Không thể cải lương để bỏ lỡ cơ hội lớn

Tình hình quốc tế hiện nay đang được coi là cơ hội lớn về nhiều mặt cho Việt Nam phát triển. Ở trong nước đang có sức ép rất lớn từ nhân dân, từ (các) giới ưu tú của đất nước mong muốn cương quyết khắc phục triệt để “lỗi hệ thống”, sớm từ bỏ những phần sai lầm và sự “quá đát” của chủ nghĩa Mác – Lê, thực thi nghiêm chỉnh một thể chế Tự do Dân chủ Cộng hoà; trên thế giới cũng đang thể hiện rất rõ lòng mong muốn và sự giúp đỡ của rất nhiều nước văn minh tiến bộ đối với hoà bình và phát triển của Việt Nam. Vậy mà, hiện nay lại đang tồn tại một “sức ép” khá lớn ngược chiều, cản trở, thậm chí chống phá lại quá trình dân chủ hoá phục vụ sự vươn lên này của Đất nước.

Vậy sức cản ngược chiều xu hướng văn minh tiến bộ của nước ta thực chất nó là cái gì? Theo chúng tôi, nó là hợp lực của ba thủ phạm chính sau đây:

  1. Sức cản đổi mới triệt để được tạo ra bởi lòng tham bổng lộc và chức vụ của phần lớn đảng viên và quan chức nhà nước;
  2.  Sự bảo thủ, trì trệ về tư tưởng và sự thiếu thông tin chuẩn xác của một bộ phận không nhỏ giới quan chức các cấp từ trung ương đến địa phương (hầu hết quan chức đảng và nhà nước cấp dưới chỉ được đào tạo qua các giáo trình được soạn theo sự hướng dẫn và giúp đỡ của Liên Xô và Trung Quốc trước đây; từ 30 đến 40 % thông tin chân thực và xấu đã bị “bộ máy bảo vệ chính trị” cắt xén, che giấu đi);
  3. Sức ép tạo ra sự cản trở, thậm chí ngăn chặn bước tiến lên văn minh hiện đại của Việt Nam do một bộ phận không nhỏ trong lãnh đạo của nước bạn láng giềng gây ra (Trung Quốc trước đây không khi nào muốn Việt Nam “đi trước”, còn Việt Nam từ xưa cho đến nay đã rất quen sự “theo sau”).

Vậy nên khắc phục các trở lực đó bằng cách nào? Vì Đảng và Chính phủ vẫn muốn tham khảo ý kiến nhân dân, nên, với tư cách một công dân, tôi xin nêu tóm tắt mấy gợi ý sau đây (nội dung đầy đủ chúng tôi đã viết trong nhiều tài liệu đã được gửi tới lãnh đạo các cấp và công bố trên các trang mạng).

Về tổng quát, cần thừa nhận rằng, cái mẹo “nói một đằng, làm một nẻo” do mục tiêu (chủ nghĩa xã hội) thì rất tốt đẹp, song biện pháp thực thi (cách mạng vô sản, đấu tranh giai cấp, khác ta là địch) thì rất chuyên chế, cực đoan, thậm chí dã man, tàn bạo, mà tất cả các chính đảng cộng sản và chính phủ các nước theo thể chế “xã hội chủ nghĩa” kiểu Liên Xô trước đây đã khôn khéo vận dụng để tuyên truyền, xoa dịu người dân, nay đã không thể “bịp” được ai nữa rồi. Chính vì thể cả khối xã hội chủ nghĩa Liên Xô và Đông Âu đã sụp đổ, dù cứ cho có thể có một số nguyên nhân bên ngoài tác động vào. Sau đó đến cái mẹo dùng các ngôn từ “tù mù” trong hiến pháp, luật pháp, trong trình bày các vấn đề liên quan đến quyền lợi thiêng liêng của đất nước và quyền tự do dân chủ của người dân, nhưng bản chất quyền độc đảng toàn trị vẫn giữ nguyên… như có một chuyên gia hàng đầu về chính trị xã hội của ta đã giải thích, thì hiện nay cũng đã từng bước bị người dân, trước hết là giới ưu tú, các quan chức, chuyên gia về hưu và cách mạng lão thành của đất nước, bóc trần. Vì vậy, hiện nay, không phảỉ là lúc còn có thể “khéo léo”, “mềm mỏng”, “kiên trì” trình bày thể chế cũ bằng các ngôn từ “phù hợp”, cải lương từng bước, giải quyết từng phần sao cho “được lòng” (xì hơi) dư luận nhưng vẫn giữ được nguyên tắc xã hội chủ nghĩa tập trung lãnh đạo, độc đảng toàn trị của mọi cấp uỷ đảng như trước. Giờ này tình hình đã đến cực điểm: Thực sự Đổi mới thể chế hay là chết! (điều mà Trung ương Đảng đã thừa nhận trên lý luận, trong nghị quyết, nhưng có vẻ chưa thừa nhận trên thực tế. Song vừa rồi vụ một người dân tỉnh táo đã tìm đúng người đứng đầu đại diện “thể chế” tại địa phương để nã đạn vào đầu anh ta, tức là vào chính cái thể chế cũ mà anh ta là nạn nhân, đã nói rõ tất cả!).

Về cụ thể, có thể nói rõ hơn như sau.

1.   Để khắc phục trở lực thứ nhất, cần bảo toàn và phát triển quyền và lợi đang có của mọi người tham gia đổi mới thể chế, Đảng và Nhà nước ta nên tìm các giải pháp cải cách triệt để nào mà mọi cán bộ, quan chức, dù trước đây họ có thiếu sót hay không, họ có trình độ hay không (trừ những người phạm tội đối với ngay luật pháp cũ hiện hành), nhưng vì họ cũng đều là “nạn nhân” của thể chế cũ, nên đều không nên để họ bị thiệt thòi ngay lập tức do thay đổi thể chế để tránh sự chống lại tự nhiên và quyết liệt của họ. Nếu sau đây một hai nhiệm kỳ, với thể chế mới mà họ có bị thiệt thòi (không được tín nhiệm nữa, bị xuống cấp hoặc mất chức, thu nhập kém đi, v.v.), thì đích thực là do họ đã không hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó, chứ không phải trực tiếp là do cải cách triệt để thể chế chính trị mà sinh ra thiệt hại ngay cho họ. Tức là cải cách triệt để thế chế chính trị phải làm sao để được tin rằng chỉ có đem lại lợi ích chính đáng cho mọi người, hoặc cho con cháu họ.  

2.   Để khắc phục tình trạng lạc hậu, nhầm lẫn về hiểu biết chính trị, tư duy lý luận, và về thông tin, thì nên thực hiện ngay dân chủ hoá trong ngành tuyên giáo. Trước đây, do “mục tiêu lý tưởng thì tốt đẹp, nhưng giải pháp thì sai lầm, cực đoan, không được lòng người”, toàn bộ hệ thống tuyên giáo phải trổ tài biến báo làm sao đó để che đậy được, hoặc giải thích được cái nghịch lý “nói một đằng, làm một nẻo” của những người cộng sản, của đảng và chính phủ cộng sản. Tôi đã trình bày vấn đề thứ hai này trong tài liệu: Tại sao có những cái tốt, tôi lại coi là xấu.

3.   Đối với trở lực lớn thứ ba thì nên đặt vấn đề trên cơ sở cả đúng lẫn sai của “16 chữ vàng”. Bởi Trung Quốc, do đang bị chủ nghĩa bá quyền Đại Hán thúc bách mạnh, nên chính họ cũng đang bị buộc phải cái cách (thực chất đã đang diễn ra gay gắt) để có một thể chế chính trị tốt hơn, văn minh hơn (tự do dân chủ cộng hoà và nhân quyền), hòng đáp ứng sự hy vọng và sự chấp nhận “Trung Quốc sẽ là người cùng với Hoa Kỳ và một số nước văn minh khác đứng đầu thế giới” của dư luận xã hội trong nước Trung Quốc và quốc tế. Chúng ta cần phải kiên trì và đoàn kết hợp tác có đấu tranh mạnh mẽ trên cơ sở luật pháp quốc tế và quy chế khu vực với họ để hoà bình, ổn định và kiên nhẫn chờ đợi sự tiến hoá tất yếu của họ. Chừng nào thể chế chính trị của họ thực sự văn minh tiến bộ như Mỹ và Bắc Âu chẳng hạn, thì lúc đó chủ nghĩa bành trướng bá quyền Đại Hán của họ “tự nhiên” sẽ biến mất, cũng như chủ nghĩa phát xít đã “tự” biến mất khỏi các nước Đức, Ý, và Nhật, khi họ đã văn minh hiện đại. Tôi đã trình bày đầy đủ tư duy này trong bài “Nỗi băn khoăn không của riêng ai”.

Cuối cùng xin được nhắc lại một câu đã được nhiều người phát biểu đồng tình: Không thể cải lương, để lại bỏ lỡ một cơ hội phát triển lớn, và  lại mắc một tội lỗi lớn đối với dân tộc!

 

Hà Nội, ngày 14 tháng 9 năm 2013

V. D. P.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

This entry was posted in Lên Tiếng, Quốc Tế. Bookmark the permalink.