Cách đây 2 năm, trong đợt bỏ phiếu tín nhiệm các thành viên Chính phủ, ông Phạm Vũ Luận là người nhận được số phiếu tín nhiệm thấp cao nhất. Đó có lẽ là một điều làm ông trăn trở nhiều và nỗ lực tìm các giải pháp để cải thiện số phiếu. Ông đã sử dụng hàng triệu thanh thiếu niên nhi đồng trong độ tuổi đi học từ tiểu học đến đại học để thực hành các giải pháp nhằm lấy lại uy tín của ngành, đồng thời, cũng chính là cải thiện uy tín cá nhân ông đã xuống thấp đến cùng cực. Hai năm qua đi, ông đã làm được những gì, báo chí và truyền thông đã nói đến nhiều, đợt lấy phiếu tín nhiệm gần đây ông cũng đã giảm được tương đối tỷ lệ tín nhiệm thấp. Ông tự tin hơn vào bản thân và tiếp tục thể hiện gương mặt là một nhà cải cách giáo dục tiến bộ, chủ trương chuyển đổi cơ chế tuyển sinh từ “thi tuyển” có từ thời cố Bộ trưởng Tạ Quang Bửu bằng “xét tuyển”, bắt đầu triển khai thí điểm từ cấp 2. Hệ quả của cơ chế này, dân Hà Nội có ví von rất hay: “Các con không phải thi thì bố mẹ phải thi”. Đó cũng là cơ chế dễ nảy sinh tiêu cực khi chất lượng học sinh không được đánh giá bằng năng lực thực sự thông qua một kỳ thi mà bằng hồ sơ xét tuyển và phần nào đó là mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường.
Mới đây, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 13, trong phiên trả lời chất vấn của mình, ông đã trơn tru thuận khẩu minh bạch trả lời từng chất vấn, gương mặt dù cố gắng giữ vẻ nghiêm túc nhưng vẫn không che được hết tính hài bẩm sinh Trời cho. Phần trả lời mặc dù được ông Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao, khen ngợi là trả lời “mượt mà, êm dịu” nhưng sao tôi vẫn thấy có điều gì đó chưa thuận nhĩ, hoặc có thể chưa thực sự thỏa mãn.
Thứ nhất, trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ Trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, Bộ GD-ĐT chỉ nhận biên soạn có 1 bộ sách giáo khoa, 1 bộ chương trình, cả nước chỉ có 1 chương trình thống nhất. “Có nhiều sách giáo khoa khác nhau, Quốc hội đã giao cho Bộ GD&ĐT biên soạn 1 bộ sách giáo khoa mới và khuyến khích các tổ chức biên soạn các sách giáo khoa khác”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói.
Ông nói rất chung chung, không đi vào cụ thể lộ trình và thời điểm hoàn thành một Bộ sách Giáo khoa cho đất nước, một Bộ sách mà đã qua rất nhiều lần cải cách sửa đổi nhưng vẫn bộc lộ nhiều khiếm khuyết. Những điều ông nói hoàn toàn là lý thuyết, ví dụ như “trong quá trình biên soạn sách giáo khoa mới, thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương, đổi mới nhưng không bỏ tất cả cũ đi, kế thừa thành tựu, tinh hoa cũ, chỉ bổ sung những nội dung thiếu, chưa đáp ứng, loại bỏ quá tải và không cần thiết”, có lẽ câu này được dùng chung cho tất cả các lĩnh vực cần đổi mới, chỉ cần thay cụm từ “biên soạn sách giáo khoa” bằng một cụm từ khác là được. Ông thuộc bài như một nhà giáo học thuộc lòng giáo án trước khi lên lớp, nhưng điều đó chưa đủ cho những đòi hỏi của cử tri. Ông khuyến khích các tổ chức biên soạn các sách giáo khoa khác, ý ông chắc là các lĩnh vực giáo dục chuyên ngành, vậy thì xin lỗi ông, nếu như ông không có một cơ chế giám sát và biên tập cũng như phải xác định trước các lĩnh vực cần phải “giáo khoa” thì liệu một bản dịch của Kamasutra sang tiếng Việt liệu có được coi là sách giáo khoa đóng mác “chuẩn y” của Bộ GD&ĐT được hay không? Hơn nữa, vấn đề chi phí cho việc biên soạn ông cũng “né” sau nhiều sự cố phát ngôn liên quan đến vấn đề nhạy cảm này.
Ông tự tin về nhóm tác giả biên soạn sách cùng các hội đồng thẩm định và tin tưởng sẽ có các cơ chế đánh giá khách quan của tổ chức, cá nhân có uy tín trong vấn đề này. Tôi cũng tin tưởng như ông vậy một khi tôi cũng như toàn dân biết được tên tuổi mặt mũi phẩm chất của từng vị trong hội đồng biên soạn và hội đồng thẩm định vì điều đó liên quan trực tiếp đến chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, việc tiếp nhận các đánh giá phản biện sẽ được Bộ GD&ĐT xử lý như thế nào, ông cũng không nói đến.
Thứ hai, về nội dung của Thông tư 30 đang gây xôn xao dư luận, ông nói “chuyển từ đánh giá học sinh tiểu học qua điểm học lực sang đánh giá nhận xét và bằng điểm là một bước chuyển phù hợp với thực tế đang triển khai tại các nước có nền giáo dục phát triển. Phương thức này nhằm thay đổi động lực học của các cháu từ điểm số sang học hoàn thiện kĩ năng và hình thành phẩm chất của con người. Quá trình này đã được chúng tôi nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm Quốc tế và đã triển khai thí nghiệm trong 3 năm trên 1000 trường”.
Không lẽ tôi bảo ông nói xạo. Con tôi học cấp 1 hết năm học về nhà với thành tích “hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Tôi không hiểu con tôi được giao nhiệm vụ gì mà lại được chứng nhận là “hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Tôi cho con tôi đi học lấy cái chữ và kiến thức đặng sau này làm giàu cho bản thân và làm giàu cho đất nước, trở thành một công dân có ích cho xã hội. Đó không phải là một nhiệm vụ mà chỉ là một điều bình thường trong hành trình phát triển của một con người. Hơn nữa bảng điểm cháu toàn 10 mà cũng chỉ là hoàn thành tốt, trong khi cơ quan tôi có quy định ghi trong Thỏa ước lao động tập thể rõ ràng là “các cháu đạt học sinh giỏi hàng năm sẽ được nhận phần quà trị giá 1 triệu đồng”. Vì cái Thông tư 30 của ông mà con tôi không được là học sinh giỏi dù hoàn thành tốt nhiệm vụ nên con tôi không được quà ông ạ. Một triệu chứ ít gì đâu.
Ông nói thí điểm 3 năm trên 1000 trường, thế mà chỉ vài tháng nay mới xôn xao về Thông tư 30, vậy hai năm trước chắc là con cái các nhà khác “hoàn thành tốt nhiệm vụ” họ vẫn im lặng vui vẻ, hay vì Thỏa ước lao động đã kịp sửa đổi để con họ vẫn nhận được quà.
Ông kỳ vọng các ngôi trường sẽ là nơi hoàn thiện kỹ năng và phẩm chất con người. Ý ông chắc là những kỹ năng có ích và phẩm chất tốt của con người (tôi đoán thế vì ông không nói rõ). Xin lỗi ông một lần nữa nếu như ông quên không đề cập đến vai trò của gia đình và xã hội. Một ngôi trường của ông học sinh sinh viên sẽ không thể đạt được kỳ vọng của ông nếu như ngoài cổng trường là các hàng café ôm, điện tử, cầm đồ, hàng quán rượu chè, karaoke, … Bản thân lực lượng giáo viên với kỹ năng và phẩm chất của họ cũng tác động trực tiếp đến học sinh sinh viên, liệu đã thực sự xứng đáng? Ông trước ở trường Thương Mại, chắc ông không lạ gì các tệ nạn ở quanh khu Đồng Xa và xung quanh trường, chắc ông không quên những cái chết của giáo viên trong trường, chắc ông cũng không quên nhiều sinh viên bị đuổi học hoặc bị đúp vì đấm giáo viên. Vì sao lại có những chuyện như vậy???
Ngoài ra trong phiên chất vấn, các cụm từ được ông sử dụng nhiều là “đang cân nhắc và thảo luận kỹ”, “đang triển khai thí điểm”, “đang xây dựng”, “thực hiện theo đúng quy định hiện hành”, “cần gì sẽ bổ sung sau”, … có lẽ vì chung chung không đi vào chi tiết khi Đại hội 12 đang đến gần khiến cho phần trả lời của ông cũng được ông Chủ tịch Quốc hội môi cong biểu dương là MƯỢT MÀ, ÊM DỊU.
Họp Quốc hội chắc khác đi học và khác đi nghe nhạc, nếu mà diễn giả nói hoặc âm nhạc “mượt mà, êm dịu” quá chỉ khiến mọi người ngồi dưới buồn ngủ mà thôi. Chỉ có điều dù sao thì cũng mong ông hãy nghĩ đến hàng triệu thanh thiếu niên và nhi đồng đang ngày ngày cắp sách đến trường thay vì chỉ nghĩ đến số phiếu tín nhiệm thấp và cái ghế của mình trong những phiên chất vấn, và đặc biệt, trong những việc ông làm.
Chúc Ông mạnh khỏe!
M.L.
Hà Nội 16/6/2015
Tác giả gửi BVN