Nguyễn Ngọc Anh, Trần Nam Bình, Lê Văn Cường
Chúng ta có thể trông cậy vào vốn con người để góp phần đưa đất nước vượt qua những thách thức kinh tế xã hội hiện tại và tương lai không?
Phải mất mấy chục năm giới kinh tế mới tách bạch được bản chất “tiến bộ kỹ thuật” bao gồm hai phần tiến bộ công nghệ nằm trong máy móc và chất lượng lao động – nằm trong con người. Nguồn ảnh: Người lao động.
Chất lượng lao động và tiến bộ công nghệ
Trước khi trả lời câu hỏi này, chúng tôi muốn bàn tới tận gốc rễ khái niệm “vốn con người”, bởi nhiều khi tưởng chừng đã “hai năm rõ mười” nhưng thực ra nó có một lịch sử phức tạp. Do đó phải mất rất nhiều thời gian thì chúng ta mới có thể hiểu đúng và đo lường được khái niệm này.
Theo góc nhìn kinh tế học, khái niệm “vốn con người” chỉ có ý nghĩa khi được ghép với cụm từ “lao động”. Lao động và máy móc (chúng ta gác qua một bên yếu tố “đất đai”, vốn là một khái niệm phức tạp khác cần được tranh luận thêm trong một bối cảnh khác) là những yếu tố chính của quy trình sản xuất. Yếu tố lao động (và chuyên môn hóa) là một trong những đóng góp quan trọng cho kinh tế học của Adam Smith1. Sau đó, Karl Marx đã đi xa hơn và biến lao động thành yếu tố duy nhất của sản xuất2.
Nhà kinh tế học được trao giải Nobel năm 1987 Robert Solow, trong một bài báo nổi tiếng (Review of Economics and Statistics, 1957), đã phân tích các thành phần của tăng trưởng kinh tế Mỹ trong 50 năm đầu thế kỷ 20. Kết quả mà ông rút ra có thể khiến nhiều người ngạc nhiên: sự đóng góp của lao động và máy móc vào tăng trưởng lại không thực sự cao như nhiều người vẫn tưởng.
Ngược lại, hơn 80% tăng trưởng GDP bình quân đầu người ở Mỹ trong thời gian ấy lại là do một nhóm yếu tố tiến bộ kỹ thuật (technical progress) mà nay trong kinh tế học gọi chung khái niệm là “phần dư Solow” (Solow residuals). Phần dư này, theo ý của Solow, còn có thể giải thích về động lực tăng trưởng mà trước đó các nhà kinh tế học chưa hiểu biết. Sau đó, Gary Becker với cuốn sách Human Capital: A Theoretical and Empirical Analysis, 1964, là một trong những nhà kinh tế đầu tiên mô hình hóa khái niệm “vốn con người”.
‘Vốn con người = lao động x kỹ năng, sức khỏe’. Do đó, tăng trưởng của ‘vốn con người’ trở thành một yếu tố chính của quá trình tăng trưởng kinh tế. Và rõ ràng, “vốn con người chính là nỗ lực và tri thức của con người, nằm ngoài yếu tố công nghệ”.
Tuy nhiên để hiểu một cách thấu đáo hơn về khái niệm “vốn con người” thì phải chờ đến những phân tích của Paul Romer (1986, 1990) và Lucas (1988), chúng ta mới có thể tách bạch được bản chất của phần dư Solow hay yếu tố “tiến bộ kỹ thuật” bao gồm hai thành phần chính:
(a) Những tiến bộ công nghệ nằm trong máy móc;
(b) Chất lượng lao động (bao gồm kỹ năng và sức khỏe của người lao động) – nằm trong con người;
Sau khi nhìn lại quá trình hình thành và bản chất của khái niệm “vốn con người”, các nhà kinh tế mới cùng nhau đi đến một nhận định rằng khái niệm ‘vốn con người’ ở đây chính là khái niệm ghép ‘kỹ năng, sức khỏe’ và khái niệm ‘lao động’. Ta có thể viết, để đơn giản hóa, ‘vốn con người = lao động x kỹ năng, sức khỏe’. Do đó, tăng trưởng của ‘vốn con người’ trở thành một yếu tố chính của quá trình tăng trưởng kinh tế. Và rõ ràng, “vốn con người chính là nỗ lực và tri thức của con người, nằm ngoài yếu tố công nghệ”.
Bây giờ thì mọi chuyện đều sáng rõ, nhưng trước Romer và Lucas, các kinh tế gia đều hết sức mù mờ về số dư Solow. Dẫu vậy gần đây, một số kinh tế gia, nhất là ở Việt Nam vẫn xem số dư đó là “hộp đen” và do đó không giải thích được đóng góp của lao động và máy móc vào tăng trưởng.
Vấn đề ở đây là nếu không hiểu đúng khái niệm và nội hàm của vốn con người, có thể dẫn đến việc xây dựng và triển khai các dự án tập trung đầu tư vào “tiến bộ kỹ thuật” – máy móc – nhưng lại coi nhẹ yếu tố chất lượng lao động – con người. Khi đó, việc đầu tư này dẫu có thể đem lại một số hiệu quả kinh tế trong ngắn hạn nhưng về dài hạn thì lại không có mấy ý nghĩa với sự phát triển kinh tế và phát triển xã hội. Dĩ nhiên, chúng ta cũng không nên có tư duy “quá tả, quá hữu” mà quên là vốn con người cần phải được kết hợp hài hòa với tiến bộ công nghệ của máy móc. Tăng trưởng kinh tế sẽ phụ thuộc cả vào máy móc có công nghệ tiên tiến và cũng như vốn con người.
Từ cách đây chục năm, nhiều trường đại học đã cắt giảm thời lượng giảng dạy các học phần toán trong chương trình đào tạo một số ngành kinh tế, thậm chí ở cả ngành kỹ thuật, công nghệ. Ảnh: Một hội thảo bàn về dạy toán trong các ngành kinh tế từ năm 2014. Nguồn: VGP.
Khi nhìn vào những thách thức ở hiện tại và tương lai của Việt Nam, từ biến đổi khí hậu, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường… đến bất bình đẳng xã hội, đô thị hóa nhanh, quá tải y tế, xu hướng già hóa…, bài toán phát triển kinh tế bền vững của chúng ta cần phải tính đến yếu tố con người và coi đó là trọng tâm. Nếu chúng ta chủ quan duy ý chí, muốn bắt kịp xu hướng của thế giới, đầu tư nhiều vào những công nghệ tiên tiến (ví dụ AI) chẳng hạn, nhưng lại không đào tạo người có kỹ năng phù hợp thì đây sẽ là một phương án phí phạm. Chưa có điều kiện để đo lường ở tầm vĩ mô, về những quyết sách như vậy sẽ đem đến những hệ quả như thế nào nhưng ở tầm vi mô chúng tôi đã biết có những trường đã dành cả nguồn lực đầu tư vào cơ sở vật chất và dữ liệu để xây dựng một trung tâm về tài chính. Mục tiêu thì tốt đẹp nhưng rốt cuộc đã không hiệu quả. Người phụ trách trung tâm ấy đã than thở là ông ấy được giao trách nhiệm nhưng không biết xoay sở thế nào vì không có cách nào tuyển được người có trình độ phù hợp để vận hành trung tâm. Có lẽ, không ít những ví dụ về việc đầu tư vào yếu tố máy móc hơn là đầu tư vào con người như vậy đã làm lãng phí các nguồn lực còn hạn hẹp ở Việt Nam.
Với những câu chuyện như thế, giờ đây, nghĩ về vốn con người và cụ thể là lực lượng lao động Việt Nam tương lai với những thành phần quan trọng của lực lượng lao động như nông dân, công nhân, kỹ thuật viên, nhân viên hành chính, kỹ sư, chúng tôi nghĩ rằng, vấn đề mấu chốt là những người này lấy kỹ năng3 từ đâu? Đào tạo những kỹ năng cho mọi thành phần lao động, xây dựng nền tảng trí tuệ của vốn con người phụ thuộc căn bản vào đội ngũ giáo viên, giảng viên từ cấp thấp (tiểu học) đến cấp cao (đại học, trường kỹ thuật). Giáo dục – đào tạo chính là chìa khóa của phát triển khoa học-công nghệ.
Đào tạo những kỹ năng cho mọi thành phần lao động, xây dựng nền tảng trí tuệ của vốn con người phụ thuộc căn bản vào đội ngũ giáo viên, giảng viên từ cấp thấp (tiểu học) đến cấp cao (đại học, trường kỹ thuật).
Tuy nhiên, những điều diễn ra ở các trường đại học ở Việt Nam không mấy lạc quan. Chúng ta biết rằng để nắm bắt được các xu hướng công nghệ mới, các đại học ở Việt Nam phải đẩy mạnh các môn cơ bản như toán, xác suất thống kê, vật lý. Một giáo sư ở Đại học Quốc gia TP.HCM đã báo động trên truyền thông là rất ít sinh viên theo học các môn cơ bản, vì khó kiếm việc làm. Có mấy ai biết ở một trường kỹ sư cấp cao, vật lý trở thành các môn tự chọn, môn toán cũng không khá hơn: cách đây bảy năm, giờ giảng các môn này giảm còn lại bằng 1/4 so với trước. Sau, do các thầy cô “kêu” sinh viên quá thiếu kiến thức toán nên nhà trường đã tăng giờ toán lên gấp đôi nhưng cũng chỉ bằng một nửa so với trước đây quãng 10 năm! Như vậy Việt Nam có thể có những kỹ sư yếu toán và không biết vật lý.
Ở một số trường đại học với những chuyên ngành luôn cần có công cụ toán học cho công việc thì việc dạy toán không còn được coi trọng, “nhiều trường đại học cắt sạch chương trình về toán” theo nhận định của giáo sư Đỗ Đức Thái, trưởng khoa Toán – Tin (trường ĐH Sư phạm Hà Nội) đăng trên Tia Sáng4.
Hiện trạng về đào tạo nguồn nhân lực trong trường đại học cũng được chính các nhà nghiên cứu trong nước đúc rút5:
1. “Chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu phát triển kinh tế -xã hội của đất nước”.
2. “Về phương pháp và hình thức dạy học, nhiều trường đại học chưa tiếp cận phương pháp ‘lấy người học làm trọng tâm’ .
3. “Giáo dục đại học Việt Nam tương đối ‘khép kín’ chưa tạo được liên thông giữa các chuẩn mực giáo dục đại học trong nước và quốc tế”.
4. “Dù đã có chuyển biến trong thời gian gần đây nhưng số lượng các công bố quốc tế của các trường đại học ở Việt Nam vẫn còn thua kém nhiều nước trong khu vực”.
5. Cần “nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên”.
Theo góc nhìn của chúng tôi, Việt Nam hiện đang đối diện ít nhất với hai loại vấn đề: (1) tìm kiếm việc làm: học nhiều lý thuyết khó kiếm việc; (2) các trường đại học phải tự chủ: cần có nhiều sinh viên nên sẽ bỏ đi hay giảm lượng giờ học cho những môn khó như toán, vật lý. Đây là hai vấn đề rất lớn cần được bàn bạc giữa nhà nước, các trường đại học và các công ty. Trong khuôn khổ của bài này, chúng tôi không có đủ khả năng đề cập một cách thấu đáo vấn đề này.
Lực lượng đào tạo của chúng ta yếu cả về lý thuyết và thực nghiệm, chưa gắn kết được lý thuyết với thực tế của xã hội.
Chất lượng nguồn nhân lực: nhìn từ ngành kinh tế
Giữa những chuyến đi về Việt Nam, tham gia các hoạt động trao đổi chuyên môn với các đồng nghiệp trong nước, chúng tôi càng thấm thía được điều mình vẫn suy nghĩ về giá trị của chất lượng đào tạo với nguồn nhân lực, dẫu mới chỉ gói gọn trong ngành kinh tế học.
Trong năm 2023, chúng tôi đã làm seminar ở ba đại học kinh tế lớn (một ở TP HCM, hai ở Hà Nội) và đã đặt cho cử tọa (gồm sinh viên và giảng viên) hai câu hỏi dưới đây, một có tính lý thuyết và một có tính thực tiễn:
(i) Đưa ra một mô hình lý thuyết đơn giản để minh chứng là hàm chi phí trong sản xuất có thể là hàm lồi (convex).
(ii) Tỷ lệ tiêu dùng của người dân ở Việt Nam là bao nhiêu?
(Câu hỏi này rất đơn giản nhưng không phải không quan trọng. Vì muốn đóng góp vào việc xây dựng chính sách kinh tế ở Việt Nam thì phải biết tỷ trọng của thị trường nội địa).
Điều ngạc nhiên là ở cả ba trường, không có ai đưa ra (được) câu trả lời, đặc biệt là với câu hỏi thứ hai, mang tính thực tiễn! Nhưng đây không phải lần đầu chúng tôi thử đặt câu hỏi này. Năm sáu năm về trước, chúng tôi cũng đã đặt câu hỏi này ở một đại học kinh tế khác ở Hà Nội. Cũng không ai đưa ra câu trả lời. Rất ngạc nhiên là khi chúng tôi cũng đặt câu hỏi này cho một nhóm người đang xây dựng đề án kinh tế cho Việt Nam của một hội chuyên gia Việt Nam ở Pháp: kết quả cũng như thế, không ai trả lời được. Phải chăng, đa phần những chuyên gia này tốt nghiệp đại học ở Việt Nam?
Theo ý chúng tôi, có thể những người được đặt câu hỏi ngại không phát biểu, hoặc đơn giản là không muốn trả lời. Nhưng nếu thực sự họ không trả lời được thì đây là một vấn đề lớn: lực lượng đào tạo của chúng ta yếu cả về lý thuyết và thực nghiệm, chưa gắn kết được lý thuyết với thực tế của xã hội.
(a) Về công bố quốc tế, chúng tôi thử so sánh các công bố năm 2023 của một trường kinh tế hàng đầu của TP.HCM, một khoa kinh tế của một đại học hàng đầu ở Hà Nội và trường Shanghai University of Economics and Finance. Để so sánh chất lượng các bài báo, chúng tôi dùng bảng xếp hạng các tạp chí kinh tế của Trung tâm Quốc gia nghiên cứu khoa học Pháp (CNRS, Centre national de la recherche scientifique).6
– Trường kinh tế ở TP.HCM: Số lượng bài công bố là 335. Nhưng chỉ có 84 bài ở trên danh sách tạp chí của CNRS. Trong số 84 bài, ta có 1 bài được xếp hạng 1; 14 bài hạng 2; 49 bài hạng 3; 20 bài hạng 4.
– Khoa kinh tế của một đại học hàng đầu ở Hà Nội: Tổng số bài công bố là 60 nhưng chỉ có 8 bài ở trên danh sách của CNRS. Trong đó có 2 bài hạng 2; 3 bài hạng 3; 3 bài hạng 4.
– Shanghai University: Tổng số bài là 17. Nhưng 15 bài nằm trên danh sách của CNRS. Trong số đó, họ có 5 bài hạng 1; 4 bài hạng 2; 5 bài hạng 3; 1 bài hạng 4.
Chúng ta có thể nói: đại học hàng đầu của TP.HCM “chuộng” số lượng hơn chất lượng. Shanghai University thì ngược lại. Nếu khuynh hướng ở các đại học kinh tế ở Việt Nam là chuộng lượng hơn chất, thì theo ý chúng tôi, đó là một sai lầm. Chúng tôi mong muốn, sau một thời gian không lâu, các đại học Việt Nam sẽ tập trung vào chất lượng công bố hơn là số lượng công bố.
(b) Về chất lượng giảng dạy: qua thăm dò của chúng tôi thì ở các đại học phương Tây hay đại học ở Nhật, phải có bằng tiến sĩ mới được làm giảng viên. Trung bình cứ 35-50 sinh viên (đại học, cao học) thì có một giảng viên.
Khi đọc những thông tin trên trang web của đại học kinh tế hàng đầu ở TP.HCM, chúng ta có những con số sau đây về số lượng sinh viên và đội ngũ:
– 20.000 sinh viên đại học, 10.000 sinh viên cao học và làm tiến sĩ.
– 10 giáo sư, 66 phó giáo sư, 312 tiến sĩ, 352 thạc sĩ, 150 chuyên gia quốc tế7.
Nếu làm giả thiết là đội ngũ này cũng là đội ngũ giảng viên thì chúng ta có 890 giảng viên cho 30.000 sinh viên. Tỷ lệ khá cao: 1 giảng viên trên 34 sinh viên. Nhưng nếu chiếu theo chuẩn ở các đại học phương Tây, thì phải để qua một bên 352 thạc sĩ, chỉ tính những giảng viên có bằng tiến sĩ thì tỷ lệ sẽ là có 1 giảng viên (có bằng tiến sĩ) trên 84 sinh viên. Phải chăng đây cũng là một nguyên do khiến chất lượng sinh viên không ngang tầm quốc tế?
(c) Từ năm 2010, chúng tôi đã thành lập chương trình hậu đại học nhằm giúp các em sinh viên bổ sung kỹ năng và kiến thức trước khi đi học thạc sĩ hay tiến sĩ ở nước ngoài. Chúng tôi nhận thấy cho đến nay vẫn chưa có tiến bộ đáng kể trong trình độ chuyên môn của các sinh viên tốt nghiệp cử nhân kinh tế.
Từ câu chuyện đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực của ngành kinh tế, có lẽ khi nghĩ về vốn con người và lực lượng lao động của tương lai, không có cách nào khác là chúng ta phải đầu tư cải cách giáo dục. Theo cái nhìn của chúng tôi, Việt Nam hiện nay, không có đủ khả năng (tài chính, nhân lực) để nâng tất cả các đại học ngang tầm quốc tế mà chỉ có thể tập trung nguồn lực vào một số ít trường đại học. Do không đủ tầm nhìn rộng hết các trường đại học ở Việt Nam, chúng tôi đề xuất có hai phương án với các trường kinh tế:
(1) Tập trung nguồn lực vào một số ít đại học. Để sau này các sinh viên được đào tạo ở các đại học này lan tỏa kiến thức họ đạt được vào xã hội, các đại học khác.
(2) Xây dựng vài khoa kinh tế có chất lượng tầm cỡ quốc tế, theo mô hình ở Pháp với hai trường: Toulouse School of Economics (TSE), Paris School of Economics (PSE). Hai trường này được xây dựng năm 2006 với sự hỗ trợ của chính phủ, các viện khoa học, các trường đại học và các công ty tư nhân. Tháng 12/2023, REPEC xếp PSE đứng thứ 6,8 TSE đứng thứ 8 trên bảng xếp hạng các khoa kinh tế trên thế giới9.
Chúng tôi dựa trên hai mô hình PSE-TSE và đã xây dựng một đề án cho Việt Nam: Vietnam School of Economics, Management and Finance, VSEMF. Chúng tôi gửi đường link của tài liệu này để các bạn đọc tham khảo và cho ý kiến: https://depocen.org/document/others/□
L.V.C. – T.N.B. – N.N.A.
————-
*Về các tác giả:
GS. Lê Văn Cường (Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học Pháp CNRS, Trường Kinh tế Paris PSE).
GS. Trần Nam Bình (Đại học New South Wales, Sydney)
TS. Nguyễn Ngọc Anh (Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển, DEPOCEN)
Chú thích
1 The Wealth of Nations, 1776
2 Das Capital, 1867-1894
3 Kỹ năng theo nghĩa rộng cho các ngành kỹ thuât, y học, khoa học xã hội…
4 https://tiasang.com.vn/quan-ly-khoa-hoc/nhung-nan-de-cua-toan-hoc-viet-nam-26572/
5 PGS, TS Trần Thị Minh Tuyết, trong bài báo ở Tạp chí Cộng sản, đăng ngày 21-05-2022. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/825408/doi-moi-giao-duc-dai-hoc-o-viet-nam–thuc-trang-va-giai-phap.aspx
6 https://www.gate.cnrs.fr/wp-content/uploads/2021/12/categorisation37_liste_juin_2020-2.pdf
7 Chúng tôi không đề cập vấn đề rất khó, đó là chất lượng các luận văn tiến sĩ bảo vệ ở Việt Nam có đạt chuẩn mực trung bình của các luận văn quốc tế.
8 https://ideas.repec.org/top/top.econdept.html
9 Esther Duflo, giải thưởng Nobel kinh tế, là cựu sinh viên và hiện nay là chủ tịch PSE; Jean Tirole, giải thưởng Nobel kinh tế, là thành viên của TSE. Trước đó là chủ tịch của TSE.
Tài liệu tham khảo:
Gary Becker (1964) Human Capital: A Theoretical and Empirical Analysis, with Special Reference to Education, 3rd ed., Chicago: The University of Chicago Press.
Cuong Le Van & Ngoc-Sang Pham (2022) Why does productivity matter? In C. Le Van, V. Pham Hoang & M. Tawada (Esds), International Trade, Economic Development, and the Vietnamese Economy, Singapore: Springer, 173-185.
Robert Lucas (1988) On the mechanics of economic development, Journal of Monetary Economics, 22, 3-42.
Karl Marx (1867-1894) Das Kapital. Kritik der politischen Ökonomie, Hamburg: Verlag von Otto Meisne.
Trần Thị Minh Tuyết (2022) Đổi mới giáo dục đại học ở Việt Nam: thực trạng và giải pháp, Tạp chí Cộng sản, 21-05-2022
Paul Romer (1986) Increasing returns and long-run growth, Journal of Political Economy, 94, 1002-1037.
Paul Romer (1990) Endogenous technological change, Journal of Political Economy, 98, S71-S102.
Adam Smith (1776) An Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations, London: Strand.
Robert Solow (1957) Technical change and the aggregate production function, Review of Economics and Statistics, 39, 312-320.
Nguồn: Tia Sáng