Ấy là lời của ông bạn tôi, một nhà báo nổi tiếng ở Hà Nội, nguyên văn “mày ơi, tao hỏi khí không phải, chính quyền trong ta có còn không?”. Y gọi điện cho tôi lúc nửa đêm, chả biết đùa hay thật, vừa giỡn hớt vừa bức xúc. Hay là y có tâm sự gì. Tôi bảo khuya rồi, đi ngủ đi, y nói mày đéo hiểu gì cả, rồi cúp máy.
Về sau, gặp nhau ở Sài Gòn, tôi nhắc chuyện cũ, y bảo sáng hôm ấy tao đi biểu tình chống Trung Quốc. Hèn gì mà đến khuya còn bức xúc thế. Câu nói vừa là đùa cợt, vừa nói lên một sự thật: con người ta bây giờ cảm thấy mọi điều rất mong manh, ngay cả sự tồn tại của một thể chế.
Tôi nhớ lại chuyện ấy bởi những ngày qua thấy bộ máy cầm quyền nước này làm nhiều điều khiến tăng sự mong manh đó. Khi lòng tin lẽ ra cần được củng cố, bồi đắp thì ngược lại, người ta phóng thêm vài nhát thuổng vào, phun nước xói cho nó lở thêm. Cứ lẩn thẩn nghĩ, nếu mình là nhà cai trị, mình phải lo lắm, nhưng sao thấy họ vẫn thờ ơ, quanh quẩn. Hay là họ cũng chả thiết tha gì, như đám đông dân chúng kia.
Thì chuyện Sơn La công bố định xây cái tượng đài cụ Hồ. Xây tượng Bác ở xứ ta không phải chuyện lạ. Đi đâu mà chả thấy, thậm chí Bộ Văn Thể Du còn lập hẳn bản quy hoạch tượng đài chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030, đã được Thủ tướng thông qua, được Ban Bí thư và Bộ Chính trị phê duyệt. Có nghĩa là còn nhiều tượng nữa, rồi nơi nào vùng nào cũng có, đừng vội tâm tư rằng bên trọng bên khinh, sao người ta có mà tôi không, thiệt cho chúng tôi, như anh chủ tịch Sơn La Cầm Ngọc Minh vừa thổ lộ. Tỉnh nghèo như Sơn La mà bỏ ra cả ngàn tỉ đồng nặn tượng, thiên hạ mắng cho là phải. Nhưng lỗi không hẳn ở chính quyền Sơn La mà phải truy tận ra chính quyền trung ương, bằng cớ là cái bản quy hoạch ấy, là cái công văn do chính ông Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phê duyệt. Nhẽ ra thấy chúng trình lên đề nghị này nọ thì phải xem cho kỹ, xua tay, khước từ, đại loại bảo đang nghèo thế, dân chúng cực khổ lầm than thế, tượng tiếc cái gì, nhưng cứ nhắm mắt ký. Đến khổ.
Dựng tượng cụ Hồ, tôi không phản đối, thậm chí trong chừng mực nào đó còn ủng hộ. Cụ có công, đệ nhất công thần của chế độ này, dựng tượng là điều dễ hiểu. Nhưng cũng phải hiểu con người cụ. Sinh thời, cụ ghét sự tung hô, ca ngợi (ấy là tôi nghe nói vậy chứ chưa được nhìn thấy cụ, nghe cụ lần nào). Nhưng chắc là có điều ấy. Ông Tố Hữu, con sơn ca véo von của chế độ từng ca ngợi: “Bác để tình thương cho chúng con/Một đời thanh bạch chẳng vàng son/Mong manh áo vải hồn muôn trượng/Hơn tượng đồng phơi những lối mòn” là rất trúng về cụ. Cả bộ máy tuyên giáo tuyên huấn lâu nay đồng tình với lời thơ ấy, tức là đã bộ lộ quan điểm rõ ràng: đạo đức tư cách mới là chính, tượng chả có ý nghĩa gì.
Cũng cần nói thêm, cái thời có câu thơ trên, thế hệ chúng tôi đều hiểu ông nhà thơ cũng như cả bộ máy cầm quyền ở miền Bắc ám chỉ đến Mao Trạch Đông bên Trung Quốc và Stalin ở Liên Xô. Dù đang “chơi” cùng phe với Xô – Trung, chịu lụy họ đủ điều nhưng chính quyền Hà Nội đôi khi cũng bóng gió chê bai mấy anh cả anh hai, cũng là cách để tự khẳng định mình. Tượng Mao, tượng Sít hồi ấy đầy rẫy khắp Trung Quốc, Liên Xô, nhưng “quân ta” bảo thứ tượng đồng phơi những lối mòn ấy chả là cái đinh gì so với mong manh áo vải hồn muôn trượng của Bác mình. Âu cũng là thứ tự kiêu tự sướng ngấm ngầm dễ thương, hợp lòng người.
Cứ tưởng cái quan điểm suy nghĩ đó sẽ xuyên suốt trong chính sách cai trị về sau, ai ngờ quay ngoắt chả biết đâu mà lần. Mới hôm qua chê bai người ta, hôm nay lại dẫm vào vết người ta đi. Hôm qua bảo rằng nó xấu xa, bữa nay lại khen nức nở. Thế thì còn ai dám tin vào chủ thuyết của mấy người. Đúng sai cứ lộn tùng phèo. Mất niềm tin là phải, nghi ngờ “chính quyền trong ta có còn không?” là có lý do.
Đòi dựng tượng cho nhiều, sao người ta không chịu khó hé mắt nhìn thảm cảnh ở Liên Xô sau năm 1991 và nước Nga cũng như những nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ những năm sau đó. Trông cái cảnh những bức tượng đồng, tượng đá hoa cương Lênin bị giật đổ, chất đống ngổn ngang, chẳng ai đành lòng. Nhưng thời thế nó vậy. Chả có cái gì muôn năm, mãi mãi. Đời bãi bể nương dâu, có cưỡng lại quy luật cũng chỉ một sớm một chiều. Nếu đã giác ngộ, thì một sát na cũng là vĩnh viễn.
Ông bạn tôi, những ngày qua không biết nghĩ thế nào, có định nửa đêm gọi cho tôi nữa hay không?
N.T.
Nguồn:
https://www.facebook.com/thong.nguyen.7374/posts/946493815373638?fref=nf