“Thoảng bay theo gió” của Bob Dylan – Bài hát dành cho giới cầm quyền vô cảm

Bob Dylan sinh năm 1941, mang tên Robert Zimmerman. Xuất thân từ một địa phương khiêm tốn, thị trấn Duluth thuộc bang Minnesota, Bob Dylan bắt đầu hành trình âm nhạc của mình bằng cách chơi guitar và harmonica ở các quán cà phê và các hội quán khác chung quanh khu học xá của Đại học Minnesota. Tài nghệ “cây nhà lá vườn” của ông có kẻ khen, người chê. Nhưng nếu ông chỉ nấn ná ở một góc quê hương mà không gặp nhạc sĩ dân ca nổi tiếng Woody Guthrie ở New York thì chắc đời ông cũng chỉ kết thúc âm thầm và đơn độc như bao nhiêu người xuất thân nơi sinh quán của ông.

Vào thập niên 1960 Bob Dylan là thần tượng nhạc rock-dân-ca và là tác giả của bài hát phản kháng nổi tiếng của thời đại, “Blowin’ in the Wind“. Ông đi theo truyền thống của những người viết nhạc phản kháng khác, tức là qua lời ca tiếng hát tìm cách đánh thức lương tâm của giới quyền lực và kêu đòi chấm dứt những tình trạng bất công và bất nhân trong xã hội. Cùng với Joan Baez và các nhạc sĩ dân ca nổi tiếng đương thời, tiếng hát của ông cổ vũ cho Phong trào tranh đấu đòi dân quyền và phản đối Chiến tranh Việt Nam.

Sau bốn mươi năm được hàng chục triệu người nghe khắp thế giới, ca từ của “Blowin’ in the Wind” vẫn còn rất đương đại, bởi vì chính trong Thời đại Thông tin này vẫn còn những giới thống trị tiếp tục thờ ơ vô cảm trước đau thương của đồng loại.

Cũng như ca từ của Trịnh Công Sơn, ca từ của Bob Dylan chứa đựng nhiều thi ảnh (poetic images), hay nói thế khác, có nhiều chất thơ. Người ta không thể phủ nhận rằng ca từ của nhiều bài hát cũng chính là thơ và có thể đây là dạng thức thi ca phù hợp nhất trong Thời đại Thông tin này. Một phần nhờ âm nhạc trợ lực, một phần vì chủ đích của người viết ca từ là trực tiếp tác động cảm thức của người nghe, nên thơ trong ca từ luôn luôn có tham vọng nhắm vào đại chúng. Thơ không chỉ sống bằng “con chữ”, mà tồn tại được cũng nhờ “con âm”, nói theo nhà thơ Dương Tường. Ca từ không đòi hỏi người nghe phải động não để giải mã các biểu tượng như họ gặp phải khi đọc các bài thơ theo chủ nghĩa hiện đại (modernism).

Trần Ngọc Cư

Blowin’ in The Wind

(Thoảng bay theo gió, bản dịch của Trần Ngọc Cư)

Bao nhiêu nẻo đường một kẻ ngược xuôi

Trước khi bạn mới gọi nó là người?

Bao nhiêu biển khơi bồ câu sải cánh

Trước khi về nằm trong cát ngủ vùi?

Phải bao nhiêu lần tên bay đạn bắn

Trước khi vũ khí bị cấm đời đời?

Lời đáp, bạn ơi, thoảng bay theo gió,

Câu trả lời đà theo gió thoảng bay.

 

Phải bao nhiêu năm hòn núi ù lì

Trước khi núi kia bị trôi xuống biển?

Phải bao nhiêu năm người ta hiện diện

Trước khi được làm những kẻ tự do?

Biết bao nhiêu lần một người ngoảnh mặt

Giả vờ như là không thấy không nghe?

Lời đáp, bạn ơi, thoảng bay theo gió,

Câu trả lời đà theo gió thoảng bay.

Phải bao nhiêu lần một kẻ ngó lên

Mới nhìn thấy ra bầu trời xanh thắm?

Bao nhiêu lỗ tai một người phải sắm

Mới nghe được là có tiếng kêu than?

Bao nhiêu mạng người phải chịu thác oan

Hắn mới hiểu ra quá nhiều người chết?

Lời đáp, bạn ơi, thoảng bay theo gió,

Câu trả lời đà theo gió thoảng bay.

© 2007 talawas

English Lyrics

How many roads must a man walk down

Before you call him a man?

How many seas must a white dove sail

Before she sleeps in the sand?

Yes, ‘n’ how many times must the cannon balls fly

Before they’re forever banned?

The answer, my friend, is blowin’ in the wind,

The answer is blowin’ in the wind.

Yes, ‘n’ how many years can a mountain exist

Before it’s washed to the sea?

Yes, ‘n’ how many years can some people exist

Before they’re allowed to be free?

Yes, ‘n’ how many times can a man turn his head,

Pretending he just doesn’t see?

The answer, my friend, is blowin’ in the wind,

The answer is blowin’ in the wind.

Yes, ‘n’ how many times must a man look up

Before he can see the sky?

Yes, ‘n’ how many ears must one man have

Before he can hear people cry?

Yes, ‘n’ how many deaths will it take till he knows

That too many people have died?

The answer, my friend, is blowin’ in the wind,

The answer is blowin’ in the wind.

Dịch giả gửi BVN

This entry was posted in văn hoá. Bookmark the permalink.