Ngoại trưởng Việt Nam đang có chuyến thăm làm việc ở Bắc Kinh trong khi có ý kiến nói Trung Quốc đặt quốc tế vào ‘sự đã rồi’ về biển đảo.
Ông Phạm Bình Minh, người cũng giữ chức vụ Phó Thủ tướng, đang dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Phiên họp Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc từ 17/6-19/6.
Tuy đây là cuộc họp thường niên, giới quan sát cho rằng quan chức hai bên không thể không đề cập tới những vấn đề “nóng” đang nảy sinh, nhất là thông báo mới nhất của Trung Quốc về việc hoàn tất cải tạo cơi nới các đảo và bãi đá ở Biển Đông “trong những ngày tới”.
Hôm thứ Ba 16/6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra thông cáo nói việc xây đảo nhân tạo sắp kết thúc và nước này sẽ chuyển sang phát triển hạ tầng để phục vụ các mục đích dân sự và quân sự.
Sau khi Trung Quốc ra thông cáo, các nhà phân tích đã đưa ra nhiều bình luận về động thái này.
Có ý kiến cho rằng Trung Quốc muốn xoa dịu dư luận, trước hết là trong khu vực và sau là ở Hoa Kỳ trước chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Washington vào tháng Chín tới.
Tuy nhiên có ý kiến khác, như của nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn tại Pháp, thông báo của Trung Quốc “có ý nghĩa là Trung Quốc sẽ tiếp tục đặt dư luận thế giới trước những sự việc đã rồi”.
Ông Tuấn nói với BBC: “Theo tôi, điều này không hề do ‘áp lực của quốc tế’ mà do tình thế áp đặt”.
“Đầu năm 2013, Philippines đã đâm đơn kiện Trung Quốc trước Tòa Trọng tài Quốc tế về một số vấn đề ở Biển Đông, như sự hiện hữu phi lý của đường chữ U và tình trạng pháp lý không rõ rệt ở một số bãi đá chìm nổi mà Trung Quốc đã chiếm trước kia của Việt Nam.”
Theo nhà nghiên cứu, Trung Quốc vừa qua đã “gấp rút xây dựng và mở rộng các bãi đá chìm nổi kia, biến chúng thành những đảo nhân tạo”.
“Bề ngoài, hành vi của TQ là một phương cách ‘trả đũa’ Philippines trong vụ kiện. Nhưng bề trong, Trung Quốc nắm lấy cơ hội để xây dựng cho mình một số căn cứ ở Biển Đông để làm bàn đạp củng cố cho những yêu sách sắp tới (trên không và trên biển) của họ.”
Không còn bằng chứng
Ông Trương Nhân Tuấn nhận định Trung Quốc chấm dứt công việc xây dựng, mở rộng các bãi đá trước tháng 7/2015, là khi có phiên đầu tiên xem xét vụ kiện của Philippines tại Tòa Trọng tài Quốc tế.
“Về mặt công pháp quốc tế, Tòa sẽ không còn bằng chứng để xếp các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã xây dựng vào hạng mục nào? Chúng có lãnh hải và hải phận kinh tế độc quyền hay không? Dĩ nhiên mọi sự mập mờ về pháp lý sẽ khiến Tòa không thể phán quyết và việc này sẽ có lợi cho phía Trung Quốc.”
Việc xây dựng cơ sở hạ tầng, theo ông Tuấn, cũng là để đặt các bên vào việc đã rồi bởi công việc này Trung Quốc đã và đang làm song song với cải tạo đảo.
“Trong vụ Philippines kiện Trung Quốc, Tòa không thể yêu cầu Trung Quốc ngưng việc xây dựng cơ sở hạ tầng trên đây. Thứ nhất là các cơ sở hạ tầng đã xây xong, hoặc gần xong. Thứ hai, Trung Quốc không nhìn nhận thẩm quyền của Tòa, vì vậy các yêu cầu của Tòa sẽ không được tôn trọng.”
Theo nhà nghiên cứu, tiếp đó Trung Quốc sẽ xây dựng những kiến trúc nhằm phục vụ cho những ý đồ của TQ về vùng nhận diện phòng không – ADIZ và vùng độc quyền kinh tế (EEZ), “ưu tiên cho mục tiêu quân sự hơn là cho dân sự”.
Ông Trương Nhân Tuấn cho rằng Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đang ở trong thế khó trong việc bảo vệ quyền lợi của Việt Nam tại Biển Đông.
“Quan điểm cũng như quyền lợi của Trung Quốc và Việt Nam về Biển Đông hoàn toàn đối nghịch mà tương quan lực lượng, quân sự cũng như kinh tế, quá chênh lệch.”
Hành động của Trung Quốc thời gian qua như cấm đánh bắt cá, đặt giàn khoan 981, cho đấu thầu các lô dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam việc cắt cáp tàu khoa học của Việt nam … “đã đe dọa an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia Việt Nam”.
Ông Tuấn cho rằng Việt Nam đang và đã tỏ ra bất lực.
“Trung Quốc có thể đồng ý với ông Minh một vài điều, như không sử dụng vũ lực để giải quyết những tranh chấp, hoặc hứa hẹn ngừng việc mở rộng các đảo.”
“Thực ra đó là cách Trung Quốc mua thời gian. Các đảo đã xây dựng xong, hạ tầng cơ sở cũng đã xong. Tất cả đều là việc đã rồi.”
Thực tế nguy hiểm là “Trung Quốc không cần phải xây dựng thêm nữa mà cần thời gian để các nước quen với hiện trạng này. Đó cũng là thời gian để họ củng cố và phát triển lực lượng trên các đảo”.