Thử bàn về “giấc mộng Trung hoa” của ông Tập Cận Bình

Trong hai bài viết trước tôi đã nói ít nhiều về chiến thuật chiến lược, các thủ đoạn đen trắng xanh vàng gì đó của các nhà lãnh đạo Trung quốc qua các triều đại nhằm mục tiêu bành trướng. Tất nhiên, những lời bàn ấy không hề “văn minh lịch sự” như ông đại tá Lưu Minh Phúc ở Đại học Quốc phòng Bắc Kinh, tác giả cuốn sách “Giấc mộng Trung Hoa: Tư duy nước lớn và tư thế chiến lược của TQ trong kỷ nguyên hậu Hoa Kỳ” đã tâng bốc dân tộc Trung Hoa, chủng tộc Trung Hoa là quốc gia dân tộc văn minh nhất thế giới, trí tuệ nhất thế giới trong cuốn sách nói trên. Đáng tiếc là chẳng có dịp nào mà thảo luận với ông đại tá Lưu về “sự hiểu lầm” vĩ đại này! (Từ “hiểu lầm” là từ tôi mượn của các ông bạn vàng TQ trong các cuộc thảo luận với các vị lãnh đạo đảng, nhà nước ta mỗi khi sang Bắc Kinh mà ý nghĩa sau nó là vô cùng tệ hại). Chỉ có thể ngửi thấy mùi vị cuốn sách kém trí tuệ này trong các phát biểu của Adolf Hitler và các tay chân ông ta trong đảng Quốc Xã  thời những năm 1933-1939 mà thôi. Tôi sẽ trở lại có lời bàn về ông đại tá và tác phẩm của ông ta sau vì dù sao thì Tập Cận Bình mới là người đại diện của quốc gia Trung Hoa chứ không phải Lưu Minh Phúc.

Trong kho tàng văn hóa của TQ cổ, chuyện bói toán có một khối lượng sách khổng lồ từ Kinh Dịch cho đến các loại sách tướng số và sấm vĩ mà chỉ đọc danh mục cũng đã toát mồ hôi chứ chưa nói gì đến nội dung của nó. Một trong những môn cũng được xếp vào hàng có số má hẳn hoi ở trong cái kho tàng ấy là môn “Viên mộng thuật” hay có tên khác là “Giải tích mộng”. Nội dung của môn này về đại thể là căn cứ vào các điềm triệu đã xảy ra trong giấc mộng rồi suy đoán ra cách cục cát hung trong tương lai gần của người chiêm mộng. Chuyện này người TQ xưa đã làm ra một thứ sách như kiểu từ điển ngày nay để không chỉ có các thầy hành nghề giải mộng mà cho mọi người có thể tra vào đó để đoán cát hung cho mình. Họ cũng chia ra các loại mộng và ứng mộng như “Mộng liên quan tới tài lộc”, “Mộng liên quan tới sức khỏe”, “Mộng liên quan tới duyên phận”, “Mộng liên quan tới phúc họa”, v.v. Ví dụ như người ta bảo: Mộng thấy nói chuyện với người đã chết thì “việc đang tiến hành tất nhiên thành công”; Mộng thấy rắn độc thì “điềm tốt lành , thăng quan tiến chức rất nhanh”…

Tuy tôi không theo học môn Giải tích mộng nhưng theo cách dân dã nhất, xin cùng các bạn thử xem trong “giấc mộng Trung hoa”, Tập Cận Bình mơ thấy gì? Liệu ông ta có mơ thấy rắn độc hay có nói chuyện gì với Mao và Đặng hay không? Hoặc là ông ta lại mơ thấy nước biển mênh mông tràn ngập hết cả “đường lưỡi bò” của ông ta (điềm “sự nghiệp luôn luôn trắc trở”) hay thấy những vùng núi phía Bắc nước ta mà TQ lấn chiếm được bị sạt lở (điềm “nhất thiết bất toại”, mọi việc đều không được)? Để có thể bàn về Giấc mộng Trung Hoa của Tập Cận Bình, cũng cần thiết phải nhìn lại lịch sử phát triển các “Giấc mơ” của một số nhà lãnh đạo bên Trung Quốc

Các nhà lãnh đạo bên TQ thời cộng sản thường hay cố tổng kết tình hình nào đó rồi gom vào “mấy chữ” cho đảng dễ áp đặt lãnh đạo mà dân dễ răm rắp thực hiện theo. Ông Mao làm ra đủ loại khẩu hiệu mà nổi bật nhất là “Đại nhảy vọt”. Đến Đặng Tiểu Bình thì “Mèo trắng mèo đen gì cũng được miễn bắt được chuột” rồi bày ra lý luận xây dựng một thứ “Chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung quốc”… cho đến Hồ Cẩm Đào thì có “Xã hội hài hòa” nên ông Tập Cận Bình cũng không thể ngồi yên mà phải có một cái gì cho ra hồn kiểu như thế. Ngay từ tháng 11/2012, khi mới trong diện “quy hoạch” cùng đối tác cạnh tranh chức Chủ tịch lúc đó là Lý Khắc Cường thì ông Tập đã cao hứng tuyên bố: “Sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa là giấc mơ lớn nhất của Trung Quốc”. Đến khi lên nắm quyền, tháng 3/2013 lại nhấn mạnh trở lại rằng phải “phấn đấu đạt được giấc mơ phục hưng dân tộc Trung Hoa”.

Ông Tập Cận Bình chưa nói chắc ông định “phục” dân tộc Trung Hoa của ông về đến đoạn nào trong quá khứ, nhưng theo cái điệu nhất hô vạn ứng của đội quân tuyên truyền (tôi đồ rằng bên ấy cũng có đội quân “Dư luận viên” đông đảo vì hiếm khi nào bên ta phát minh ra cái gì như thế một cách độc lập) cùng các tướng tá của ông ta thì có lẽ không phải thời vua Càn Long, thời kỳ mà tổng sản phẩm của TQ chiếm 1/3 tổng sản phẩm thế giới (1793) mà có thể dự đoán ông muốn Trung Hoa quay lại cái thời mà ngay cả các Công sứ phương Tây cũng phải khấu đầu trước “Hoàng đế vĩ đại” của TQ chăng? Có thể. Bởi vì dù được gọi là thời thái bình thịnh trị nhưng nhà Mãn Thanh cũng chỉ tiêu diệt triều Minh rồi cai trị Trung Nguyên và các chư hầu thôi chứ chưa bành trướng đi đâu xa cả. Còn tư tưởng của mấy ông lãnh đạo Trung Quốc thời cộng sản thì luôn tìm cách xâm chiếm đất đai trời biển của nước người, điều chỉ có Hốt Tất Liệt mới làm được! Phải như thế mới đáng gọi là sự “phục hưng vĩ đại” mà thôi. Có khác chăng là Hốt Tất Liệt đem quân đi xâm lược rồi chiếm được nước người ta còn các ông lãnh tụ cộng sản thì dù tham vọng và hung hăng có thừa, nhưng chưa đủ tài lực trong so sánh lực lượng như Hốt Tất Liệt nên đánh giặc mồm là chính, còn làm thì theo kế “tằm ăn lá dâu” vậy. Kể ra, nếu có ai “tư vấn” được cho Tập Cận Bình thì cũng nên nhắc ông ta rằng đừng vì cuồng vọng đại bá mà quên rằng hai triều đại ấy đều là kẻ xâm lược, tiêu diệt các vương triều “Đại Hán” của tổ tiên ông ta rồi nghiễm nhiên cai trị TQ thì ông Tập có tự hào đến mấy cũng không làm vơi đi “nỗi đau tổ tông” mà người Hán không cộng sản bên TQ đời đời không thể quên đi được chứ sao lại chỉ hậm hực rồi hô hào đòi lại món nợ “quốc thể” đối với mỗi người Nhật năm xưa?

Theo cách nhận định của Marx-Engels, trong thế giới cận đại đã có một số nhà “không tưởng vĩ đại” như Saint Simon, Robert Owen, Charles Fourier… và sau này, chính một số nhà lý luận về CNXH lại liệt kê cả Marx và Engels vào danh sách nói trên, mà theo tôi, hai ông phe ta còn không tưởng hơn ba ông phe Tây kia. Nhưng đó là nói về những nhà lý luận tầm cỡ thế giới và thời đại. Họ đều là những người đưa ra các chủ thuyết, nhưng mô hình thực tế của các chủ thuyết ấy chưa từng có và họ cũng chưa từng là nhà chính trị nắm quyền lực nhà nước theo mô hình không tưởng ấy.

Bên nước Trung Hoa vĩ đại của ông Tập Cận Bình thời hiện đại này cũng đã từng có những nhà “không tưởng vĩ đại” nhưng theo một kiểu khác, đó là những nhà không tưởng nắm quyền cai trị đất nước. Người phải kể đến đầu tiên là ông Tôn Trung Sơn. Ngay từ thập niên 90 của thế kỷ XIX, trong thư gửi Đại thần Lý Hồng Chương triều mạt Thanh, ông Tôn Trung Sơn đã khẳng định có thể tận dụng mọi nguồn lực và khả năng (nhân năng tận kỳ tài, địa năng tận kỳ lợi, vật năng tận kỳ dụng…) để phát triển Trung Hoa thành một nước “4 nhất”: Mạnh nhất thế giới; Giàu nhất thế giới; Một nền chính trị tốt nhất thế giới; Dân chúng hạnh phúc nhất thế giới! Ông cho rằng người Trung Quốc phải làm nên những kỳ tích vĩ đại nhất thế giới như thế. Sở dĩ ông tin tưởng đạt được những cái nhất như trên là bởi vì theo ông: “So với các dân tộc khác trên thế giới… cho đến nay, dân tộc chúng ta vẫn là dân tộc ưu tú nhất thế giới”! Và cũng từ thuở ấy, ông đã hô hào không chỉ đuổi kịp mà còn phải vượt Mỹ.

Khi con người cận kề với cái chết, thường người ta vẫn có quyền mơ tưởng đến một thiên đường. Khi sống dưới triều đại mục ruỗng đến cực điểm của triều Mãn Thanh và đứng trên đống hoang tàn của nền kinh tế TQ những năm cuối của thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Tôn Trung Sơn, với tư cách là một nhà tư tưởng rồi “đại Tổng thống”, có quyền mơ tưởng đến một TQ “nhất thế giới” như thế, tất nhiên ông không nói vào năm tháng nào thì đạt được những cái nhất thế giới như Mao sau này. Đó là giấc mộng Trung Hoa của Tôn Trung Sơn cách nay hơn 1 thế kỷ.

“Nhà không tưởng vĩ đại” tiếp theo là Mao Trạch Đông. Ngay từ năm 1955, Mao đã đề ra “mục tiêu của chúng ta là phải đuổi kịp và vượt Mỹ”. Một năm sau, ông khẳng định lại mục tiêu này và cho rằng: “Nếu không như vậy thì dân tộc Trung Hoa chúng ta có lỗi với các dân tộc trên thế giới”!

(Riêng lời vàng ngọc này của “Mao chủ tịch vĩ đại” thì tôi không thể không có lời bàn thêm được: Nếu ta đọc bài viết của Peter Navarro với đầu đề “Chết dưới tay Trung Quốc” và ông còn ghi chú thêm “Lời kêu gọi thế giới phương Tây hành động” thì có thể hình dung các hậu duệ của Mao đã xây dựng được một thứ CNXH mang màu sắc TQ, với một nền kingh tế cộng mọi thứ lại cũng có thể là lớn thứ hai thế giới nhưng được xây dựng trên cơ sở của một “nền văn minh tội phạm” với giá cả cực kỳ rẻ mà dùng bất cứ thứ gì cũng chết người, theo nghĩa đen của từ này. Trong hơn 30 trang viết, Peter Navarro đã liệt kê tất cả các sản phẩm và dịch vụ mà người TQ sản xuất kinh doanh đều chứa đầy chất cực độc, nguy hiểm hơn cả bom đạn. Đúng là không phải dân tộc Trung Hoa “có lỗi” như Mao nói mà còn hơn thế, họ đang phạm tội đầu độc loài người, kể cả nhân dân của chính họ một cách có bài bản, có hệ thống nhằm kiếm bằng được thật nhiều tiền để vượt Mỹ, đứng đầu thế giới!).

Đầu năm 1958, Mao đưa ra “thời gian biểu”: 10 năm đuổi kịp Anh, thêm 10 năm nữa đuổi kịp Mỹ. Nhưng đến 5/1958, thể hiện ý chí của Mao, trong báo cáo kinh tế của Chính phủ tại Hội nghị BCHTW (khóa 8) đề ra chủ trương: 7 năm đuổi kịp Anh, 15 năm đuổi kịp Mỹ. Một tháng sau, Bạc Nhất Ba (Bố của ông Bạc Hy Lai vừa mới ra tòa) cũng thể hiện ý chí đó của Mao như Lý Phú Xuân trong báo cáo trước thì Mao bèn phê ngay: Vượt Anh, đuổi kịp Mỹ không phải là 15 năm, cũng không phải là 7 năm mà chỉ cần 2 đến 3 năm, 2 năm là có thể! Đó là Giấc mộng Trung Hoa của Mao Trạch Đông. Giấc mộng Trung Hoa ấy đã đưa nền kinh tế TQ từ chỗ chiếm 5,46% so với kinh tế toàn cầu (1957) xuống 4,01% (1962) với vô vàn hệ lụy, không chỉ tổn thất về của cải mà còn tổn thất không ít nhân mạng.

Còn giấc mơ của Tập Cận Bình là gì? Đương nhiên ông mơ về nền kinh tế TQ to nhất thế giới. Điều này dễ rồi vì nay đã đứng thứ hai theo cách đánh giá theo TQ. Tuy Trung Quốc khoe là trong 3 thập kỷ qua, đã “xóa đói giảm nghèo cho 600 triệu dân”, nhưng thật khó tin bởi để thỏa mãn cơn khát lũng đoạn thế giới, các nhà lãnh đạo TQ đã phải dùng đến hạ sách bần cùng hóa người dân thì lấy đâu ra một nửa dân số TQ được “thoát nghèo”? Còn nói như bà Jing Ulrich, Giám đốc điều hành chi nhánh của Jp Morgan thì để trở thành một “cường quốc” kinh tế, TQ không thể tiếp tục dựa vào đầu tư, xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng, nhà máy, bất động sản… mà cần chuyển sang một nền kinh tế dịch vụ có định hướng; chuyển từ một nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu sang nền kinh tế tiêu dùng…”. Đây là cả một câu chuyện dài và không hề dễ dàng như một giấc mơ. Bao giờ thì TQ có sự chuyển này?

(Về việc đánh giá một nền kinh tế đứng vào thang bậc nào trên thế giới này thì hình như người ta đánh giá quá đơn giản theo khẩu khí của các nhà tuyên huấn. Một chuyên gia kinh tế nói với tôi rằng đó là kiểu đánh giá thiên về lượng. Nhưng theo tôi, cứ cho là các con số của cơ quan công quyền XHCN như TQ hay VN là đúng, thì việc cộng mọi thứ làm ra trên lãnh thổ một nước rồi gọi rằng đó là lượng của nền kinh tế ấy cũng không hề đúng chứ chưa cần bàn tới chất của nền kinh tế ra sao. Một TQ muốn có nền kinh tế đứng đầu thế giới đúng nghĩa chắc phải thêm khoảng trăm năm nữa nếu như Mỹ và các nước phương Tây, Nhật Bản không phát triển gì cả chứ chưa phải đã hý hửng đưa ra luận thuyết “hậu Hoa Kỳ” như ông đại tá Lưu Minh Phúc viết sách được. Chuyện này còn nhiều điều phải bàn, nhưng không phải ở bài viết này).

Nhưng giấc mộng Trung Hoa của Tập Cận Bình không khuôn lại trong phạm vi kinh tế như hai ông tổ Tôn Trung Sơn và Mao Trạch Đông. Ông này mơ to hơn và phức tạp hơn nhiều. Tiếp theo kinh tế, ông mơ tiếp một nền quốc phòng hùng mạnh nhất thế giới. Tháng 12/2012, tức là lúc ông ta chưa lên ngôi, trong chuyến thị sát lực lượng Hải quân, ông ta đã cổ vũ một “quân đội hùng mạnh” và đương nhiên, các tướng tá “hết sức phấn khởi” về tư tưởng hiếu chiến này. Tất nhiên ông không quên nhắc nhở các tướng lĩnh: “Tinh thần của một quân đội hùng mạnh nằm ở việc tuyệt đối tuân theo các mệnh lệnh”. Không nói trắng ra theo kiểu viết Hiến pháp của Việt Nam, nhưng ai cũng hiểu được “mệnh lệnh” mà ông Tập nói ở đây là mệnh lệnh của ai rồi.

Nội dung thứ ba và là nội dung quan trọng nhất trong giấc mộng “phục hưng vĩ đại” dân tộc Trung Hoa của ông Tập Cận Bình là bá quyền thế giới, là xâm chiếm các vùng đất, vùng biển, vùng trời nào có thể được để TQ to hơn và mạnh hơn, trở thành một siêu cường điều khiển cả thế giới. Hoàng Sa, Trường Sa là chuyện nhỏ, coi như đã an bài. Họ vẽ ra “đường lưỡi bò” thêm hơn 2 triệu km2 vùng biển, nói là lãnh thổ của họ, nhiều nước vẫn lặng im. Rồi chuyện Senkaku, thậm chí cả Okinawa cũng là “của họ” và trong “tầm nhìn” này thì Philippines cũng của TQ nốt… Những chỗ nào không chiếm được, chưa có cớ gì để bày ra chuyện “tranh chấp” thì họ “mua” như mua hàng loạt các công ty, nhà máy, thậm chí mua luôn cả thương hiệu của người ta rồi đem người đến đó mà làm (như tôi đã viết trong bài “Văn hóa bành trướng”). Vừa rồi dân Ý tức quá, họ đánh bị thương mấy em sinh viên TQ sang học nghề làm rượu vang Ý thì kể cũng tội. Những chuyện này thì ai cũng biết, chỉ trừ một số người nào đó gắn với lợi ích này thì “không biết” mà thôi.

Giấc mơ Phục hưng dân tộc Trung Hoa của Tập Cận Bình đại thể như thế đấy. Cũng có thể rồi đây phải xếp ông ta vào hàng các nhà không tưởng vĩ đại của Trung Quốc. Để minh họa giấc mơ này, như đã nói, ông đại tá Lưu Minh Phúc đã phụ họa bằng cả một cuốn sách mang tựa: “Giấc mộng Trung Hoa: Tư duy nước lớn và tư thế chiến lược của Trung Quốc trong kỷ nguyện hậu Hoa Kỳ”. Tôi đã vài lần muốn tóm lược hay như cách gọi văn hoa hơn là “tổng thuật” cuốn sách này nhưng đều không thành công vì đọc qua rồi đọc lại cuốn sách thấy không có cái gì đáng bỏ công để “tổng thuật” ngoại trừ cách nói khoa trương vô căn cứ và vô văn hóa của tác giả. Ví như trong chương II, ông ta đưa ra các đề mục: Thay đổi vị trí đứng đầu thế giới: 100 năm một lần. Thế giới không có bá quyền (chắc chỉ có Đại Trung Hoa thôi). Đến chương III thì khẳng định luôn: Thời đại Trung Quốc, địa vị lãnh tụ của TQ được xác lập trên thế giới; Thời đại TQ, mô hình phát triển TQ hơn hẳn thế giới; Thời đại TQ, quan niệm giá trị TQ định hướng thế giới. Chương IV thì khẳng định về “văn hóa TQ”: Sự hấp dẫn của tính cách Trung Hoa; Đế quốc Trung Hoa hùng mạnh mà không xưng bá; Mãi mãi không phai màu “Trung quốc vương đạo”… Chương VII nói về “phục hưng vĩ đại”; Nước giàu cần có quân mạnh. Chương kết: “Vang khúc khải hoàn”… Chỉ bấy nhiêu mục thì các bạn cũng đủ biết ông Lưu Minh Phúc đã nói những điều nhảm nhí gì rồi.

 

Hà nội, 7/2013

N.T.N.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN 

This entry was posted in Trung Quốc. Bookmark the permalink.