Minh Anh
Tiểu thuyết “Con rít” của nhà văn Phần Lan – Risto Isomäki là tác phẩm phiêu lưu giả tưởng về sinh thái biển, trong đó đề cập đến mối đe dọa về tình trạng nóng lên toàn cầu, lấy bối cảnh Vịnh Hạ Long.
Người Đô Thị đã có cuộc trò chuyện cùng ông trong chuyến viếng thăm Việt Nam nhân sự kiện ra mắt sách tại Hà Nội, để biết thêm về nguồn cảm hứng của cuốn tiểu thuyết cũng như nhận định của ông trong cuộc chiến với hiện tượng thảm khốc này.
Nhà văn Risto Isomäki (giữa) tại buổi giới thiệu tiểu thuyết Con rít ở Phố sách Hà Nội tháng 12.2023. Ảnh: NXB Phụ Nữ Việt Nam
Lần này trở lại, ông thấy thế nào về đất nước chúng tôi?
Tôi đã không đến Việt Nam gần 10 năm nay vì bố mẹ và vợ ngày càng lớn tuổi. Phải nói thật tuyệt vời khi được trở lại và nhiều thứ vẫn vẹn nguyên. Tất nhiên, diện mạo Hà Nội đã thay đổi đáng kể với nhiều tòa nhà cao tầng mới, nhưng các bạn lại sở hữu được, theo tôi, hai kỳ quan thiên nhiên vĩ đại nhất hành tinh này: quần đảo đá vôi của tỉnh Quảng Ninh và chuỗi hang động Phong Nha – Kẻ Bàng.
Tuy vậy điều khiến tôi hơi thấy phiền lòng là chất lượng không khí đã ô nhiễm hơn lần đầu tiên đến. Song bất chấp tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội, Việt Nam đã và vẫn là một trong những quốc gia mà tôi thích nhất.
Ông có thể chia sẻ nguồn cảm hứng và quá trình sáng tạo tiểu thuyết Con rít – tác phẩm vừa được chuyển ngữ và giới thiệu tại Việt Nam?
Tôi biết rồng hay rồng biển là biểu tượng của người Việt, nhưng tôi từng nghĩ chúng chỉ là những sinh vật hư cấu và chưa bao giờ thực sự tồn tại. Vợ tôi, Jaana Airaksinen, đã hợp tác với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong suốt 30 năm qua và tôi từng đọc trong cuốn sách hướng dẫn du lịch của cô ấy rằng Việt Nam cũng có một phiên bản khác về “Quái vật hồ Loch Ness” của riêng mình. Nó được gọi là “Tarasque” ở vịnh Hạ Long.
Sau đó tôi biết “Tarasque” thật ra chỉ là cái tên quan chức Pháp đặt cho một loài sinh vật mà họ biết có tồn tại ở các vùng biển Việt Nam. Chính quyền thuộc địa thậm chí còn cử đoàn thám hiểm đi tìm loài sinh vật này, ít nhất một đoàn khẳng định đã nhìn thấy tận hai cá thể. Sau đó tôi biết người Việt gọi loài vật này bằng một cái tên rất lạ là rít hay là rết biển.
Nhưng phát hiện này chắc hẳn chưa đủ cơ sở để ông sáng tạo?
Đúng vậy. Mọi thứ đã thay đổi khi tôi đến Mexico vào năm 2009 và nhìn chằm chằm vào một tác phẩm điêu khắc bằng đá, tượng trưng cho một sinh vật khổng lồ có hình dạng giống như loài rắn sống dưới biển cả. Tác phẩm được người Aztec làm ra có lẽ đã hơn 2.000 năm.
Sự kiện này là một trong những cú sốc tinh thần lớn nhất tôi từng trải qua, bởi vì trong tác phẩm này, sinh vật giống rắn khổng lồ đã được mô tả theo cách rất giống với ở Việt Nam, Indonesia hoặc Ấn Độ. Nó có một cái đầu to, đôi mắt nhìn thẳng về phía trước và loại lông vũ nào đó trên đầu. Trên hết, cơ thể của nó như thể bị chia ra thành nhiều đốt theo cách kỳ lạ. Và con vật có hàng chục chiếc vây tam giác ở hai bên cơ thể.
Lúc ấy tôi đã thốt lên ngạc nhiên vì điều này có nghĩa là những truyền thuyết về rồng biển hay rắn biển khổng lồ đều dựa trên một loài động vật có thật từng tồn tại và có lẽ vẫn còn tồn tại dưới đáy đại dương.
Vì sao ông quyết định kết hợp vấn đề sinh thái với môi trường?
Tôi muốn nói rằng chúng ta sẽ phải ngăn chặn vấn đề nóng lên toàn cầu nhưng phải đưa thông điệp này vào cuốn sách một cách tinh tế, để nó không tạo ra tâm lý bác bỏ hoặc tư duy phủ nhận đến từ độc giả. Vì vậy tôi kết hợp nó với thể loại phiêu lưu. Bởi lẽ một trong số ít điều mà tất cả các nhà khoa học khí hậu đều đồng ý là một khi hành tinh ngày càng nóng lên thì những cơn bão mạnh hơn cũng xuất hiện thường xuyên hơn.
Điều này là do “đầu vào” của các cơn bão, lốc xoáy và cuồng phong nhiệt đới chính là hơi nước đã được gia nhiệt, bốc lên không khí và ngưng tụ thành nước. Nhiệt độ càng cao thì trong không khí càng chứa nhiều hơi nước và cơn bão càng mạnh. Chúng ta nên ngăn chặn hiện tượng nóng lên toàn cầu vì một khi bắt đầu hứng chịu những cơn siêu bão có quy mô lớn thì các khu vực ven biển sẽ bị tàn phá. Chúng khiến lũ dâng cao, tạo ra lốc xoáy gây thiệt hại to lớn về cấu trúc ngay cả đối với các tòa nhà kiên cố.
Có phải Việt Nam cũng có khả năng góp phần giảm thiểu điều đó nên ông chọn bối cảnh cuốn sách tại đây?
Việt Nam và các nước láng giềng có trữ lượng đá vôi khổng lồ, trải dài từ Nagaland của Ấn Độ qua Myanmar và Thái Lan, rồi xa hơn nữa đến Trung Quốc, Indonesia và Philippines. Diện tích tổng cộng vài triệu cây số vuông. Sự xói mòn hóa học của loại đá vôi này trong hàng trăm triệu năm qua đã lấy đi một lượng lớn carbon dioxide ra khỏi khí quyển và chôn vùi nó sâu trong lòng đất hoặc đại dương dưới dạng bicarbonate. Chúng ta có thể đẩy nhanh quá trình này lên hàng nghìn lần bằng cách nghiền đá vôi thành bột. Đây sẽ là một cách để loại bỏ lượng carbon dioxide dư thừa ra khỏi không khí.
Có lẽ chúng ta nên hy sinh một lượng nhỏ đá vôi, tất nhiên không phải từ những hòn đảo hay ngọn núi tráng lệ, mà là từ những mỏ khác ở vùng đồng bằng. Nếu Việt Nam đề xuất một cuộc điều tra về khả năng này với các nước láng giềng, thì đất nước của bạn có thể đóng một vai trò rất quan trọng trong cuộc chiến toàn cầu chống lại sự bất ổn khí hậu.
Tiểu thuyết Con rít phiên bản tiếng Phần Lan (trái) và tiếng Việt
Sau hơn 10 năm sách được xuất bản, ông thấy những vấn đề môi trường nào đã được giải quyết hay có những chuyển biến tích cực?
Đã có nhiều thay đổi tích cực và chúng ta đã đạt được tiến bộ lớn trong nhiều lĩnh vực, nhưng trong một số vấn đề, tiến độ vẫn đang diễn ra chậm chạp một cách đáng thất vọng, chẳng hạn trong việc hạn chế lượng khí thải làm nóng toàn cầu.
Tin tốt lành là thực tế chúng ta đã có tất cả các công nghệ mới có thể loại bỏ việc phát thải khí nhà kính. Tất cả các giải pháp công nghệ cần thiết đều đã có sẵn và khi chúng ta bắt đầu sử dụng, làm cho chúng rẻ hơn thì công nghệ mới sẽ phổ biến hơn công nghệ dựa trên nhiên liệu hóa thạch.
Theo ông, những hành động nhỏ nào mà con người có thể làm để hạn chế điều đó?
Có thể là việc giảm tiêu thụ thịt và các sản phẩm đến từ động vật. Toàn bộ rừng nhiệt đới Amazon đã bị đe dọa vì quá nhiều rừng bị chặt phá để làm bãi chăn thả gia súc, trồng đậu nành hoặc các loại thức ăn cho gia súc khác… Rừng từng tự tạo ra mưa chủ yếu bằng cách hút không khí ẩm từ đại dương vào sâu trong đất liền, nhưng khi quá nhiều rừng bị chặt phá, điều này không còn xảy ra với quy mô cũ và lượng mưa vào mùa khô cũng đã giảm rất nhiều. Trừ khi một số vùng đất chăn thả và ruộng thức ăn gia súc xung quanh các khu rừng nhiệt đới được trồng lại, nếu không, phần còn lại của Amazon cũng sẽ chết và thải lượng carbon dự trữ vào không khí.
Tôi thực sự nghĩ chúng ta nên ăn ít thịt hơn để ngăn chặn tình trạng bất ổn về khí hậu. Có thể trong tương lai gần, thịt nhân tạo được nuôi cấy bằng tế bào sẽ không thể phân biệt được với thịt thật và có giá rẻ hơn 10 lần…
M.A.
Nguồn: Nguoidothi.net.vn