Chia tay Hoài Phương

Ngô Thị Kim Cúc

Phải khó khăn lắm, qua bao nhiêu bom đạn chiến tranh và cả tù ngục, anh chị mới được gặp lại nhau.

Và đứa con lành lặn là chuyện trời ban đối với một người từng ướt đẫm chất diệt cỏ; anh chị mừng rớt nước mắt đã đành nhưng càng rớt nước mắt vì không dám có đứa con thứ hai, vì sợ số phận không lơ đễnh một lần nữa.

Nay đứa con ấy, là sự ấm áp lúc tuổi già của chị của anh, là vị ngọt ngào khi đau yếu của anh của chị, đứa con ấy cũng theo chị bỏ anh mà đi.

Thương xót quá, cháu Nguyễn Thị Hoài Phương!

Thương xót quá, anh Nguyên Ngọc!

Nước mắt của bọn em dù có kìm đến mấy cũng vẫn cứ trào ra.

Anh chắc cạn nước mắt.

Hoàng Dũng

***

Ôi, em HOÀI PHƯƠNG. Tháng 9/2022, bà bạn Mai Nhung mua vé cho tôi bay ra Hội An mừng nhà văn Nguyên Ngọc 90 tuổi. Nhóm nhỏ chúng tôi gồm gia đình chú Ngọc – gia đình Mai Nhung và tôi gắn bó lặng thầm, ít ai biết. Hoài Phương nghe chị Ngân sẽ ở mấy ngày, vui mừng, mượn thêm của hàng xóm 1 xe đạp nữa để hai chị em đi chợ mỗi sáng.

Ôi em. Đang sống và làm việc ở Hà Nội, bỏ hết theo ba mẹ về Hội An làm thư ký – làm điều dưỡng – làm mọi việc cho ba cho mẹ. Mẹ mất đột ngột, khi đó em là người phụ nữ duy nhất kề cận hôm sớm Ba, giã từ cả phòng riêng để ngủ trên ghế vải cạnh giường của Ba. Ba làm việc em cũng một góc trên giường đó, không rời nửa bước.

Em bảo em chỉ thèm sách, rời Hà Nội là đói sách. Tôi gởi cho em hai lần, cho em đỡ đói. Lần gần nhất vào đầu năm nay, giọng em vẫn reo vui, nào ngờ khi ấy em đã biết mình trọng bệnh nhưng kiên quyết không để y tế can thiệp. Tôi biết rõ bệnh em tầm 2 tuần nay qua Mai Nhung nhưng em không nghe máy, không muốn ai hỏi han hay tư vấn mà tai chú Ngọc nặng rồi, khó nghe điện thoại. Cân nhắc một thư mail chỉ để an ủi Chú mà chưa biết viết sao đây thì sáng nay em đã đi.

Một cha một con. Khách khứa nhiều quá, mệt và phiền. Em dân giỏi Toán, tình cảm có lý trí, ai chưa hiểu nói em khó gần, nhưng khi đã gần được thì em rất mực thước, đâu ra đó, chính kiến sòng phẳng và nhất quán, giọng nói đẹp, câu chữ sang, gene của cả Ba và Mẹ. Làm con gái, con một của người quá nổi tiếng rất mệt, mệt nhoài.

Nhưng em ơi. Lá vàng khóc lá xanh, thật đứt ruột em ơi. Thương em quá chừng. (Em không chịu ghé mặt vào ảnh, chẳng có bức nào có em, đành post ảnh cái thang cho giá sách nhà, em lên xuống cái thang ấy bao nhiêu lần để sắp soạn và hầu Ba khi ông cần gì đó. Ảnh chú Ngọc tôi chụp khi ở nhà ông 2022 và ảnh kia, đi chợ bằng xe đạp của Hoài Phương).

Dạ Ngân

14-11-2024

Vậy là Phương đã đi về một thế giới khác, thế giới mà rồi ai trong chúng ta cũng sẽ phải đến. Phương không để lại gì nhiều, ngoài những ký ức trong lòng những người từng có cơ hội gặp cháu. Cô gái ấy nghĩ gì/giữ gì trong đầu, chúng ta không biết. Chỉ biết rằng, Phương không muốn lưu lại hình ảnh, không muốn bị để ý, không muốn được nhắc tới, đúng như một người chỉ có nhu cầu ẩn mình/trút bỏ, dù cháu không phải Phật tử, không biết tới những pháp môn Phật giáo.

Học giỏi nhưng không muốn vào đội tuyển, nghiên cứu giỏi nhưng không muốn làm luận án để lấy bằng cấp cao hơn, con của nhà văn nổi tiếng nhưng không chịu gắn tên mình vào tên của cha.

Có lần trò chuyện trên báo cùng nhà văn Nguyên Ngọc, tôi có câu hỏi: “Xin ông nói đôi điều về con gái mình”. Lập tức anh Nguyên Ngọc trả lời: “Phương không muốn, nên mình sẽ không nhắc tới cháu”.

Những lần gặp nhau, chúng tôi đều giữ ý, không bao giờ bộc lộ chủ kiến khi trò chuyện với cháu, bởi biết rõ cháu rất khó chấp nhận sự áp đặt tới từ bên ngoài. Cháu sống thu mình, và không muốn bất cứ ai xâm nhập vào không gian riêng của mình/của gia đình mình. Cháu là người bảo vệ cha cháu ở mức cao nhứt.

Có thể chọn lựa không muốn “nổi bật” của cháu khi trưởng thành đã tới từ chính bài học cay đắng về cuộc đời của cha cháu, khiến cháu luôn biết phải “ẩn mình”.

Trong những ngày tang lễ, chúng tôi cảm động thấy cô bạn chí thiết thuở cấp hai của Phương đã cùng chồng bay từ Hà Nội vào Hội An, dù đã nhiều chục năm họ không gặp nhau, ngay cả lúc hai cháu đang cùng sống ở Hà Nội. Qua Nguyễn Ngọc Bích, đang là một bác sĩ nha khoa, tôi nghe được những chuyện về Phương, từ khi còn nhỏ. Thông minh, học giỏi, và cực kỳ thẳng thắn là cá tính của Phương từ bé. Tôi hỏi: “Cháu cũng cá tính mới chơi được với Phương, sẽ rất dễ đụng chạm nhau, làm sao để giữ được tình bạn lâu dài như vậy?”. “Vì khi có cãi nhau, cháu là đứa nhượng bộ, sau đó, cháu mới tìm cách tranh-cãi-sau, không để căng thẳng ngay từ ban đầu”.

Ngọc Bích còn giữ những ảnh thời cấp 2, với gương mặt sáng trưng của lớp học trò thập niên 1980 đầy khó khăn của đất nước, nhưng gương mặt nào cũng tươi rói, đáng yêu. Cùng với ảnh, còn có ký ức từ một bạn học khác của Phương, trong inbox của Ngọc Bích:

“Em chào chị, em là bạn cấp 2 của Phương ạ.

Nghe tin bạn mất buồn quá, mình đã không gặp Phương từ hồi học lớp 8 nhưng vẫn nhớ Phương của lớp 4, lớp 5. Hồi đó đi bộ đi học, nhiều hôm ra đến đường Phan Đình Phùng là gặp Phương và Thuý từ Lý Nam Đế ra, mùa đông bên người Phương lúc nào cũng có túi tỏi, hồi đó Phương rất hay dùng để trêu mọi người. Mình còn nhớ cả hồi lớp 4, đi học cô Thanh, một nhóm trêu gọi Phương là công chúa hai ruồi làm Phương khóc, xong bị cô Thanh mắng, từ đấy không ai dám trêu Phương nữa. Rồi còn nhớ có lần đến thăm Phương ốm, bạn kéo đàn violin rất rất là hay. Đấy cũng là lần đầu mình được biết về đàn violin. Hồi đó mình thật phục bạn, học giỏi Toán, giỏi Văn lại còn biết đánh đàn. Cầu mong bạn ra đi thanh thản và sớm siêu thoát”.

Tôi nhớ, những lần gọi điện cho anh Nguyên Ngọc, Phương luôn là người cầm máy trả lời, vì anh Nguyên Ngọc nặng tai, và tôi luôn trêu đùa cháu vài câu trước khi nói chuyện với anh Ngọc. Với người đã thân thiết, Phương bộc lộ một tính cách trẻ con, dễ gần, thích đùa vui.

Khi tôi “điều tra” về cuộc sống của hai cha con sau khi chị Tâm mất, việc cơm nước, chợ búa, chi tiêu thế nào, và biết Phương đã cắt đứt mọi liên quan với Hà Nội, tôi nói vậy là giờ cháu không có thu nhập, Phương trả lời: “Ông Ngọc trả lương cho cháu”. Giọng nói vui, miệng cười rất tự nhiên của cháu, thật khó quên.

Rất nhiều người, khi biết tin con gái nhà văn Nguyên Ngọc qua đời, đã chia buồn và tỏ lòng thương tiếc cô gái giỏi giang đã từ biệt cuộc sống này. Nhiều người thú nhận mình đã “rơi nước mắt” trước tin buồn.

“Trong bon chen, đố kỵ và bao giá trị xã hội đảo lộn – sẽ mãi nhớ về người con gái ấy –  luôn giữ trong mình hệ quy chiếu là những đường thẳng, đường vuông góc và sự cân bằng, thành tâm đến nghiệt ngã…”. Là những câu chữ mà Lã Việt Khoa, chồng của Ngọc Bích viết về cô bạn chung của họ.

Còn chúng tôi, những đứa em/đồng nghiệp của nhà văn Nguyên Ngọc, chỉ có điều duy nhứt để nói với anh và với chính mình:

Dẫu sao, vẫn còn điều an ủi là anh Nguyên Ngọc đã có thể lo cho con gái chu toàn, thay vì có thể khi Hoài Phương ra đi, cháu chỉ còn lại một mình trên đời…” …

Nguồn: FB Kim Cúc Ngô Thị

Đọc thêm

1. Một số phận độc đáo và đau buồn

(Kể cô sinh viên Nguyễn Hoài Phương)

Nguyễn H. V. Hưng

Từ lâu, một câu hỏi không chịu buông tha tôi: “Có số phận nào vInh quang mà không cay đắng không?”. Có khi, tưởng chừng tôi đã có câu trả lời, nhưng sự việc lại tuột đi.

Cuộc đời đưa đẩy tôi tới việc viết bài này. Một cách tình cờ, tôi nhận ra mình có lẽ là người duy nhất (?) có thể kết nối những mảnh hiểu biết của mỗi người trong cuộc. Tuy ở trong cuộc, nhưng chưa chắc họ đã nhận ra.

***

Gần đây, cộng đồng mạng đưa tin: Nhà văn Nguyên Ngọc (1932) đau đớn tiễn đưa người con gái duy nhất của ông, Nguyễn Hoài Phương, về nơi yên nghỉ.

Ký ức dẫn dắt tôi về những hiểu biết liên quan đến Hoài Phương.

Năm học 1992-1993 Nguyễn Hoài Phương học năm thứ nhất khoa Toán-Cơ-Tin học, Đại học Tổng hợp Hà Nội, môn Đại số tuyến tính, phần Lý thuyết với thầy Huỳnh Mùi, và phần bài tập với thầy Trần Anh Sơn. (Sau này, thầy Trần Anh Sơn đã rời khoa Toán và là một doanh nhân Vận tải biển thành đạt).

Khoảng cuối thập niên 1980 đầu thập niên 1990, làn sóng Công nghệ thông tin (Tin học) tràn vào Việt Nam (sau khi đã tràn qua toàn bộ Thế giới phát triển), nó tưởng chừng nhấn chìm toàn bộ Toán học. Việc này khiến cho người ta (nhất là những người ít nhiều nông nổi) thấy nên đóng cửa đào tạo Toán, chỉ còn đào tạo Công nghệ thông tin. Việc đóng cửa đào tạo Toán như thế được thực hiện ở Khoa Toán-Cơ-Tin học, ĐHTH Hà Nội trong khoảng 10 năm, từ cuối thập niên 1980 đến đầu thập niên 1990.

Nguyễn Hoài Phương vào học Khoa Toán – Cơ – Tin học, ĐHTH Hà Nội là để học Toán, chứ không phải học Công nghệ Thông tin. Vì thế, Hoài Phương xin chuyển sang Khoa Toán Đại học Sư phạm Hà Nội.

***

Thầy Trần Anh Sơn sau 1993 không gặp lại Nguyễn Hoài Phương nữa. Một lần tình cờ gặp nhà văn Nguyên Ngọc, anh hỏi thăm về Phương, và được biết Phương có học Toán với thầy Đỗ Đức Thái.

Nghe thầy Sơn nói thế, tôi bèn email cho Đỗ Đức Thái về chuyện này. Thầy Thái trả lời tôi như sau:

Anh H. kính mến,

Em mới nghe tin Phương mất, thấy rất buồn.

Phương học thêm với em năm lớp 9 và đỗ đầu kỳ thi vào khối Phổ thông chuyên Toán ĐHSPHN. Cô bé học giỏi nhưng rất rất cá tính, không đồng ý tham gia thi Học sinh giỏi Toán quốc gia. Tốt nghiệp Trung học phổ thông, Phương vào học Khoa Toán-Cơ-Tin học của ĐHTH Hà Nội. Giai đoạn này anh đã biết.

Học được 2 năm, khoa anh giải tán hệ đào tạo Toán. Theo nguyện vọng của Phương và theo đề nghị của chú Nguyên Ngọc, em xin cho Phương học chuyển tiếp năm thứ ba ở Khoa Toán ĐHSP Hà Nội. Phương làm luận văn tốt nghiệp năm thứ tư với em về Hình học phức. Luận văn có những kết quả hay, và nếu gia công thêm, đủ để đăng một bài báo nghiêm túc.

Tuy nhiên, em không đủ khả năng để giữ Phương về Bộ môn Hình học, vì một số cá nhân có quyền ở đó không ủng hộ.

Em có biết chú Nguyên Ngọc vốn là học trò của cụ Hoàng Tụy nên em có đến gặp cụ Tụy xin cho Phương về Viện Toán. Cụ Tụy đề nghị em viết thư giới thiệu cho Phương và em đã viết một bức thư khá dài, đánh giá tỉ mỉ về Phương. Cụ Tụy nhận Phương làm nghiên cứu về Tối ưu dưới sự hướng dẫn của Cụ.

Em có nghe nói Phương có một số công trình về Tối ưu toàn cục nhưng không đồng ý vào làm Nghiên cứu sinh với lý do là không thích, và “nghiên cứu toán không phải vì bằng cấp”. Cô bé luôn có cá tính rất mạnh như vậy.

Vì thế, Phương không học Thạc sĩ và Nghiên cứu sinh với em.

Sau này, thầy trò ít gặp nhau và Phương lại chuyển vào Hội An sinh sống nên em ít biết thông tin về Phương.

Nếu anh có số điện thoại của chú Nguyên Ngọc anh cho em xin, em sẽ gọi điện chia buồn với chú Ngọc.

Em cảm ơn anh.

Em Thái.

Nghe nói Nguyễn Hoài Phương không lập gia đình riêng, và từ khi về Hội An, sống như một gia sư. Có thể đoán rằng gia đình nhà văn Nguyên Ngọc và Nguyễn Hoài Phương, với bản tính rất riêng biệt của mình, chắc là sống trong sự tùng tiệm. Mong rằng cảm giác của tôi về chuyện này hoàn toàn không đúng.

***

Vĩ thanh: Khoảng 1995-1996, Đại học Tổng hợp Hà Nội vỡ làm 2 mảnh: Đại học Khoa học Tự nhiên và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, nằm trong Đại học Quốc gia Hà Nội. Thế cho nên:

“Tự nhiên ngồi nhớ Nhân văn,

Nhân văn nằm nhớ cái phần Tự Nhiên”.

(Nguyễn Hùng Vĩ, K18 Văn ĐHTH HN)

Tôi xưa nay vốn lười, thích nằm hơn ngồi.

Nhưng tôi lại ở ĐHKHTN.

2. Thương tiếc cháu Hoài Phương…

Ngô Thị Kim Cúc

Cháu Hoài Phương, con gái duy nhứt của nhà văn Nguyên Ngọc vừa lìa đời sáng nay, 14.11.2024, do bạo bệnh.

Cháu sinh năm 1975, và như nhiều trẻ con có cha mẹ gốc miền nam tập kết, cháu được đặt tên Hoài Phương, giống như Hoài Nam, Hoài Hương…, hoặc tên một dòng sông/một địa danh nào đó ở miền nam.

Anh Nguyên Ngọc kể: “Khi lần đầu bác sĩ bế cháu trao cho cha mẹ, hai vợ chồng quan sát thật kỹ mặt mày, nắn bóp thật kỹ tay chân để coi con mình có khiếm khuyết gì không. Bởi vì chị Tâm từng bị tù, bị đánh đập nhiều, khi lên rừng thì cả hai người lại đẫm mình dưới biết bao cơn mưa chất độc da cam. Và dù vui mừng thấy con gái bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng anh chị đã quyết định không sinh con thứ hai, bởi không dám chắc cháu có thể cũng gặp may như chị gái.

Và Hoài Phương lớn lên ở Hà Nội mà không có em, chia sẻ cùng cha mẹ căn hộ khiêm tốn trong khu vực nhà tập thể của tạp chí Văn Nghệ Quân đội. Cháu nói giọng bắc, có bạn bè cùng giọng bắc giống mình, nên khi người cô từ Hội An ra thăm gia đình, cháu đã chỉnh cô: “Cô toàn nói ngọng không à” . Cô, vốn dân Quoảng-Nôm-hay-cãi, liền cãi ngay: “Cô núa ngạn hồi mô?”. “Đó, ngay chữ nói ngọng cô còn nói ngọng nữa là…”.

Cho nên khi cùng cha mẹ chuyển vào sống ở Hội An, Hoài Phương không chỉ từ bỏ công việc, bạn bè, cháu còn phải học cách sống và thích nghi với văn hóa, cung cách ứng xử của người phố cổ.

Khi thi vào chuyên toán Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Hoài Phương đã được 22 trên 20 điểm vì bài giải của cháu còn hay hơn đáp án. Cô học trò ưu tú của Giáo sư Hoàng Tụy khi trở về quê cha đã tự tìm niềm vui trong việc chăm chút hoa kiểng, rau trái. Mấy lần chúng tôi về Hội An, cháu đều khoe những chậu hoa treo quanh nhà, khoe những kiến thức về cây cỏ mà mình có được.

Năm 2011, dân Hà Nội rầm rộ biểu tình chống Trung Quốc, nhứt là khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 xâm chiếm vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam năm 2014, Hoài Phương đã tham gia và bị bắt. Khi được lọc ra và thả về trước, cháu đã từ chối, ở lại cùng đám đông cho đến khi được thả cùng nhau.

Anh Nguyên Ngọc đã nói về con gái: ”Nó bướng bằng cả tôi và bà Tâm cộng lại”.

Không thể tin là cháu đã rời khỏi cuộc sống này, khi mẹ cháu cũng vừa từ biệt cha cháu chưa lâu. Cha cháu, người đàn ông đa đoan với bao gánh nặng tự đặt lên vai mình, rồi sẽ một mình bước tiếp thế nào đây…

Hoài Phương, nguyện cầu cho cháu siêu sinh Cõi An lạc. Nếu có nhớ về cha, cháu hãy phù hộ cho cha khỏe mạnh để tiếp tục công việc mà cha cháu đã dâng hiến cả cuộc đời để có thể tìm thấy niềm vui trong cay đắng…

This entry was posted in Ngô Thị Kim Cúc, Nguyễn H. V. Hưng, Nguyên Ngọc. Bookmark the permalink.