TS Tô Văn Trường
Chuyên gia độc lập về Tài nguyên nước và môi trường
Tôi đã đọc nhiều ý kiến bình luận về Formosa tùy theo nhận thức và góc nhìn của mỗi người. Đáng chú ý, gần đây thấy có 3 ý kiến của giới khoa học.
– Bình luận của bạn Nguyễn Văn Duyên, vietnam-ocean-network nguyên văn ngắn gọn 2 dòng chữ: “Vấn đề cá chết bị chính trị hoá quá, càng ngày càng giống hài kịch. Đừng để nó thành bi kịch!”
– Bình luận của TS Trần Mạnh Hải Viện Khoa học Công nghệ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nguyên văn như dưới đây: “Ngay từ đầu, tôi đã nghĩ đây không hẳn là do Formosa, mà do ai đó đã cố ý đưa một lượng lớn chất độc vào biển. Chứ nếu do Formosa thì cá phải chết từ từ (theo thời gian, phụ thuộc tốc độ dòng hải lưu), chứ không thể trong vài ngày mà cả dải miền Trung có hiện tượng giống nhau. Câu hỏi là: Nồng độ các chất đó ở Vũng Áng (đầu nguồn) và ở Hếu (tạm coi là cuối nguồn) chênh lệch bao nhiêu? Tôi nghĩ họ đã đưa cyanua vào trước, các chất khác đưa vào sau (thời gian đã được tính toán để đảm bảo cá chết và không bị lực lượng chức năng phát hiện) để tạo kịch bản xảy ra là do Formosa, họ có thể sử dụng một tàu cá ngụy trang để rải. Và kịch bản là: Các nhà khoa học Việt Nam sẽ chứng minh “Thảm họa” là do các chất thải của Formosa.”
– Bài viết “Một cách nhìn khác về thảm họa Formosa Hà Tĩnh” của nhà khoa học Trần Gia Ninh đăng trên mạng Bauxite Việt Nam ngày 16/07/2016. Tôi đã viết lời đề dẫn cho bài viết này.
Tôi lắng nghe, tôn trọng các ý kiến khác biệt để suy ngẫm tra cứu các thông tin số liệu, phân tích để rút ra những nhận định cần thiết. Ngay từ những ngày đầu tháng 4/2016 khi thấy có hiện tượng cá chết xuất phát từ Kỳ Anh, Hà Tĩnh tôi đã đặt vấn đề nghi can số 1 là Formosa nhưng vấn đề phải đưa ra các luận chứng khoa học và bằng chứng cụ thể “nói có sách, mách có chứng”.
Để giúp cho những người quan tâm tham khảo, tôi tổng hợp lại các thông tin, số liệu mà mình có được dưới góc nhìn khách quan và biện chứng.
NHẬN XÉT CHUNG
Chủ trương của Nhà nước là không đánh đổi môi trường để thu hút đầu tư phát triển kinh tế nhưng thực tế khi phân cấp về địa phương đã có những “biến tướng” về quy chuẩn, kể cả ưu tiên về thời hạn, thuế khóa v.v.
Một câu hỏi được đặt ra có khả năng Formosa như là một phép thử thì sẽ ra sao? Sẽ có các cấp độ khác nhau. Cấp 1 là sự phản ứng như vừa qua. Cấp 2 là dân biểu tình, đàn áp và sẽ là cớ để bêu rếu Việt Nam. Cấp 3 là cấm hoạt động, vỡ trận, đụng chạm luật pháp quốc tế và các món nợ ngân hàng. Cấp 4 là sự can thiệp thô bạo lấy cớ bảo vệ công dân Trung Quốc.
Nhưng dù cấp độ nào, sự phản ứng và xử lý của Chính phủ vừa qua là chậm, có những mâu thuẫn và khiếm khuyết. Hình như chúng ta vẫn thiếu cái gậy chỉ huy sáng suốt và quyết đoán. Câu chuyện Formosa còn lâu mới khép lại được. Sẽ có nhiều sự cố để Formosa thỉnh thoảng lại tái sốt.
Khách quan nhận xét: Việt Nam chưa có kinh nghiệm xử lý khủng hoảng kiểu như cá chết ở miền Trung. Chính quyền Hà Tĩnh buông lỏng quản lý kiểm tra giám sát về môi trường, khi xẩy ra thảm họa, Bộ TNMT và các ban ngành vào cuộc chậm, phát ngôn bất nhất, lại lái dư luận sang nguyên nhân cá chết do “thủy triều đỏ”, tác động của âm thanh càng làm công luận thêm sôi sục. Báo chí, một số bài viết “giật tít” câu view, không hiểu về chuyên môn. Lãnh đạo cấp trên, lúng túng ra lệnh hạn chế và cấm bàn sâu hơn về Formosa, thể hiện tư duy tiểu nông lấn át tầm nhìn về ‘kỹ trị’, không theo kịp sự phát triển của nhà nước pháp quyền.
Sau khi vụ cá chết hàng loạt xẩy ra được khoảng 2 tuần, không biết ai “thầy dùi”, tư vấn cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm kiểm tra tiến độ công trình của Formosa trong lúc rất nhạy cảm, lại không đến thăm ngư dân mà cũng không hề phát biểu đề cập đến thảm họa cá chết xuất phát từ Hà Tĩnh đã bị cư dân trên mạng xã hội “ném đá” cũng là điều dễ hiểu.
Sau những lúng túng, bị động ban đầu của các cơ quan chức năng ở trung ương và địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo quyết liệt giao trực tiếp cho Bộ KHCN truy tìm ra nguyên nhân cá chết. Bộ KHCN kết hợp chặt chẽ với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã tiến hành khảo sát điều tra, lấy mẫu thí nghiệm, phân tích chứng minh thủ phạm là Formosa. Bộ TNMT đã kịp thời sửa sai, cùng các bộ, ngành tiếp tục đấu tranh bắt Formosa phải nhận tội, xin lỗi và đền bù.
Qua lần đi khảo sát ở Hà Tĩnh ngày 2/7 vừa rồi, tôi biết thêm nhiều thông tin nhưng không muốn đưa lên mạng vì làm gì, viết gì bây giờ cũng phải suy ngẫm đặt quyền lợi của đất nước, của dân tộc lên trên hết. Việc Formosa vận hành thử nghiệm tổ máy dây chuyền cán xưởng cán tấm (29/2/2016), xin ra hạn thời gian vận hành thử nghiệm tổ máy đốt than số 1 nhà máy điện, và nhìn vào bảng “composition and information on ingredients and toxicological properties” thông báo của Formosa gửi chính thức cho Bộ TNMT và Sở TNMT, tôi không khỏi giật mình vì sự tắc trách và trình độ chuyên môn của những người có trách nhiệm phía Việt Nam trong công tác kiểm tra, và giám sát môi trường.
Tôi nhấn mạnh khuyết điểm lớn nhất không phải là cấp giấy phép xả thải hay báo cáo ĐTM mà chính là “lỗ hổng” về công tác kiểm tra, giám sát về môi trường của Bộ TNMT và Sở TNMT Hà Tĩnh. Bởi vì theo quyết định số 25/2014/QĐ-TTg ngày 25/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng cục môi trường trực thuộc Bộ Tài nguyên & Môi trường ở mục 8. “Thẩm định và đánh giá tác động môi trường” nêu rõ ở phần d) Tổ chức giám sát việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong giai đoạn thi công xây dựng và vận hành thử nghiệm các dự án đầu tư theo phân công của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường.
Thực tế, quý 4 năm 2015 và quý 1 năm 2016 cơ quan giám sát môi trường của Bộ TNMT sau nhiều lần kiểm tra thực tế vẫn không phát hiện ra sai phạm của Formosa nhưng khi có sự cố cá chết đầu tháng 4/2016, bị “chiếu tướng” cuống lên, thì lại chỉ ra đến 53 lỗi của Formosa? Cơ quan chức năng của tỉnh Hà Tĩnh và cá nhân một số người phụ trách về môi trường chẳng những làm ngơ, còn nhận làm thuê, đổ chất thải của Formosa không đúng quy định vào cả mảnh đất riêng của mình, thì chỉ có một nguyên nhân là tham tiền và đã bị Formosa “móc ngoặc”!
NHẬN XÉT CỤ THỂ
1.Vì sao phía Việt Nam và liên doanh sản xuất thép không trụ được ở Hà Tĩnh
Liên Xô là nước đầu tiên muốn sử dụng quặng Thạch Khê để sản xuất thép. Nhưng dự án 1,5 triệu tấn/năm yêu cầu đầu tư gần 1 tỷ đô lúc đó, quá lớn đối với Liên Xô và Việt Nam. Mặt khác, chưa có thể khai thác mỏ này vì độ phức tạp: Thân quặng nằm sâu dưới mặt nước biển từ -8 đến 500m, nước biển chẩy vào qua Karster rất mạnh, chưa tìm được cách ngăn hoặc bơm ra như thế nào.
Đầu những năm 90, Đức cho 6 triệu DM để làm báo cáo tiền khả thi khai thác mỏ này. Một tổ hợp quốc tế gồm Krupp đứng đầu, Gencore Nam Phi và Mitsui Nhật Bản được chỉ định làm, và tổ hợp này góp thêm tiền, đối tác phía Việt Nam là Bộ Cơ khí-Luyện kim. Trong đó, thuê Công ty Braunkole (chuyên khai thác than nâu) làm mô hình bơm nước từ lòng mỏ ra biển.
Nhưng khi tiêu hết tiền thì Krupp ra tuyên bố dừng, với lý do:
– Giá quặng sắt chỉ có 25 đô/tấn;
– Cung vượt cầu;
– Quặng Thạch Khê có hàm lượng kẽm cao (0,028-0,037%), khi luyện gang lò cao hơi kẽm bốc lên phá thành lò. Lúc đó, chưa xử lý được tách kẽm ra khỏi quặng. Đương nhiên, ngày nay người ta đã tách được, nhưng chi phí cao.
Ông Trần Đức Lương lúc đó tuyên bổ ‘cảm thấy nhẹ nhõm’ vì cứ tâng bốc mỏ này mãi!!! Không thể hiểu nổi!? Lúc bấy giờ, Krupp tuyên bố dừng vì đã ‘chén” hết 6 triệu DM của chính phủ Đức. Không công ty nào chỉ dùng mỗi quặng Thạch Khê để sản xuất thép cả, mà phải pha trộn thêm các quặng sắt khác nhằm giảm độ kẽm, tăng Mn trong phối liệu.
Ghi chú là:
– Không có công ty Nhật nào vào cả, chỉ có Mitsui đi cùng Krupp;
– Thời điểm đó chưa có tổ hợp ThyssenKrupp như bây giờ;
– Gencore là công ty Nam Phi, bây giờ sát nhập vào tập đoàn BHP Billiton là tập đoàn khai thác mỏ lớn nhất thế giới.
Cuối cùng, thì Tata vào liên doanh với Tổng công ty Thép Việt Nam Vnsteel để tiếp nối dự án của ông Lê Duẩn năm xưa với công suất 5 triệu tấn/năm. Tata xin có được 30% cổ phần trong khai mỏ Thạch Khê để đảm bảo nguyên liệu, nhưng ông Đoàn Văn Kiển từ chối vì Thủ tướng giao Thạch Khê cho Tổng công ty Than. Liên doanh Vnsteel và Tata xin thêm đất (trên mặt đất của dự án Liên Xô ngày xưa) và mở đường từ nhà máy ra cảng, nhưng Hà Tĩnh đã giao hết cho Formosa, cho nên liên doanh này tan rã là điều dễ hiểu.
2. Formosa được cấp giấy phép đầu tư, với khu đất 3300 ha, với ưu đãi gần như được cấp không trong 70 năm, nhằm xây dựng khu liên hợp Vũng Áng 28,5 tỷ USD. Khu này bao gồm khu gang thép, nhà máy điện, khu lọc dầu, với 3 giai đoạn:
– Giai đoạn 1 (gồm 2 bước): Bước 1-1, đầu tư liên hợp luyện gang thép và cảng công suất 7.5 triệu tấn/năm; Bước 1-2, sẽ nâng công suất lên đạt và 15 triệu tấn/năm; Tổng mức đầu tư bước 1-1 (gồm tổ hợp gang-thép và cảng biển Sơn Dương) khoảng 8 tỷ đô la;
– Giai đoạn 2: xây dựng tổ hợp nhà máy lọc dầu công suất 15 triệu tấn dầu thô/năm và 1,2 triệu tấn ethylene/năm;
– Giai đoạn 3: Xây dựng cảng Sơn Dương thành cảng tổng hợp phục vụ trung chuyển hàng hóa trong khu vực (gồm cả Bắc Thái Lan và Nam Lào).
Cuối năm 2007, Formosa gửi thư quan tâm đầu tư. Một tháng sau được cấp phép khảo sát. 12 ngày sau đó, Tập đoàn xây dựng xong báo cáo đầu tư và được phép trình Thủ tướng. Đầu tháng 3 năm 2008, Formosa đã có giấy phép đầu tư. Đó là lúc kinh tế thế giới chưa đi vào suy thoái, nhưng sau này dù có suy thoái, tiến độ xây dựng của Formosa cũng không bị ảnh hưởng. Nhưng việc tiêu thụ được khối sản phẩm thép trên thị trường hiện nay không phải là điều họ phải đối phó.
Một đại dự án lớn như vậy, xây dựng ở chỗ thắt của đất nước và điểm trung chuyển từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc của các triều đại trước, lại đối diện với Hải Nam, mà chỉ có hơn một năm đã có giấy phép? Chứng tỏ Formosa được hưởng nhiều ưu đãi. Ở đây, cũng cần khách quan đánh giá vùng Kỳ Anh Hà Tĩnh xưa kia đất cát chỉ 1 vụ lúa, nghèo đói, nhờ Formosa có thu nhập vượt bậc nhưng vấn đề là người dân mong muốn có cả “thép và cá” nghĩa là phát triển kinh tế nhưng vẫn bảo đảm về môi trường. Ngay ở Hàn Quốc nhà máy thép Posco ở ven biển vẫn phát triển bền vững nhờ kiểm soát nghiêm ngặt về quy chuẩn môi trường.
Lưu ý: Theo quan điểm phát triển trong bảo vệ cần làm rõ bài toán “trade off” được và mất sao cho cái lợi lớn nhất và cái mất ít nhất vì khi con người tác động vào tự nhiên không bao giờ được tất cả.
3. Phát thải “siêu độc” của Formosa? Nhiều người phát biểu trên công luận Formosa phát thải siêu độc? Nếu nói đúng nghĩa luyện kim, thì chất thải từ sản xuất thép của Formosa không phải là siêu độc, không nên cố gán như thế. Thế giới sản xuất cả tỷ tấn thép mỗi năm nhưng chưa bao giờ có gây ô nhiễm độc hại như ngành công nghiệp hóa chất, chế biến thực phẩm hay công nghiệp dệt và giấy, khai thác mỏ cũng như chế biến khoáng sản.
Các chất thải của nhà máy thép hoàn toàn có thể xử lý được. Điển hình như nhà máy thép của Posco ở Hàn Quốc thuộc “top 3” của thế giới nhập quặng, sản xuất thép ở ven biển nhưng môi trường biển vẫn an toàn, nằm trong quy chuẩn môi trường.
4. Thời điểm xảy ra sự cố Formosa đang vận hành (chạy commisioning”) với công suất bao nhiêu? những phân xưởng nào đang vận hành (thì mới tính ra được lượng nước thải và lượng chất ô nhiễm). Thông thường trong commissioning phase có rất nhiều mode vận hành chứ không phải là luôn vận hành toàn bộ nhà máy với công suất tối đa.
5. Về so sánh QCVN 52 với tiêu chuẩn của IFC: đúng là tiêu chuẩn của IFC nhiều thông số hơn, nhưng 12 thông số trong QCVN 52 quy định giới hạn cho phép tương tự với 12 thông số tương ứng của tiêu chuẩn IFC tính ở thời điểm soạn thảo QCVN 52. Tôi nhấn mạnh thời điểm soạn thảo bởi vì có thể đến thời điểm này IFC đã ban hành tiêu chuẩn mới theo nguyên tắc BAT (kỹ thuật tốt nhất chấp nhận được). Tất cả các QCVN của ta đều dựa trên tiêu chuẩn quốc tế thời điểm soạn thảo, đấy là cơ sở khoa học mà Bộ KHCN và các bộ liên quan áp dụng khi xây dựng TCVN và QCVN.
6. Việc “tính theo giấy phép xả thải mà Formosa đã được cấp với lưu lượng 45.000 mét khối/ngày, chỉ riêng với nồng độ phenol hay cyanide cho phép đều là 0,585 mg/l, thì tổng lượng phenol và cyanide sẽ thải ra biển Vũng Áng trong điều kiện Formosa vận hành ổn định và xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn cho phép sẽ là 17,37 tấn/năm, tức là lớn gấp 9,5 lần so với lượng thải của năm ngày gây ra thảm họa.” thì đấy là lỗi của giấy phép xả thải.
7. QCVN 52 không có quy định thông số FeII mà chỉ có chắt rắn lơ lửng. Các công đoạn sản xuất thép không thải nhiều sắt trong nước thải, và lượng sắt nhỏ có thể xử lý đạt tiêu chuẩn trong công đoạn lắng, hóa lý của hệ thống xử lý nước thải. Lượng huyền phù FeII phát hiện trong môi trường biển miền Trung là từ việc súc rửa đường ống ra lượng lớn nước thải thải thẳng ra biển mà không xử lý.
Tuy nhiên, nếu đi sâu tìm hiểu QCVN 52 đối chiếu với các chất thải của Formosa thì đã bao gồm cả các chất phenol, ammonia, cyanua, dầu mỡ v.v.
8. Còn một nguyên tắc áp dụng QCVN đối với ngành đặc thù cần nhấn mạnh: các QCVN này chỉ tập trung vào các thông số điển hình của các ngành đặc thù ấy, thế nên những thông số “không điển hình” thì khi thải ra phải áp dụng QCVN 40 (trong trường hợp thải nước thải), do đó không được hiểu sai là nước thải của ngành sản xuất thép chỉ phải kiểm soát 12 thông số quy định trong QCVN 52, các thông số khác được thải thoải mái!. Cũng tương tự như vậy, các hoạt động khác không thuộc công đoạn sản xuất thì phải áp dụng QCVN 40.
9. Tôi vừa mới cập nhật văn bản quy phạm pháp luật, thấy có Quyết định 26/2016/QĐ-TTg ban hành quy chế hoạt động ứng phó sự cố hóa chất độc (dated 1/7/2016), có thể vận dụng “linh hoạt” áp dụng cho trường hợp của Formosa. Dùng từ “linh hoạt” vì danh mục hóa chất độc trong phần phụ lục của Quy chế, rất tiếc vẫn không có phenol, cyanide, hydroxit sắt!?
10. Mất điện 5 ngày là mất điện liên tục hay chỉ là 5 ngày dừng công đoạn xử lý nước thải sinh học do vi sinh chết? Nếu mất điện thời gian ngắn hơn thì các công đoạn trung hòa, lắng, hóa lý (tuyển nổi, keo tụ) sẽ hoạt động lại khi có điện và xử lý được kim loại nặng, trong đó có CrVI (nếu không xử lý hóa lý thì chắc là sẽ phát hiện được CrVI trong môi trường biển, ít nhất trong trầm tích.
Tôi không tin về sự cố mất điện ở Formosa, là chuyện buồn cười thành ra cũng chả nên mất thì giờ tìm hiểu thêm làm gì mà chỉ cần tìm giải pháp hữu hiệu kiểm soát việc xả thải bằng cách “nắm đằng chuôi”. Nói theo ngôn ngữ của chuyên gia ngành điện là nếu cần thiết phải cho cái hệ thống quản lý máy bơm nước thải ra biển vào một cái “cubicle” khóa lại và do ta kiểm soát để chỉ cho phép bơm nước “đã xử lý” ra biển.
11. Không thể nói là ‘luyện cốc ướt’ hay ‘luyện cốc khô’ ở Formosa. Có lẽ do Bộ trưởng Bộ công thương Trần Tuấn Anh và một vị Tổng giám đốc trong ngành sử dụng cụm từ nói trên không chuẩn xác về chuyên môn, thành ra dẫn đến nhiều ngộ nhận trong xã hội.
Tôi đã tra cứu các nguồn tài liệu khoa học kỹ thuật và thảo luận với chuyên gia, nhận thấy việc dập tắt lửa bằng công nghệ ướt hay khô chỉ là một công đoạn trong luyện cốc, cho nên không thể nói là ‘luyện cốc ướt’ hay ‘luyện cốc khô’ được.
Luyện cốc: Trên thế giới kỹ thuật luyện cốc giống nhau, chỉ có khác một ít về chọn kiểu lò với số lỗ nhất định, tham số công nghệ, bố trị công nghệ, phối ghép thiết bị, và giải pháp bảo vệ môi trường.
Than cốc được rửa, nghiền sàng đến <3 mm, loại bỏ sắt. Sau đó, đưa đến tháp than lò cốc để luyện. Sau khi nhào trộn thành bánh than, rồi đưa vào buồng than hóa. Tại buồng than hóa các bánh than trải qua một chu kỳ kết, cốc hóa, chưng khô với nhiệt độ cao khoảng 9500 độ C đến 11.000 độ C để tạo thành than cốc và khí than tự do.
Sau khi than cốc chín muồi trong buồng than hóa, than cốc được dỡ ra để chuyển vào xe dập tắt lửa cốc. Nếu dập tắt ướt, thì phun nước để than cốc đang cháy đỏ bị dập tắt. Sau đó, than cốc được dỡ xuống sàn phơi, sau một thời gian nguội thì than cốc được chuyển qua công đoạn sàng phân loại theo 4 cấp, rồi chuyển đến xưởng lò cao.
Khí than tự do nóng ở nhiệt độ 7000 độ C được thu gom trên nóc buồng đốt. Khí này sẽ được chưng tưới bằng nước ammonia tuần hoàn với áp lực khoảng 0,3 Mpa và nhiệt độ 780 C để làm nguội đến 840 C. Dầu cốc trong khí than tự do cũng đồng thời bị nung lạnh. Khí than lò cao và khí than lò cốc được dùng để tăng nhiệt cho lò cốc.
Có vài công nghệ làm sạch khí than lò cốc, tách khử và thu hồi lưu huỳnh, tẩy chưng amonium và phân giải amonium, công nghệ rửa benzene, không rõ Formosa sử dụng loại nào?.
Dập tắt lửa cốc:
Có 2 loại: Dập tắt ướt và dập tắt khô.
Dập tắt ướt (Cole Wet Quenching) thì sẽ tiết kiệm được đầu tư, kỹ thuật đã ổn định và thao tác thành thạo, hơn nữa có thể sử dụng nước thải sau khi xử lý sinh hoá để dập tắt lửa cốc. Như thế, nước thải không xả ra ngoài. Tuy nhiên, hiệu quả tận dụng tổng hợp nguồn năng lượng lại tương đối thấp, vì nhiệt còn lại trong cốc đang nóng không sử dụng. Quá trình “quenching” này, có sinh ra khí bụi than vào không khí. Nước sau khi xử lý sinh hóa được tăng áp, đưa toàn bộ lượng nước để dập tắt lửa cốc. Bùn trong bể xử lý sinh hóa được dùng để trộn với than cho sản xuất cốc.
Dập tắt khô (Coke Dry Quenching) là dùng khí nén lạnh (N2: 70-75%, H2: 2-3%. CO: 8-10%, CO2: 10-15%) để dập tắt. Lửa đi từ trên tháp xuống, còn khí lạnh đi từ dưới lên. Nhiệt nóng từ cốc đang nóng được sử dụng để sinh hơi, phát điện. Như vậy, phải có nhà máy nén không khí tới 200 atm, rồi lạnh đến -40 độ C, đầu tư cao hơn. Tuy vậy, dập tắt khô có ưu điểm hơn là lợi dụng tổng hợp nguồn năng lượng và hiệu quả bảo vệ môi trường. Công nghệ này, được áp dụng tai một số nhà máy ở Nhật Bản.
Điều trớ trêu là:
Chính MCC (Metallurgy Construction Company of China) nhà thầu chính của 2 đợt mở rộng Gang Thép Thái Nguyên (đợt 2 đang làm ầm ĩ trên công luận) đã chào công nghệ dập tắt lửa khô cho xưởng sản xuất cốc 300 nghìn tấn/năm, nhưng Gang Thép Thái Nguyên từ chối, chỉ chấp nhận dập ướt, vì đang quen sử dụng công nghệ ướt rồi, không có tiền xây dựng nhà máy nén khí và sử dụng năng lượng dư thừa từ cốc nóng vào việc gì, đương nhiên cũng phải đầu tư thêm nữa.
Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tỉnh táo, nếu tiếp tục đầu tư hàng nghìn tỷ nữa cho khu gang thép Thái Nguyên chẳng khác gì “ném tiền qua cửa sổ”!
Xin lưu ý: Nước thải từ quá trình cốc hóa có độ độc hại cao và gây ung thư, bởi vì có chứa phenolic, aromatic, heterocyclic, polycyclic organics, inorganics, cyanide, sulfide, ammonium và ammonia. Sách vở cho hay chất phanerochaete chrysosporium có thể loại bỏ tới 80% phenol ra khỏi nước thải từ quá trình cốc hóa này.
12. Formosa là một tập đoàn kinh tế lớn nhất Đài Loan và tập đoàn lớn thế giới (Đương nhiên bây giờ thì Đại lục nắm giữ bao nhiêu % rồi thì không rõ). Vì thế, họ không ‘lãng phí’ hơn $10 tỷ đã đầu tư ở Việt Nam đâu. Có ý kiến cho rằng có kẻ khác giấu tên làm hại Việt Nam thông qua Formosa, kẻ dấu tên này có thể là người từ Đại lục. Khi nhận tội, Formosa đổ lỗi cho nhà thầu phụ Trung Quốc. Formosa là tập đoàn đã làm ăn ở nhiều nước mà thiếu quy trình quản lý nhà thầu phụ thì đó là lỗ hổng trong hợp đồng kinh tế. Theo luật quốc tế, nếu nhà thầu phụ của Formosa làm sai thì Formosa cũng vẫn phải gánh chịu trách nhiệm.
Trong thực tế, để kiếm lời, người ta có thể làm một số việc gian dối như xả trộm nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Ngay như nhà máy xi măng có đầy đủ công nghệ xử lý ô nhiễm không khí nhưng đêm khuya, không có ai kiểm soát thì vẫn xả trộm ra ngoài trời để giảm giá thành. Doanh nhân thì lời lãi là hàng đầu, sẵn sàng làm như Karl Marx đã từng nói cho nên các biện pháp kiểm tra, giám sát về môi trường và chế tài của ta phải thật chặt chẽ, và nghiêm khắc.
13. Phenol và cyanua xuất hiện trong quá trình cốc hóa, theo lý thuyết thì được xỷ lý ở hệ thống xử lý sinh hóa rồi, sau đó được xử lý tiếp ở hệ thống xử lý nước công nghiệp. Tôi không chắc với số lượng phenol nhiều như thế theo nhà khoa học Trần Gia Ninh tính toán.
14. Phenol là chất không ưa nước, ít tan trong nước, mà tan trong dung môi hữu cơ, có thể tồn dư dạng phức cơ kim, một thời gian sau, rồi cũng phân hủy hết. Hay nói chính xác hơn phenol ít tan trong nước lạnh nhưng nhiệt độ nước càng cao thì độ tan của phenol càng tăng và tan vô hạn trong nước ở 66 độ C.
Còn CN thì là một anion hóa trị -1, rất linh động nên dễ bị khả năng tự làm sach của biển, loại đi nhanh chóng, nhất là khi nó tạo ra SCN-, thì không độc nữa. Hydroxyt Fe (Fe (OH)2, dễ chuyển hóa thành Fe (OH)3 trong điều kiện ánh sáng và có oxy, cho nên nếu là độc Fe thì không đáng ngại. Nếu có số liệu bao nhiêu tấn cyanua, phenol, hydroxyt sắt đổ ra biển sẽ phân tích đánh giá thuyết phục hơn.
15. Phenol và cyanua dù là hấp phụ (liên kết vật lý) hay tạo phức (liên kết hóa học) thì đều là cân bằng động dịch chuyển theo mũi tên 2 chiều. Phenol khi dính với sắt tồn tại lâu hơn, và đi xa hơn cyanua nhưng cuối cùng vẫn bị nước biển pha loãng.
Ngay từ đầu, khi xảy ra sự cố cá chết hàng loạt ở miền Trung, nhóm chuyên gia yêu môi trường đã nghĩ ngay đến thủ phạm là Formosa nhưng cũng đặt ra câu hỏi sắt ở đâu mà ra nhiều thế? Lượng các chất độc nào đủ lớn để làm chết cá trên một vùng rộng lớn như vậy? Xin lưu ý nước biển Hà Tĩnh nhiễm sắt nhiều so với các nơi khác, vì trong quặng sắt Thạch Khê Fe2O3 chiếm tới 60,64-73,13 %, FeO từ 9,25-22,24%.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi xúc rửa, sắt, rỉ sắt từ đường ống tan ra tạo thành muối sắt (II), ví dụ FeCl2. Sắt (II) này nằm trong môi trường có axit hữu cơ là axit citric (thành phần trong dung dịch tẩy rửa) thì Fe(II) tạo phức với nó, do tạo phức nên bình thường không oxy hóa được thành Fe(III) (quá trình cần oxy) để tạo thành hợp chất sắt oxy – hydroxit (FeOOH) dễ lắng như trong công nghệ xử lý sắt trong nước ngầm.
Sắt sử dụng trong phản ứng Fenton là muối sắt (II), nó kết hợp với H2O2 để tạo ra gốc tự do OH, chất oxy hóa mạnh, phân hủy sâu được thành phần phenol và nhiều loại chất hữu cơ khó sinh hủy và các chất màu. Sau phản ứng, sắt (III) hình thành, nó dễ lắng khi không bị dính chất hữu cơ (ví dụ do hấp phụ) và tách ra dưới dạng bùn thải vv…
Vậy, ngoài chất độc đã được phát hiện phenol và cyanua, Fe2 nói trên mà thủ phạm là Formosa, còn lượng chất độc nào khác chưa bị lôi ra ánh sáng? Tôi vẫn tin là phải có một lượng độc tố (và cả độc tố khác ngoài phenol và cyanua) được thải vào biển.
16. Phân tích mẫu nước ở vùng Thừa Thiên – Huế không hề có phenol và cyanua vậy thì tại sao cá chết? và chuyển sang đổ diệt cho amoni/amonia vì phân tích mẫu nước thấy có nồng độ cao gấp nhiều lần QCVN. Rồi bảo 50% cá chết vì độc tố phenol và cyanua, do trong cơ thể chúng có nồng độ các độc tố này cao, vậy còn 50% cá chết khác chắc ăn phải chất siêu độc khác hơn cả phenol và cyanua v.v?
17. Bộ Tài nguyên Môi trường giải thích rằng khi cyanua và phenol kết hợp, trở thành “tấm chăn” khổng lồ hút thêm rất nhiều chất độc khác nên gây ra tình trạng cá chết trên diện rộng. Cyanua là chất rất độc nhưng cyanua khi kết hợp lan rộng đến thế nào thì cần đọc báo cáo khoa học chi tiết của đoàn thẩm tra. Tuy nhiên, tôi tra cứu, chưa thấy tài liệu nào nói trường hợp hút các chất độc khác kiểu này?.
18. Nhiều ý kiến đề nghị Formosa cần đưa đường ống xả sát đáy biển lên trên mặt biển để dễ kiểm soát. Trên thế giới các nhà máy kể cả nhà máy thép đều cho phép đường ống xả đặt dưới đáy biển vì biện pháp kiểm soát chất lượng nước là ngay ở trên mặt đất trước khi cho vào cửa đường ống xả ngầm. Nếu bắt đưa đường ống xả đáy lên mặt biển sẽ gây trở ngại về giao thông thủy, và làm bệ đỡ rất phức tạp. Ở Việt nam, các nhà máy dầu khí đang vận hành và ngay cả quy hoạch nhà máy điện nguyên tử các đường ống đều đặt xả đáy nhưng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy chuẩn kiểm soát về môi trường. .
19. Về bài toán giá thành, theo tính toán của chuyên gia, sử dụng số liệu giá nguyên liệu trên thị trường 2016 thì chi phí sản xuất một tấn thép thô theo phương pháp BOF thì giá thành một tấn thép là 310 USD, trong đó chi phí lớn nhất là quặng sắt 80 USD (cần 1,56 tấn quặng), than 73 USD (cần 0,89 tấn), chi phí nguyên liệu phụ khác 83 USD, điện 17 USD, lao động 16 USD, và chi phí khấu hao 54 USD. Giá lao động như thế chỉ bằng chỉ bằng 5% giá thành.
Tuy nhiên, cần lưu ý là khi TPP có hiệu lực đối với Việt Nam thì thép Formosa hoàn toàn có thể cạnh tranh với thép Trung Quốc, vì không phải đóng thuế nhập khẩu quặng sắt, than mỡ, than nhiệt trị… và không phải đóng thuế xuất/nhập xuất thép sang các nước thành viên TPP như Australia, Indonesia, Mỹ, Canada, Peru…trong khi TQ phải đóng các loại thuế này. Đây chưa nói về giá lao động, đóng góp của Formosa cho Việt Nam cũng rất ít như thuế đất, phí môi trường, miễn hoặc giảm nhiều thứ khác. Điều tệ hại là Formosa có thể kiện dựa vào clause của TPP về ‘Investor-State Dispute Solution System’ về những trường hợp như vừa qua nếu Việt Nam không thận trọng và có đủ bằng chứng thuyết phục.
20. Cho phép Formosa xây dựng nhà máy điện với công suất 650 MW là quá nhiều đối với luyện thép ở đây, chắc là cho bán điện dư thừa lên lưới quốc gia. Với công suất 7,1 triệu tấn thép rồi lên 15 triệu tấn của Formosa, rồi nhà máy thép của Vạn Lợi, nhà máy thép mấy triệu tấn của Trung Quốc, một loạt nhà máy điện than… Vũng Áng sẽ trở thành vùng công nghiệp Ruhr của nước Đức cách đây vài thập niên. Miền Trung giải hẹp như vậy thì khói mù dầy đặc, chất độc hại đương nhiên phải ra biển (đấy là chưa nói đến chất thải rắn). Đáng tiếc, là người dân không được cảnh báo trước, còn người có trách nhiệm mải say sưa cho đó là thắng lợi.
21. Thu hút FDI, nhất là ngành công nghiệp nặng, luyện kim, hóa chất, giấy, dệt may, lọc hóa dầu…có thể ví như được ruống rượu Whisky, còn không, thì chỉ uống rượu “cuốc lủi” tự nấu hay rượu Hà Nội. Nhưng xét về góc độ môi trường thì không ai dám chắc các hệ thống xử lý hoạt động tốt liên tục, còn lỗi của con người, sự cố thiên nhiên vv..…
22. Giải pháp trước mắt
Về biển:
– Công việc cần làm hiện nay là khảo sát đánh giá những mức độ bị hủy hoại môi trường biển dọc theo ven bờ biển 4 tỉnh bị ô nhiễm để có kế hoạch tương đối sát thực khu vực nào thì có thể để môi trường tự làm sạch và tự phục hồi (natural attenuation/remediation), khu vực nào cần sự hỗ trợ của con người và khu vực nào hoàn toàn phải phục hồi nhân tạo. Không thể chỗ nào cũng “làm sạch biển… trồng san hô…”
– Cách để đánh giá môi trường biển bây giờ, không phải chỉ đánh giá mức độ ô nhiễm (thời gian qua quá lâu rồi, chỉ còn tồn dư và ô nhiễm thứ cấp) mà cần đánh giá mực độ bị hủy hoại là quan trọng hơn.
– Các phương pháp đánh giá ô nhiễm, theo tôi thì thông qua phân lô, lấy mẫu, phân tích và đánh giá. Còn đánh giá mức độ hủy hoại thì có nhiều cách khác nhau nhưng sát thực nhất là tính phần trăm số sinh vật biển bị hủy hoại tại chỗ và mật độ sinh vật biển có trong hiện trạng (các loài san hô, sao biển, nhím biển, giun/lươn biển và động vật hai vỏ được quan tâm đầu tiên).
-Tuỳ theo đặc điểm của từng hệ thuỷ sinh đặc thù mà hình thành các chương trình phục hồi thích hợp
– Ở những vùng hệ san hô bị huỷ diệt, cần có kế hoạch phục hồi nhanh bằng cách tạo nơi cư trú nhân tạo cho san hô phát triển như nhiều nước vẫn làm.
– Rà soát, kiểm soát nghiêm ngặt các nguồn xả thải ra môi trường biển ở miền Trung (không chỉ riêng Formosa).
– Quan tâm giúp đỡ ngư dân chuyển nghề thích hợp, ưu tiên hàng đầu là bám biển (kể cả đánh bắt xa bờ) vì ngoài yếu tố kinh tế, còn là chủ quyền biển đảo của tổ quốc.
Về giám sát:
-Nên học hỏi phương pháp giám sát sinh học bằng các thuỷ sinh vật đặt tại đầu xả nước thải (theo kiểu của EPA) và theo dõi bằng camera, nếu thấy cá chết là có vấn đề (thời điểm cá chết có thể thấy do quan sát trực tiếp hoặc qua xem lại dữ liệu ghi trong ổ cứng).
-Chú trọng phát triển các phương pháp giám sát bằng tiêu chuẩn môi trường xung quanh (ambient standards).
-Biện pháp dù gắt gao đến mấy nhưng nhà quản lý doanh nghiệp không có đạo đức môi trường (kiểu Vedan trước đây và Formosa bây giờ, cũng như nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua) thì việc quản lý sẽ gặp khó khăn. Cần phải lập danh sách đen để chú ý đặc biệt tới các doanh nghiệp loại này.
KẾT LUẬN
Các cơ quan chức năng của Việt Nam đã bắt buộc Formosa phải nhận tội, xin lỗi và đền bù là thành quả bước đầu đáng ghi nhận nhưng còn nhiều việc phải nghĩ, phải làm như nội dung tôi đã đề cập ở trên.
Trong quá trình phát triển đất nước khi thành công ít người nhắc đến những người trong cuộc nhưng khi có hậu quả xẩy ra, người ta dễ nhớ và truy vấn, quy trách nhiệm. Cần phải công bằng đánh giá trách nhiệm ở dự án Formosa, dự án bô xit Tây Nguyên v.v. không phải chỉ do bên hành pháp vì đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.
Người dân ven biển miền Trung rất hiểu giá trị của công nghiệp trong đóng góp GDP của địa phương nhưng không muốn “đổi cá lấy thép”, do đó các cơ quan chức năng cần khẩn trương đẩy mạnh việc thực hiện các biện pháp khắc phục thảm họa này và phòng ngừa các sự cố tiếp theo.
Chỉ có giám sát chặt chẽ theo quy chuẩn môi trường Việt Nam (cập nhật) theo tiêu chuẩn quốc tế cả chất thải khí, thải rắn và nước thải thì Formosa sẽ phải tự cân đối bài toán kinh tế “trade off” lời-lỗ, để quyết định tiếp tục sản xuất hay tự nguyên đóng cửa.
T.V.T.
Tác giả gửi BVN.