Tôi cho là thế.
Đầu tiên phải xác định rõ mục tiêu: học để làm gì, được gì. Học để khỏe, để vui, để có những kiến thức hữu ích, để biết làm những việc thiết thực, học để trở thành một con người biết tư duy, có viễn kiến và xác lập các giá trị nền tảng của văn minh. Cứ chiếu vào đó, cái nào chưa có thì thêm vào, cái nào vô ích thì bỏ đi. Những kiến thức hàn lâm, xa rời thực tế và cả đời không dùng đến, hãy loại trừ. Thể dục thể thao, các hoạt động văn hóa nghệ thuật phải được đặt lên vị trí quan trọng. Chú trọng đến thực hành, làm việc nhóm, tạo ra sản phẩm, tổ chức trường học thành một xã hội sống động chứ không phải chỉ là nơi nhồi kiến thức giáo điều. Biết và thực hành các quyền công dân, quyền con người thông qua thực hành dân chủ trong trường học, trên cơ sở giá trị tiến bộ của thế giới.
Thứ hai là:
Loại trừ tất cả những thứ ngáng đường. Đối với tiểu học và vài năm đầu của THCS (cấp 2) không được giao bài tập về nhà, tất cả việc học chương trình giáo dục quốc gia sẽ chấm dứt ngay ở cổng trường, về nhà là thời gian cho gia đình, thiên nhiên, bạn bè, đọc sách, sáng tạo, vui chơi… Cuối THCS và những năm cấp 3 có thể có bài tập về nhà, tăng dần theo lớp, nhưng cơ bản phải rất ít (không quá 30 – 1 giờ/ ngày) và tính chất, nội dung của bài tập cũng phải khác.
Cấm hẳn dạy thêm đối với nhà trường và giáo viên trong hệ thống. Các cơ sở giáo dục quốc dân phải đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông trong khuôn khổ việc thực hiện chương trình quốc gia. Không có “nhưng”. Không có “vì, bởi, tại”. Tuyệt đối không bao biện.
Miễn học phí cho học sinh phổ thông, không mượn danh xã hội hóa để thu tiền bát nháo nữa. Hãy làm lành mạnh và trong sáng môi trường giáo dục.
Xóa bỏ các kỳ thi quan liêu, nặng tính hành chính và thi đua đối với cả giáo viên và học sinh. Thi ít thôi, đua ít thôi, chúng đang trở thành những khối u lớn trong nền giáo dục rồi. Cần mạnh dạn phẫu thuật và cắt bỏ.
Hãy để hiệu trưởng cho giáo viên bầu, không sắp ghế nữa. Các tổ chức trong nhà trường cần được độc lập để quản lý, giám sát và bảo vệ lẫn nhau.
Thứ ba, muốn làm được như thế thì song song với việc giảm dung lượng và thay đổi tính chất của nội dung các môn học (để phổ thông về đúng nghĩa phổ thông) thì dứt khoát phải đầu tư. Phải xây đủ trường lớp, để mỗi lớp có sỉ số chỉ khoảng 20 – 25 học sinh; phải tuyển đủ giáo viên và là giáo viên tốt, cho mô hình ấy. Muốn vậy, phải nhịn xây cổng chào, tượng đài, cờ quạt, lễ lạt, dồn tiền cho giáo dục.
Đừng xếp loại, đừng thành tích, đừng thi đua nữa. Cần giao quyền tự chủ chuyên môn cho giáo viên và có kiểm định độc lập.
Xem học sinh có vui không, có khỏe không, có năng động và biết phản biện không, có biết làm việc và giải quyết vấn đề không…, đó chính là thước đo bằng… mắt thường.
Phát quang bụi rậm, trồng những cây trái hữu ích vào đó, và chăm sóc đúng cách, vậy thôi. Đừng lý thuyết đao to búa lớn nữa, đừng gieo hạt lên đám cỏ dại lưu niên nữa.
Tóm lại, tôi thấy không khó, vấn đề là có muốn làm và có thật lòng làm hay không mà thôi.
T.H.
Tác giả gửi BVN
Vợ chồng tôi phải tốn khá nhiều thời gian và công sức để qua Úc sống nên năm 40 tuổi tôi mới có con, mọi cố gắng và tình thương đều dành cho chúng (2 đứa); nhưng tôi phát hoảng khi chúng đến trường chỉ thấy chơi, không thấy có sách giáo khoa, không bài về nhà. Tới trường chỉ có chiếc ba lô trong có đồ ăn và một cái PC [máy tính xách tay] (chính phủ cho mỗi em một chiếc và đổi cái mới 2 năm một lần cho đến hết 12). Tôi lấy ngày nghỉ chạy lại trường hỏi xem sao. Xin tóm tắt lại:
Tiếp tôi là ông hiệu trưởng, sau khi nghe trình bày, ông hỏi: Bạn đi làm 8 tiếng một ngày về nhà có mệt không, có muốn nghỉ ngơi không? Chúng cũng 7 tiếng, như vậy cũng là nhiều lắm rồi, bài tập chúng làm ngay tại trường với sự giúp đỡ của các thầy cô giáo, không cần mang về nhà.
Trẻ em trước 16 tuổi đang phát triển thể chất vì vậy phải tập trung cho việc này, nếu học quá nhiều sẽ làm cho chúng kém phát triển cơ thể, vả lại như bạn biết là những gì bạn học thời tiểu học giờ chẳng còn nhớ, đúng không? Sách thì có trong thư viện, các em sẽ chọn những thứ mình yêu thích hoặc sử dụng máy tính theo nhu cầu của mình…
Gánh nặng của tôi đã được giải quyết.
Trong một xã hội được phân công lao động thì mọi người chỉ cần làm tốt nhất công việc của mình, phần còn lại do người khác lo. Chính phủ kiểm soát chất lượng và đếm đầu số học sinh để trả tiền cho trường.
Tôi xin đưa thêm một thông tin quan trọng về sự khác biệt giữa hai nền giáo dục để mọi người tham khảo.
Nguyên tắc giáo dục của Úc là khuyến khích tạo nhu cầu, tìm kiếm sở thích và năng khiếu – học sinh chọn lựa, giáo viên và nhà trường giúp đỡ – Giá trị bản thân.
Tuyệt đối không tạo nhu cầu học tập bằng sự so sánh giữa người này với người khác (thi đua) sẽ làm lạc hướng và mục tiêu giáo dục vì từ nó sẽ sinh ra lối sống bề ngoài (phô trương hình thức) ganh ghét đố kỵ, mất tình người và lòng tin lẫn nhau, nó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường.
GS Hoàng Tuỵ nói đúng: Giáo dục Việt Nam lạc hướng.
Tôi vẫn phải nhắc nhở những người hoạch định chính sách giáo dục của Việt Nam rằng chúng ta lạc hướng vì không có hệ thống lý thuyết cơ bản về giáo dục. Nếu không đủ khả năng để tự làm thì hãy như Hàn Quốc, bê nguyên của Nhật về mà dùng. Thế giới họ không chờ ta đâu.
Còn ai hèn như tôi thì đem con đi tỵ nạn giáo dục.