Xử án “công khai” – Chính quyền tự tát vào mặt mình

Bài và ảnh: Phương Bích

Trước phiên tòa công khai xử luật sư Lê Quốc Quân (LQQ) với cáo buộc trốn thuế, chính quyền địa phương đã có những động thái ngăn cản tôi không đi xem xử vụ này, bằng việc gửi giấy mời làm việc không ghi rõ nội dung, sau đó trực tiếp vào nhà tôi để yêu cầu tôi không đi xem xử án. Không chỉ riêng mình tôi, nhiều bạn cũng đã lên mạng phàn nàn, rằng họ bị các đoàn thể ở khu phố đến nhà quấy rầy, yêu cầu không đi xem xử LQQ.
Đương nhiên tôi từ chối, xác định quyền của mình, cũng như sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hành vi của bản thân.

Lần này họ không chặn tôi ngay tại cửa nhà như những lần trước, mỗi khi tôi đi biểu tình, hay chỉ là quan sát một cuộc dã ngoại, giao lưu về quyền con người (được tổ chức tại công viên Nghĩa Đô), nhưng họ cử an ninh đi theo tôi, ngay khi tôi rời khỏi nhà sáng nay.
Tôi biết bà con giáo dân ở giáo xứ Thái Hà sẽ đi xem xử án để ủng hộ LQQ, nên tôi đến để quan sát và chứng kiến tinh thần hiệp thông của người công giáo như thế nào.
Quả thực với chính quyền này, không thể biết giới hạn của họ đến đâu. Tránh trường hợp bị kẹt cùng bà con giáo dân, nếu chẳng may bị chặn ngay từ cửa không cho mọi người ra khỏi nhà thờ, tôi bèn đứng ngoài đường Nguyễn Lương Bằng, để quan sát bà con xuất phát như thế nào.
Sau buổi lễ sớm, chưa đến 7 giờ sáng bà con đã lần lượt tiến ra đường. Họ đi hàng một trên vỉa hè phố Nguyễn Lương Bằng, trên tay mỗi người đều cầm một lá vạn tuế. Tôi đi phía trước đoàn để chụp ảnh, và để có thể quan sát được toàn cảnh.
Đến đầu đường Nguyễn Lương Bằng, đoàn người rẽ vào đường Xã Đàn. Họ nhắc nhau đi thành hàng một, một vài người vừa đi vừa hát kinh Hòa Bình: “Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Ðể con đem yêu thương vào nơi oán thù. Ðem thứ tha vào nơi lăng nhục. Ðem an hoà vào nơi tranh chấp. Ðem chân lý vào chốn lỗi lầm”.
Dù tất tả chạy ngược xuôi bên cạnh đoàn người, những lời cầu nguyện thiết tha vẫn len lỏi vào tâm trí tôi, khiến tôi không khỏi ngạc nhiên và cảm phục về đức tin mãnh liệt của người công giáo, ngay cả khi họ bị đàn áp suốt mấy chục năm ròng, mặc dù chiến tranh kết thúc đã rất lâu trên mảnh đất này.
Mới vào đường Xã Đàn một đoạn, xe cảnh sát đã bắt đầu vè vè xuất hiện, yêu cầu bà con giải tán, không tụ tập đông người trên vỉa hè!!! Trong khi loa liên tục nhắc nhở, yêu cầu giải tán, tay công an gọi loa thỉnh thoảng cũng ngắc ngứ vì không biết yêu cầu như thế nào, khi người dân đang đi bộ (hàng một) trên vỉa hè. Liệu có một đất nước nào trên thế giới, lại có luật cấm người đi bộ trên vỉa hè không?
Những chốt công an lẻ tẻ xuất hiện vô số trên đường, nhưng việc ngăn chặn đoàn người là không khả thi, nên họ cứ lẽo đẽo đi theo đoàn, bất chấp chính họ đang cản trở giao thông vì đi dưới lòng đường. Mấy tay an ninh đi theo tôi ngang nhiên đi xe máy ngược chiều để có thể bám sát tôi. Một tay còn chả thèm đội mũ bảo hiểm. Vậy mà xe ô tô của cảnh sát chạy ngay phía sau không hề có ý kiến gì.
Đến đường Lê Duẩn, đoàn người đi sang vỉa hè công viên. Nhưng có người nghe được cảnh sát chỉ đạo tìm cách ép bà con vào công viên, vậy là họ liền bảo nhau chuyển ngay sang bên này đường, đi men theo lan can đường sắt. Đến gần đường Trần Nhân Tông thì không thể tiếp tục đi thẳng nữa, đoàn người đành rẽ sang bên kia đường để đi về phía tòa án. Nhưng đây chính là khúc quanh rất hiểm mà kẻ mai phục đã chờ sẵn họ: cả một lực lượng hùng hậu, bao gồm cảnh sát cơ động, cảnh sát áo xanh và an ninh trong trang phục trật tự đeo băng đỏ (tôi thực sự căm ghét lực lượng đeo băng đỏ này vì sự hung hãn của họ) án ngữ ngang đường.
clip_image002
Dòng người đang chảy, lập tức bị dồn cục lại vì bị chặn đầu. Khi những người đi sau tỏa ra, tìm cách vượt lên trên, lập tức tất cả các lực lượng chặn đường bèn dàn hàng ngang, che kín toàn bộ chiều rộng mặt đường Lê Duẩn. Vì vậy, không chỉ người đi bộ mà toàn bộ các phương tiện đang tham gia giao thông trên đường Lê Duẩn cũng bị chặn đứng theo.
clip_image004
Gần một tiếng trôi qua, tình trạng trên vẫn không có dấu hiệu chuyển biến. Tôi đã nhanh chân vượt qua hàng rào trật tự, ngay khi đoàn người mới bắt đầu bị chặn. Đứng phía sau lưng mấy lớp hàng rào người (an ninh, cảnh sát áo xanh, cảnh sát cơ động), tôi nhìn cảnh tượng trên mà ngao ngán lắc đầu, không thể hiểu nổi cái gì chứa bên trong đầu của những kẻ ra cái lệnh kỳ cục này. Tôi lựa thế khi có đông người dân đang tò mò đứng xem, đang thi nhau giơ điện thoại lên quay, chụp, tôi cũng giơ máy ảnh lên chụp vội mấy kiểu. Lập tức tôi nhận ra nhiều ánh mắt chĩa vào tôi, những cái nháy nhau thì thầm đáng ngờ. Tôi lập tức lùi vào trong cửa một hàng bán điện thoại, tháo thẻ nhớ, cất máy ảnh vào túi.
clip_image006
Cảnh sát và an ninh bắt đầu xua đuổi tất cả người dân ra khỏi khu vực phong tỏa. Chủ cửa hàng đóng cửa kính lại. Lập tức 3 cậu an ninh đi theo tôi đứng án ngữ ngay phía ngoài cửa. Mặc dầu vậy, những kẻ lượn lờ ngoài kia trong mọi sắc phục vẫn liếc vào cửa hàng. Tôi đã tính cả đến nước gửi chủ cửa hàng cất hộ thẻ nhớ. Mấy cậu an ninh canh tôi cũng bị đuổi vài lần. Chỉ sau khi họ lắc đầu, hất hàm tặc lưỡi, rồi thì thầm vài câu mới được bỏ qua.
clip_image008
Đứng trong cửa hàng nhìn ra, tôi thấy bà con hết ngồi xuống lại đứng lên. Hết hô phản đối lại hát kinh Hòa Bình. Vài lần chắc do phía sau thúc lên, đoàn người lại ồ lên, tìm cách vượt vòng vây. Đám trật tự choãi chân chèo, được cả cảnh sát áo xanh hỗ trợ, ra sức xô đẩy bà con bật trở lại.
Nhìn cảnh đó, tôi cay đắng nghĩ thầm, tại sao đám đông hàng trăm người lại có thể dễ dàng bị khuất phục chỉ bởi một hàng rào người mỏng manh thế kia. Cảnh này khiến tôi nhớ đến bộ phim hoạt hình Lion King, khi chúa sơn lâm bị cả đàn trâu rừng (hoặc linh dương) dẫm chết khi cố cứu con trai.
Không chỉ trong phim hoạt hình, trong thế giới động vật cũng có chuyện một đàn trâu rừng đã đánh đuổi tan tác cả bầy sư tử.

Thế mới biết làm người trên đất nước này còn cay đắng hơn cả loài thú hoang. Có những điều con người không thể học được từ loài thú kia.
Phạm vi phong tỏa rất rộng. Khi một nhánh ồ lên, thoát được qua hàng rào người, ào qua trước cửa hiệu tôi đang đứng, tôi lập tức đẩy cửa len ra cùng bén gót họ, mặc cho mấy tay an ninh cố sức lấy lưng đẩy tôi lại. Tuy nhiên, bà con không đi quá được vài chục mét, vì còn nhiều lớp cảnh sát các loại đứng dăng hàng, đón lõng cả quãng đầu đường Trần Nhân Tông, kéo dài cho đến tận cổng công viên. Tôi cảm thấy không hề an toàn, trước cái nhìn rất ám muội của những kẻ mặc thường phục đang lượn lờ xung quanh. Điều cần thiết bây giờ là phải đưa được hình ảnh lên mạng, để mọi người có thể biết được những gì đang xảy ra ở đây. Vậy nên tôi hỏi tay an ninh đang lẵng nhẵng theo tôi xem cậu ta có về không. Khỏi phải nói ku cậu mừng thế nào khi tôi đồng ý đi về, nên vội quay lại lấy xe ngay. Ngay cả khi bọn họ đèo tôi ra khỏi khu vực phong tỏa, cũng hai lần xe bị chặn lại. Tuy nhiên cùng ngành nên họ hiểu nhau rất nhanh, và để cho hai cậu an ninh chở tôi qua an toàn. Mặc dù tôi và tay an ninh đi xe máy bên cạnh không đội mũ bảo hiểm, nhưng suốt dọc đường chẳng có ma nào tuýt còi cả.
Dọc đường tôi tranh thủ phỏng vấn cậu an ninh đèo tôi, xem cậu ta nghĩ gì về những cảnh mà cả tôi và cậu ta nhìn thấy suốt từ sáng tới giờ? Ai mới là người gây ách tắc giao thông? Nếu các cậu là lãnh đạo, thì các cậu giải quyết vấn đề này thế nào? Liệu nếu để bà con giáo dân bình an đến được cửa tòa, họ có thể làm được gì ngoài việc đứng trên vỉa hè hát kinh Hòa Bình, hô mấy câu đòi tự do cho người anh em của họ?
Cậu an ninh này có vẻ hiền, chỉ bảo: khó nói lắm cô ơi!
Cậu bên cạnh (trước đó rất lì lợm, ban nãy còn lấy lưng chặn tôi không cho ra khỏi cửa hàng, và chỉ hớn hở khi tôi đồng ý đi về) thì bảo xin số điện thoại, bảo để lần sau có đi những vụ thế này thì cứ gọi họ chở đi, mà tốt nhất là đừng đi đâu, cứ ở nhà cho khỏe.
Tôi bảo sao lại có lối sống ích kỷ thế được? Nếu chỉ biết có mình, khi mình gặp nạn sẽ chẳng có ai thèm ở bên mình đâu cháu ạ. Với lại, cuộc sống cần người phản ánh mọi chuyện xảy ra trong xã hội, chẳng khác gì cần công an đâu. Cô không là nhà báo, nhưng hay gặp chuyện bất bình thì chẳng tha lên tiếng. Mà muốn biết thì phải đi mới biết được chứ?
Biết là quan thầy các cậu cũng chả dám nói, nhưng vẫn cứ phải hỏi.
Mạng faceboock tràn ngập thông tin về những gì xảy ra quanh phiên tòa xử LQQ. Tâm lý chung của cư dân mạng là cực kỳ phẫn nộ. Mãi hơn 9 giờ, vợ và chú ruột LQQ mới vào được tòa. Nhiều người bạn gọi điện hỏi tôi sao không thấy ai ở quanh khu vực xử án? Tôi đáp, tất cả bị chặn hết ở đây rồi. Có lẽ cho dù người đi dự không chỉ tập hợp ở một nơi như thế này mà là nhiều nơi, thì với cách thức này, cũng sẽ chẳng có ai bén mảng được đến cổng công đường. Không một ai trong chính quyền này có thể trả lời được câu hỏi:
– Thế nào là một phiên tòa xử công khai?
– Thế nào là một phiên tòa ô nhục?
Tôi có cảm tưởng là nhà cầm quyền đang tự tát vào mặt mình, trước dư luận trong và ngoài nước qua những hình ảnh đáng xấu hổ ngày hôm nay. Nó thể hiện sự bất lực của một nhà nước yếu kém về mọi mặt. Mặc dù hôm nay không có màn bắt bớ người, nhà cầm quyền không huy động xe buýt để chở người bị bắt. Nhưng cái sáng kiến giăng ngang đường để chặn một đoàn người đi hàng một, khiến cả một tuyến đường bị ách tắc thì đó quả là tối kiến khó mà chấp nhận nổi.
Không ít người (có nghĩa là rất nhiều người) hiểu đằng sau bản án đó là động cơ khác. Ông Brad Adams, Giám đốc Châu Á của HRW, nói trong thông cáo đăng tải trên trang web của tổ chức này, rằng: “Chính phủ Việt Nam lo ngại về vị thế của mình trong xã hội đến nỗi phải tìm đủ cách để bịt miệng và cầm tù hết nhà bất đồng chính kiến này đến nhà bât đồng chính kiến khác”:
Chiều đến, khi nghe kết quả phiên tòa, một bạn trên facebook viết:
“Tôi phản đối bản án dành cho LS Lê Quốc Quân, cho đến khi nào nhà nước chứng minh được tại sao tội trốn thuế vài trăm triệu của LS Quân lại đáng phạt nặng hơn những tội trốn thuế lớn hơn nhiều của các đại gia cũng mang tội trốn thuế? Chúng ta hãy cùng phản đối, vì sự bất bình đẳng và tùy tiện đó có thể rơi vào chính chúng ta!”
Một bạn khác đưa ra những ý kiến khá thú vị:
Vụ Lê Quốc Quân, thấy những gì trong Luật pháp Việt Nam hiện hành?
Tiền dân đóng thuế có đủ nuôi tù nhân trốn thuế…?

Để nuôi một tù nhân cần 3 khoản chi chính sau:

1.Tiền xây nhà tù, đường sá…,
2. Lương hưu bổng quản giáo,
3.Lương hưu bổng quan chức Tổng cục 8 và tiền nuôi tù nhân…

Cứ 600 trăm triệu đồng, phạt 30 tháng tù (600:30=20 triệu đồng/tháng người tù)

Như vậy Nhà nước mất 20 triệu, thì lại phải nuôi thêm: 1 tháng (1 tù nhân), và 1 tháng lương hưu bổng cho quản giáo, quan chức tổng cục 8…
Cứ bài toán này (giả định Quân trốn thuế thật) và thực tế xảy ra trong xã hội Việt hiện nay, vụ nào cũng xử như vụ này thì tiền dân đóng thuế có đủ nuôi tù nhân trốn thuế…?

Phiên tòa về trốn thuế xử LS Lê Quốc Quân ngày 2/10/2013 tại HN công khai mà sao công an, an ninh chặn bà con không cho đến gần Tòa án HN để dự tòa, thế có còn là xét xử công khai, công bằng không?

– Công khai thì ai cũng biết rồi!

Còn công bằng? Thì công bằng quá đi chứ!
– Tại sao công bằng quá?
– Này nhé, khi nhà nước mất 85 ngàn tỷ ở vụ Vinashin, đã bố trí nơi xét xử rộng chứa đến 850 người đến dự (thực tế người đến dự đâu có tới mức đó), tính ra Nhà nước mất 100 tỷ thì có một người dân đến dự tòa….
Vụ LS LQ Quân này cứ gọi là Nhà nước mất 1 tỷ, theo tỷ lệ trên (kể cả làm tròn) cũng chỉ có 1 người dân đến dự tòa đã là công bằng rồi, tại tòa ngày 2/10/2013 này Nhà nước đã cho hơn 10 người dân được dự tòa..
không công bằng quá là gì ?

P.B.
This entry was posted in phản biện. Bookmark the permalink.