Ý kiến: Bất cập chế độ giam giữ ở VN

Luật sư Ngô Ngọc Trai Gửi cho BBCVietnamese.com

Sau cái chết của Đỗ Đăng Dư trong khi đang bị giam giữ, gia đình thiếu niên này đã gửi thư cầu cứu tới Cao ủy LHQ

Hôm 26/11 vừa rồi cơ quan điều tra công an thành phố Hà Nội đã có kết luận điều tra vụ thiếu niên Đỗ Đăng Dư 17 tuổi bị đánh đập tử vong trong khi đang bị giam giữ

Kết luận cho thấy Dư bị một người dùng gót chân nện nhiều cái vào đầu gây thương tích dẫn đến tử vong. Ngoài thương tích vùng đầu, khám nghiệm tử thi cho thấy trên người Dư còn nhiều vết thương khác.

Các đối tượng giam cùng phòng khai rằng đó là do nhiều lần Dư bị ngã khi đi lại trong phòng giam, cũng theo lời các đối tượng này thì chỉ duy nhất một lần Dư bị đánh là lần đánh dẫn đến tử vong, ngoài ra không còn lần nào khác.

Nhưng đây có lẽ là lời khai báo dối trá để tránh bị xử lý nặng hơn, về phía cán bộ điều tra thì cũng dễ dãi chấp nhận để giúp giảm, tránh trách nhiệm cho cán bộ quản giáo.

Không loại trừ khả năng Dư đã bị đánh đập tàn nhẫn nhiều lần và còn bị đối xử hành hạ theo nhiều kiểu khác.

Câu hỏi đặt ra là sự việc Dư bị đánh là cá biệt ít ỏi hay đó là thực trạng phổ biến trong các phòng giam? Và nguyên nhân vì sao?

Giam khổ hơn tù

Mấy năm trước tôi có bào chữa cho một người đàn ông ở huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Ông này cho biết đã bị những người giam giữ cùng phòng bắt tắm một ngày hai lần trong điều kiện mùa đông rét mướt.

Kết quả là ông này từ một nông dân trung niên khỏe mạnh đã bị suy kiệt sức khỏe đến nỗi lúc ra tòa còn không đứng được, đến khi ông được cho về nhà với vợ con, chỉ được vài ba tháng thì chết.

Đây là ví dụ cho thấy tình trạng đánh đập hành hạ lẫn nhau trong các phòng giam giữ là sự thật phổ biến.

Thực tế bào chữa lâu nay thì thấy có quan điểm cho rằng bị giam giữ để điều tra còn khổ hơn thi hành án tù. Cho nên có những lời động viên dụ dỗ bị can thành khẩn khai báo sẽ mau chóng kết thúc điều tra để sớm thi hành án cho dễ chịu.

Trong khi đó bắt giam giữ chỉ là biện pháp ngăn chặn tránh việc tiếp tục phạm tội, bỏ trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ, chứ đó không phải là hình phạt. Người bị bắt giam giữ để điều tra cũng chưa bị coi là tội phạm cho đến khi có bản án có hiệu lực của tòa án.

Như vậy đúng lý ra người bị bắt giam giữ vẫn còn gần như nguyên vẹn các quyền công dân và chỉ bị hạn chế quyền tự do đi lại, tiếp xúc. Và người bị bắt giam giữ đáng ra được hưởng điều kiện sống dễ chịu hơn so với người có tội phải đi tù (vì họ chưa phải là tội phạm và đâu đã chịu hình phạt).

Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại, các tiêu chuẩn chế độ dành cho người bị bắt giam giữ thấp kém hơn tiêu chuẩn chế độ dành cho phạm nhân.

Chế độ giam giữ

Chế độ ăn, ở, sinh hoạt của người bị bắt, giam giữ tại Việt Nam còn không bằng so với chế độ dành cho phạm nhân.

Hiện chế độ dành cho phạm nhân được quy định tại văn bản số 05/VBHN-BCA ngày 16/12/2015 của Bộ công an quy định về chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế đối với phạm nhân.

Còn chế độ dành cho người bị bắt giam giữ phục vụ điều tra được quy định tại văn bản số 13/VBHN-BCA năm 2014 của Bộ Công an ban hành quy chế về tạm giam, tạm giữ.

Theo đó, về chỗ ở thì phạm nhân được ở buồng tập thể có lắp ti vi, được xem truyền hình trong khi người bị giam giữ thì không được.

Phạm nhân được đảm bảo diện tích riêng về chỗ nằm tối thiểu mỗi người 02 mét vuông, trong khi người bị giam giữ được đảm bảo diện tích phòng giam tối thiểu mỗi người cũng là 02 mét vuông nhưng trong đó bao gồm cả chỗ nằm và không gian sinh hoạt.

Phạm nhân được hưởng các chế độ sinh hoạt thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, đọc sách mà người bị giam giữ không có.

Phạm nhân có chế độ lao động được ra ngoài đi làm việc, trong khi người bị giam giữ phải ở trong phòng giam suốt thời gian, chỉ trừ khi trích xuất đi lấy lời khai, đi chữa bệnh hoặc những lúc đặc biệt khác.

Các quy định về chế độ tiêu chuẩn giam giữ như trên cho thấy đời sống của người bị giam giữ khổ sở hơn đời sống của người đi tù.

Điều kiện sống tù tùng thiếu thốn, không có không gian vận động, không được sinh hoạt tinh thần đã dẫn đến ức chế tâm lý mà người bị bắt giam giữ phải chịu đựng kéo dài.

Sống trong môi trường không khác gì đầy đọa đã khơi dậy bản năng thú tính, dẫn đến các hành vi bạo lực xâm hại lẫn nhau trong phòng giam.

Hệ quả gây ra là không chỉ các vụ chết người mà còn các hệ lụy xấu, rộng lớn về mặt xã hội, khiến những thanh niên đã từng bị bắt giam giữ khi được thả thì thay đổi tâm tính, trở lên táo tợn, lỳ lợm và ưa bạo lực.

Điều này cho thấy cách làm đem lại thất bại của nền tư pháp trong mục đích giáo dưỡng con người.

Nỗi đau của người mẹ mất con khi nghe tin con trai 17 tuổi Đỗ Đăng Dư chết vì bị đánh trong phòng giam

Luật tạm giữ, tạm giam

Kỳ họp hồi tháng 11 vừa rồi Quốc hội đã thông qua ban hành Luật tạm giữ, tạm giam. Đến lúc này các tiêu chuẩn chế độ dành cho người bị giam giữ mới được quy định thành luật nhằm đảm bảo các quyền con người.

Theo luật mới thì quyền của người bị giam giữ đã được cải thiện so với trước đó. Người bị giam giữ đã được quyền bầu cử trong các đợt bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp mà lâu nay đã bị tước đoạt, bỏ qua.

Luật mới cũng quy định về diện tích chỗ nằm đảm bảo mỗi người giam giữ được tối thiểu 02 mét vuông bằng với phạm nhân.

Tuy vậy chế độ tiêu chuẩn về không gian vận động và sinh hoạt tinh thần vẫn hầu như không có.

Điều vô lý là quyền bầu cử phức tạp thì bảo đảm được, trong khi các quyền dân sinh đơn giản lại không bảo đảm được? Mà đối với người bị giam thì cái quyền dân sinh kia mới là quan trọng cần thiết.

Có gì mâu thuẫn đâu giữa hoạt động điều tra với việc bị can vận động cơ thể và sinh hoạt tinh thần? Những hoạt động như thể dục rèn luyện sức khỏe hay xem sách báo truyền hình thì ảnh hưởng gì tới việc điều tra?

Phải chăng mục đích duy trì điều kiện giam giữ khắc nghiệt nhằm biến đó thành một hình thức trấn áp tinh thần để buộc khai báo?

Đó là những quy định bất cập vô lý, xuất phát từ nhận thức sai lệch về địa vị pháp lý của người bị giam giữ.

Ngoài ra việc ban hành quy định bất cập như vậy cho thấy nhà làm luật đã không tính đến mối quan hệ nhân quả giữa chế độ giam giữ và kết quả giáo dục cải tạo con người.

Những người bị giam giữ cần được đối xử tốt hơn, có tình người hơn vì địa vị pháp lý của họ khi đó chưa phải là tội phạm. Cách làm hợp lý như thế mới có tính thuyết phục giúp khơi dậy lương thiện trong mỗi người, giúp cứu vãn phục hồi nhân phẩm thay vì hủy hoại nó.

N.N.T

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/forum/2016/01/160107_forum_vietnam_detention_worse_prison_do_dang_du

This entry was posted in Lên Tiếng. Bookmark the permalink.