(Theo tinvn) Chính phủ Trung Quốc đã trả 180 ngàn nhân dân tệ (khoảng 27 ngàn USD) cho mỗi chủ tàu để họ đi đến quần đảo Trường Sa. Chúng tôi phải ở đó 2 tuần.
Trung Quốc đã thành lập lực lượng dân quân biển với hạm đội tàu cá 200.000 chiếc, phục vụ cho tham vọng lãnh thổ
The Straits Times ngày 5/4 đưa tin, làng chài Đàm Môn ven biển phía Nam đảo Hải Nam đã trở thành tuyến đầu của việc Trung Quốc sử dụng ngư dân nước này vào mục đích “bảo vệ (cái gọi là) vùng biển truyền thống tổ tiên”.
Đặt chân đến Đàm Môn, người ta có thể thấy những tấm pa-nô, áp phích khổ lớn in hình ông Tập Cận Bình về thăm làng chài này năm 2013 khi vừa nhậm chức. Đồng thời những phát biểu của ông Tập Cận Bình cũng được in thành khẩu hiệu khẳng định cái gọi là “chủ quyền từ thời cổ đại” của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ông Tập Cận Bình thăm làng chài Đàm Môn ngày 8/4/2013, ngay sau khi nhậm chức không lâu. Ảnh: Tân Hoa Xã.
Chuyến thăm diễn ra ngày 8/4/2013 với mục đích chính trị giữa lúc gia tăng căng thẳng tranh chấp chủ quyền – hàng hải trên Biển Đông. Bắc Kinh rất coi trọng làng chài Đàm Môn và lấy các hoạt động đánh bắt cá (bất hợp pháp) của làng chài này để chứng minh cho yêu sách chủ quyền (vô lý, phi pháp và bành trướng) của họ trên Biển Đông.
Làng chài này còn trở thành điểm du lịch bởi Tập Cận Bình đã từng đến đây. Chính quyền trung ương Trung Quốc cuối tháng 11 năm ngoái đã quyết định rót 1 tỉ nhân dân tệ (1 nhân dân tệ tương đương 0,15 USD) để xây dựng “bảo tàng Biển Đông” ở Đàm Môn, dự kiến sẽ mở cửa năm 2017.
Ngư dân Trung Quốc Lin Guanyong cho hay, việc đánh bắt của ông ở Biển Đông rất nguy hiểm, không chỉ là thời tiết. Lin Guanyong đã từng bị cơ quan chức năng Việt Nam bắt giữ năm 2011 cùng với 20 ngư dân khác vì đánh cá bất hợp pháp trong vùng biển Việt Nam.
Tàu cá vi phạm được đưa vào bờ xử lý và họ phải nộp phạt 2500 USD và được thả sau 2 tuần. Lin Guanyong thừa nhận tàu cá của mình đã vượt biên vào vùng biển láng giềng, nhưng nói rằng ngư dân các nước khác cũng nhảy sang “vùng biển Trung Quốc”.
Trong khi ngư dân Trung Quốc hiện diện ở nhiều tỉnh ven biển như Chiết Giang, Quảng Đông, Quảng Tây thì Đàm Môn lại là làng chài “quan trọng nhất về chính trị”, vì được Trung Quốc sử dụng làm vũ khí chứng minh “yêu sách chủ quyền” đối với quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).
Zhang Hongzhou, một học giả từ trường Nghiên cứu Quốc tế Rajratnam, Singapore nói với The Straits Times: “Hoạt động đánh bắt cá và hồ sơ của họ là một trong những bằng chứng chính mà Trung Quốc đưa ra chứng minh cho yêu sách “chủ quyền lịch sử” nước này tuyên bố ở BIển Đông”.
Một số ngư dân Đàm Môn đang tích cực tham gia hoạt động tranh chấp lãnh thổ, hàng hải với láng giềng, bao gồm sự kiện giàn khoan 981 hạ đặt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam năm 2014.
Trong nhiều năm qua, ngư dân Đàm Môn được chính phủ cung cấp nguồn tài chính để duy trì sự hiện diện (bất hợp pháp) của họ ở những tiền đồn Trung Quốc xây bất hợp pháp ở Trường Sa. Lin Guanyong gia nhập hoạt động này năm 2012.
“Chính phủ đã trả 180 ngàn nhân dân tệ (khoảng 27 ngàn USD) cho mỗi chủ tàu để họ đi đến quần đảo Trường Sa. Chúng tôi phải ở đó 2 tuần. Họ không quan tâm chúng tôi có đánh bắt hay không. Họ chỉ muốn chúng tôi ở đó”, Lin Guanyong nói với The Straits Times.
Lin Guangyong tâm sự: “Tôi rất ít học, đó là lý do tại sao tôi đi đánh cá. Tôi sẽ làm việc này thêm 10 hoặc 20 năm, nhưng tôi hy vọng con cháu tôi không phải theo nghề cha”.
Nguồn: https://exodusforvietnam.wordpress.com/2016/04/07/trung-quoc-thue-ngu-dan-ra-truong-sa-27-ngan-usd-1-tau-khong-can-danh-ca/#more-25766