Tăng cường phản biện xã hội để Đảng tiến bộ, Chính phủ hoạt động hiệu quả, Đất nước văn minh hơn

Chu Hồng Quý

Chính phủ các nước phát triển trên thế giới họ mạnh cũng nhờ có phản biện từ XH.

Trần Ngọc Hạnh 

Phản biện là nhìn nhận, đánh giá vấn đề dưới góc nhìn đa chiều, khách quan để đảm bảo tính khoa học. Phản biện xã hội để huy động toàn bộ nguồn lực trí tuệ quốc dân đồng bào. 

Các chính sách của Đảng và Chính phủ lẫn hệ thống luật pháp được xây dựng bởi Quốc hội thường không ổn định, phải thay đổi thường xuyên, hôm nay “đi từng nhà, rà từng ngõ”, ngày mai quay ngoắt 180 độ “sống chung với dịch”. Các chính sách khó đi vào đời sống xã hội, khó thực hiện, gây khó khăn cho hệ thống thừa hành. Hệ thống luật pháp và các chính sách thường lạc hậu, không dự báo được tương lai, không đáp ứng được những yêu cầu thay đổi của đời sống xã hội, gây thiệt hại cho nền kinh tế, xã hội. Sở dĩ có thực trạng đó vì chúng ta không có phản biện độc lập

Khi xây dựng chính sách và luật pháp cũng không tham vấn rộng rãi từ giới chuyên gia độc lập và dư luận xã hội. Đơn cử, hệ thống các ngân hàng thương mại hình thành đã 34 năm, nhưng các hành vi làm trái để trục lợi của cán bộ, nhân viên NHTM vẫn không hạn chế, như nâng khống tài sản đảm bảo, lập dự án ma, mạo danh ngân hàng huy động vốn lãi suất cao rồi bùng nợ… Tình trạng này vẫn tiếp diễn do hệ thống luật pháp về hoạt động kinh doanh ngân hàng và các tổ chức tín dụng còn thiếu chặt chẽ. Lý do là các dự thảo luật đều chỉ tham vấn ý kiến từ một phía là trong nội bộ hệ thống các NHTM.

Một dự án, công trình khoa học mà không có phản biện độc lập thì chưa thành một sản phẩm khoa học hoàn chỉnh.

Một chính sách vĩ mô không có phản biện độc lập thì không thể phù hợp yêu cầu của đời sống xã hội. Do đó, chắc chắn sẽ thất bại khi triển khai thực hiện. 

Từ năm 1954, khi đảng chính thức cầm quyền ở miền Bắc, đảng đã liên tục mắc nhiều sai lầm nghiêm trọng. Sai… sửa… càng sửa càng sai… rồi lại cứ sửa… Cứ mỗi lần sửa chữa sai lầm do chính mình gây ra, đảng lại tự cho rằng mình sáng suốt “Cải cách”, “Đổi mới”. Càng nhiều lần sửa sai, công lao của đảng càng dày thêm và nhờ đó mà đảng càng “vĩ đại”. 

Đảng cũng ít nhiều nhận thức được sai lầm của mình nên đang từng bước chuyển hóa để phù hợp với văn minh nhân loại. Nhân dân ghi nhận những nỗ lực đó của đảng, dưới sự dẫn dắt nhiệt thành của ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Sau khi nổ ra chiến tranh Ukraine, đứng trước nguy cơ gây hấn của các thế lực bành trướng hiếu chiến, Phần Lan và Thụy Điển đã từ bỏ vị thế trung lập để gia nhập NATO. Trong tình hình đó, đảng đã có những bước tiến đúng đắn và khôn khéo trong việc thúc đẩy quan hệ đối ngoại đa phương, gắn bó chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia. Thành công đó cũng không thể phủ nhận. 

Về đối nội, sai lầm trước kia, đảng sửa chữa bằng “Sửa sai”, “Cải cách”, “Đổi mới”; sai lầm gần đây, đảng sửa chữa bằng “Đốt lò” chống tham nhũng để làm trong sạch đảng, lấy lại niềm tin đã từ lâu cạn kiệt.

Nhưng có chống nổi tham nhũng không khi không có giám sát và tư pháp độc lập, không minh bạch thông tin với quốc dân đồng bào, không có trách nhiệm giải trình với xã hội, không có báo chí tự do và không có phản biện xã hội…?

Có dẹp được tham nhũng không khi mà THAM NHŨNG SINH RA NGAY TỪ CHÍNH TRONG CÁCH THỨC VẬN HÀNH HỆ THỐNG. Tốc độ trồng củi nhanh hơn tiến trình đốt lò.

Tham nhũng có hết không khi đảng bỏ qua các nguyên tắc Pháp trị để vận hành một nền Đức trị lạc hậu? Một ông tổng bí thư đứng đầu một đảng phái, chỉ có chức năng lãnh đạo đường lối chứ không có vai trò gì trong bộ máy nhà nước, cả lập pháp, hành pháp lẫn tư pháp mà vẫn có quyền kêu gọi sự tự giác của những kẻ nhúng chàm để bất chấp sự tồn tại của cả hệ thống tư pháp. Đảng kêu gọi nêu gương và giữ gìn đạo đức cách mạng chẳng khác chi vứt con chuột vào hũ gạo rồi khuyên nó đừng ăn gạo, vì đảng không hiểu được “THAM” vốn là bổn tính của mọi chúng sinh trong Cõi Dục. 

Đảng đặt đảng viên ra ngoài vòng pháp luật bằng chỉ thị 15 mà vẫn hô hào không có vùng cấm. Chỉ thị 15 ngày 7/7/2007 của Bộ Chính trị quy định: “Các cơ quan bảo vệ pháp luật, khi phát hiện đảng viên vi phạm đều phải báo cáo bằng văn bản với tổ chức đảng, cấp ủy đảng quản lý trực tiếp đảng viên đó. Khi được tổ chức đảng, cấp ủy đảng xem xét, đồng ý cho phép điều tra, khởi tố, bắt giam… thì cơ quan bảo vệ pháp luật mới được tiến hành các biện pháp tố tụng…”. Tổ chức đảng và cấp ủy các cấp đứng trên cả pháp luật như thế thì cần gì một hệ thống luật pháp nữa?

Tài nguyên đất nước và cuộc sống muôn dân là của quốc gia dân tộc. Tham nhũng là gây tổn hại đến lợi ích của mọi nhà. Tham nhũng chỉ có thể gây ra bởi người của đảng vì họ có chức có quyền. Nhưng đảng tự giành lấy trách nhiệm để tự “ta chống ta”.

Vì không nghe lời phản biện của giới chuyên gia cảnh báo nên 528 triệu USD mà PVEP/PVN mất trắng khi đầu tư sang Venezuela coi như đổ sông đổ biển. Mới đây, Petrovietnam (PVN) thua kiện công ty Power Machines của tỷ phú Nga trong vụ kiện tại dự án nhiệt điện Long Phú 1. Dự án này cũng đã được các chuyên gia cảnh báo. Nhưng không ai nghe, để cuối cùng 500 triệu USD là mồ hôi nước mắt của chúng dân cũng tan theo mây khói. Dư luận trong nước và quốc tế cũng đã cảnh báo nhiều về bẫy nợ Trung Quốc, nhưng quan chức của đảng cũng bất chấp quyền lợi của đảng, bất chấp quyền lợi của dân và bỏ qua lợi ích quốc gia dân tộc để đất nước phải ngậm những khúc xương to tướng như đường sắt Cát Linh – Hà Đông là vì họ được che chắn bằng chủ trương ngăn chặn “các ý kiến trái chiều”.

Cách thức rút ruột ngân hàng như Vạn Thịnh Phát đã được cảnh báo ngay khi hệ thống các ngân hàng cổ phần mới ra đời, trên nhiều diễn đàn khoa học như tạp chí Kinh tế và Phát triển, tạp chí Tài chính, tạp chí Ngân hàng, tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ, tạp chí Chứng khoán... từ 30 năm trước chứ không phải bây giờ mới nói. Những hành vi lũng đoạn thị trường tài chính được nhiều chuyên gia lên tiếng mà Trịnh Văn Quyết vẫn dễ dàng ngang nhiên tái diễn nhiều lần là do chính phủ không chịu lắng nghe. 

Vì chậm nghe lời khuyên can từ dư luận mà đã gây nên cái chết tang thương cho 43 ngàn nạn nhân và giam hãm đồng bào cả nước để lừa bịp bán kit test trong đại dịch cúm Tàu 2021-2022.

Lẽ thường xưa nay, người ta phù thịnh chớ mấy ai dại dột phù suy. Nhưng khi Liên Xô suy tàn, sắp sụp đổ thì đảng bám lấy Liên Xô bằng việc ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt-Xô ngày 3/11/1978 để góp phần gây nên 2 cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Hệ lụy cho đến tận ngày nay và chẳng biết bao giờ mới giải quyết xong, đó là sự ảnh hưởng từ tư tưởng tồi tệ của Nga Xô trong những đầu óc thủ cựu.

Chúng ta đang bắt đầu vào thời kỳ tư bản hoang dã mà các nước phát triển ở Phương Tây đã trải qua cách đây 400 năm. Để có được một xã hội văn minh như hôm nay, các nước tiến bộ đó đã trải qua lịch sử đấu tranh không ngừng nghỉ, từ đấu tranh vũ trang đến phản biện ôn hòa, từ chiến trường đến nghị trường rồi ra báo chí, dư luận xã hội.

Trong tiến trình công nghiệp hóa ở Hàn Quốc, những ngày đầu họ cũng nuôi dưỡng các tập đoàn thân hữu như chúng ta đang đối xử với Vingroup, Viettel… ngày nay. Nhưng Hàn Quốc có lực lượng chính trị đối lập, họ từng bước nới lỏng dân chủ. Nhờ đó, dưới tác động của dư luận trong nước và áp lực cắt giảm viện trợ từ Hoa Kỳ, họ đã cải cách triệt để để có được những tập đoàn công nghiệp thương mại hùng mạnh, nền kinh tế cường thịnh, xã hội dân chủ như ngày nay để có chỗ cho chúng ta đưa người sang làm thuê, có nơi cung cấp vốn viện trợ ODA, cung cấp chuyên gia và nhà đầu tư cho chúng ta. Nên nhớ, nửa thế kỷ trước, họ chỉ ước mơ được như Miền Nam Việt Nam lúc đó. Còn những con cưng của nền kinh tế Việt Nam chúng ta lại trở nên hư hỏng như Vinashin, Vinalines là do chính phủ không chịu lắng nghe ý kiến phản biện từ dư luận xã hội. 

Ở một xã hội văn minh, các hình thức bạo lực trấn áp, bạo loạn lật đổ, tranh cướp chính quyền… là không thể chấp nhận. Xã hội chỉ tiến bộ khi và chỉ khi nền Pháp quyền được hoàn thiện, ngày càng củng cố và được tôn trọng bảo vệ. Lịch sử các nước phát triển đều đi theo con đường đó, từ tư bản hoang dã đến tiến bộ văn minh đều phải qua con đường củng cố Pháp quyền dưới áp lực của phản biện ôn hòa. Trong quá trình đó, không ai khác là chính người dân phải thọ lãnh sứ mệnh lịch sử. 

Những ý kiến phản biện xây dựng chỉ giúp đảng hoàn thiện hơn, ngày càng tốt đẹp hơn để hoàn thành sứ mệnh dẫn dắt Dân tộc mà đảng tự lãnh phần trách nhiệm. 

Đảng chỉ có thể tiến bộ khi biết tiếp thu những lời khuyên bảo từ dư luận để xây dựng đất nước hùng cường.

Tại sao Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến đứng đầu là cụ Hồ lại lãnh đạo thành công cuộc Kháng chiến chín năm từ hai bàn tay trắng? Trước hết, chính phủ đó phần nào đã hội tụ được sức mạnh Dân tộc ở một bộ phận dân chúng miền Bắc. Đây là một chính phủ liên hiệp của quốc dân đồng bào. Trong Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến này chỉ có duy nhất ông Bùi Công Trừng là đảng viên Cộng sản, các cụ còn lại đều là nhân sỹ, trí thức. Sau này, “do yêu cầu nhiệm vụ” nên một số trí thức mới bị cụ Hồ chỉ định vào đảng. Ông Bùi Công Trừng, sau đó bị khai trừ đảng trong vụ án “Chống Xét lại” do ủng hộ quan điểm của Hoàng Minh Chính. Lúc đó, ông đang là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước. 

Sau “Hòa bình lập lại”, đảng thanh lọc hết lớp lão thành đã xây dựng đảng và có nhiều cống hiến cho Dân tộc. Khi nhận ra sai lầm, đảng lẳng lặng trao giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước cho nhiều nạn nhân của các vụ thanh trừng trong Cải cách ruộng đất, Nhân văn Giai phẩm, Xét lại chống đảng… như các cụ Trần Đức Thảo, Cao Xuân Huy, Văn Cao, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Văn Tý (giải thưởng Hồ Chí Minh), và rất nhiều người được trao giải thưởng Nhà nước khác… Nếu không có phản biện xã hội, ai sẽ minh oan cho các cụ?

Nhờ đảng biết lắng nghe những ý kiến phản biện, chúng ta mới từ bỏ mô hình kinh tế kế hoạch hóa chỉ huy tập trung bằng cơ chế bao cấp “… Mỗi người làm việc bằng ba/ Để cho chủ nhiệm mua nhà mua xe…”? 

Nếu không từ bỏ kinh tế kế hoạch hóa, chắc bây giờ chúng ta vẫn đang chịu cảnh nhà anh này được phân phối cuộn chỉ, nhà cô kia được cung cấp 2 cây kim. Cứ mỗi lần cần vá cái áo mồi để đi họp chi bộ lại phải sang cô hàng xóm mượn cây kim.

Nhờ chính phủ biết lắng nghe “bọn vô công rồi nghề” trên facebook mà từ bỏ chính sách “đi từng nhà, rà từng ngõ” để nhốt chung người bệnh với người khỏe trong điều kiện tồi tàn nên đã góp phần ngăn chặn đại dịch. 

Tuy chưa có những thay đổi lớn lao, nhưng nếu không có những sự hy sinh thầm lặng của lớp lớp những người dấn thân như Trần Đức Thảo, Trương Tửu, Phan Khôi, Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh, Lê Đạt, Trần Dần, Phùng Quán, Hoàng Cầm… rồi Hoàng Minh Chính, Nguyễn Kiến Giang, Vũ Đình Huỳnh, Lê Trọng Nghĩa… đến lớp lớp những người hy sinh sau này như Lê Hồng Hà, Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn Vũ Bình, Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Đoan Trang… đã thúc giục đảng từng bước nới lỏng dân chủ. Ngày nay, chúng ta được sử dụng Internet để được tiếp nhận nhiều nguồn thông tin đa dạng chứ không phải xin giấy phép và bị nghiêm cấm “nghe đài địch” mỗi khi sử dụng một cái ra-đi-ô là một trong những thành quả đó.

“Nước mắt chảy xuôi”. Cha mẹ thương con như trời, như biển. Con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày. Nhân dân sinh ra đảng, nuôi dưỡng đảng. Khi dân gửi cả đàn con theo đảng để bỏ mình ngoài sa trường là nghe đảng, không toan tính. Khi dân dỡ nhà ở và từ đường dòng tộc để lót đường cho xe qua là tin đảng, không vụ lợi. Nhưng đảng từng bước nới lỏng dân chủ, sửa sai chính sách kinh tế xã hội, đều phải “căn cứ vào tình hình thế giới diễn biến phức tạp” và do chịu áp lực của dư luận trong, ngoài nước. Lúc đảng đã nắm quyền rồi thì đảng chỉ có thể thay đổi khi có áp lực từ nhân dân. Tình trạng cạn kiệt niềm tin vào đảng hôm nay, xuất phát từ việc đảng không biết lắng nghe. “Con không nghe mẹ thì hư/ Cá không nghe muối bao giừ mà nên?”.

Ngày nay, bò cũng được lên facebook là nhờ đấu tranh của những người dấn thân. Những nới lỏng dân chủ đó, không tự dưng mà có. “Con có khóc thì mẹ mới cho bú”. 

Những ý kiến phản biện là tận hiến vì quốc gia dân tộc với một tinh thần dấn thân cao cả chứ không chỉ để bảo vệ nồi cơm của họ như đám nô bộc cố giữ “sổ gạo” để kiếm miếng ăn. 

Nhiều nhân vật cao cấp đầy đủ bổng lộc như đại tướng Võ Nguyên Giáp, 97 tuổi rồi vẫn liên tiếp viết 3 lá thư gửi cho đảng những góp ý tâm huyết.

Tại sao những quan chức cao cấp đang có cuộc sống viên mãn đủ đầy bổng lộc hay những cán bộ nguồn của đảng đang đứng trước những triển vọng thăng tiến như tướng Trần Độ, như Viện trưởng Viện Triết học Hoàng Minh Chính, như Lê Hồng Hà, Nguyễn Vũ Bình và hàng trăm, hàng ngàn người khác lại sẵn sàng từ bỏ để dấn thân? 

Tại sao nhiều doanh nhân đang thành công như anh Trần Huỳnh Duy Thức, chị Nguyễn Thúy Hạnh, những trí thức đang hưởng cơ hội định cư ở Hoa Kỳ như cô Phạm Đoan Trang lại phải từ bỏ những gì tốt đẹp họ đang có để tận hiến cho quê hương? 

Nhiều quan chức, tướng lĩnh và trí thức cao tuổi có cuộc sống viên mãn, con cháu đủ đầy đang được sống hạnh phúc ở các nước phát triển, lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, như giáo sư Tương Lai, giáo sư Mạc Văn Trang… Nhưng tại sao các cụ không sang đoàn tụ với cháu con để tận hưởng cuộc sống an lạc tuổi già? 

Nhiều cựu chiến binh và các đối tượng “Người có công” có chế độ đãi ngộ không thỏa đáng, chế độ được hưởng vẫn thường xuyên đến chậm dăm bảy năm, thậm chí hàng chục năm. Nhưng họ không lên tiếng cho quyền lợi bản thân mình, mà chỉ thấy họ đau đáu vì nỗi đau của quốc dân đồng bào.

Nếu dân không khuyên bảo mà cứ để cho đảng mải mê tin lời tâng bốc, không chừng đảng cứ tưởng mình vĩ đại thật.

Đảng cản trở những đóng góp nhiệt tâm cho xây dựng Pháp quyền là có tội với Đất nước. Đảng cứ cố thủ làm đứa con hư của dân thì đến bao giờ mới có ý đảng hợp lòng dân?

Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Nhưng ngay cả lời của chủ tịch nước phát biểu công khai trên báo chí, có video hẳn hoi mà còn bị gỡ bài thì ai dám theo đảng làm cách mạng cho đất nước mạnh giàu?

Các vị ngồi lên xe cho con cháu cầm lái mà chẳng biết nó chở mình đi đâu. Nó lạng lách đánh võng, gây tai nạn chết người thì các vị cũng chẳng được phép khuyên can. Vậy thử hỏi, các vị có đủ can đảm giao xe cho cháu con mình cầm lái hay không? 

Tôi không ủng hộ chống đảng hay bất cứ ai chống nhau. Nhưng tôi thán phục và xin tri ân tất thảy những ai dám lên tiếng phản biện để giúp đảng, cũng như người với người giúp nhau sửa chữa sai lầm để không ngừng tiến bộ vì một xã hội ngày càng văn minh, đất nước cường thịnh.

C.H.Q.

Nguồn: FB Chu Hồng Quý

 

This entry was posted in Chính sách nhà nước, Phản biện xã hội. Bookmark the permalink.