Tạ Duy Anh
Những hành động khủng bố, dưới bất cứ hình thức nào, đều là tội ác trời không dung, đất không tha và không được biện minh bởi bất cứ lý do nào. Vì thế tôi thực sự sốc nặng, khi hàng trăm người Nga bị bọn khủng bố sát hại, tại một nhà hát ở ngoại ô Matxcova vào tối 22.3.2024. Tôi mạnh mẽ lên án những kẻ khủng bố và xin thống thiết chia buồn với các nạn nhân cùng người thân của họ.
Kèm theo đó, một nỗi lo sợ mơ hồ cứ bám lấy tôi, khi một vài tờ báo Việt ỡm ờ (dẫn lời của quan chức Nga), nghi ngờ cho phía Ukraina là thủ phạm. Nếu quả thực chính quyền Ukraina nhúng tay hoặc có dính líu tới vụ khủng bố, tôi sẽ không còn chút tình cảm nào với họ và sẽ buộc phải rút lại mọi sự ủng hộ mà tôi vẫn dành cho họ.
Tôi là người thận trọng khi đưa ra bất cứ ý kiến nào. Vì thế trong suốt ba ngày qua, tôi tìm đọc các báo nước ngoài bản tiếng Việt, tham khảo qua bạn bè biết ngoại ngữ, trao đổi với một vài người luôn khách quan trung thực, để đến giờ này, tôi tuyệt đối yên tâm rằng chính quyền và người dân Ukraina không dính dáng mảy may đến vụ khủng bố.
Xin trích một vài bài báo mà tôi đọc.
BBCVIETNAMESE ngày 24.3, với tựa đề “Nga phớt lờ thông tin tình báo về khủng bố do Mỹ chia sẻ”, đã dẫn lời của Tổng thống Ukraina:
“Một Putin vô dụng, thay vì giải quyết vấn đề cho công dân Nga, đối diện với họ, thì lại im lặng trong một ngày để nghĩ cách đổ tội cho Urkaine”.
Vẫn bài báo trên, viết tiếp:
“Cảnh báo ngày 7/3 từ Mỹ được phát đi dành cho công dân của họ là một thông tin cụ thể một cách bất thường. Cảnh báo này đưa ra khả năng “những kẻ cực đoan” đã “có những kế hoạch sát sườn nhằm vào các địa điểm tập trung đông người ở Moscow” và đặc biệt đề cập đến các buổi hòa nhạc.
Ngoài việc phát đi cảnh báo công khai cho công dân nước mình, phía Mỹ cũng cho biết đã liên lạc trực tiếp với chính phủ Nga”.
Nhưng Putin lên hẳn truyền hình quốc gia phản ứng lại (hàng chục triệu khán giả Nga hẳn đều còn nhớ):
“Cảnh báo của Mỹ là những tuyên bố mang tính khiêu khích từ phương Tây về các vụ tấn công có thể xảy ra bên trong lòng nước Nga. Các cảnh báo ấy giống như lời hăm dọa thẳng thừng và nhằm mục đích làm xã hội của chúng ta lo sợ và bất ổn”.
Đài VOA ngày 23.3:
“Adrienne Watson, phát ngôn nhân của Hội đồng An ninh Quốc gia thuộc Nhà Trắng, nói: “Đầu tháng này, chính phủ Hoa Kỳ đã có thông tin về một cuộc tấn công khủng bố được lên kế hoạch ở Moscow – có khả năng nhắm vào các cuộc tụ họp lớn, bao gồm cả các buổi hòa nhạc – khiến Bộ Ngoại giao phải đưa ra khuyến cáo công khai tới người Mỹ ở Nga. Chính phủ Hoa Kỳ cũng chia sẻ thông tin này với chính quyền Nga theo chính sách về ‘nghĩa vụ cảnh báo’ đã có từ lâu của Mỹ”.
Hàng loạt báo Việt Nam cuối cùng cũng đã trở về vị trí “khách quan” để đăng kết luận của chính phủ Mỹ, khẳng định ISIS-K, một nhánh của IS là thủ phạm của vụ khủng bố và Ukraina không có bất cứ liên quan nào.
Đài RFI:
Với tựa đề “Đổ lỗi cho Ukraina là để biện minh cho thất bại của an ninh Nga”, đã viết:
“Đối với Ulrich Bounat, nhà nghiên cứu hợp tác với cơ quan tư vấn Open Diplomacy, thái độ của tổng thống Nga gây ngạc nhiên, nhưng rõ ràng là có chủ ý. Trên đài RFI Pháp ngữ ngày 23/03, ông Ulrich Bounat giải thích:
«Ông ấy (Putin) chưa từng nhắc đến tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Đây là điều khá gây ngạc nhiên, bởi vì rõ ràng là tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã hai lần đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Nhưng việc đổ lỗi cho Ukraina chính là cách để biện minh cho chính ông ta và biện minh cho cả các cơ quan an ninh của Nga về thất bại rõ ràng mà cuộc tấn công này đã cho thấy”.
Truyền thông của Pháp cùng có quan điểm: “Trên thực tế, thật điên rồ nếu Ukraina tấn công Nga kiểu này – sát hại thường dân là cách tốt nhất để làm phương Tây xa lánh, trong khi Kiev đang quá cần đến sự hỗ trợ của đồng minh như thế”.
Nó hoàn toàn trùng với suy nghĩ của tôi. Người Ukraina không ngu ngốc như những gì đồ tể chiến tranh cố gắng vu vạ. Bản thân ông ta khi đưa ra lời vu vạ, cũng không viện được một bằng chứng xác đáng nào. Ngày nay thế giới, kể cả một bộ phận người dân Nga, luôn có đủ thông tin để biết đâu là sự thật.
Vấn đề tôi muốn nói là vì sao Tân Sa Hoàng tìm mọi cách đổ riệt cho Ukraina?
Nó quá đơn giản.
Trước hết để ông ta che đi nỗi hổ thẹn đã không bảo vệ được người dân như đã hứa, đặc biệt khi lại đã được cảnh báo trước từ hơn hai tuần. Bằng vào những gì được ghi lại, thì lực lượng An ninh Nga hoàn toàn bị động, không có bất cứ phản ứng nào trong suốt hơn 40 phút bọn khủng bố thẳng tay bắn vào người xem, đốt phá rạp hát khiến lửa bốc cao ngút trời!
Thứ hai, ông ta biết rất rõ, ngày càng nhiều người Nga chán ghét chiến tranh, không tin vào lý do ông ta đưa ra để hủy diệt Ukraina, khiến nửa triệu con em họ bị chết hoặc tàn tật, trong khi đất nước thì khó mà tránh khỏi kiệt quệ. Theo các tổ chức điều tra độc lập tại Nga, cụ thể RFI dẫn ý kiến của nhà phân tích dữ liệu nổi tiếng Sergei Shpikin và Kirill Roogov (người Nga), thì có tới 31 triệu phiếu bầu cho Tân Sa Hoàng là giả (gần một nửa trong số hơn 70 triệu phiếu được chính quyền công bố chính thức). Điều đó cho thấy (nếu kết quả trên là đáng tin và cá nhân tôi rất tin) ít nhất có đến một nửa người dân của ông ta chán ghét ông ta tới tận cổ. Chỉ vì họ sợ bị đàn áp mà không dám công khai bày tỏ. Đây là nỗi sợ lớn nhất của kẻ ngồi dưới boongke. Ông ta cần một cái cớ thuyết phục để tiếp tục cuộc chiến tàn bạo.
Lý do thứ ba thì như hầu hết giới truyền thông thế giới nhận định, là bằng cách vu cho Ukraina, Tân Sa Hoàng muốn thế giới căm ghét, khinh bỉ giới lãnh đạo Ukraina (nếu họ tin vào lời của ông ta), khiến sự ủng hộ dành cho Ukraina giảm đi hoặc mất hẳn giữa lúc họ đang rất cần điều đó.
SỰ THẬT chỉ có một. Nó luôn là thứ bị người ta tìm cách che lấp nhưng cũng là thứ KHÓ che lấp nhất.
T.D.A.
Nguồn: FB Lao Ta
Đọc thêm:
Làm ngơ trước quân thánh chiến, Putin «chọn» kẻ thù Ukraina
26/03/2024
Hình ảnh từ vụ khủng bố ở thủ đô nước Nga tràn ngập báo chí Pháp hôm nay 25/03/2024. Le Monde chạy tít «Matxcơva bị tấn công đẫm máu, tổ chức Nhà nước Hồi giáo nhận trách nhiệm», Libération kể ra «Afghanistan, Iran, Nga… Sự quay lại của tổ chức Nhà nước Hồi giáo». Le Figaro nhận định «Bị Daech tấn công, Putin quay sang trả thù Ukraina», La Croix đăng ảnh trang nhất người dân mang hoa tưởng niệm với hàng tựa lớn «Nga: Tang tóc và chối bỏ».
Khói bốc lên từ nhà hát Crocus City Hall ở ngoại ô Matxcơva (Nga) bị quân khủng bố phóng hỏa ngày 22/03/2024. REUTERS – Maxim Shemetov
Can thiệp quá chậm, không ít người chết oan
Le Figaro đặt câu hỏi, phải chăng ngày 22/03/2024 đánh dấu một bước ngoặt, nước Nga trước và sau ngày này đã khác? Vụ tấn công vào Crocus City Hall đã cướp đi mạng sống của 137 người trong đó có 3 trẻ em, gây khủng hoảng cho cả nước.
Tối thứ Sáu vào khoảng 19 giờ 50, ở ngoại ô phía tây Matxcơva, bốn người mặc đồ rằn ri bước ra khỏi một chiếc xe hơi Renault màu trắng vào trước buổi diễn của nhóm nhạc rock Picnic có từ thời xô-viết, ít nhất ba người mang súng trường lập tức nổ súng. Các nhân viên bảo vệ và những khán giả trước lối vào chính là những nạn nhân đầu tiên. Các hung thủ thản nhiên tiến vào sân khấu chính, bắn thẳng vào khán giả. Những ai còn bên ngoài chạy trốn về phía métro, những người trong khán phòng núp dưới ghế, trong hành lang, nhà vệ sinh.
Khoảng 15 phút sau cả bốn hung thủ quay về xe, sau khi xả những tràng súng cuối và phóng hỏa nhà hát. Một trong bốn kẻ này dùng smartphone ghi hình lại và đến Chủ nhật được cơ quan tuyên truyền của tổ chức Nhà nước Hồi giáo công bố trên mạng xã hội. Trong số 6.200 khán giả đã mua vé xem nhóm Picnic, rất nhiều người sống sót đăng các video lạnh người lên Telegram. Đặc nhiệm chỉ đến nơi một tiếng rưỡi đồng hồ sau, dù tổng hành dinh ở gần bên nhà hát, trong thời gian đó nhiều người bất hạnh đã chết ngạt vì khói.
Đa số dân Nga tin vào luận điệu của Kremlin
Les Echos nhận thấy «Putin sử dụng vụ khủng bố Matxcơva để kích thích dân Nga chống lại Ukraina». Mạng lưới tuyên truyền phục vụ cho Kremlin không hề nói đến việc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (Daech, IS) nhận trách nhiệm, mà cáo buộc Kiev một cách úp mở. Truyền hình và mạng xã hội Nga nhanh chóng thông báo việc bắt giữ một số nghi can; phát hiện trong đống gạch vụn của nhà hát 2 khẩu kalachnikov, trên 500 viên đạn và 28 băng đạn. Thông tin này nhằm trấn an người dân về sự hiệu quả của lực lượng an ninh, trong khi bóng ma khủng bố Hồi giáo đang quay lại mà hầu hết dân chúng chẳng biết gì. Vladimir Putin nói trên truyền hình rằng Ukraina đã chuẩn bị một lối thoát cho bọn khủng bố vượt qua biên giới, và nhắc đến «phát-xít», rõ ràng muốn đổ cho Kiev.
Rouslan Poukhov, giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ (CAST) nhận định vụ khủng bố không chỉ là thất bại của cơ quan an ninh, mà còn là hậu quả trực tiếp của chính sách nhập cư từ 20 năm qua. Làn sóng nhập cư từ Trung Á rất lớn nhưng Nga lại thiếu nguồn lực để kiểm soát các nhóm Hồi giáo không hội nhập được, dễ dàng bị khủng bố tuyển mộ.
Chế độ sẽ lợi dụng để siết chặt luật lệ và tự do dân sự. Các quan chức thay nhau kêu gọi áp dụng lại án tử hình cho «khủng bố», và ngay từ tối thứ Sáu, Dmitri Medvedev đã dọa giết các lãnh đạo Kiev nếu đúng là do Ukraina. Nhà xã hội học Denis Volkov ước tính có đến 60-70 % người Nga tin và lặp lại luận điệu của Kremlin. Trên La Croix, nhà chính trị học Andrei Kolesnikov cho biết «Tất nhiên có một thiểu số không tin Kremlin. Nhưng trong một xã hội dưới chế độ Putin suốt 25 năm qua, đa số trở thành thụ động và đồng lõa», họ chấp nhận phiên bản của Nhà nước.
Vladimir Putin bất chấp lý trí khi «chọn» kẻ thù
Le Figaro trong bài «Putin và sự chọn lựa kẻ thù» ghi nhận, một tuần sau khi tái đắc cử với những dấu hiệu gian lận tầm cỡ kỹ nghệ, Vladimir Putin và người Nga đối mặt với thực tại thô bạo. Vụ thảm sát tối thứ Sáu hoàn toàn phù hợp với cách thức hoạt động của khủng bố Hồi giáo quốc tế. Trong vụ «Bataclan của Nga», mục tiêu bị nhắm đến là những «kẻ thù của Hồi giáo», có cái «tội» là người Thiên Chúa giáo. Các sát thủ đến từ nước Tadjikistan láng giềng bằng con đường thông thường là nhập cư.
Nga rơi vào tình cảnh giống như phương Tây mà Matxcơva đang gây chiến, và đến lượt mình lại là nạn nhân của khối u thánh chiến. Cú sốc gây bấn loạn cho chính quyền Nga, nhất là họ không hề nghe lời cảnh báo trước đó của tình báo Mỹ, bị Putin cho là «đe dọa». Kremlin sẽ phải trả lời trước công luận về sự hoang tưởng, về lực lượng an ninh bỗng thấy rõ ràng là ăn hại, đối với một Nhà nước công an quen lập danh sách đen các công dân và theo dõi từng lời nói trái chiều. Vladimir Putin cố gắng nhắm vào kẻ thù duy nhất và phù hợp nhất là «phương Tây chống Nga và nhánh vũ trang – chế độ Ukraina phát-xít».
Nhưng ông chủ điện Kremlin sẽ phải có quyết định mang tính định mệnh cho tương lai đất nước: tiếp tục sống trong ảo tưởng hay chấp nhận thực tế phức tạp hơn, trong đó Matxcơva cùng hội cùng thuyền với Paris hay New York. Sự chọn lựa sẽ tác động đến diễn tiến của cuộc chiến, vì có thể hình dung mức độ trả đũa nhằm biện minh cho việc chính thức cáo buộc Ukraina, dù chẳng có căn cứ nào. Đất nước đang khao khát được hội nhập vào châu Âu và lệ thuộc vào phương Tây để sống còn, chẳng có lợi lộc gì để tổ chức một vụ khủng bố Hồi giáo. Nhưng nếu Putin luôn lôi kéo nước Nga vào một thế giới không hiện hữu, tất cả chúng ta đang tiến dần về một cuộc xung đột lớn, với một đối thủ chẳng còn muốn nghe đến lý lẽ.
Ukraina lãnh hậu quả vì bị quy chụp là nguyên nhân vụ khủng bố
Les Echos trong bài xã luận cho rằng vụ tấn công đẫm máu ở Matxcơva buộc chúng ta phải nhìn thế giới với tất cả sự phức tạp của nó, và không nên lẫn lộn nguyên nhân với hậu quả. Chỉ cần chưa đầy vài tiếng đồng hồ, những thuyết âm mưu điên rồ nhất đã nở rộ: vụ khủng bố là do Ukraina tổ chức, hay do chính Putin để biện minh cho việc leo thang chiến tranh.
Tờ báo nhấn mạnh, tổ chức Nhà nước Hồi giáo thù ghét Nga kể từ chiến tranh Chechnya, và do Putin ủng hộ Bachar Al Assad để chống lại tổ chức này. Cả Hồi giáo lẫn Kremlin đều cùng thù hận phương Tây, và trong địa chính trị, kẻ thù của kẻ thù ta chưa hẳn là bạn ta. Châu Âu vẫn cho rằng Daech tiến hành cuộc chiến chống lại các nước tự do, nhưng thực tế phe này chống «những kẻ ngoại giáo», một lãnh vực rộng hơn rất nhiều, đã đẩy những tên khủng bố đến Kenya, Ấn Độ, châu Âu và bây giờ là Nga.
Cũng như Israel, Nga bỏ qua mối nguy khủng bố vì đang lao vào một mặt trận khác. Tình báo Nga chỉ chú tâm vào Ukraina, cũng như Israel chỉ quan sát Cisjordanie vào lúc Hamas tấn công Gaza. Đại sứ quán Mỹ đã cảnh báo công dân mình cách đây hai tuần là Hồi giáo cực đoan có ý định đánh vào những cuộc tập hợp lớn ở Matxcơva kể cả các buổi trình diễn âm nhạc.
Nhưng Vladimir Putin lại tố cáo phương Tây muốn gây bất ổn trước bầu cử tổng thống – một sự hoang tưởng cố hữu của các chế độ toàn trị. Joseph Staline đã thẳng tay bác bỏ những cảnh báo của Churchill về khả năng Đức xâm lăng năm 1941, cáo buộc Anh quốc muốn phá vỡ thỏa hiệp Đức-Liên Xô. Theo Les Echos, thay vì là nguyên nhân, Ukraina có nguy cơ là hậu quả, nói đúng hơn là nạn nhân của thảm kịch này. Ông chủ điện Kremlin với sự hiểm độc quen thuộc có thể nhân dịp này tập hợp dân chúng, dấn sâu thêm vào cuộc chiến.
Matxcơva vẫn chối bỏ nguy cơ thánh chiến
Tương tự, Libération cũng cho rằng Vladimir Putin đã chọn lựa làm ngơ trước tổ chức Nhà nước Hồi giáo dù phe thánh chiến đã nhận trách nhiệm về mình, bất chấp phân tích của giới chuyên gia và cảnh báo trước đó của Mỹ. Bài diễn văn của ông ta đọc 19 tiếng đồng hồ sau vụ khủng bố và không hề đặt chân đến hiện trường, được viết ra để người Nga nghĩ rằng Kiev đứng phía sau.
Từ hai năm qua, Kremlin luôn tìm cách biện hộ cho «chiến dịch quân sự đặc biệt», một công trình nhồi sọ vĩ đại mà Vladimir Putin vẫn kiên trì, với nguy cơ chối bỏ mối nguy khủng bố và sự trỗi dậy của Daech. May thay phương Tây không mù quáng như vậy, mà theo dõi chặt chẽ, nhất là nhánh Afghanistan mang tên ISIS-K, tức tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Khorassan, từ hai tháng rưỡi qua đã gây ra hai vụ khủng bố lớn.
Đầu tháng Giêng, nhóm thánh chiến này làm gần 100 người chết và 300 người bị thương ở Kerman, Iran, với hai vụ nổ giữa đám đông hành hương gần mộ Qassem Soleimani. Một vụ tấn công vì thù hận: phe Shia Iran không được quân Sunni của Daech coi là người Hồi giáo chân chính. Vụ thứ hai tại Matxcơva, là vụ khủng bố đẫm máu nhất từ trước tới nay của ISIS trên đất châu Âu, một Bataclan của Nga.
Tập trung xâm lược Ukraina, tình báo Nga bỏ trống sân nhà
Những tháng gần đây, tình báo Pháp đặc biệt chú ý đến nhánh thánh chiến này, và những trao đổi giữa các thành viên ở Pakistan, Afghanistan và trên lãnh thổ Pháp không thể bị bỏ qua, vài tháng trước khi diễn ra Thế vận hội Paris. Theo Libération, nhằm đối lấy việc quân đội Mỹ triệt thoái, phe Taliban đã cam kết không để cho Afghanistan thành căn cứ địa của thánh chiến, đe dọa Hoa Kỳ và đồng minh.
Không còn tai mắt tại chỗ, Washington dựa vào tình báo điện tử. Mỹ thiết lập một mạng lưới nghe lén dày đặc trong khu vực, nhờ đó đã trừ khử được thủ lãnh Al Qaida, Ayman Al Zawahiri tháng 7/2022 ở Kabul. Nhưng không thành công trong việc ngăn trở ISIS-K tái tổ chức để khủng bố.
Tại sao ISIS-K lại tấn công Matxcơva vào lúc này, sau 7 năm tạm ngưng? Les Echos cho rằng, người Nga có thể đã quên Daech, nhưng tổ chức này thì không, vẫn nuôi mối thâm thù từ một phần tư thế kỷ. Quân thánh chiến lợi dụng lúc tình báo Nga bận rộn đối phó với Kiev, để kích hoạt các nhóm đang «ngủ đông». Hơn nữa, vụ tấn công Crocus City Hall chẳng cần chuẩn bị phức tạp: chỉ có vài xạ thủ trang bị súng trường, áo giáp và một bi-đông chất gây cháy. Chuyên gia David Gauzère trên Le Figaro cho biết thêm, sư đoàn cơ giới 201 của Nga gồm 7.000 quân có nhiệm vụ giữ an ninh tại biên giới Afghanistan-Tadjikistan đã bị điều từ 1.500 đến 2.000 người sang chiến đấu ở Ukraina.
T.M.
Nguồn: RFI Tiếng Việt