Trung Hoa

Huỳnh Ngọc Chênh 

Khi tui viết bài về nền dân chủ kỳ vĩ Ấn Độ, nhiều bạn đã đưa Trung Quốc ra so sánh với hàm ý rằng, Trung Quốc không cần dân chủ vẫn phát triển vượt bậc và cao hơn Ấn Độ rất nhiều. 

(https://www.facebook.com/share/p/1F3dq7X6on/)

Đúng vậy, Trung Quốc ngày nay là một quốc gia giàu mạnh lên hàng siêu cường trên nhiều lãnh vực, chỉ đứng sau Mỹ. Những thành tựu kinh tế, công nghệ của Trung Quốc trong thời gian gần đây đã làm thế giới thán phục. Họ phát triển trên mọi lãnh vực, từ công nghiệp nặng, nhẹ, sản xuất hàng tiêu dùng đến công nghệ điện tử, IT, trí tuệ nhân tạo, đến cả công nghệ hạt nhân và vũ trụ. Âu Mỹ có cái gì, họ copy làm lại y như vậy. 

Tuy nhiên nếu nhìn lại xuất phát điểm của Trung Quốc, thì sự vươn lên như vậy vẫn chưa xứng tầm với dân tộc họ, một dân tộc có nền văn minh liên tục, vĩ đại và lâu đời nhất thế giới. Cách đây gần 5.000 năm, khi nhân loại cả hành tinh còn sống trong hang hoặc bầy đàn theo bộ lạc, thì Trung quốc đã có nền văn minh rực rỡ rồi. 

Nhân loại có bốn nền văn minh cổ đại và lâu đời là Ai Cập, Lưỡng Hà, Ấn Độ và Trung Hoa. Trong bốn nền văn minh ấy, duy nhất chỉ có nền văn minh cổ đại Trung Hoa tồn tại và phát triển liên tục từ hồi phát sinh cho đến tận ngày nay. Ba nền văn minh kia đã bị sụp đổ và chôn vùi vào quá khứ. 

Cách đây hơn 2.500 năm, khi nhân loại còn u mê thờ cúng gốc cây, tảng đá, thần núi, thần sông thì Trung Hoa đã sản sinh ra những nhà tư tưởng kiệt xuất như Khổng Tử với học thuyết Nho Giáo, Lão Tử với đạo giáo, rồi thuyết âm dương ngũ hành… Rồi trước đó họ đã phát minh ra chữ viết được sử dụng đến tận ngày nay. Rồi nhà Tần thống nhất Trung Hoa xây dựng kinh thành nguy nga tráng lệ, xây dựng vạn lý trường thành lừng lẫy. Rồi họ phát minh ra giấy, in ấn, la bàn, thuốc nổ, luyện kim, vũ khí, mở ra con đường tơ lụa buôn bán đến tận Trung Đông.

Nền văn minh của Trung Hoa lớn mạnh đến mức không những đồng hoá được hầu hết các dân tộc yếu hơn lân cận mà còn đồng hoá ngược lại những dân tộc mạnh hơn đã từng chiến thắng và chiếm đóng cai trị nước họ như Mông Cổ, Mãn Thanh. 

Nói ra như vậy để thấy rằng dân tộc Trung Hoa đã có một xuất phát cường thịnh có một không hai trong lịch sử nhân loại mà hầu như không quốc gia nào có được. 

Sự độc đoán của độc tài phong kiến kéo dài hàng ngàn năm đã làm đầu óc người dân Trung Quốc sợ hãi đến mức chai lì, trì trệ, không dám suy nghĩ ra cái gì mới hơn để rồi ngủ mê trên hào quang của quá khứ cho đến khi Châu Âu đến thức tỉnh. Người dân Trung Hoa đã vùng lên làm cách mạng Tân Hợi để đánh đổ phong kiến, xây dựng quốc gia theo thể chế mới và sẽ vươn mình bắt kịp và vượt qua phương Tây không bao lâu, nếu… 

Những mảnh nhỏ bé từ Trung Hoa rơi ra như Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, nhờ theo dân chủ tự do đã đi trước Trung Hoa Cộng sản nhiều thập niên, phát triển thành những con rồng như thế giới đã chứng kiến.

Nếu không bị độc tài với những thử nghiệm tồi tệ suốt một thời gian dài qua đấu tranh giai cấp, cải cách ruộng đất, đại nhảy vọt, cách mạng văn hoá, Thiên An môn… lấy đi hàng triệu sinh linh người dân, thì Trung Quốc sẽ còn tiến xa hơn nữa chứ không như đang hiện nay. 

Tóm lại Trung Quốc vượt lên trước Ấn Độ là do xuất phát của họ cao hơn xuất phát của Ấn Độ chứ không phải do thể chế hiện nay của họ. Chưa kể Ấn Độ đi trước nhưng đã có một thời gian dài sai lầm về sách lược ngoại giao lẫn đường lối kinh tế khi lạnh nhạt với Mỹ và đi theo Liên Xô. Trung Quốc mới thay đổi, đi theo kinh tế thị trường từ năm 1976 nhưng họ bám cứng theo Âu Mỹ để tăng tốc bằng mọi giá. 

Tuy nhiên nền kinh tế mà Trung Quốc đang xây dựng, dựa vào và lợi dụng thị trường tự do, nhưng không đặt trên nền tảng thể chế chính trị tự do dân chủ thì sự giàu mạnh của Trung Quốc chẳng biết sẽ bền vững được tới đâu. 

Wait and See.

H.N.C.

Nguồn: FB Huynh Ngoc Chenh

 *  

 Khắc Thể Hoàng

Chỉ là một nền kinh tế sản xuất hàng hóa giá rẻ, sao chép và ăn cắp được phần công nghệ vỏ của phương Tây, còn rất xa mới chạm tới công nghệ lõi của phương Tây và Mỹ.

Về mặt con người thì: tính chủng tộc người Hán, tư tưởng Nho giáo và giáo dục CS đã hoàn toàn ngăn cản TQ có được những phát minh trổi vượt (xem lại thống kê số lượng bằng sáng chế được công bố và tính hữu dụng của nó – hơn 389 sáng chế của dân Hán sau cải cách nhưng ứng dụng rất thấp và ko được đánh giá là phát minh).

Chưa nói sau thời Hồ Cẩm Đào là thời của Tập với chủ trương thâu tóm mọi quyền lực về ĐCS và tăng cường quyền lực cho nó hơn nữa thành chuyên chế rắn và toàn trị, khác với giai đoạn 1998 – 2008 là chuyên chế mềm đã thúc đẩy TQ tăng trưởng rất nhanh. Mười năm nay TQ đình trệ và mắc kẹt toàn diện, hay nói cách khác là nó trở lại đúng năng lực xã hội và con người TQ hiện nay. Nó không thể so sánh với cái gọi là Thập kỉ mất mát của Nhật bản sau những năm 80. TQ không nằm trong quy luật phát triển chậm và đi lên theo hình xoắn ốc.

Theo nghiên cứu về TQ rất nhiều năm của tôi thì TQ có tiến bộ rất nhanh về kinh tế và ăn cắp được khá nhiều công nghệ của Mỹ và phương Tây, nhưng còn khoảng cách từ 2 đến 3 thế kỉ mới có thể bắt kịp xã hội Tây phương và Mỹ. TQ sẽ mắc kẹt còn rất lâu, không biết tới khi nào trong tư tưởng Nho giáo và tính chủng tộc ảo tưởng đại Hán. 2.500 năm của họ đã có 2 phát minh là giấy và la bàn thời Tống – đây đã là câu trả lời đầy đủ cho một TQ bành trướng nhưng không tự tin. Chỉ có đời Đường là con người tạm tương đối khai phóng (thơ ca, trang phục được giải phóng rất nhiều với nền tư tưởng Vô Vi của Lão Tử).

Nó sợ hãi mọi sự trừng phạt kinh tế của Mỹ và ngăn cản nó tiếp cận công nghệ lõi của Mỹ hiện nay. Bởi vì TQ không thể có sự sáng tạo nên chỉ có cách sao chép trộm cắp rồi dán nhãn thành của mình. Đó là mộ dân tộc không có nền tảng đạo đức, xã hội TQ và con người TQ luôn là “kẻ 2 mặt” – hay còn gọi là ngụy quân tử, điều này chỉ làm hại sự tăng triển về con người của họ.

Chiến lược biển người, lấy dân làm bia thịt chống đỡ mọi sự thù địch, đặc biệt ở những khu tự trị, chỉ làm tăng gánh nặng về: lương thực, năng lượng và nhiều nguyên liệu thô khác. Nền kinh tế và xã hội TQ luôn bị động và rất sợ bị trừng phạt, vì căn tính của tộc người Hán rất dễ nổi loạn, lật đổ, phản chủ và phô trương quá mức!

 

Duy Ngọc

Phát triển không nên chỉ tính về kinh tế. Việc người dân được hưởng các quyền tự do dân chủ hay không cũng là một tiêu chí. Tự do dân chủ là mục đích chớ không phải phương tiện để giàu có tiền bạc hơn.

This entry was posted in Huỳnh Ngọc Chênh, Trung Hoa. Bookmark the permalink.