Chất vấn tại Quốc hội “cá đối bằng đầu”!

Nếu tôi nhớ không nhầm thì ông Trần Xuân Giá Bộ trưởng Bộ Kế Hoạch & Đầu tư là người đầu tiên ở nước ta trả lời chất vấn trước Quốc hội và được truyền hình trực tiếp. Ngày nay, so với hồi bấy giờ có mấy điều khác biệt:

Tính “giám sát” của Quốc hội đối với hoạt động của Chính phủ được nâng lên rõ rệt. Đó là xu thế đúng cần phát huy.

Trước đây, rất nhiều đại biểu hỏi là để tìm hiểu, để học là chính. Tính kiểm tra, giám sát không cao. Có tình hình này cũng có thể do “trình độ” giữa người chất vấn và người bị chất vấn khác nhau nhiều, nay hình như “cá đối bằng đầu”! Nếu nói theo ngôn ngữ dân gian, hơi xách mé là “cá mè một lứa”!

Có vị lãnh đạo là đại biểu Quốc hội khóa IV và VII, và cũng từng là Ủy viên Ủy ban kỹ thuật kể lại cho người viết bài này cảm nhận, lúc đó Quốc hội chỉ là vật trang trí, hợp pháp hóa mọi chủ trương đã được Đảng quyết định. Đưa chất vấn vào cuộc họp Quốc hội, lúc đầu cũng ‘vớ vẩn” dần dần khá hơn. Nhưng cái quan trọng của Quốc hội là cơ quan lập pháp, làm luật, giám sát, và chủ động đề ra chủ trương, chính sách thì cho đến tận ngày nay chưa bao giờ thấy (vì Đảng đã làm rồi) nên Quốc hội cũng “vô duyên”. Việc bầu đại biểu Quốc hội cho đủ thành phần xã hội  theo kiểu “Đảng cử dân bầu” đã làm mất đi nhiều các tinh hoa trong xã hội. Sự hấp dẫn của các phiên họp kể cả phiên chất vấn của Quốc hội cũng phai nhạt trong lòng dân.

Mấy năm gần đây, người dân đặt vấn đề về chất lượng các phiên họp, nhiều vấn đề nước sôi lửa bỏng không bàn lại mất thời gian vào việc tranh luận đặt tên cho con có bao nhiều chữ cái, bàn về giới tính vv…Vấn  đề được cử tri cả nước quan tâm là Biển Đông thì lại họp kín vv… (Ở Philippines đều công khai, minh bạch từ lãnh đạo Nhà nước đến đại biểu Quốc hội  đều lên án Trung Quốc lấn chiếm Biển Đông và kiên quyết đưa vấn đề Biển Đông ra tòa án quốc tế phán xử) .

Hiện tượng đại biểu Quốc hội ở ta trốn họp, có người ngủ gật  hay chơi game trên IPAD (báo chí đã đưa tin), đặc biệt là những  phát ngôn làm dạy sóng công luận về độ ngớ ngẩn của nhiều vị đại biểu Quốc hội đã trở thành chuyện thường ngày ở huyện.

Ngay cả ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đã để lại những câu nói bất hủ đại ý như:

  • Dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam không thể không làm (kết quả Quốc hội khóa trước bấm nút bác bỏ dự án này).
  • Với những chính sách điều chỉnh thị trường hiện nay, tôi đảm bảo thị trường chứng khoán sẽ lên giá. Thực tế 6 tháng đầu năm 2008 Việt Nam Index sụt giảm trên 60% so với năm 2007.
  • Sai thì phải sửa, nếu cách chức hết thì lấy ai làm việc (6/2010)
  • Đối với Vinashin, khi nghe cảnh báo, ông phát biểu “Tôi thì vẫn chưa lo”… thực tế Vinashin vỡ nợ đầm đìa đến trên 80 nghìn tỷ đồng.
  • Quốc hội tức là dân, dân quyết sai thì dân phải chịu chứ kỷ luật ai (4/2014) v.v…

Chỉ nói riêng trong phiên chất vấn của Quốc hội vừa qua, mới nhìn thì các câu hỏi đi vào các vấn đề rất cụ thể để chứng tỏ là các Đại biểu Quốc hội sát dân, nhưng thực ra để kiểm tra công việc của Chính phủ, để kiểm tra trình độ của Bộ trưởng thì như vậy là chưa đủ, nhiều câu hỏi còn chưa biết truy tới cùng để làm rõ trách nhiệm của Bộ trưởng.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Cao Đức Phát là người giữ kỷ lục lên diễn đàn, có nhiều kinh nghiệm trận mạc, nhiều câu hỏi đơn giản, nhưng có lẽ chịu áp lực lớn của việc suy thoái nông nghiệp trong cả nước, có lúc cũng không tránh khỏi lúng túng, trả lời chung chung nên bị nhiều đại biểu hỏi lại. Báo Giáo dục Việt Nam có bài “Bộ trưởng không thể hứa suông, trả lời suông” nêu rõ ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM), đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa Vũng Tầu) v.v… không hài lòng với cách trả lời của Bộ trưởng  Bộ Nông nghiệp & PTNT v.v… (mặc dù ông nhận được lời khen tặng từ Chủ tịch Quốc hội)!

Về nội dung trả lời chất vấn của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Vũ Luận không có dấu ấn gì đáng bình luận.

Riêng Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Nguyễn Quân lần đầu tiên lên diễn đàn trả lời chất vấn. Ông có bất lợi như thí sinh đi thi lần đầu, trong khi 4 khóa của Quốc hội không có đại diện của lãnh đạo Bộ KHCN trong Quốc hội mặc dù được coi là quốc sách hàng đầu. Nói cho công tâm và khách quan, Bộ trưởng Nguyễn Quân trả lời rất tự tin, nắm chắc vấn đề mình phụ trách, KHCN đã bươn trải có nhiều khởi sắc hơn xưa. Tuy nhiên, rất tiếc, Bộ trưởng Nguyễn Quân, không đủ dũng khí, đã bỏ qua cơ hội “ngàn năm có một” để vượt lên chính mình khi bị Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng  truy vấn (tôi sẽ nói rõ hơn ở phần dưới của bài viết này).

Theo tôi hiểu, chiến lược phát triển khoa học và công nghệ của một nước thường gồm 6 thành tố sau đây: (i) Đánh giá xu thế phát triển các lĩnh vực khoa học công nghệ trên thế giới, từ đó Đánh giá đúng thực trạng của từng lĩnh vực, nhất là thực trạng tụt hậu của nền khoa học và công nghệ của nước nhà; (ii) Xác định đúng đòi hỏi về nhu cầu phát triển của từng lĩnh vực khoa học và công nghệ trong ngắn hạn (thí dụ trong 10 năm tới) và dài hạn cần phấn đấu; (iii)  Lựa chọn một cách thông minh những ngành khoa học công nghệ mũi nhọn, thiết thực đối với kinh tế – xã hội, nghiên cứu tìm kiếm những khâu đột phá; Con đường, các nguồn lực và các biện pháp phát triển khoa học và công nghệ của nước nhà, trong đó mấy điều rất quan trọng là: từ chỗ học hỏi cập nhật kịp thời kiến thức mới, du nhập, làm theo khoa học và công nghệ của thế giới đến chỗ chủ động đề xuất, triển khai sớm các hướng và thành tựu mới khoa học và công nghệ cho nước mình ; (iv) Thiết lập các điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học,  nhà công nghệ của nước mình hoạt động và giao lưu, hội nhập quốc tế;  (v) Xây dựng đội ngũ các nhà khoa học và công nghệ;  (vi)  Tổ chức hợp lý, điều chỉnh kịp thời các cơ quan khoa học và công nghệ của nước nhà.

Lâu nay, chúng ta thường nghe điệp khúc trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước ”Khoa học và công nghệ cùng với giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu””  đó chỉ là câu có xác chữ , chứ không có nghĩa vì không có thực tế và không có sức sống. Chúng ta cũng thường được đọc và nghe nói rằng: “Xây dựng Đảng (việc cốt yếu của chính trị) là then chốt, phát triển kinh tế là trung tâm, văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, đối ngoại là tiến cùng thời đại, cống hiến cho thế giới và tiếp thu từ thế giới vv…”.

“Then chốt”, “trung tâm”, “nền tảng tinh thần của xã hội”, “tiến cùng thời đại” lại không phải là hàng đầu, chỉ là hàng hai, hàng ba thôi hay sao?  Cái gì cũng “hàng đầu” thì chẳng khác gì các mũi nhọn trong quả mít, dàn hàng ngang ra mà tiến, thế thì còn “hàng đầu” gì nữa ? Chung quy là bệnh “sính chữ”, câu viết và lời nói rỗng, không khái niệm.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự yếu kém của nền khoa học nước nhà là người ta đã biến các nhà làm khoa học thành công chức. Không có đề tài nghiên cứu vẫn được trả lương, có đề tài là khoản làm thêm hợp pháp, lại được tiếng, được đủ mọi thứ. “Luật KHCN 2013 quy định sử dụng ngân sách nhà nước cho nghiên cứu KHCN phải theo đặt hàng xuất phát từ nhu cầu, sản xuất kinh doanh chứ không theo ý thích và ràng buộc rõ địa chỉ ứng dụng sau nghiên cứu” nhưng làm thế nào để thẩm định đề tài nghiên cứu KHCN “có địa chỉ ứng dụng thì mới duyệt”, và làm thế nào để giám sát doanh nghiệp (là “địa chỉ ứng dụng”) sẽ sử dụng kết quả nghiên cứu này không phải đơn giản vì lòng vòng một hồi thì lại tìm ra kẻ có lỗi cuối cùng lại là “thằng cơ chế”!

Nhìn ra nước ngoài, đối với các nghiên cứu của các trường đại học (do GS chủ trì) như ở Canada cũng có chính sách tương tự kiểu “quy định sử dụng ngân sách nhà nước cho nghiên cứu KHCN phải theo đặt hàng xuất phát từ nhu cầu, sản xuất kinh doanh” như ở nước  ta. Tuy nhiên,  Chính phủ Canada chỉ cấp tiền nghiên cứu khi đề tài đó có giấy cam kết + thêm tiền “đặt cọc” của Công ty (ví dụ Công ty “đặt cọc” 25K thì Chính phủ sẽ cấp thêm 50K) .

GS có quyền viết vài đề xuất đề tài nghiên cứu, thuyết phục Công ty khác nhau hợp tác để xin tiền từ ngân sách Chính phủ, dĩ nhiên phụ thuộc vào khả năng viết đề tài, trình bày thuyết phục Công ty, giải quyết đề tài trong thời hạn nhất định và được các bên liên quan thẩm định kết quả (tham lam không hoàn thành như đề xuất thì thân bại danh liệt ngay).

Cũng xin nói ngay tiền nghiên cứu chỉ để dành cho nghiên cứu thuê sinh viên, mua thiết bị, mua hóa chất, đi hội thảo hội nghị…, chứ GS làm việc đã có lương, “viết chuyên đề” cũng không được đồng nào từ tiền này cả. GS hưởng lợi ở chỗ ra được kết quả tốt, có công bố trên các tạp chí khoa học có uy tín thì có khả năng thăng tiến (giải thưởng, uy tín, vị trí…). Hóa ra xin tiền nghiên cứu KHCN ở các nước tư bản giãy chết cũng gian nan lắm, không có chuyện hòa cả làng như ở ta.

Xin trở lại vấn đề đáng chú ý nhất của bài viết này là khi Chủ tịch Quốc hội truy vấn Bộ trưởng Nguyễn Quân “Nghiên cứu khoa học vì sao còn nhiều đề tài để ngăn kéo, có lãng phí tham những không v.v…”. Tôi cảm thông chia sẻ, với cách trả lời của Bộ trưởng mới chỉ là “tròn vai” trong bối cảnh nhiễu nhương hiện nay.

Đứng về lý, có thể giải thích cho ông Chủ tịch Quốc hội rõ hơn nếu là quĩ tài trợ khoa học thuần túy hoặc hướng đến khoa học thuần tùy thì không nên đặt vấn đề ứng dụng, và dù là ứng dụng nó phải đưa đến cái gì mới về mặt lý thuyết. Cái lợi cơ bản là nó nâng tầm khoa học của người nghiên cứu, của nền giáo dục nói chung và qua đó nâng tầm của người nghiên cứu, khả năng giải quyết các vấn đề ứng dụng cụ thể.

Việt Nam thì khó lòng có khoa học thuần túy trừ toán học (vì không đủ tiền và tầm) nhưng phải đòi hỏi các nghiên cứu nhắm vào mặt lý thuyết nào đó.

Đề tài nghiên cứu khoa học muốn thật sự là ứng dụng thì nên theo hướng:

  1. Để cho các công ty tài trợ nghiên cứu điều mà họ muốn giải quyết (vì là tư nên họ giữ bản quyền và bảo mật);
  2. Để cho các tổ chức ngành nghề của nhà nước tài trợ các nghiên cứu giải quyết các vấn đề cụ thể của họ.
  3. Giai đoạn trước mắt, Nhà nước vẫn tài trợ kinh phí nghiên cứu khoa học nhưng ưu tiên nhiều cho đặt hàng xuất phát từ nhu cầu thực tế hơn là “đánh trống ghi tên”!
  4. Làm rõ các tiêu chí đánh giá và nâng cao chất lượng của các Hội đồng tư vấn khoa học công nghệ từ xác định nhiệm vụ, chấm thầu, đến nghiệm thu (kể cả giai đoạn hậu kiểm kết quả của đề tài với quy định chế tài cụ thể ) v.v…

Riêng về vấn đề lãng phí, thất thoát, kém hiệu quả trong lĩnh vực khoa học công nghệ thấy rõ nhất là lĩnh vực khoa học xã hội. Tiếc là Bộ trưởng Nguyễn Quân không đủ dũng khí để “mổ xẻ” công khai trên diễn đàn Quốc hội vấn đề này vì nó đụng chạm đến đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, chủ thuyết phát triển và nhiều vị “tai to mặt lớn” trong Hội đồng lý luận trung ương v.v… Nhiều đề tài cho lĩnh vực khoa học xã hội là vô bổ, lãng phí tiền thuế của dân ví dụ như “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” đúng là biến giấy trắng thành giấy lộn vv…

KHCN ở nước ta vẫn  đang ở  trong giai đoạn lạc hậu đặc biệt là về phương pháp luận của khoa học xã hội không hòa nhập được với trào lưu tiến bộ của thế giới. Do tư duy, tầm nhìn hạn chế, sự lãng phí chất xám, sự đầu tư và phân công điều hành quản lý KHCN trong thời gian dài vừa qua giữa Trung ương và các địa phương còn nhiều bất cập cùng với cơ chế lạc hậu về quản lý tài chính đã làm trì trệ phát triển KHCN của nước nhà.

Lời kết

Nhiều người dân hiểu rằng không nên kỳ vọng quá nhiều ở Quốc hội vì đây là một diễn đàn rộng rãi cho nhiều đại biểu thuộc các tầng lớp rất khác nhau. Riêng ở Việt Nam, Quốc hội ngay từ những ngày đầu thành lập trong hoàn cảnh ngoại xâm thường trực, cho nên vai trò của Quốc hội, của Mặt Trận Liên Việt, rồi Mặt Trận Tổ quốc, người ta cho đổ đồng làm một, người ta đồng ý với tất cả các biểu quyết với tỷ lệ 100%, cũng tương tự với việc nhờ người bỏ phiếu bầu các Hội Đồng ở các cấp tại mọi địa phương, nhưng phải nói, người dân nói chung, tin vào Đảng, vào thắng lợi giải phóng dân tộc cuối cùng.

Cái cảm giác Quốc hội là “hình nộm” dần dần được (hay là “bị”) thay thế bằng tiếng nói tuy yếu ớt của dân, tiếng nói đó đang to dần lên, ngoài ý muốn của phù thủy đã gieo âm binh, và đạo quân giấy đó đang trở thành có hồn, có ý nguyện mà không phải lúc nào cũng phù hợp với người sinh ra nó. Hay nói một cách khác, phương tiện được tạo ra đang trở thành một vật có trọng lượng không phải vứt bỏ dễ dàng được… như  xưa kia.

Tuy vậy, đây mới chỉ là những bước đầu của dân chủ hóa Đất nước, có thể chậm, nhưng không bao giờ là quá muộn đối với dân tộc, và khi lượng đã biến thành chất, thì đó là một sức mạnh khó ai cản nổi.

Nhìn chung, thực tế, nhiều cử tri không còn mặn mà, quan tâm đến diễn đàn của Quốc hội vì cho rằng diễn toàn tuồng cũ. Người dân hỏi chính khách làm gì cho dân nhờ chứ  không hỏi hàng ngày ông làm gì mà ông nào cũng vậy, toàn ề à kể công hoặc kể việc ông làm hàng ngày, chỉ thiếu liệt kê hội họp và cái chuyện giữa các Bộ, các Ban của các ông ký với nhau.

Xin mượn lời Cụ Đồ Chiểu cho Tiểu Đồng nói trong thơ Lục Vân Tiên để kết thúc bài viết này:

“Đồng rằng trong túi vắng hoe

Bởi tin nên mắc bởi nghe nên lầm”!

T.V.T.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in quốc hội. Bookmark the permalink.