Thấy gì từ việc Washington cho phép Ukraina dùng tên lửa tầm xa của Mỹ trên lãnh thổ Nga?

Thanh Hà

Trước thềm ngưỡng 1000 ngày Nga xâm chiếm Ukraina, hôm 17/11/2024, chính quyền Biden tiết lộ quyết định cho phép Ukraina được dùng tên lửa ATACMS của Mỹ có tầm bắn 300 km «trên lãnh thổ Nga». Phải chăng đây là bước ngoặt cuối cùng trước khi kết thúc chiến tranh Ukraina? Tại sao phải đợi đến gần 3 năm cuộc chiến kéo dài và chỉ còn 63 ngày thì Nhà Trắng đổi chủ, Washington mới đồng ý điều mà đến nay vẫn coi là một lằn ranh đỏ không thể vượt qua?

Ảnh minh họa: Một hệ thống tên lửa ATACMS của Mỹ tại Queensland, Úc, ngày 26/07/2023.

Ảnh minh họa: Một hệ thống tên lửa ATACMS của Mỹ tại Queensland, Úc, ngày 26/07/2023. AP – Sgt. 1st Class Andrew Dickson

Khi biết rõ tên lửa chiến thuật tầm xa của Mỹ không cho phép Ukraina «đảo ngược tình thế» trên chiến trường, Joe Biden tính toán những gì? Nhật báo tài chính Mỹ, The Wall Street Journal trích lời các chuyên gia quân sự nhấn mạnh rằng, tên lửa ATACMS của Mỹ «ít có khả năng làm thay đổi cục diện chiến tranh» bởi phía Nga có thừa thời gian để dịch chuyển các cơ sở nhạy cảm nhất ra ngoài phạm vi tầm bắn 300 km. Cùng lúc Ukraina cũng không có nhiều tên lửa lợi hại này để uy hiếp đối phương. Đương nhiên, quyết định của Mỹ sẽ khiến Nga nổi đóa và lại hù dọa đáp trả NATO một cách đích đáng, nhưng xét cho cùng, như nhà địa chính trị Pháp Bruno Tertrais, từ tháng 2/2022, mỗi lần Âu Mỹ tăng cấp viện trợ quân sự cho Ukraina thì Tổng thống Vladimir Putin đều cảnh cáo NATO «trực tiếp đối đầu với Liên Bang Nga», thậm chí còn mang cả vũ khí nguyên tử ra để hù dọa. Truyền thông của Anh không loại trừ khả năng, quyết định của Tổng thống Biden trước hết là một tín hiệu để các đồng minh châu Âu «noi gương Hoa Kỳ» cho phép Kiev dùng tên lửa tầm xa của Anh, Mỹ và Đức tấn công sâu vào lãnh thổ của Nga.

Ngoài ra, thông báo của Mỹ về việc dùng tên lửa ATACMS đã được đưa ra vào lúc tình hình chiến trường xấu đi đáng kể, bất lợi cho Ukraina: Quân Nga dồn dập oanh kích trên toàn lãnh thổ Ukraina, hơn 50% các nhà máy điện của nước này bị phá hủy vào lúc mùa đông đang đến. Các đợt oanh kích trong đêm càng lúc càng dồn dập với số lượng tên lửa và drone đi từ kỷ lục này đến kỷ lục khác, gây thiệt hại ngày càng nặng nề cho Ukraina. Lực lượng Ukraina cũng đang bị dồn vào thế hiểm nghèo ở vùng Kursk trên lãnh thổ Nga, nơi họ đã chiếm được một phần sau cuộc tấn công bất ngờ hồi mùa hè vừa qua. Nga dường như đã được khoảng 10.000 lính Bắc Triều Tiên tiếp sức để giành lại phần lãnh thổ này.

Chiến thuật quân sự của Nga trong những ngày gần đây được giới phân tích coi như một cuộc chạy đua nước rút, chiếm được nhiều lãnh thổ của Ukraina càng nhiều càng tốt, trước khi chính quyền Donald Trump, kể từ 01/2025, có thể đưa ra các sáng kiến về Ukraina.

Về mặt ngoại giao, hôm 15/11/2024 Thủ tướng Đức, điểm tựa quan trọng thứ nhì của Ukraina, bất ngờ điện đàm với Tổng thống Nga, để tìm kiếm một giải pháp chấm dứt chiến tranh. 

Điện Kremlin «đáp lễ» sáng kiến ngoại giao này của Berlin trong tay Thủ tướng sắp mãn nhiệm Olaf Scholz, bằng những đợt oanh kích «chưa từng thấy». Kèm theo đó là một thông cáo gồm 3 điểm làm tiền đề chấp nhận chấm dứt chiến tranh. Thứ nhất là phương Tây cần quan tâm đến vấn đề an ninh của Liên bang Nga, có nghĩa là Ukraina không bao giờ được gia nhập, hay tiến đến gần liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO. Thứ nhì là Matxcơva đồng ý đàm phán trên cơ sở «những thực tế mới về lãnh thổ», tức là trên cơ sở Nga đã giành được khoảng 20% lãnh thổ của Ukraina sau gần 3 năm chiến tranh. Sau cùng là các bên phải «loại bỏ hẳn những nguyên nhân» đã dẫn đến xung đột quân sự từ tháng 2/2022, nói cách khác Matxcơva đòi loại bỏ hẳn chính quyền của ông Volodymyr Zelensky thân phương Tây hiện tại và kể cả trong tương lai. 

Giới quan sát bình luận: cả Ukraina lẫn phương Tây cùng không dễ chấp nhận những đòi hỏi của chủ nhân điện Kremlin, nhưng ai cũng biết rằng, với Trump ở Nhà Trắng, «điều gì cũng có thể xảy ra». Cựu Đại sứ Pháp tại Hoa Kỳ Gérard Araud nhấn mạnh, ông Putin «chỉ muốn đàm phán với Trump».

Matxcơva biết rằng Tổng thống tân cử của Mỹ chủ trương ngừng viện trợ cho Ukraina. Không có vũ khí trong tay Kiev buộc phải đàm phán, có nghĩa là Zelensky sẽ nhượng đất cho Nga và bước tiếp theo nữa thì chính quyền Mỹ sẽ phủi tay và để châu Âu giải quyết tiếp hồ sơ Ukraina. Do vậy, nhiều nhà phân tích cho rằng nếu Kiev được quyền tấn công nước Nga bằng tên lửa Mỹ thì chính quyền Trump sẽ không dễ nhượng bộ Matxcơva quá nhiều và Biden vẫn nắm quyền từ nay cho đến ngày 20/01/2025. Chính vì thế mà tờ báo uy tín của Ý, Corriere della Sera đặt câu hỏi: thỏa mãn đòi hỏi của Kiev dùng vũ khí tầm xa do Mỹ viện trợ để tấn công nước Nga là một thông điệp mà Tổng thống Biden muốn nhắm tới đồng cấp Vladimir Putin hay hướng về người kế nhiệm Donald Trump?

T.H.

Nguồn: RFI Tiếng Việt

This entry was posted in Bầu cử Mỹ 2024, Chiến sự Ukraine, Nga xâm lược Ukraine, Thanh Hà. Bookmark the permalink.