhiên. Sau một loạt sự cố vừa qua có thể nhận thấy, môi trường của ta đã đến ngưỡng không thể chịu đựng thêm được nữa. Cần xác lập vị thế mới của môi trường, chuyển từ việc môi trường đi sau phát triển kinh tế sang định hướng môi trường phải trước và đi ngay trong quá trình phát triển kinh tế. Vấn đề môi trường cần đưa vào ngay trong mỗi dự án đầu tư, trong quá trình triển khai tực hiện” – Bộ trưởng TN-MT nói về cơ cấu kinh tế xanh.

clip_image006

Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà bên hành lang Quốc hội phiên thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội (ảnh: Hoàng Long).

Vị tư lệnh ngành thông tin, sau sự cố biển miền Trung, Bộ TN-MT đã rà soát, kiểm tra, thanh tra được 137 cơ sở, từ hạ tầng khu/cụm công nghiệp cho đến những ngành sản xuất xả thải nhiều như khai thác khoáng sản, hoá chất, giấy, dệt nhuộm…

Theo ông Hà, thời gian tới cần có biện pháp quyết liệt, nghiêm túc trong việc bảo vệ môi trường và hoàn thiện đồng bộ giải pháp đánh giá tác động môi trường khi sửa luật đầu tư, luật doanh nghiệp cũng như quy định chặt chẽ việc giám sát chất lượng môi trường theo nguyên tắc để người dân trực tiếp tham gia giám sát.

P.Thảo

Nguồn: http://dantri.com.vn/chinh-tri/dai-bieu-quoc-hoi-truy-van-ai-nhan-trach-nhiem-vu-formosa-20161102152738658.htm

This entry was posted in Môi Trường. Bookmark the permalink.