Ngày 28-11-2013 với 486/488 phiếu thuận, 2/488 phiếu trắng, Quốc hội khóa XIII đã thông qua bản Hiến pháp sửa đổi 2013. Ông Chủ tịch Quốc hội gọi đó là “Thời khắc lịch sử”. Ông Phó chủ tịch Quốc hội tán dương là “Ý đảng lòng dân”. Trên thực tế, đó là cú đánh thập tử nhất sinh lên vận mệnh dân tộc, mang lại những tổn thất nặng nề cho các thế hệ con cháu.
Nút bấm ngàn cân
Một thực tế là, nhiều vị đại biểu Quốc hội, trong đó có cả những người nắm quyền hàm bộ trưởng trở lên, đều biết rằng vấn đề là không chỉ sửa đổi mà phải xóa bỏ và viết lại Hiến pháp mới. Nhưng vì động chạm đến quyền lợi và vì cả số phận chính trị cá nhân, nên họ đành phải biểu quyết trái với suy nghĩ của mình. Họ đã không đủ dũng cảm để làm theo tiếng gọi của lương tâm và lẽ phải. Đối với nhiều người trong số họ, có thể nói đó là “Nút bấm ngàn cân”.
Nhưng bất chấp lương tâm họ bị cắn rứt như thế nào, việc chặc lưỡi phẩy tay bấm nút thông qua Hiến pháp hôm 28-11-2013 thể hiện sự vô trách nhiệm không thể tha thứ, và bằng hành động đó họ đã tự đặt mình trước vành móng ngựa tòa án Dân tộc. Dẫu có thông cảm bao nhiêu, thì hành động cản trở bước tiến của Dân tộc là không thể dung tha.
Có người sẽ tự bào chữa rằng, chúng tôi có làm điều gì đặc biệt đâu, chúng tôi cũng chỉ khẳng định lại Hiến pháp 1992 mà thôi, nếu kết tội sao không kết tội Quốc hội các khóa trước?
Cùng một việc làm nhưng ở thời điểm khác nhau hay vị trí khác nhau thì hệ quả cũng khác nhau. Nếu vào những năm thập niên 70-80 thế kỷ trước, người ta có thể vin vào ý thức hệ, vào sự đối đầu của cuộc chiến tranh lạnh, của sự hạn chế tiến bộ xã hội, của thiếu thông tin, để biện minh cho việc thông qua Hiến pháp 1980, 1992 của các vị đại biểu Quốc hội thời đó, thì ở một chừng mực nhất định, điều đó có thể thông cảm được. Nhưng ở thời điểm hiện tại, khi mà thế giới bước vào thời kỳ tích hợp toàn cầu với những tiến bộ của khoa học công nghệ và xã hội chưa từng có, thì việc thông qua Hiến pháp 2013 của Quốc hội khóa XIII là một tội lỗi không tha thứ. Sự sụp đổ của thể chế toàn trị ngay tại cứ địa sản sinh ra nó ở nước Nga và châu Âu là minh chứng hiển hiện cho sự phi thực tế của học thuyết Mác – Lê Nin cũng như tính không tưởng của Chủ nghĩa Xã hội. Vậy mà các vị đại biểu Quốc hội khóa XIII, vẫn lấy chủ nghĩa Mác – Lê Nin làm nền tảng, vẫn định hướng Xã hội Chủ nghĩa, vẫn duy trì chế độ độc đảng. Quốc hội khóa XIII còn có tội lớn hơn Quốc hội các khóa trước khi đã không hủy bỏ điều 4 Hiến pháp 1980, 1992, mà lại còn lún sâu vào sự độc tài bằng cách ghi thêm sự trung thành của quân đội đối với đảng cộng sản vào Hiến pháp 2013. Hành động tiếp tay của họ cho sự độc trị toàn diện của đảng cộng sản đã làm Dân tộc bị tụt hậu so với các nước láng giềng, làm cháu con thiệt thua với năm châu đồng lứa.
“Nút bấm ngàn cân” được đề cập ở trên, không phải đơn thuần chỉ sự quyết định vận mệnh của cá nhân đại biểu Quốc hội. Hàm nghĩa chính của “Nút bấm ngàn cân” nằm ở cơ hội đổi thay vận mệnh Đất nước. Bỏ lỡ cơ hội đổi thay vận mệnh Đất nước ở giây ấn nút cuối cùng, Quốc hội khóa XIII đã tự kết tội mình trước Dân tộc tại “Thời khắc lịch sử”.
Thế lực thù địch
Nhiều người lên tiếng góp ý sửa đổi Hiến pháp trong thời gian vừa qua – đòi hủy bỏ sự độc trị của đảng cộng sản, đòi sở hữu tư nhân đất đai – lại chính là đảng viên đảng Cộng sản. Họ từng là bạn chăn trâu, từng là bạn học cùng lớp, từng là đồng chí với nhiều người trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao nhất hiện nay. Vì quyền lợi Dân tộc họ sẵn sàng hy sinh cả tính mạng, hy sinh quyền lợi giai cấp, hy sinh quyền lợi của đảng. Làm sao lại có thể liệt họ vào hàng ngũ “Thế lực thù địch”?
Trên thực tế những đảng viên đòi bỏ chế độ toàn trị đang hành động để cứu đảng thoát khỏi những tội lỗi trước Dân tộc. Họ đang hành động để bảo vệ những hy sinh cao cả của lớp đảng viên thế hệ cha ông. Những đảng viên thế hệ cha ông đã hiến thân mình vì độc lập tự do dân tộc. Ý chí và cốt cách của lớp đảng viên thế hệ cha ông sáng ngời. Nhiều đảng viên trong hàng ngũ cầm quyền hiện nay đang từng ngày từng giờ hủy hoại thanh danh của lớp đảng viên thế hệ trước. Đảng Lao động Việt Nam trước năm 1975 và đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay là hai đảng hoàn khác nhau. Những đảng viên Cộng sản hiện nay không được nhân danh xương máu và hào quang của cha ông để cho mình quyền đương nhiên độc tôn cai trị đất nước.
Mác và Lê Nin là những nhà bác học vĩ đại. Không chỉ thế, họ là những nhà chính trị lý luận đấu tranh trực diện. Trong suốt cả cuộc đời đầy biến động, Mác và Lê Nin luôn luôn sẵn sàng chấp nhận đối mặt với các phản bác chỉ trích của các đối thủ. Họ lên diễn đàn để tranh luận trực diện với đối thủ của mình trên báo chí và trước công chúng một cách công khai sòng phẳng.
Thế nhưng những người lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay chẳng dám và chẳng bao giờ cho đối thủ một cơ hội công khai tranh luận trước công chúng. Dựa vào quyền lực toàn trị, họ tự độc diễn trên truyền hình và trong phòng họp. Còn trên báo chí thì họ được bảo vệ bởi một “ban tuyên giáo tư tưởng” cả vú lấp miệng em. Nhưng lợi hại và đáng sợ hơn, trong tay họ tập trung một đội ngũ mật vụ sẵn sàng dằn mặt đối thủ. Họ chưa bao giờ là những nhà chính trị lý luận đấu tranh trực diện, nhưng lại tự ngộ nhận là kế tục của Mác và Lê Nin.
Quốc hội tự thua
Đối thủ lớn nhất trong cuộc đời mỗi người là chính bản thân mình. Vượt qua chính mình là điều khó khăn nhất. Không phải bởi kẻ thù nước ngoài, không phải bởi “Thế lực thù địch”, Quốc hội khóa XIII đã tự thua chính mình.
Bản thân sự tự thua chính mình cũng có nhiều thang bậc khác biệt. Có sự tự thua trong khâm phục, có sự tự thua trong đồng cảm, có sự tự thua trong chê trách, và có sự tự thua trong tội lỗi.
Cuộc bỏ phiếu ngày 28-11-2013 mà ông chủ tịch Quốc hội gọi là “Thời khắc lịch sử” ấy là cuộc tự thua trong tội lỗi. Chỉ có 2 đại biểu thoát khỏi hai từ “tội lỗi”, nhưng lại không thể thoát khỏi hai từ “đồng lõa”.
Chiến bại của Quốc hội khóa XIII đã kìm hãm sự phát triển của Đất nước so với các quốc gia khác một khoảng thời gian, không chỉ đơn thuần là số năm từ bây giờ cho đến khi có Hiến pháp mới, mà chính bằng khoảng thời gian giữa hai Hiến pháp nhân với hệ số của một cấp số nhân là tốc độ tiến bộ của khoa học và công nghệ.
Bởi vậy, hậu quả cuộc bỏ phiếu ngày 28-11-2013 và tội lỗi của Quốc hội khóa XIII thực chất sẽ lớn hơn nhiều so với mức đánh giá hiện thời của xã hội.
Hiến pháp mới và sự xóa bỏ toàn trị
Quốc hội các khóa tiếp theo sẽ không thoát khỏi sự phê phán của lịch sử chừng nào chưa thực hiện được hai điều dưới đây.
1. Xóa bỏ sự toàn trị.
2. Thông qua Hiến pháp của một chế độ dân chủ đa nguyên.
Không nghi ngờ gì nữa, trong thời gian tới sẽ có một Quốc hội xóa bỏ sự toàn trị của đảng cộng sản để bắt đầu một Hiến pháp mới của một thể chế dân chủ đa nguyên. Động lực xóa bỏ sự toàn trị của đảng Cộng sản lại xuất phát ngay từ trong lòng đảng Cộng sản chứ không phải từ một thế lực thù địch nào cả.
Ngày xóa bỏ chế độ toàn trị là thời khắc lịch sử đích thực của dân tộc. Trước đó sẽ có hàng trăm ngàn đảng viên đảng Cộng sản tự rời bỏ hàng ngũ để thành lập các chính đảng mới.
Vấn đề chỉ ở thời gian. Hiện giờ, không phải chủ nghĩa tư bản giãy chết như Lê Nin nói, mà là chế độ toàn trị đang giãy chết. Sự giãy chết càng ngắn bao nhiêu thì càng phúc đức bấy nhiêu cho con cháu.
V.T.D.
Tác giả trực tiếp gửi cho BVN