Chuyến viếng thăm và làm việc được xem là “lịch sử” của phái đoàn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến quốc gia Cờ Hoa đã đơm nụ ít nhất một kết quả tức thời mang tên “HD 981.”
Khoảng gần một tuần trước khi chuyến đi Mỹ của ông Trọng diễn ra, như một cố tật còn lâu mới chịu bỏ, Bắc Kinh lại tung giàn khoan Hải Dương 981 vào khu vực Biển Đông sát với hải phận Việt Nam. Những tưởng một cuộc chiến giàn khoan nữa sẽ bùng nổ như đã từng vào giữa năm 2014. Nhưng rốt cuộc, phép thử Mỹ-Trung đã phát sinh phản ứng thuận cho Việt Nam: Hoàn toàn không dám công khai khiêu khích và tung hoành như năm 2014, HD 981 chỉ lượn lờ một cách thúc thủ.
Thái độ lắng tiếng của ông Tập Cận Bình trước cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Việt cũng nằm trong bầu không khí mà nhà độc tài của nước Nga, Tổng thống Vladimir Putin, mới đây đã bắt đầu thổ lộ ý kiến muốn “đối thoại” với phương Tây, thay cho hàng loạt thách thức mang tính đối đầu trước đó của Điện Kremlin.
Kết quả đáng khích lệ về thân phận HD 981 cũng là một phép thử để Bộ Chính trị Đảng CSVN và cả Quốc hội CSVN không đến nỗi rối tung lên như năm ngoái, cũng không phải lo đến những cuộc biểu tình phản kháng Trung Quốc của đông đảo các tầng lớp người dân Việt Nam. Thay vào đó, phái đoàn ông Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ có thể tạm thở phào để đàm phán với phía Mỹ về những chủ đề cấp thiết cho một Việt Nam đang nằm trong thế gươm kề cổ.
“Rất lớn”
“Nhu cầu hợp tác an ninh và quốc phòng của Việt Nam là rất lớn” là một tiết lộ hiếm hoi của ông Trọng trong cuộc nói chuyện tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS), trong lúc bản Tuyên bố về tầm nhìn chung Việt-Mỹ mô tả những từ ngữ kín đáo hơn nhiều. Chi tiết này cho thấy bất chấp nghị trình thảo luận mà Washington thông tin trước cuộc gặp Obama-Trọng đã đặt TPP lên hàng đầu, tiến trình đàm phán và có thể tiến tới một liên minh quân sự giữa Việt Nam và Hoa Kỳ mới là chủ đề được ưu tiên và đi tới một quyết định.
Mặc dù những nội dung đàm phán vẫn được cả hai phía Việt Nam và Mỹ giấu kín, song có thể hiểu rằng sau bản thỏa thuận về liên minh quốc phòng tại Hà Nội vào Tháng Sáu giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Cater và người đồng nhiệm Phùng Quang Thanh (mà hiện thời đang không rõ khi nào mới được “khỏi bệnh”), cái mà hai quốc gia cựu thù cần tiến đến cũng là điều mà Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry triết lý vào năm 2013: Nơi nào mà Mỹ và Việt Nam có chung lợi ích, nơi đó hai bên có thể cùng làm việc với nhau.
“Lợi ích chung” đó chính là Biển Đông, với nhu cầu bảo vệ an ninh hàng hải và cả vai trò của Mỹ trong chiến lược xoay trục về Châu Á-Thái Bình Dương, cùng lợi ích quá thiết thân của Việt Nam về việc vay mượn vai trò của Hoa Kỳ để đối trọng với mối đe dọa hoàn toàn không còn trừu tượng từ Trung Nam Hải.
Từ trước chuyến đi của ông Trọng, đã có một số nguồn tin dự đoán rằng một trong những tâm điểm mà hai phía Việt Nam và Mỹ thảo luận sẽ là cảng quân sự Cam Ranh. Theo đó, sự gia tăng hiện diện của hải quân Mỹ ở Cam Ranh có thể được phía Việt Nam đồng thuận hơn, trong đó có thể kể đến vai trò tăng lên của đội ngũ cố vấn Mỹ, và có thể cả một số hoạt động tuần tra chung, phối hợp tập trận chung giữa hai nước trong tương lai không xa.
Thái độ kín tiếng của ông Trọng và ông Obama sau cuộc gặp là một lẽ tất nhiên. Nhưng nếu loại trừ kịch bản cuộc gặp này đã không đạt được một kết quả gì, kịch bản còn lại là một “phụ lục” về thỏa ước hợp tác quân sự đã được hai bên xây dựng và thống nhất, mở ra một lộ trình triển khai cho những tháng tới.
Đó cũng là một ráng hồng vớt vát cho tình thế ngàn cân treo sợi tóc của dân tộc Việt Nam.
TPP = Nhân quyền
So với kết quả về hợp tác quốc phòng với Mỹ, những gì mà phái đoàn ông Trọng được hứa hẹn về TPP có lẽ là ít hơn và khó hiểu hơn.
Cho tới nay, khích lệ lớn nhất và đáng hy vọng nhất cho Việt Nam là cơ chế quyền đàm phán nhanh (TPA) đã được Quốc hội Mỹ thông qua và Tổng thống Obama đã ký chính thức. Vào cuối Tháng Bảy sẽ diễn ra vòng đàm phán có lẽ là cuối cùng và chỉ mang tính kỹ thuật giữa các quốc gia dự kiến tham gia vào TPP, trong đó có Việt Nam. Theo đó, rất nhiều khả năng đàm phán TPP sẽ được kết thúc trong mùa hè này và sẽ có kết quả chính thức vào cuối năm 2015.
Thế nhưng với Việt Nam, dù có được “đặc cách” vào TPP, tình trạng thân nhiệt vẫn đặc biệt hơn nhiều. Được biết, cả TPA lẫn TPP đều đã được Quốc hội Mỹ cài đặt điều kiện về nhân quyền và tự do tôn giáo. Theo đó, bất kỳ quốc gia nào không bảo đảm nhân quyền và tự do tôn giáo đều sẽ được Quốc hội Mỹ “xét lại,” cho dù chính phủ Mỹ đã kết thúc đàm phán thuận lợi cho nước đó. Cũng bởi thế, khoảng thời gian từ đây đến cuối năm nay khi Quốc hội Mỹ xem xét kết quả đàm phán TPP để bỏ phiếu sẽ vẫn đầy thử thách đối với chính thể Việt Nam. Nếu không có một đợt thả tù nhân lương tâm đáng kể nào và chỉ cần thêm một số vi phạm nổi trội nữa về nhân quyền và xâm hại tự do tôn giáo, sẽ dẫn đến nhiều khả năng Việt Nam bị loại thẳng thừng khỏi bàn tiệc TPP.
Cải thiện về nhân quyền càng nhanh càng tốt là con đường ngắn nhất để ông Trọng và những người trong đảng cầm quyền cải thiện tình trạng quá khó khăn của họ. Dù đã được Tổng thống Obama tiếp đón trân trọng và như một cách gián tiếp thừa nhận vai trò của Đảng CSVN lẫn vị trí của ông Nguyễn Phú Trọng, song giới quan sát lại thừa đủ kinh nghiệm về việc người Mỹ không quá câu nệ vào hình thức.
Tất cả vẫn có thể là con số 0 tròn trĩnh, nếu không có gì thay đổi. Thậm chí khi đó, phía Mỹ có thể vẫn tìm được cách bảo đảm an ninh hàng hải cho tàu bè của họ mà không cần đến một Cam Ranh đánh đu của Việt Nam.
Tổng bí thư tới sẽ là người ủng hộ quan hệ Việt-Mỹ?
Những diễn tiến về chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng và tương lai sắp đến lại được lồng trong triển vọng “sẽ có một số ủy viên Bộ Chính trị đi Mỹ” – như tiết lộ của đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Ted Osius, và nhà quan sát người Úc Carl Thayer. Trong đó, có hai chuyến đi được dư luận chú ý là dành cho ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng chính phủ, và ông Nguyễn Sinh Hùng, chủ tịch Quốc Hội. Cũng có thể sẽ có những gương mặt đáng lưu tâm khác như bà Nguyễn Thị Kim Ngân, phó chủ tịch Quốc hội, và ông Lê Thanh Hải, bí thư thành ủy Sài Gòn.
Dường như thời gian sắp tới sẽ chứng kiến một phong trào cạnh tranh “đi Mỹ” ngấm ngầm giữa một số nhân vật lãnh đạo Việt Nam. Đó cũng là “tư thế chính trị” để mỗi vị có thể “ngẩng cao đầu” tiến tới Đại hội Đảng CSVN lần thứ 12.
Sau chuyến đi Trung Quốc khó có thể gọi là thành công của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mà hệ quả sau đó là Bắc Kinh liên tục gia tăng gây hấn sức ép và đâm chìm tàu cá Việt Nam, điều mà ông Nguyễn Sinh Hùng lần đầu tiên phải thừa nhận về “chủ quyền Việt Nam đang bị vi phạm nghiêm trọng” cũng rất có thể là một đánh giá tương đối thống nhất trong Bộ Chính trị. Thậm chí, còn có khả năng đó là một nguồn cơn mà Bộ Trưởng Quốc Phòng Phùng Quang Thanh – người nổi tiếng “tâm tư” về tinh thần chống Trung Quốc của nhân dân – trở nên mờ nhạt đột ngột trên chính trường và dẫn tới tình trạng “Ban Bí thư đồng ý cho đi điều trị bệnh ở Pháp” đáng nghi ngờ như hiện nay.
Cũng kể từ năm 2011 khi Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh của Việt Nam đến nay, xu thế “hướng Tây” của chính giới Việt Nam trở nên lộ diện hơn bao giờ hết. Một nhà nghiên cứu thuộc nhà nước còn lần đầu tiên đưa đưa ra bình luận mới mẻ nhất về việc tại Đại hội Đảng CSVN lần thứ 12 sẽ diễn ra vào đầu năm 2016, nhân vật trúng cử tổng bí thư nhiều khả năng là người mang tiêu chí ủng hộ sự phát triển của quan hệ Việt-Mỹ (có thể hiểu ngược lại là không phải là người thân Trung Quốc).
Khi “logic Việt-Mỹ” trên là một thực tế tâm lý và hành vi trong nội bộ đảng, những nhân vật có khả năng kế vị ông Trọng sẽ bỏ mất cơ hội rất lớn nếu họ không làm gì cả để cải thiện nhân quyền và mở rộng dân chủ hóa ở Việt Nam ngay vào những tháng tới đây.
P.C.D