Tiến sĩ đạo văn là lỗ hổng lớn trong giám sát học thuật

Hoàng Văn Minh

Đại học Huế thừa nhận Luận án tiến sĩ của bà Lê Thị An Hòa bị tố đạo văn là tố cáo đúng.

Ngày 22.11, Đại học Huế chính thức kết luận nội dung tố cáo luận án Tiến sĩ của bà Lê Thị An Hòa – Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế – là tố cáo đúng.

Theo kết luận của Đại học Huế, luận án Tiến sĩ của bà Lê Thị An Hòa (tiêu đề “Lịch sử Việt Nam: Quá trình hình thành, phát triển và biến đổi lễ hội cung đình ở Huế từ năm 1802 đến năm 1945”) đã vi phạm lỗi đạo văn với 12 trang nội dung sử dụng ý tưởng và đoạn văn từ các công trình khác mà không trích dẫn nguồn.

Đây là một phát hiện nghiêm trọng, nhất là đối với một luận án cấp Tiến sĩ, vốn yêu cầu rất cao về tính độc lập, sáng tạo và chuẩn mực khoa học.

Đại học Huế đã yêu cầu bà Lê Thị An Hòa nghiêm túc chỉnh sửa các nội dung sai phạm theo kết luận, đồng thời kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập hội đồng thẩm định để xử lý vụ việc theo thẩm quyền.

Dư luận bức xúc, mong muốn những luận án Tiến sĩ vi phạm liêm chính học thuật như của bà Lê Thị An Hòa tới đây phải bị Bộ Giáo dục và Đào tạo thu hồi và các cơ quan chức năng có liên quan phải có hình thức xử lý nghiêm khắc với tác giả.

Đó là điều cần làm. Bởi sai phạm của bà Lê Thị An Hòa không chỉ làm tổn hại đến uy tín cá nhân mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến danh tiếng và suy giảm lòng tin về chất lượng đào tạo sau đại học của Đại học Huế nói riêng và giáo dục Việt Nam nói chung.

Tuy vậy, điều quan trọng hơn đáng bàn ở đây là việc đạo văn trong một luận án Tiến sĩ không chỉ là vấn đề cá nhân mà còn phản ánh lỗ hổng lớn trong hệ thống quản lý và giám sát học thuật của Đại học Huế, đặc biệt là khâu hướng dẫn nghiên cứu và bảo vệ luận án.

Vậy nên việc đạo văn của bà Lê Thị An Hòa là một hồi chuông cảnh báo, là bài học sâu sắc để không chỉ Đại học Huế mà tất cả các đại học trên cả nước cần phải nâng cao giám sát học thuật.

Bằng cách áp dụng công nghệ kiểm tra đạo văn và các quy trình đánh giá chặt chẽ hơn trong tất cả các khâu của đào tạo sau đại học.

Đồng thời thắt chặt trách nhiệm hội đồng khoa học ở khía cạnh năng lực chuyên môn và tinh thần trách nhiệm nhằm không để lọt những sai phạm nghiêm trọng như đạo văn.

Cuối cùng, liêm chính học thuật không chỉ là yếu tố cốt lõi để bảo vệ uy tín của nền giáo dục, mà còn là trách nhiệm đối với tri thức và cộng đồng.

Đây không chỉ là trách nhiệm đến từ ý thức cá nhân mà còn là văn hóa cần được xây dựng trong toàn hệ thống giáo dục.

Muốn có một môi trường học thuật thực sự minh bạch và đáng tin cậy, trước hết phải có “văn hóa liêm chính học thuật”!

H.V.M.

Nguồn: Báo Lao động

This entry was posted in Đạo văn, Hoàng Văn Minh. Bookmark the permalink.